Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Nhạc sĩ PHẠM DUY

Bài này tôi tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau như một lời chia buồn dành cho gia đình nhạc sĩ PHẠM DUY . Lời ca  và nhạc của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi về tình yêu quê hương, tình bạn, tình yêu thiên nhiên.....sau này.


Nhạc sĩ  Phạm Duy tên thật của ông là Phạm Duy Cẩn (ông sinh ngày 5 tháng 10, 1921- mất ngày 27 tháng 1 năm 2013)
Cha của Phạm Duy là nhà văn Phạm Duy Tốn
Anh cả của Phạm Duy là Phạm Duy Khiêm, một học giả và là một nhà văn viết tiếng Pháp
Người anh thứ hai của Phạm Duy là Phạm Duy Nhượng, một nhà giáo, cũng là một nghệ sĩ tài tử, tác giả bài Tà áo Văn Quân
Vợ của Phạm Duy là ca sĩ Thái Hằng
Một người anh họ của ông là học giả Nguyễn Văn Ngọc[cần dẫn nguồn]
Sau này ông có cha nuôi là học giả Trần Trọng Kim[cần dẫn nguồn]
Các con của Phạm Duy cũng là những ca sĩ, nhạc sĩ:
Ca sĩ Thái Hiền
Ca sĩ Duy Quang
Ca sĩ Thái Thảo
Nhạc sĩ hòa âm Duy Cường
Ngoài ra có thể kể đến:
Ca sĩ Thái Thanh, em gái của bà Thái Hằng
Ca sĩ Ý Lan, con gái của Thái Thanh, tức cháu gái của Thái Hằng
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, em trai của Thái Hằng, là ca sĩ Hoài Bắc của ban hợp ca Thăng Long.
Nghệ sĩ Phạm Đình Sỹ, anh trai của Thái Hằng
Phạm Đình Viêm, anh trai của Thái Hằng, là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.
Ca sĩ Tuấn Ngọc, chồng của Thái Thảo
Ca sĩ Mai Hương, con gái của Phạm Đình Sỹ, tức cháu gái của Thái Hằng



       Thời kháng chiến Nam bộ (1945–1946) ông chơi thân với Văn Cao, ngoài việc cùng ra vào chốn ăn chơi, ông và Văn Cao còn giúp nhau trong phương diện sáng tác (chẳng hạn một số ca khúc của văn cao do ông đặt lời, như bài Bến Xuân). Những nhạc phẩm đầu tay của ông có nhiều hùng ca: Gươm tráng sĩ, Chinh phụ ca, Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh, Nợ xương máu... Bên cạnh đó còn có nhạc tình lãng mạn, trong đó có nhiều bài giúp ông trở nên nổi tiếng: Cây đàn bỏ quên, Khối tình Trương Chi, Tình kỹ nữ, Tiếng bước trên đường khuya...
                   Năm 1947, Phạm Duy bắt đầu sáng tác nhạc âm hưởng dân ca với mong muốn xâm nhập sâu vào chốn thôn quê hơn, từ đó cho ra đời nhiều bài mà ông gọi là "Dân ca mới", rất được đông đảo quần chúng yêu thích: Nhớ người thương binh (1947), Dặn dò, Ru con, Mùa đông chiến sĩ, Nhớ người ra đi, Người lính bên tê, Tiếng hát sông Lô, Nương chiều... Những bài này được ông sáng tác dựa trên 2 tiêu chí:
Nét nhạc vẫn dùng âm giai ngũ cung cố hữu nhưng áp dụng nhạc thuật chuyển hệ làm cho giai điệu không nằm chết trong một ngũ cung nào đó như trong dân ca cổ mà chạy dài trên nhiều hệ thống ngũ cung khác nhau;Lời ca tuy nằm trong thể thơ lục bát, nhưng có nhiều khi được biến thể, do đó tiết điệu cũng theo âm tiết của lời ca mà trở nên phong phú hơn
-                                                Từ năm 1948, bên cạnh những bài có sắc thái tươi vui như: Gánh lúa, Đường ra biên ải... Ông có sáng tác thêm một thể loại mới: nói về sự đau khổ của những người sống trong chiến tranh. Những bài như: Bao giờ anh lấy được đồn tây (sau đổi thành Quê nghèo), Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Mười hai lời ru... đều có hình ảnh làng quê và người dân quê nghèo khổ.
