Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

TÙNG DINH DINH CẮC CÁI TÙNG DÍNH DÍNH...

Bài Du Uyên,
Ảnh Hữu Thành

Nếu ai đó đã quen với một mùa thu ước lệ, đẫm chất văn chương, âm nhạc, mà lỡ lạc giữa Sài Gòn những ngày này sẽ thấy rất lạc quẻ. Mùa thu Sài Gòn không lãng đãng mùi hoa sữa đong đưa dưới những đợt gió heo may. Mùa thu Sài Gòn không có những hàng cây suy dinh dưỡng tập thể, đưa thân thể xương xẩu giữa trời vì lá rụng. Mùa thu Sài Gòn bắt đầu khi những tấm bạt được căng lên trên những vỉa hè, những tủ kính với đủ loại bánh trung thu từ rẻ đến đắt, đủ loại từ mặn đến chay, dần dần xuất hiện. Chất liệu và màu sắc vẫn thế, những cái bánh trung thu nướng nhân thập cẩm, nhân đậu xanh vàng ươm, thơm phức, bánh dẻo trắng tinh ngọt lịm hương hoa bưởi nồng nồng cùng với nhân hạt dưa, mứt bí tròng đỏ trứng muối... nhưng so với những cái bánh được ăn lúc nhỏ, hương vị không thể nào so sánh nổi.
Với người nghèo, mùa thu Sài Gòn bắt đầu với những hóa đơn học phí đầu năm, ôi thôi đủ các loại phí, xen vào nhau là những gương mặt phờ phạc của người lớn và những đôi mắt non nớt, háo hức được gắn nụ cười sáng láng từ từ chuyển sang phụng phịu dưới nắng ngày khai giảng, khi sắp lớp ngồi nghe các thầy cô đọc diễn văn vào năm học mới. Và đôi khi, ngoài cổng trường lấp ló những đôi mắt tiếc nuối, buồn thiu vì năm nay ba mẹ không đủ tiền lo cho đi học.
Trung thu Sài Gòn hiện ra khi các con phố bán lồng đèn sau một đêm thay áo, sáng ra đủ màu háo hức; những chiếc lồng đèn dưới hình dáng ngôi sao, cá chép, con thỏ, bươm bướm được làm thủ công từ nẹp tre dán giấy kiếng, vài nét chấm phá bằng sơn nước xanh, đỏ, vàng, chấp chới bay vào mơ, trong cổ tích mà hồi nhỏ tôi cứ tưởng đó là cả bầu trời nghệ thuật. Bây giờ, con nít lẫn người lớn đều chuộng lồng đèn điện tử được nhập từ Trung Quốc hơn, vì chúng đủ màu sắc, đủ các kiểu dáng phức tạp, nào là siêu nhân, xe hơi, cúp bế, hoa sen... có cả nhạc, giá tiền thường đắt. Trẻ con nghèo dù thèm muốn nhưng trên tay có cái lồng đèn giấy kiếng cũng đủ hạnh phúc tuổi thơ rồi, giá mà có thêm chiếc mặt nạ Tề thiên đại thánh, Tam tạng, hay gì đó nữa thì thật tuyệt.
Mùa thu Sài Gòn năm nào cũng kết thúc đìu hiu với những tấm bảng quảng cáo bánh: mua 1 tặng 8, mua 8 tặng… cả tiệm. Ði loanh quanh thể nào cũng có khi bắt gặp nguyên hộp bánh trung thu cùng mấy cái lồng đèn chỏng chơ cháy dở nằm kể chuyện đời trong thùng rác!
Mưa khiến những con đường Sài Gòn vào thu cũng khác, nhiều đoạn bỗng hóa thành sông. Chiều chiều, tôi hay ngồi bên cửa sổ, cắn ổi, nhìn xuống những dòng người chen lấn, những con xe vừa chạy vừa bơi, cố thoát ra khỏi những con đường tắc nghẹn. Không ai có thời gian nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây, để tự hỏi, mình đang ở Sài Gòn hay một tỉnh miền Trung nào đó? Thời điểm này, dầu tâm hồn có một bầu hoàng hôn, mạch máu rạo rực lãng mạn, chắc chả ai nghĩ nổi bất kỳ câu thơ đẹp nào về mùa thu mà ngâm lên cho mọi người thưởng thức.
Lâu rồi, không biết tự khi nào, mùa thu không cho tôi chút háo hức nào nữa. Lâu lâu, như cô nàng đang vội cho buổi đi chơi, chỉ kịp tô chút son cho môi thêm đỏ, chút phấn cho má thêm hồng, mùa thu bay qua tôi phơn phớt rồi biến mất. Bị cơm áo gạo tiền chi phối, tôi ngày thêm vô cảm với mọi thứ xung quanh. Nhiều khi dạo quanh kênh Nhiêu Lộc, tôi thấy mấy đứa nhỏ cầm lồng đèn... chọi nhau, hay người ta thả đèn trên dòng nước, thì miệng cười mà sống mũi cay cay. Tôi nhớ hồi nhỏ dễ sợ!










