Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng với “Biển trong chúng ta “

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh MỸ DŨNG
Gần đầy nhất tôi có 2 lần gặp Nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng. Một ở Đà Nẵng và một ở Phan Thiết khi anh đang trên đường thực hiện dự án “ Biển trong chúng ta”. Cả 2 lần đều vội vội vàng vàng nên không có thời gian tâm sự nhiều. Nhưng chúng tôi là những người quen biết nhau vì cùng thời chơi nhiếp ảnh chỉ có điều ở 2 nơi xa lắc. Không có dịp vào sài gòn tham dự triển lãm  chia vui cùng anh đành chỉ theo dõi trên mạng, trên báo chí. Sáng nay đọc bài “Nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng và những trăn trở về biển và ngư dân Việt Nam” đã thích thú. Tôi cho rằng nhiếp ảnh Nghệ Thuật Việt Nam hiện đang quá thiếu những nhà nhiếp ảnh có tầm cở tư duy như Mỹ Dũng. Triển lãm của ảnh đã một lần nữa minh chứng cho một lối chơi ảnh lấy hiện thực làm gốc vì  những bức  ảnh phản ánh cuộc sống về biển Việt Nam của anh đầy ắp hơi thở cuộc sống và mang tính thời sự cao,đồng thời nó cũng như một tiếng chuông vang vọng với mọi người là hãy lo lắng cho hiện trạng biển của VN. Tôi phải cảm ơn anh Mỹ Dũng cho xem bộ ảnh ( dù chỉ trên mạng). Tôi xin chỉa sẻ bài viết trên https://thanhlab24.blogspot.com/ để chúc mừng Mỹ Dũng…..


NAG Mỹ Dũng tại không gian trưng bày

BÌA CUỐN SÁCH


Nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng với “Biển trong chúng ta “

'Biển trong chúng ta'của Mỹ Dũng là những bức ảnh đen trắng chụp 'các câu ca dao' về ngư dân Việt Nam từ Móng Cái cho đến Cà Mau, mỗi bức ảnh là niềm trăn trở của người nghệ sĩ về thân phận lênh đênh của người dân làng chài.





Khai mạc vào sáng ngày 15.6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm “Biển trong chúng ta” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng đã tạo nên sự chú ý trong công chúng phương Nam. Sau 2 ngày trưng bày, triển lãm đã thu hút hàng trăm lượt người đến xem và cảm nhận về tác phẩm của anh. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 20.6.2019.

90 tác phẩm ảnh đen trắng được trưng bày lần này là thành quả của hơn bao năm lao động sáng tạo miệt mài của Mỹ Dũng. Để có những tác phẩm chân thực sinh động và đang dạng, Mỹ Dũng đã có chuyến hành trình xuyên Việt theo dọc bờ biển từ Cà Mau đến Móng Cái trong suốt một thời gian dài từ năm này qua năm nọ.

 


Nụ cười của người ngư dân qua góc nhìn của Mỹ Dũng



Biển của Mỹ Dũng là những khoảnh khắc tuyệt đẹp tỉnh lặng của phong cảnh bãi bờ nhưng cũng sục sôi như con sóng bạc đầu vỗ tung gành đá. "Biển trong chúng ta - Biển của Mỹ Dũng" gần như chuyển tải tất cả niềm vui nỗi buồn, thân phận lênh đênh, lo toan nhọc nhằn, nụ cười nước mắt của những người ngư dân suốt đời sống nhờ vào biển. Xem ảnh của Mỹ Dũng chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi còng lưng, trên vai là đôi quang gánh đi dọc bãi biển vào buổi trưa, những làng chài vắng lặng, con thuyền thúng nằm lặng lẽ bên rặng phi lao, người ngư dân nằm dài trên thuyền phủ lưới trong mùa biển động, những cây nhang lạnh lẽo ai đó thắp theo dọc triều sóng để tưởng nhớ những người ra biển rồi không bao giờ trở về...








NAG Mỹ Dũng tại không gian trưng bày "Biển trong chúng ta" ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Công chúng đang thưởng lãm ảnh của Mỹ Dũng

Thế nhưng, ảnh của Mỹ Dũng không chỉ là mảng đơn sắc. Bên cạnh những trăn trở, nỗi niềm là những khoảnh khắc tuyệt đẹp và sống sinh động về người dân miền biển. Đó là nụ cười của anh ngư phủ khi được mùa cá, ánh mắt rạng rỡ của em bé khi thấy cha từ biển trở về, là hình ảnh đẹp và đầy lãng mạn của người thiếu nữ đang ngồi dệt lưới, là tiếng reo hò của ngư dân khi cá nặng lưới đầy…

Vốn là người được sinh ra từ làng chài có truyền thống lâu đời về nghề biển ở miền Trung (làng chài Nam Thọ,Thọ Quang, Đà Nẵng), vì vậy góc tiếp cận và cách khai thác đề tài của Mỹ Dũng cũng có một sự khác biệt so với những đồng nghiệp khác. Trong tác phẩm của mình, anh vận dụng tối đa những câu ca dao tục ngữ, thành ngữ về nghề biển một cách sinh động.





Trong triển lãm lần này, đa phần tác phẩm của Mỹ Dũng là những bức ảnh mang theo những câu ca dao quen thuộc về nghề biển được anh hình tượng hóa bằng nghệ thuật nhiếp ảnh đầy ẩn dụ. Người xem ảnh của Mỹ Dũng không thể không thích thú với những tác phẩm với phần chú thích bằng ca dao như: “Làng tôi nghề biển nghề sông/ Những hôm trời lặng cá trong cá ngoài”, “Ngủ đi cho mẹ đi mò/ Tôm rang đầy chảo, cá kho đầy nồi/ Ngủ đi cho mẹ đi hôi/ Cá nấu đầy nồi chị múc em ăn” , “Ai về nhắn với bạn nguồn, mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”…



Ngoài những gì được thấy trực diện bằng thị giác, ảnh của Mỹ Dũng còn ẩn chứa nhiều thông điệp cảnh báo môi trường và khát vọng của anh về một cuộc sống bình yên no ấm, lẽ phải công bằng cho người dân vùng biển.


“Gần 3 năm lăn lộn từ Nam ra Bắc, có lúc tôi xém bị ngư dân đánh, do tưởng nhầm tôi là nhà báo, họ chửi tôi nhắm mắt làm ngơ trước chuyện mất biển, chuyện môi trường bị ô nhiễm. Ngư dân mỗi vùng miền có khác nhau, miền Trung sung túc hơn miền Bắc, miền Nam thì rất nghèo. Nhưng rất buồn là trong câu chuyện chung của họ gần như không có hứa hẹn gì về tương lai tươi sáng, đa phần khuyên con cháu lên bờ tìm việc khác. Nhiều ngư trường đang vắng người Việt, nhiều làng nghề đang dần phá bản - đốt bỏ ghe thuyền - để giải nghệ. Tôi như chụp ngư dân những thế hệ cuối cùng”. Mỹ Dũng tâm sự.

Thành Điện Hải (ĐN) -2015


Xem triển lãm ảnh của Mỹ Dũng, chúng ta sẽ nhận ra rằng những tấm ảnh không dừng lại ở tác phẩm tác nghệ thuật mà mỗi bức ảnh là tiếng kêu tuyệt vọng trước số phận của biển, thân phận của con người đang trở nên mong manh trước sự tàn phá của thiên tai và nhân tai.




Nguồn : Báo “Một Thế Giới” ngày 17/06/19 . ( Tiểu Vũ)




VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...