Những bài hát này tuy được quần chúng yêu thích và phổ biến rất rộng rãi, nhưng do nói về sự bi, sự khổ mà Phạm Duy bắt đầu bị sự chỉ trích của cấp trên thời kháng chiến, ông bèn về miền Nam để tự do sáng tác. Năm 1952, bài Tình hoài hương ra đời, khởi xướng cho xu hướng sáng tác "Tình ca quê hương", sau đó là Tình ca; hai bài này được yêu thích từ Nam ra Bắc và nằm trong những tác phẩm tiêu biểu nhất nói về quê hương, với những câu như: "Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất, lúc tan chợ chiều xa tắp, bóng nâu trên đường bước dồn, lửa bếp nồng, vòm tre non làn khói ấm hương thôn" (trong Tình hoài hương), "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi! tiếng ru muôn đời" (trong Tình ca).
                          Tiếp đó ông trở về thể loại dân ca mới với những bài Đố ai, Nụ tầm xuân, Ngày trở về, Người về, Tình nghèo... Bên cạnh đó là Thuyền viễn xứ, Viễn du nói về sự chia lìa quê hương. Bài Hẹn hò nói về sự ngăn chia đôi lứa, ông dùng nhạc ngũ cung giọng Huế. Ngoài ra còn có: Xuân ca, Dạ lai hương, Xuân thì... Năm 1954, ông chuyển từ nhạc tình ca quê hương sang tự tình dân tộc, soạn ra Bà mẹ quê, Em bé quê, Vợ chồng quê, trong đó có Em bé quê với những câu đầu lấy trong sách giáo khoa Quốc Văn, được trẻ con thuộc như bài đồng dao.
-       Sau khi sang Pháp du học âm nhạc, ông sáng tác thêm được nhiều bài giá trị, ban đầu vẫn là "Dân ca mới", lại có thêm nhiều tác phẩm ca ngợi tình yêu đôi lứa mà phổ biến nhất phải kể đến "Đừng xa nhau", "Ngày đó chúng mình", "Tìm nhau"...
                         Lúc này ông sáng tác tự do theo nhiều chủ đề, những bài hát như nói về tâm tưởng '"Chiều về trên sông", "Một bàn tay", "Tạ ơn đời", "Đường chiều lá rụng", "Nước mắt rơi"... được Thái Thanh, Kim Tước, Quỳnh Giao thể hiện thành công; nhất là ca sĩ Thái Thanh, em của Thái Hằng, tên tuổi của bà đã gắn liền với những tác phẩm "Dân ca mới" và nhạc tình của Phạm Duy.
                          Năm 1973, lúc Phong trào Nhạc trẻ lên cao, ông cùng với ca sĩ Thanh Lan và nhạc sĩ Ngọc Chánh đi dự Đại hội âm nhạc Quốc tế tại Tokyo, Nhật. Bản Tuổi biết buồn của ông được lọt vào vòng chung kết.
                      Tại Hoa kỳ, thời gian đầu ông sáng tác một số ca khúc nói lên nỗi buồn tha hương, cũng như đả phá chế độ tại Việt Nam, những bản nhạc đó được phổ biến trong băng nhạc Phượng Nga. Nhưng sau này ông sáng tác những bài tình ca trở lại. Đáng kể nhất trong thời gian ở hải ngoại là bộ Minh họa Kiều (phổ nhạc truyện Kiều), Trường ca Hàn Mặc Tử, Hương Ca (lúc đầu chỉ có 7 bài), ...
                         Sau nhiều lần về thăm quê hương. Phạm Duy chính thức trở về định cư tại Việt Nam ngày 17 tháng 5 năm 2005, với sự cho phép của chính phủ Việt Nam. Sự kiện này được truyền thông trong nước lẫn hải ngoại quan tâm đặc biệt. Báo chí Việt Nam nhận xét đó là "nhịp cầu nối quê hương với người Việt xa xứ", "niềm vui thống nhất lòng người", còn Phạm Duy nói cuộc trở về này là "lá rụng về cội". Bên cạnh đó, sự kiện này còn gặp phải sự phản đối của người Việt hải ngoại, vì họ cho rằng ông đã về phe cộng sản.
