Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

CON VỊT BIẾT BAY

Những bước chạy trên mặt nước của chim Le Le

              Đã nói loài Vịt, tất nhiên chúng ta bàn đến loại thủy cầm sống phổ biến trên cả đất nước Việt Nam. Và con vịt chúng ta thường nghe miêu tả 2 từ “ lạch bạch” bên hiên nhà hay bên trên hồ mà thôi nên nói những chú vịt biết bay là câu chuyện lạ lùng. Nhưng có một loài vịt mà biết bay mới lạ chứ, chúng thường gọi theo tên gọi dân gian là những chú : VỊT TRỜI , người ta còn gọi  là Chim Le Le.





             Chẳng đi đâu xa, nó là một vùng đầm lầy nhỏ còn xót lại ở ven các thành phố tôi đang sống Phan Thiết. Ngày xưa vùng này rộng khoảng mấy chục hec ta nhưng rồi người ta bắt đầu lấn chiếm làm đô thi để chiếm bạc chục tỷ nên vùng đầm lầy nhỏ dần, nhỏ dần…Rồi từng năm qua tôi lần lượt ra thăm vùng này vỉ nó là nơi duy nhất còn một ít động vật hoang dã cư trú nhưng rõ rang nó cứ thu hẹp nên chỉ còn lại một ít loài cò, cà kheo, cu, quành quạch, vịt trời.v..v…Nếu không nhầm tôi đếm được chỉ hơn 20 con vịt trời sống trong một không gian hạn hẹp vài hec ta đầm lầy thôi. Những nhà nhiếp ảnh bạn tôi thật ra không khoái chụp ảnh mấy chú này bởi nó không đẹp và nhát chỉ một tiếng động nhỏ từ xa là cả đàn thoát mất. Tôi thì nghĩ khác nhóm vịt trời này là loại động vật hoang quí hiếm ở khu vực này còn sót lại sau khi tôi quan sát bầy đàn của nó trong nhiều năm liền. Vịt trời có một khả năng sinh tồn tuyệt vời hiếm gặp ở các loại thủy cầm khác kể cả các loại chim muông bởi bó vừa Bay, Lặn, Bơi đều giỏi. Tôi chứng kiến nó bơi như con vịt, lặn như con cá và bay vút lên trời cao như con chim. Những đặc tính sinh tồn này làm kích thích tánh tò mò của tôi và tôi quyết định cứ từ từ khám phá nó trong những chuyến săn ảnh ở vùng đầm lầy mà chúng tôi hay đặc tên : Khu HÙNG VƯƠNG.






Tài liệu viết rằng :LE LE có danh pháp hai phần: Dendrocygna javanica,  sống thành bầy ở những nơi chúng ưa thích. Môi trường sống là các hồ nước ngọt, với  nhiều thực vật, Thức ăn của chúng là hạt và các loại thực vật khác. Đây là loài phân bố rộng rãi của các khu vực đất ngập nước thấp của tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á, kéo dài từ Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nó cũng có mặt trên các quần đảo trong khu vực như Andamans, Nicobars và Maldives. Chúng đôi khi cũng di chuyển trong khu vực nhỏ do các thay đổi thời tiết và lượng nước và đối với các nhóm sinh sống về phía bắc di chuyển về phía nam vào mùa đông. Chúng được tìm thấy trong các vùng đất ngập nước nhạt có lớp phủ thực vật tốt và thường nghỉ ngơi trên các bờ sông hoặc thậm chí trên các vùng biển mở ven bờ. Downy chicks là nhóm có màu đen với mắt nâu và các đốm trắng sau đỉnh đầu, cánh, bụng và rump.Các cá thể Albino đã được tìm thấy trong tự nhiên.
































Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

BÌNH DỊ ĐẤT PHƯƠNG NAM


Dự án sách ảnh " BÌNH DỊ ĐẤT PHƯƠNG NAM"






Mười năm ròng, trong đó có 6 năm làm việc trong tờ Báo ảnh Việt Nam và 4 năm lang thang cùng bè bạn ngang dọc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà người đời hay gọi là ĐẤT PHƯƠNG NAM tôi bắt đầu chiêm nghiệm, chọn lọc những hình ảnh mà tôi chắc chiu gìn giữ để rồi cho ra đời bộ ảnh 200 tấm cho chủ đề “BÌNH DỊ ĐẤT PHƯƠNG NAM” với hy vọng một ngày nào đó sẽ cho ra đời cuốn sách ảnh với chủ đề này. Biên tập, chỉnh sửa và chọn lọc một mình tôi sợ sẽ là chủ quan và không thành công nên bèn nhờ đến anh Nguyễn Thành- Nhà lý luận phê bình có học thức uyên thâm về ảnh của VN  để thẩm định và đánh giá bộ ảnh cho khách quan hơn. Bất ngờ tôi nhận được bài viết “ HỮU THÀNH, BÌNH DỊ ĐẤT PHƯƠNG NAM” của anh đăng trên cuốn tạp chí Mỹ Thuận và Nhiếp ảnh của Cục MT& NA ( Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) số tháng 11/2018. Tôi yêu thích bài viết này cả 2 khía cạnh lý luận phê bình về nhiếp ảnh dựa trên bộ ảnh và cách đánh giá trực diện bộ ảnh của anh Nguyễn Thành.
                     Trên con đường dài với ý tưởng thực hiện cuốn sách ảnh này, hiện giờ tôi vẫn cảm nhận được sự biết ơn của cá nhân tôi đến các anh lãnh đạo tờ Báo ảnh VN như Vinh Quang, Tiến Dũng, Nguyễn Thắng và cũng chân thành cảm ơn sự chia sẻ của các anh Lê Cương, Nguyễn Văn Tâm, Kim Sơn, Quang Minh, Vương Niên, Minh Quốc – những người anh , người bạn đã cùng ngọt bùi có nhau trên hành trinh ngang dọc  ĐẤT PHƯƠNG NAM. Chắc chắn sẽ có thiếu sót, nhưng niềm vui là quan trọng đối với tôi

               Tôi chia sẻ lại toàn bộ bài viết của anh Nguyễn Thành trên trang Blog LANG THANG vậy







Trong nhiều thập niên, sản phẩm nhiếp ảnh phải là những hình tượng được lý tưởng hóa, mà người ta gọi đó là những mục tiêu của những nhà nhiếp ảnh. Người ta tin rằng ảnh đẹp là ảnh chụp một cái gì đó đẹp, như một người thiếu nữ, một cảnh hoàng hôn, một bông hoa diễm lệ… Họ ít quan tâm đến lịch sử nhiếp ảnh. Ở đây cũng phải khẳng định rằng, lịch sử nhiếp ảnh không phải chỉ tính bằng sự ra dời của chiếc hộp tối, của phim và giấy ảnh cho đến ảnh màu và ảnh kỹ thuật số. Nó còn là những chuyển biến lớn lao của tư duy nhiếp ảnh song hành cùng những điều kiện và quan niệm về ảnh theo thời gian. Từ những năm 1920, nhưng tay máy chuyên nghiệp trên thế giới đã bắt đầu rời bỏ những chủ đề thi vị, lãng mạn để kiếm tìm các đề tài nôm na, giản dị và thậm chí chả có gì hấp dẫn. Thực tế mỗi một vật thể thật sự, mỗi trạng huống thật sự, mỗi một kết hợp hoặc quá trình thật sự, đều trưng ra một vẻ đẹp của nó, thì việc phân biệt cái này mới đẹp, còn cái khác thì không lại trở thành trơ trẽn.