Xửa xưa, các mùa trong suy nghĩ của bọn nít ranh Sài Gòn chỉ có mùa hè và mùa thu, còn các mùa khác thì mặc kệ. Nhớ mùa hè nhiều nhất, vì nghe tiếng ve kêu là được nghỉ hè, chơi 3 tháng đã đời. Còn mùa thu thì chỉ mấy ngày Tết Trung thu mới được gọi là mùa thu. Gần tới ngày đó thì tụi tôi chia phe làm việc. Tụi con trai kiếm lon làm lồng đèn, chúng đục những cái lỗ sau đít lon, rồi mang qua nhờ bác Quang sửa đồ gia dụng dùng cái kéo bự cắt những đường thẳng bằng nhau từ đầu đến đít lon rồi bóp cho lon lùn lại, dùng dây kẽm gắn hai lon vào cây trúc, sao cho khi đẩy đi thì nó vừa chạy vừa xoay đều và phát ra tiếng leng keng leng keng. Tụi con gái thì làm mặt nạ từ giấy bìa vở; trong nhóm có nhỏ Thy vẽ cực đẹp, vẽ xong tô màu rồi cắt 2 con mắt 2 bên, nối sợi dây thun vô hai bên tai mặt nạ để đeo. Xong, cả nhóm chúm chụm lại trầm trồ thành quả, và cầu mong đêm Trung thu trời đừng mưa. Mới chiều, đã ôm đèn đi vòng xóm, la hét reo hò rủ rê, vậy mà vừa tụ họp, y như rằng, trời đổ mưa. Mạnh đứa nào đứa nấy chạy tán loạn, cuối cùng gom lại trong cái kho nhà thằng Tèo, vừa tối vừa bụi vừa chật. Bật quẹt đốt nến trong mấy cái đèn lên, đeo mặt nạ vào, rồi thay phiên kể chuyện ma; nào là ma lon, ma cây, ma tóc dài, ma vú dài, đủ loại ma trên trời dưới đất được lôi vô cái nhà kho. Ðang hào hứng, bỗng một đứa nào đó chồm lên hù con bé Xíu, nó là đứa nhát gan nhất, nó thét lên, cả đám bỏ chạy, đạp lên cả đống lồng đèn, may mà trong kho chẳng có gì bắt lửa, không thì mông thằng Tèo sưng to rồi...
Rồi cả bọn lớn lên, bay đi, trôi dạt đây đó, mất liên lạc dần, nhưng cứ đến Trung thu thì ký ức lại hiện về với tôi, níu giữ nỗi nhớ miên man. Mọi thứ mang tên kỷ niệm đều lấp lánh trăm lần khi nhắc đến. Một lúc nào đó của ngày mai, sẽ có một người ngồi đây, nhớ về ngày này và tự kể lại: Vào một đêm Trung thu không mưa...
Trung Thu năm nào tôi cũng đóng vai khán giả, nhìn mọi người quây quần bên gia đình. Không người thân, mỗi khi bắt gặp câu slogan của một nhãn hiệu bánh: “Trung Thu là Tết đoàn viên”, tôi thấy buồn cười cho mình, và quạnh quẽ. Lâu lâu, cũng dành chút ít thời gian lang thang xem người ta vui Trung thu như thế nào. Chạy xe thật chậm hòa vào dòng người, thấy mình bơ vơ đến tội, để mặc nước mắt chảy.
Ừ, thôi nín đi cô nàng, đừng mè nheo nữa, hãy Trung thu cho có với người ta.

“Tùng dinh dinh cắc cái tùng dính dính
Tùng dinh dinh cắc cái tùng dính dính...”


































Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Miền Tây mùa nước lũ ……

Anh Kỹ sư thuộc Viện Thủy lợi Miền Nam đi lấy số liệu đo tốc độ nước chảy 

Từ tháng 9 trở đi tức tháng 8 âm lịch, lòng tôi cứ nôn nao hướng về mùa nước nổi Phương Nam (Tôi hay gọi thế), bởi vài 3 năm liền tôi cứ “cày cày xới xới” với chiếc máy ảnh và những chiếc vỏ lải dọc ngang vùng nước lũ thuộc các tỉnh An Giang, Đông Tháp và Long An và Kiên Giang. Năm nay tôi không đi nữa nhưng cứ nghe cái ti vi rao “ nước lũ dâng cao…” lại nhớ và làm vài dòng về NÓ vậy!