Công ty Phương Nam cũng nhân dịp này, đã đứng ra mua bản quyền toàn bộ nhạc phẩm của Phạm Duy trong vòng 10 năm với giá hơn 400 nghìn đôla.
                             Năm 2006, Phạm Duy tổ chức đêm nhạc mang tên "Ngày trở về" tại nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, đêm nhạc tổ chức quy mô hoành tráng, được công chúng đón nhận nhiệt liệt.
Nhiều đêm nhạc Phạm Duy khác với quy mô lớn tiếp tục diễn ra: Con đường tình ta đi, Ngày trở về tại nhiều tỉnh miền Trung, những đêm giới thiệu Minh họa Kiều tại miền Bắc.. Tháng 3 năm 2009, đêm "Ngày trở về" đã tổ chức thành công ở nhà hát lớn, Hà Nội, nơi ông sinh ra, "Xong buổi diễn, tôi mới thực sự là người về hưu" - ông phát biểu. Ngày 18 tháng 8 năm 2011 ban liên lạc họ Phạm tại Tp Hồ Chí Minh và công ty TNHH họ Phạm Phương Nam tổ chức đêm nhạc Họ Phạm với chủ đề: "Mọi trái tim - một tấm lòng" cũng mời ông và nhạc sỹ Phạm Tuyên tới dự.

Các sáng tác của Phạm Duy có thể chia ra làm nhiều loại:

Nhạc cách mạng: Sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nói lên sự căm giận của người dân quê đối với giặc cướp nước, phá làng. Tiêu biểu có thể kể: Bà mẹ Gio Linh, Mười hai lời ru, Chiến sĩ vô danh.
Nhạc quê hương: Một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông, gồm những bài ca ngợi quê hương đất nước, hình ảnh con trâu, đồng lúa, cái cày... Nhiều bài rất quen thuộc với người Việt: Tình ca, Về miền Trung, Tình hoài hương, Bà mẹ quê, Em bé quê...
Nhạc tình đôi lứa: Tình yêu là một đề tài lớn trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy. Nhạc tình có khối lượng nhiều nhất trong kho nhạc đồ sộ của ông, có thể kể những bài được giới trẻ trong nam ngoài bắc hát như Hẹn hò, Cỏ hồng, Ngày đó chúng mình, Cây đàn bỏ quên, Phượng yêu, Kiếp nào có yêu nhau, Đừng xa nhau, Mưa rơi, Đường em đi, Tôi còn yêu tôi cứ yêu, Trả lại em yêu, Giết người trong mộng...
Nhạc tâm tư: Ngoài viết về tình yêu trai gái, tình yêu quê hương, thì những sự suy tưởng cao siêu hay nhớ nhung buồn nản vẩn vơ cũng được Phạm Duy ghi lại thành nhạc, có thể kể đến Đường chiều lá rụng, Bên cầu biên giới, Chiều về trên sông, Dạ lai hương, Viễn du... Hay những bài nói lên tâm trạng phẫn uất trước nội chiến, cảm khái trước thế thời như: Huyền sử ca một người mang tên Quốc.
Trường ca: Những tác phẩm lớn khiến ông có một địa vị chắc chắn trong nền tân nhạc Việt Nam: Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam, Hàn Mạc Tử, sau này là Minh họa Kiều, bản trường ca dài nhất và hoàn thành lâu nhất của ông.
Rong ca: Gồm 10 bài sáng tác năm 1988: Người tình già trên đầu non, Hẹn em năm 2000, Mẹ năm 2000, Mộ phần thế kỷ, Ngụ ngôn mùa Xuân, Nắng chiều rực rỡ, Bài hát nghìn thu, Trăng già, Ngựa hồng, Rong khúc.