Nguyễn Thành - Phụ trách Ban LLPB của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN

Những hình ảnh của nhiếp ảnh là những dấu vết và tiêu bản của hiện thực, tạo nên bởi những qui luật vật lý của thế giới khách quan. Bản chất hiện thực ấy của nhiếp ảnh tạo nên một hiện thực khác song hành với hiện thực tự nhiên, và chúng ta ngày càng thích thú sống trong cái thế giới hình ảnh do chính ta tạo nên ấy. Có thể nói, ảnh chụp cũng như ngôn ngữ, là một thứ ngữ pháp, và quan trọng hơn nữa nó được qui là một thứ đạo đức học về sự nhìn. Nhà nhiếp ảnh Hữu Thành, với chiếc máy ảnh như là một thứ công cụ, mải miết lên đường với một tâm thế phát hiện và diễn tả. Cũng dể hiểu và cảm thông thôi, không chỉ những nhà nhiếp ảnh và hầu hết mọi người coi những bức ảnh là nguồn cung ứng tri thức, sự hiểu biết xã hội cả về diện mạo của quá khứ cũng như bao trùm cả hiện tại. Nhiếp ảnh thực tế đã trở thành một nhu cầu của thời đại, cũng như cái điện thoại cầm tay và Internet. Ảnh cũng có cuộc đời, cũng già đi, mai một theo thời gian và cũng bị cắt xén, được mua đi bán lại, tái sản xuất và cũng được đóng gói trong những cuốn sách hay anbum ảnh. Hữu Thanh hiểu hơn ai hết về điều này.

Nhưng khi suy nghĩ lắng lại, anh phát hiện ra ảnh có một dáng vẻ ngây thơ, hồn nhiên của ảnh, bởi nó rất chính xác với cái hiện thực nhìn thấy được.Tuy nhiên công việc của người chụp ảnh cũng không thoát khỏi sự mặc cả mập mờ giữa nghệ thuật và sự thực. Ngay cả khi nhà nhiếp ảnh chỉ để tâm tới phản ánh hiện thực, họ vẫn bị thôi thúc bởi những ám ảnh thị hiếu và lương tri. Nhiều bức ảnh của anh cũng đứng lừng khừng giữa hai tâm thức này. Nhưng thật may mắn anh vốn xuất thân từ một phóng viên ảnh báo chí nên kiểu gì bản chất truyền thông của nhiếp ảnh vẫn giữ được vẹn nguyên, nó vẫn hiện diện bằng mọi hình hài trong ảnh của anh. Nên những bức ảnh của Hữu Thành vẫn nồng ấm hơi thở của cuộc sống, mà bộ ảnh Bình dị đất phương Nam là một sự hiện hữu minh chứng cho điều này.

Gần đây nhiếp ảnh đã trở thành một thú chơi phổ cập, trở thành một nghi lễ xã hội, một công cụ của quyền lực xa xỉ và phô trương. Không ngạc nhiên nhiều bởi vì sao gần đây số người tham gia vào nhiếp ảnh đông đúc đến như vậy. Bởi lẽ tự thân nhiếp ảnh đã trở thành một phương tiện minh chứng cho sự trải nghiệm, tạo ra vẻ ngoài cho tâm trạng tham dự vào những sự kiện xã hội. Và cái đám đông tham dự đó, cái đám đông tham gia vào việc dừng hình hàng vạn, hàng triệu những lát cắt của cuộc sống, tức là tham dự vào cái chết, bởi tất cả các bức ảnh chụp đều minh chứng cho sụ tan chảy không ngừng của thời gian. Chỉ không nhiều những bức ảnh còn đọng lại.
Nhu cầu khẳng đinh hiện thực và nâng cao trải nghiệm bằng ảnh chụp là nột thái độ tiêu thụ thẩm mỹ mà giờ đây ai cũng mắc nghiện. Những khao khát chay bỏng muốn nắm bắt cái đẹp, những yếu tố gợi khoái cảm chụp ảnh lan tràn. Ở những nước phát triển, khi tiến trình dân chủ hóa cao, người ta không nhìn đến cái khác biệt giữa đẹp và xấu, giữa quan trọng và vặt vãnh, người ta cống hiến lớn lao cho tinh thần cởi mở và chân thực. Nhìn trên phương diện này, cũng có lúc Hữu Thành có cái ngước lên nhu thuận và cũng có lúc anh nhìn xuống lạnh lùng. Có nghĩa là có lúc anh chụp như hoàn hảo hóa thân phận con người, mọi thứ đều thành niềm vui trong cuộc đời trần thế, lúc khác thì anh lại bi lụy hóa, biến nó thành sự thê lương. Thật khó có nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp nào thoát khỏi được điều này một cách tuyệt đối.
Và kia, một khoảnh khắc, một nét cười mệt mỏi thoáng qua, một luồng nắng chớp nhoáng xuyên qua mây. Và không có công cụ nào, trừ máy ảnh có khả năng ghi nhận những phản xạ phức tạp mong manh ấy. Nhiếp ảnh tập trung mắt người ta vào cái bên ngoài, vì thế nó làm mờ tối cuộc sống bên trong vẫn lấp lánh qua đường viền của mọi vật như một trò chơi sáng tối. Không thể bắt được cái đó ngay cả với  ống kính hiện đại nhất. Hữu Thành là một trong số ít người thoát khỏi điều này từ khá sớm, và anh chấp nhận phải mò mẫm bằng cảm xúc người.
Đối với nhà nhiếp ảnh Hữu Thành, có một lưu giữ để nhớ lại từng người có thể thân thiết với mình, không phải chỉ là hình ảnh chân thực của họ, mà là cả những liên hệ và cảm giác gần gũi với bức hình ấy bằng chính bóng hình của người ấy ở nơi anh bấm máy và mãi mãi. Đó chính là sự thiêng liêng của bức chân dung, “anh nghĩ thế”. Tôi đọc được điều này trong nhiều chia sẻ trên blog của riêng anh.


