Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Có một bảo tàng tư nhân trên đảo…


Hôm lên đảo Phú Quốc, điều đầu tiên tôi nghe trong một quán nước ven đường là ở đây có 1 bảo tàng tư nhân. Chuyện lạ! Vì vậy, ngày tham quan đầu tiền của tôi trên đảo là bảo tàng này.




Câu chuyện khởi đầu khi có một chàng trai xứ đảo, lên thành phố Saigon học hành, nhưng trong lòng canh cánh nhớ quê mình da diết, tủi quê mình còn nghèo so với xứ khác. Anh quyết chí sau khi học xong tấm bằng đại học phải trở về quê kiếm sống và làm giàu cái nghề lạ lùng: xây dựng bảo tàng lịch sử quê mình. Đó là câu chuyện của anh Huỳnh Phước Huệ, người chủ nhân của một bảo tàng tư nhân độc đáo trên hòn đảo ngọc Phú Quốc mang tên Cội Nguồn.




Theo anh Huệ, bảo tàng được “lên đời” từ một gallery và từ tiền “buộc tay” (tiền mừng cưới) của hai vợ chồng. Với 30 triệu đồng, Huệ liều mình sửa lại căn nhà để làm nơi trưng bày những món hàng lưu niệm do chính tay anh làm ra. Tích cóp dần dần anh đã cho ra đời 1 bảo tàng tư nhân hoành tráng có vốn đầu tư hơn 5 tỉ đồng. Anh nói “ …nhiều người bảo tôi  điên , nhưng sao cũng được miễn là thích và làm đẹp cho quê mình, lời lỗ tính sau…”






Bảo tàng có 5 tầng, tổng diện tích sử dụng trên 1000m2. Tầng trệt trưng bày theo chủ đề thiên nhiên Phú Quốc. Tầng I giới thiệu lịch sử của đảo từ thời kỳ sơ sử đến nay với nhiều chủ đề về một số nhân vật lịch sử có ảnh hưởng lớn đến Phú Quốc như:Nguyễn Phúc Ánh, Nguyễn Trung Trực…Tầng II trưng bày những cổ vật  tìm thấy trên đảo. Tầng III là chuyên đề về tàu đắm. Tầng IV giới thiệu cho khách tham quan những nét đẹp văn hoá biển đảo. Tầng thượng là những hướng phát triển tương lai của Phú Quốc. Bảo tàng có tổng cộng khoảng 5000 hiện vật, trong đó hơn 3000 cổ vật. Đặc biệt, bảo tàng thu thập được hơn 100 rìu đá có niên đại 2500 năm trước Công nguyên, có mộ chum của văn hoá Óc Eo khai quật tại Phú Quốc, có cổ vật thời Lý, thời Trần được tìm thấy trên những con tàu đắm… Sau khi khai trương, bảo tàng Cội Nguồn kết hợp với khu trưng bày ngọc trai và khu bảo tồn chó xoáy, đại bàng biển sẽ tạo thành một điểm tham quan đặc sắc của Phú Quốc.




Trong dòng thời sự biển đảo đang nóng hiện nay, tìm kiến một con người mê biển đảo như Huỳnh Phước Huệ không phải dễ đâu nhé ! Có điều anh ta đang lo lắng thực sự vì thu không đủ chi và hình như chính quyền chưa quan tâm đến cái bảo tàng này thì phải?





Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Trở lại hạ lưu Sông Quao…



Hơn 1 tuần nay, ngày nào cũng vậy tôi bon bon trên chiếc trâu sắt “ Dream II” cùng túi máy ảnh xuôi dọc vùng đất hạ lưu sông Quao. Vùng đất này thuộc các xã Hàm Hiệp, Hàm Liêm, Hàm Chính và Thuận Minh thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Mục đích của các chuyến đi nhằm tìm hương vị mùa lúa chin trên những cánh đồng bạt ngàn mà trước đây nơi đây từng nổi tiếng là “ khỉ ho cò gáy”.





Hơn 20 năm trước, vùng đất này khô và cằn cỗi vì thiếu nước và do bỏ hoang nhiều năm vì là vùng chiến sự trước đây. Ở Phan Thiết, nói đến lý lịch là dân Hàm Chính, Hàm Liêm thì biết ngay là dân làm Cách Mạng liền mà. Khi tôi là một một phóng viên thường trú, nơi đây là vùng đất tôi thường lên xuống vì có công trình thủy lợi Sông Quao nổi tiếng. Được biết sức chứa của công trình lên đến 7 triệu mét khối nước và có thể tưới từ 8 đến 10 ngàn ha đất.