Đạo ca: Gồm 10 bài, phổ thơ của Phạm Thiên Thư vào thập niên 1970: Pháp thân, Đại nguyện, Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng, Quán thế âm, Một cành mai, Lời ru bú mớm nâng niu, Qua suối mây hồng, Giọt chuông cam lộ, Chắp tay hoa, Tâm xuân.
Thiền ca: Gồm 10 bài, sáng tác vào thập niên 1980: Thinh không, Võng, Thế thôi, Không tên, Xuân, Chiều, Người tình, Răn, Thiên đàng địa ngục, Nhân quả.
Tâm ca: Gồm 10 bài, thở than về những xáo trộn trong cuộc sống người dân miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ: Tôi ước mơ (thơ Thích Nhất Hạnh), Để lại cho em (thơ Nguyễn Đắc Xuân), Tiếng hát to, Ngồi gần nhau, Giọt mưa trên lá, Một cành củi khô, Kẻ thù ta (ý thơ Nhất Hạnh), Ru người hấp hối, Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe, Hát với tôi. Ngoài ra còn nhiều bài khác cũng theo hướng Tâm ca như Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Tôi còn yêu tôi cứ yêu.
Tâm phẫn ca: Sáng tác sau Tết Mậu Thân: Tôi không phải gỗ đá, Nhân danh (thơ Tâm Hằng), Bi hài kịch (thơ Thái Luân), Đi vào quê hương (thơ Hoa Đất Nắng), Người lính trẻ, Bà mẹ phù sa... Ngoài ra còn một số bài sáng tác cho phong trào du ca.
Tục ca, vỉa hè ca: Gồm những bài ca lời dung tục, chỉ có tác giả hát, không ca sĩ nào hát.

Bên cạnh những thể loại kể trên, còn có Tổ khúc Bầy chim bỏ xứ, Tị nạn ca nói về tâm trạng và sự khó nhọc của người ly hương; Hoàng Cầm ca phổ những bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm; Hương ca sáng tác khi ông về ở Việt Nam...

MỘT BÀI VIẾT HAY VỀ PHAM DUY


"Một nghìn bảy trăm cây số từ Hà Nội - Nguyễn Trương Quý

Lần trở lại Sài Gòn này, tôi có một lời đề nghị gần như là thách thức: viết về một nhân vật nổi tiếng. Thuận lợi thì có nhiều: ông được nhiều người hâm mộ; ông còn khỏe và nhất là minh mẫn, so với các nhân vật cùng thời thì ông quả là may mắn khi giữ được nhiều tư liệu về đời mình… Khó khăn có lẽ là ở tôi: tôi không phải người Sài Gòn, tôi không sống cùng thời hoàng kim của ông, tôi nghe nhạc của ông bằng những mỹ cảm của một thế hệ khác, không gian khác. Dù ông là người gốc Bắc, nhưng tôi vẫn không biết có thể coi ông là người gốc Hà Nội được không. Tính về số năm sống ở Hà Nội của ông còn ít hơn tôi nhiều.
Sài Gòn sau mười năm đầu thế kỷ 21 vẫn còn giữ được vài khu phố có kiến trúc thời thuộc địa, nhưng những kiến trúc phong cách “quốc tế” thời năm 60-70 thì đã xuống cấp. Căn bản là phong cách này bây giờ trên thế giới không còn được ưa chuộng và người ta thấy cũng xấu xí. Phong cách này gắn với thời hậu chiến ảnh hưởng của những kế hoạch tái kiến thiết và viện trợ, đề cao phô bày kết cấu bê-tông cốt thép, với những cột mảnh làm phân vị dọc mặt đứng và những tấm đan tô đá rửa làm ban-công. Khách sạn Caravelle mười một tầng ngày xưa giờ đã cải tạo thành phần dưới của tòa nhà hai mươi tầng với những chi tiết tân cổ điển. Những chung cư dọc đường Trần Hưng Đạo chỉ còn chờ phá đi xây lại. Những hàng cây sao gần trăm tuổi thì vẫn còn, vẫn thẳng tắp vươn lên bầu trời phương Nam xanh ngăn ngắt. Cây sao hàng gầy, nằm phơi ráng đỏ… Và nhạc của thời ấy vẫn còn được hát nhiều, may mắn hơn kiến trúc. Những bài hát lời lẽ chi tiết, vẽ nên cả không gian sống một thời: ngọn đèn hiu hiu, nỗi lòng cư xá… căn phòng nhỏ, cao ốc vô danh… Thời mà những tấm ảnh cũ in lại, có những cô gái mặc áo dài chiết eo đi với quần lụa đen, tóc uốn bồng lên, bình thản băng qua đường. Nhưng mà ai cũng có một thời, thời yêu anh em làm thơ, yêu em anh soạn nhạc.
