Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Đạo diễn Trần Văn Thủy


Đạo diễn Trần Văn Thủy
                    

                    Tôi biết đến đạo diễn này khi lọ mọ, lén lút đi xem cho bằng được bộ phim “ Chuyện Tử Tế” năm nào do một doanh nghiệp chiếu bằng đầu video đa hệ lần đầu tiên có được ở Việt Nam. Sau này mới tìm xem thêm phim “ Hà Nội trong mắt ai”. Nói về phim với đề tài chiến tranh thì khỏi phải bàn, bới vì những người đạo diễn thường là ở chiến trường hoặc sống trong hoàn cảnh chiến tranh nên họ đầy cảm xúc để có phim hay. Còn phim về đề tài xã hội sau năm 1975, nói thật tôi chỉ nhớ đến 2 phim trên. Vì vậy tôi muốn chuyển tải bài viết của Hồ Hương Giang về cuốn sách “ Chuyện nghề của Thủy” như  tự cho mình là FAN hôm mộ ông.

"Chuyện nghề của Thủy" - Tác giả Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy
Cuốn sách gây chú ý của đạo diễn "Chuyện tử tế"

- Nếu bạn đọc hỏi cuốn sách viết bằng tiếng Việt nào hiện đang đặc biệt gây chú ý trên thị trường, thì có lẽ đó là "Chuyện nghề của Thủy". Tác phẩm thuật lại gần 40 năm làm nghề đầy sóng gió của một trong vài đạo diễn phim tài liệu xuất sắc nhất  lịch sử điện ảnh Việt Nam.

"Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai" (1999) có lẽ là bộ phim tài liệu nổi tiếng nhất của Trần Văn Thủy - vang xa tới tận bên kia bán cầu, gây chấn động và làm thức tỉnh hàng ngàn người Mỹ. Nhưng ông còn có một số bộ phim quan trọng khác mà có lẽ ít người ít biết hơn.

Vào những năm 1980, nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy đã làm 2 bộ phim tài liệu cực kì thành công là  "Hà Nội trong mắt ai" (giải vàng LHP Việt Nam 1988) và "Chuyện tử tế" (giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig).

Như ông thuật lại trong "Chuyện nghề của Thủy", làm 2 bộ phim trên khó hơn "Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai" nhiều. Vì nó là cái nhìn ngược lại nội tâm, để người Việt soi chiếu chính người Việt, để bản thân mình soi chiếu, cay đắng với chính mình trên chặng đường "muốn làm một người tử tế".

Một cảnh trong phim "Chuyện tử tế"


Chẳng thế mà "Chuyện tử tế" đã được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig (Đức)”. Nhiều người coi đây mới là tác phẩm đặc sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy. Trong đó có những lời bình cực kì đắt giá. “...Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử".

Nhân vật chính trong tác phẩm là người nghèo khổ, người nông dân - những người ít khi được cất lên tiếng nói, được hỏi ý kiến... trong các tác phẩm văn hóa và nghệ thuật.

Trong poster quảng cáo Liên hoan phim Brooklyn (Mỹ, 2002), khi giới thiệu về Trần Văn Thủy người ta viết: "Trần Văn Thủy một nhà làm phim được mô tả như “Francis Ford Copola của Việt nam” (Tran van Thuy a vietmamese filmmaker described as “The Francis Ford Copola of Vietnam).


 Dù Trần Văn Thủy có khiêm tốn cỡ nào, thì việc được so sánh với vị đạo diễn từng 5 lần đoạt giải Oscar, dẫn dắt bộ ba phim Bố già và Apocalypse Now cũng chứng tỏ nhận định của giới làm nghề trên trường quốc tế về vị trí của ông với điện ảnh Việt Nam.

"Năm đó tôi mới 40 tuổi. Tôi được học hành tử tế, được thử thách, đã quay phim và sống sót trong chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt; là học trò của Roman Karmen – một đại thụ của phim tài liệu Liên Xô, một con người có những cống hiến to lớn với nhân loại trong thời kỳ chống phát xít và trong phong trào giải phóng dân tộc". - Đạo diễn/ NSND Trần Văn Thủy đã viết những lời đầu trong cuốn sách của đời mình như thế.


"Chuyện nghề của Thủy" bắt đầu thuật lại những tháng ngày khởi động những thước phim nhựa đầu tiên của cậu sinh viên tập sự, với vị trí là một phóng viên chiến trường ngang dọc dãy Trường Sơn, giữ máy, giữ phim còn hơn giữ sinh mạng của chính mình. "Đến đêm, mình đói quá, háo quá, có gạo rang trong túi phim nhưng có chết đói cũng không dám sờ vào một hạt. Đó là gạo rang để chống ẩm cho phim!"

Trần Văn Thủy đã lành lặn qua bom đạn trở về miền Bắc trong cơn sốt rét. Anh gầy như "con ma đói" đến chị ruột cũng không nhận ra, nhưng toàn bộ số phim đã được bảo quản an toàn dù cũng đã lăn lộn cùng anh dưới nước, trong hầm trú ẩn...

Bộ phim tài liệu đầu tiên của phóng viên chiến trường Trần Văn Thủy với những thước phim quay ở chiến trường Quảng Đà đã đoạt giải Bồ Câu Bạc - Liên hoan phim Quốc tế Leipzig (Đức), năm 1970.

Trong cuộc đời, Trần Văn Thủy có lẽ đã không làm quá nhiều phim, nhưng lại có rất nhiều phim đoạt giải cao trong nước và quốc tế. Ông làm phim cẩn thận, cầu toàn, theo đuổi vấn đề thời sự, nói những điều chưa ai nói. Có lẽ đó là lý do mà "Phản bội" - bộ phim tài liệu hiếm hoi về chiến tranh biên giới năm 1979 tiếp sau đó giành giải vàng LHP Việt Nam 1980.



 Suốt quãng đường làm nghề thời chiến tranh đến hòa bình, ông đã được gặp và nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách quan trọng ở Việt Nam, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Trung tướng Trần Độ... Ông đã được gặp hàng nghìn người yêu nước và bạn bè quốc tế giúp đỡ hết lòng; cũng như những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua để mang phim của mình cho công chúng.

Một câu chuyện chân thực về chiến tranh của phóng viên chiến trường Việt Nam. Một câu chuyện cảm động về người làm phim ở Việt Nam. Một sản phẩm tốt nữa của Nguyễn Văn Thủy - lần này là sách - dâng tặng cuộc đời.


Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trần Văn Thủy là một đạo diễn phim Việt Nam, sinh năm 1940 tại Nam Định. Trong chiến tranh Việt Nam ông làm phóng viên chiến trường. Ông đã đạo diễn trên 20 phim, trong đó có nhiều phim tài liệu đoạt giải cao trong các liên hoan phim. Ông đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...