Sau hơn 6 năm xuôi ngược miền tây nam bộ, nay trở lại tôi thật sự ngỡ ngàng vì sự thay đổi ở đây. Hai loại cây trồng tràn ngập cả mấy ngàn hecta đất là lúa và thanh long. Mùa này thanh long không phải chính vụ, còn cây lúa thì bạt ngàn. Thích nhất vẫn là lúc sáng sớm hoặc chiều tà “ lang thang” theo các trục lộ chính từ Hàm Hiệp đi Hàm Liêm rồi Hàm Chính đến Thuận Minh để được thấy màu vàng óng của lúa chin và nghe đủ loại tiếng ve, ếch, dế, chó, gà, bò và trâu… Người nông dân vùng hạ lưu Sông Quao thật sự đổi đời!





Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Đi tìm ….Xe lửa cổ


Nếu ai có dịp đứng trên đỉnh tháp chàm Pôklông Rai tỉnh Ninh Thuận, nhìn xuống hướng bắc sẽ thấy được toàn cảnh nhà ga xe lửa Tháp Chàm với qui mô rộng lớn hơn các nhà ga bình thường.. Nơi đây không phải chỉ có nhà ga mà còn là những công xưởng sửa chửa đầu máy và toa xe lửa với lượng công nhân hàng trăm người của những thời….trước kia..Lúc nhỏ xíu, tôi đã được ba dắt lên ga Tháp Chàm vài lần và, trong ký ức vẫn nhớ những con tàu chạy bằng hơi nước ngược xuôi, rồi nhả từng cụm khói bốc lên cao, với tiếng còi te té.



Sau này có dịp vi vu “ lang thang” chụp ảnh, tôi đã cố tìm lại những gì còn lại trên tuyến đường xe lửa huyền thoại Tháp Chàm – Đà Lạt. Tài liệu ghi rằng: Tuyến đường sắt Đà Lạt-Tháp Chàm đường sắt chỉ dài 84 km nhằm kết nối các thành phố Đà Lạt với tuyến đường sắt Bắc-Nam tại Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận .Tuyến đường do người Pháp xây dựng vào năm 1903. Đoạn đầu chạy từ Tháp Chàm đến Sông Pha dài 41 km, hoàn thành vào năm 1919, đoạn thứ hai từ Sông Pha lên Đà Lạt dài 42 km hoàn thành vào năm 1932. Do địa hình miền núi cao đoạn Sông Pha - Đà Lạt được sử dụng đường ray có trục bánh răng cưa nằm ở giữa. Rất tiếc, sau chiến tranh, cung đường đã bị lãng quên. Nhiều đơn vị đã tháo dở để bán như là kim loại phế liệu .


.

 Ngoài việc sử dụng đường ray có bánh răng cưa, ga Đà Lạt là một trong những dấu ấn lớn nhất của đoạn đường này với những thiết kế độc đáo của người Pháp. Nhà ga được xây dựng vào năm 1938, do công ty thiết kế Art Deco (Pháp) thực hiện với 2 kiến trúc sư Moncet và Reveron. Nhà ga được mô tả là kết hợp, mái cao và nhọn đặc trưng những ngôi nhà dân tộc ít người vùng Tây Nguyên của Việt Nam. Ga Đà Lạt được xem là nhà ga độc đáo nhất Việt Nam với nhiều kỉ lục như: Nhà ga độc đáo nhất; Nhà ga đẹp nhất; Nhà ga cao nhất; Nhà ga cổ nhất (cùng với ga Hải Phòng); Nhà ga có đầu máy chạy bằng hơi nước duy nhất.





Tôi quyết định bon bon trên con tàu Giả Cổ đoạn Đà Lạt – Trại mát chỉ với hơn 7 km với đầu kéo bằng dầu diesel (được phục hồi năm 1990 phục vụ khách du lịch), tôi vẫn thấy thú vị vì cứ liên tưởng đến ngày xưa tiếng máy tàu lửa chạy bằng than đá xình xịch, nhả khói tùm lum và tiếng còi te té… Cuộc hành trình của chuyến xe lửa cổ chỉ dài vài cây số nhưng tôi có cảm giác khác xa khi đi xe lửa thông thường ở đồng bằng.Tôi đã tận mắt khám phá vẻ đẹp đầy quyến rũ của Đà Lạt với những trang trại trồng hoa rực rỡ các sắc màu, những ngôi biệt thự cổ sang trọng nằm ẩn mình dưới tán rừng thông xanh, những ngọn đồi và dốc nhấp nhô như sóng biển, những rừng thông vi vu trong gió và cả những con dốc nhỏ lượn quanh lúc ẩn lúc hiện trong phố phường Đạt Lạt. Tôi thích chuyến tàu hôm ấy vì đi trong dịp tháng 10  khí hậu Đà Lạt đã lành lạnh và…không phải ở đâu cũng có.






VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...