Với chiếc máy ảnh là một phương tiện ghi chép trung thực, nên nhà nhiếp ảnh Hữu Thành đến với thiên nhiên trên tinh thần học hỏi, hòa nhập, thay vì thái độ ngạo mạn, điệu đà của những nghệ sĩ tự xưng. Anh có cái nhìn đương đại về cuộc đời mới, là dựa trên cách tiếp cận trung thực đến mọi vấn đề, dù chúng là đạo lý hay nghệ thuật. Anh hiểu sâu sắc rằng Nhiếp ảnh là một “ngôn ngữ” duy nhất ai cũng hiểu ở tất cả mọi nơi trên trái đất này, nối liền mọi dân tộc và mọi nền văn hóa. Nó phản ảnh chân thực cuộc sống và các sự kiện, cho phép chúng ta chia sẻ tình yêu, niềm hy vọng cũng nỗi thống khổ của mọi kiếp người.
Dự án ảnh “Bình dị đất phương Nam” của nhiếp ảnh gia Hữu Thành đã đi được nửa chặng đường. Đất phương Nam của anh có những cánh cò tung tăng bay lượn, có cả những chú bò ưu tư lặng lẽ bước trong mùa nước lũ về. Một nhóm người săn cá linh, hay làm bánh phồng tôm, cảnh nhộn nhịp đấy mà hoang sơ đấy. Thật ấn tượng với bức ảnh có cái tên “Sống trên sông Cái Lớn ở Cà Mau” của anh. Dãy nhà trên nước, nó thật khác, nhưng lại có cái gì đó cứ giông giống như những dãy nhà phân lô trên thành phố, chỉ khác là cái ô tô trong gara được thay thế bằng những chiếc ghe thuyền. Anh không chờ đợi, săn lùng từng khoảnh khắc. Không hiểu vô tình hay cố ý, có một người phụ nữ quay lưng về phía ống kính làm cho bức ảnh sinh động mà lại nhiều ẩn ý. Hữu thành có cái nhìn hóm hỉnh mà sắc xảo. Còn lẻ loi nào hơn, cô đơn nào hơn khi chỉ có mình em, một cô bé còn chưa đến tuổi trưởng thành soi bóng mình trên chiêc cầu tre bắc trên mênh mang mặt nước, em bước trên khoảnh hở bầu trời xanh soi mình dưới dòng sông đầy bèo rác. Nhưng em chính là chủ nhân của vùng đất này, chắc chắn như chiếc cọc tre cắm sào đâm vào lòng đất.
Hữu Thành chuyển thể câu chuyện thật khéo. Anh đến với cuộc sống ở đất phương Nam đầy xúc cảm. Anh không chọn cái đẹp của sự phồn hoa, anh đi tìm cái đẹp của sự bình dị, vương vấn một chút thương cảm nhưng không gợi buồn. Anh gắn con người với môi trường sống của họ quyện chặt lấy nhau như vốn nó phải là vậy. Thân phận con người vượt lên số phận thành tình yêu, thành nỗi nhớ ở vùng đất bình dị mà tình yêu, nước, cây rừng, cá tôm nhiều hơn gạch ngói.