Sài Gòn giờ càng ngày càng đông càng phát triển nóng đến nỗi báo “Tuổi Trẻ Cười” phải vẽ tranh biếm họa, gọi là Hòn ngập và Hòn nghẹt Viễn Đông. Buổi trưa tôi được rủ đi ăn cơm ở một quán dùng toàn đồ cũ, những bàn ghế và đèn đóm của thời những năm 60 – thì ra cái gì của phong cách quốc tế còn thì vẫn còn chứ không biến mất. Nhà thiết kế dùng những chi tiết gợi lại hình ảnh thời chiến: dây thép gai, tấm tôn dã chiến, lon sữa bằng nhôm đong gạo. Và giữa sảnh là một cái đài quay băng cối Akai. Nhạc thời cũ rền rĩ. Thấy đời mình là những đám đông, người chia tay nhau cuối đường.
Ở Sài Gòn cách đây vài năm có một cửa hàng chuyên bán băng nhạc cũ tên là Thanh Nhân ở 20 Nguyễn Huệ. Hiện giờ thì khu đó đã giải tỏa để xây khu cao ốc văn phòng cao cấp. Hiệu Thanh Nhân cậy thế có đủ nguồn nhạc cũ lúc công nghệ in đĩa chưa phổ biến, nên bán băng cát-xét đắt gấp đôi bình thường. Giờ tôi nghĩ hiệu này có còn tồn tại đi chăng nữa thì cũng không cạnh tranh được với đĩa lậu la liệt. Tôi đi bộ từ nhà sách Nguyễn Huệ ra đó mà chưng hửng. Dù sao thì cũng cảm giác như một quá khứ đã không còn.
Bạn tôi bảo, tưởng gì, muốn nghe thì sẵn. Hàng tối, ở các quán hát cho nhau, người ta vẫn miệt mài ca những kỷ niệm của họ. Năm nay, các phòng trà ca nhạc làm ăn thất bát. Người nhạc sĩ chuyên phối khí nhạc tiền chiến cũng chẳng có nhiều việc để làm. Các đĩa nhạc tiền chiến giờ cũng ra thưa thớt. Hãng phim Trẻ thì đã chấm dứt series videoNhững tình khúc một thời vang bóng từ bốn năm nay. Còn lại Phương Nam Phim vẫn kiên trì khai thác. Nhưng đời sống của dòng nhạc này muốn sống thì phải là sống dưới ánh đèn sân khấu, chứ không thể chỉ là cơm nguội khi đói lòng chốn phòng thu ra đĩa.
***
Ở Hà Nội vào gặp Phạm Duy, tôi chỉ chia sẻ được với ông một giọng nói Bắc, còn ngoài ra mọi thứ đều khác. Ngay cả giọng của ông cũng là để diễn đạt những ngôn từ có gốc từ một thời xa lắc, rồi trôi giạt mấy chục năm, một lối nói luôn rành mạch và khôn ngoan. Lối nói ấy rất chủ kiến và chắc, chứ không lộn xộn, hoang mang và “đang cấu trúc” in progress như thế hệ chúng tôi.