Nước lấp hết đồng ruộng
Nơi đây là cánh đồng lớn sát biên giới CPC nay toàn nước
 Con sông Mê Kông là một trong những dòng sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ vùng cao nguyên Tây Tạng và chảy qua quãng đường dài 4.500 km qua Trung quốc, Miến điện, Lào, Thái lan, Campuachia và cuối cùng là Việt nam trước khi đổ ra biển Đông. Khi con sông khi chảy qua Việt Nam còn có tên là Sông Cửu Long.
Cảnh đẹp vùng Trà Sư mùa nước nổi
 Các cơn lũ bắt đầu khi nước sông Cửu Long dâng cao làm ngập vùng Savannakhet và Pakse ở miền Nam Lào rồi đến miền Đông Campuchia sau đó từ thượng lưu theo sông Tiền và sông Hậu chảy vào nước ta rồi thoát ra biển Đông. Mùa lũ thường kéo dài từ cuối tháng 6 cho đến cuối tháng 12 và được chia ra ba giai đoạn. Trong giai đoạn 1, từ tháng 7 đến tháng 8, nước lũ chảy vào các kinh và các mương rạch thiên nhiên vùng Đồng tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.
Người nông dân Nam bộ cơ cực trong mùa lũ

Một nghề mới nhờ nước lũ

Con người phải sinh hoạt và tắm  cùng dòng nước
 Cao điểm lũ lụt xảy ra trong giai đoạn 2 khi mực nước sông Tiền ở Tân Châu cao hơn 4,2 m, và mực nước sông Hậu ở Châu Đốc cao hơn 3,5 m. Giai đoạn 3, lũ dừng lại và rút dần cho đến tháng 12. Đây là những tiêu chuẩn của Ủy ban Quốc tế Sông Mekong (Mekong River Commission) dùng để định nghĩa mổi khi lũ về. Về tổng thể, ĐBSCL được chia thành 2 vùng lớn: một nửa là vùng nước ngọt tiếp giáp với vùng nước mặn ven biển (không ngập lũ trực tiếp); một nửa còn lại, mỗi năm đều có lũ về, người dân thường gọi là mùa nước nổi do tác động trực tiếp từ nguồn lũ sông Cửu Long.
Cầu treo, phương tiên vao nhà
Theo nhiều lão nông trị điền sống lâu đời trên vùng nước nổi, Đồng Tháp Mười trước kia có thảm thực vật khá phong phú, nhiều cây sao, dầu, bằng lăng xen lẫn trong các trảng cỏ ngút ngàn. Những cánh đồng hoang rậm rạp lau, sậy, cỏ năn, sen, súng, hoà cùng với mênh mông đồng lúa, vườn cây ăn trái... Các cánh đồng hoang cũng là nơi trú ngụ của hàng trăm loài cá nước ngọt, tôm, cua, ốc cùng nhiều loài thuỷ sinh có giá trị thương phẩm cao như ếch, nhái, rắn, rùa, sen...

Đánh cá Linh mùa nước nổi

Mưu sinh


Đi chợ mùa nước
Từ Đồng Tháp Mười, một phần nước chảy ngược lại sông Tiền ở hạ lưu, một phần chảy ra kênh rạch, làm ngập lụt một vùng rộng lớn. Bao nhiêu nhà cửa, làng mạc, trường học, đường sá ngập chìm trong nước. Việc đi lại của cư dân đều trông vào những chiếc xuồng, ghe, vỏ lải, tắc ráng..






Mùa nước nổi cũng là mùa của bông điên điển. Dọc theo hai bờ các tuyến kênh chằng chịt ở miền Tây nam bộ điên điển trổ bông vàng rực. Khi nắng chiều sắp tắt, những tâm hồn lãng mạn có thể thưởng ngoạn nhiều mảng màu độc đáo, đượm vẻ đồng quê, được kết hợp từ một chút vàng của hoa, một chút xanh của trời chiều, một chút bạc trắng của dòng nước… Và, tôi lại nhớ về những món ăn từ cá Linh- Một đặc sản trời cho của mùa nước nổi đất phương Nam.


Cảnh đẹp rừng Tràm Trà Sư chi có trong mùa lũ

Sống cùng lũ


VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...