Ảnh của Hữu Thành không ồn ào, nhưng không vì thế mà nó tĩnh lặng. Trên con đường “làng” ghép bằng những tấm ván chỉ có ba người (hai người đàn bà và một cô bé mới lớn), nhưng cái nhìn trìu mến, nụ cười nở rạng trên gương mặt làm cho cái “Xóm nhà nổi ven sông tiền ở Tân Châu” này trở thành thật quyến rũ, lắng đọng - Cái đẹp của Hữu Thành rất riêng tư ấy, nó buộc người ta phải yêu cái mà anh yêu. Cũng như bức ảnh “Vệ sinh lưới cũ” hay “Theo mẹ ra sông”, xem ảnh mà như đang đối thoại với nhà nhiếp ảnh: Bạn có yêu không nào? Và lúc này đây tôi lại hình dung ra nụ cười cởi mở trên gương mặt phúc hậu của anh.
Bộ ảnh “Bình dị đất phương Nam” của Hữu Thành đa số trong ảnh chỉ có một hoặc hai người. Lúc thì chính họ với cái bóng của mình, lúc thì chính họ với nhưng phương tiện hoặc sản vật lao động mà họ làm ra. Nhưng những chi tiết trong ảnh của Hữu Thanh lại quyện chặt lấy nhau, bổ sung cho nhau để nói lên những điều mà tác giả muốn nói. Thực tế ở đây bây giờ không được như xưa, nhưng cá tôm cũng còn nhiều lắm, đủ các loại…, những đống trái cây chín vàng tỏa thơm mùi mật… , những sảo cá vẫn đầy vơi. Chú ý lắng nghe, có tiếng chim đùa trên cành cây sào xạc, có tiếng cá quẫy trên mặt nước, có tiếng những giọt nước kéo lên ở lưới lõm bõm rơi về lại với dòng sông…, ảnh của Hữu Thành có cái động trong cả sự lặng im.
Hữu Thành đã phác họa khung cảnh của một vùng sông nước trù phú, lạ lùng và hấp dẫn, còn con người vừa khảng khái, vừa bộc trực, vừa bí ẩn. Đất phương Nam của nhà nhiếp ảnh Hữu Thành hấp dẫn chính là ở chỗ này. Nó gieo vào lòng người một cảm xúc mãnh liệt về một vùng đất với những bàu sấu, tràm chim, rừng đước, chợ nổi, cầu khỉ, xuồng ba lá, ghe tam bản… Hữu Thành không đi săn tìm cái đẹp để mô phỏng, mà cũng không soi mói những cái mất mát để phê phán. Nam bộ trù phú ngày trước, dường như đã hao khuyết, mai một dần trong nhịp sống hối hả của ngày hôm nay. Rừng thu hẹp, đồng ruộng ngập mặn, sông rạch ô nhiễm, nhưng qua ảnh của anh, người xem lại bồi hồi, luyến tiếc và chia sẻ với một thái độ tích cực hơn nhiều. Hữu Thành dường như muốn thể hiện một câu chuyện bằng ảnh về đất phương Nam, nhưng có lẽ còn chưa đủ thời gian, nên anh đã chấp nhận, hòa quyện nhiều thể loại, pha chút ký sự ảnh về miền Tây. Và thực tế bây giờ ranh giới giữa các thể loại nhiều khi không còn phân biệt rạch ròi như trước nữa.


















































NHỮNG GƯƠNG MẶT THÂN THƯƠNG CÙNG TÔI TRÊN HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ "ĐẤT PHƯƠNG NAM"











VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...