Ông mệt nên thay vì trả lời nhiều, ông bảo tôi đọc to lên những bài viết trong bản thảo cuốn sách ông mới viết về âm nhạc, thực ra là về những bài ông sáng tác trong cuộc đời mình. Đọc thành tiếng, tôi nhận thấy ông có tài diễn đạt ý tưởng một cách hấp dẫn và thông minh bằng một thứ văn viết tự nhiên như kể chuyện. Tôi nghĩ tới nhạc của ông, những bài hát để lại ấn tượng cho tôi về sự phong phú ngồn ngộn của ca từ, hát cũng là một cuộc trình bày ngôn ngữ. Những chữ sắc nhọn, gai góc, xù xì, cảm tưởng tự nhiên chủ nghĩa, xô đẩy nhau. Giết người đi, giết người đi. Giết người như loài bướm đong đưa… Trong căn phòng mười lăm mét vuông kín như bưng, chỉ có cái cửa sổ che rèm, một cái giường cùng lỉnh kỉnh đồ đạc như mọi căn phòng của người già bị bệnh, ông ngồi thu người trong cái ghế xoay giữa đống máy tính, máy in và loa nhạc, nhỏ nhoi và kín đáo. Bầu không khí buổi chiều khá ngột ngạt như sắp có giông, chỉ có tiếng tôi đều đều đọc những dòng viết của ông.
***
Tôi vẫn nhớ cảm giác đầu tiên khi nghe những ca từ gợi về một không khí bảng lảng xa xưa, những miền giáo đường với người tình Văn khoa. Những ca từ đem lại một đặc tính duyên dáng và lịch lãm, biến những địa điểm và không gian cụ thể như khung trời đại học, công viên chiều qua, chiếc cầu biên giới… thành lấp lánh của màu sắc kỷ niệm. Nó khác và mới lạ với đầu óc tư duy nặng về trực quan và thực tế của tôi cũng như nhiều người miền Bắc. Nó giống như một người vẫn khai trong lý lịch “Tôn giáo: Không” bước vào một nhà thờ, nhìn những vòm trần cao vút và tiếng kinh cầu ngân nga, mà bâng khuâng lạ lẫm.
Người Sài Gòn yêu rộng rãi những thể loại nhạc tình cảm, và tình ca lãng mạn một thời trở thành món ăn tinh thần của bao thế hệ. Có những người Hà Nội, hay đúng hơn là dân Bắc, nhiều khi quen một lối sống thực tế và cách nói năng chao chát, cho đó là “sến”. Tuy nhiên có hỏi ra thì mới hay, sến đối với họ là những gì khóc lóc nỉ non, chàng và nàng ly biệt, hay là ỉ eo bolero. Ai cũng biết nói vậy là nghĩ hẹp, nhưng chẳng phải là mới mẻ gì việc người ta bảo “sến như dân Sài Gòn”. Vấn đề là ở Sài Gòn người ta kiếm sống dễ hơn, thu nhập cao hơn, kinh tế phồn vinh nhất nước. Phồn vinh thật chứ không phải “giả tạo”. Một chiều mưa Sài Gòn như mọi chiều mưa, dạt vào mua cái áo mưa, chợt loáng thoáng bên tai… ngày nào đọc lại dòng thơ, mưa rơi, mưa rơi trên má… Bất chợt, những lời lẽ mùi mẫn nọ làm cho con đường nhiều lô cốt đỡ khó đi. Đường kẹt xe chết đứ đừ, ba bề bốn phía mấy cửa hiệu thời trang vẫn mở nhạc ầm ầm. Phố xá thênh thang đón chân tôi đến nơi này…
Người lái xe ôm khéo léo vượt qua con đường dài như bất tận đến qua trường đua Phú Thọ. Tôi xa ông không chỉ một nghìn bảy trăm cây số đi máy bay, không chỉ mười cây số từ trung tâm Sài Gòn bằng xe ôm (đi taxi thì khả năng bỏ xe lại bắt xe ôm rất cao), tôi vẫn xa ông ngay trong căn phòng này, như thể giữa tôi và ông có một cái hố chứ không phải là một viên gạch lát sàn vuông 40cm giữa hai cái ghế. Biết nói cái gì nữa nhỉ. À, ông có nick là “ông già hi-tech”, ông thích chơi công nghệ, từ máy tính đến các dụng cụ kĩ thuật số. Nhiều người mê ông thì mê như thánh sống, nói về ông cả buổi không cạn, viết hàng tập về tác phẩm của ông. Người lại bảo tôi đừng viết về ông, chẳng hay gì cái người phức tạp, viết đằng nào cũng khó xử cho mình. Nhiều người không ưa ông vì những sự lựa chọn và toan tính, lại càng không thích vì những phát ngôn nhiều khi gây hấn. Tôi đã đọc hồi ký của ông được in trong nước, những lời rất thông minh và biết lách qua những chỗ khúc mắc của thời cuộc và quan hệ. Con người của ông gần như chẳng còn ngóc ngách nào giấu cả. Ông có nói nhiều hơn về bản thân thì cũng như một người chơi bài ngửa. Con người ông thế nào thì dường như đã chẳng ngại ngần giấu diếm trong nhạc, trong phát ngôn và trong hành trình song hành với đời sống của bao nhiêu thế hệ – những nhân chứng cho một ca tốn khá nhiều giấy mực cho các bên phân xử. Chất liệu thì có đủ cả đấy, rõ ràng rành mạch, vậy mà mọi sự vẫn cứ u minh như phủ một màn sương huyền hoặc.
Ông khoe đĩa nhạc Thu Hiền hát 7 bài của ông. Tôi hỏi, ông có biết cái giọng luyến láy phát âm có màu sắc dân ca Nghệ Tĩnh này từng được người miền Bắc yêu thích lắm không? Ông chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi lại: “Thế à?” Rồi tôi lại nói về sự khác nhau giữa ca từ trong việc đặt lời cho những bản nhạc như Serenade của Schubert hay Trở về Sorriento của Curtis, và ông có biết là ở miền Bắc thịnh hành những bản lời khác… Câu trả lời cũng vẫn là ngạc nhiên, “thế à?” Ông bảo việc ca sĩ hát nhạc của ông bây giờ là do Phương Nam quyết hết, ông không biết việc tổ chức hát ra sao… Sau một hồi nói chuyện, tôi lấy làm nghi hoặc, chẳng lẽ ông lại như một người tách biệt với đời sống âm nhạc đương đại đến thế. Tự nhiên tôi như thấy, căn phòng này, không khí này, buổi chiều này, như cách ly xa vời vợi với kẹt xe, với lô cốt đường phố, với hàng cây ngoài kia, những cảnh trí từng là nguồn cảm hứng cho âm nhạc của ông.
Ông lấy đĩa nhạc mới ra. Không khí mềm dịu đi trong tiếng nhạc của một bài hát mà ông đã viết cho Hà Nội, nơi ông lớn lên: Mơ dạo xuân Hà Nội, phổ thơ Thảo Chi.
Mùa Xuân phơn phớt gió
Ngày Xuân ta lang thang
Bóng chàng không thấy đâu
Bơ vơ trên xứ lạ
Buồn vì Xuân đã mất
Một mùa Xuân mưa bay
Ước gì tay trong tay
Dạo chiều Xuân Hà Nội
Tôi lấy máy ảnh ra chụp. Ông ngồi ngả ra ghế, không hẳn thư thái cũng không hẳn suy tư. Ông đang nghĩ gì? Một đời của ông có phải là tròn đầy không, hay cuộc đời đó là của một kẻ lang bạt nhưng biết vun vén thích nghi hoàn cảnh. Mà hình như đấy cũng mang máng cuộc đời của bao người cất bước chân đi, không ấm chỗ nào bao giờ, mượn những chữ bóng bảy “giang hồ” để cho thi vị. Tình ái trong nhạc của ông cũng nhiều những mối tình qua đường, những trả hết cho người, cả những chua cay, ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi, một tiếng thương ôi, gửi đến cho người… Dù là nhạc tình hay nhạc xã hội, là đấy là một loại nhạc không dành cho những tâm sự tươi non, ngây thơ hoặc trong trắng. Nó là loại nhạc của người đã dày dạn, dù có đóng vai trẻ con hay thoát tục vẫn đầy nhục cảm. Từ một chi tiết, câu hát đưa đẩy ra cả một không gian mênh mang: Ôi tóc em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời. Cái nhục cảm vì tính chất tạm trú, “biết ra sao ngày sau”, nên càng cuống quýt, nghiến ngấu. Điều này khiến cho ở cấu trúc hình tượng, ông sai khiến ca từ bắt được những cách biểu đạt ngoa dụ, phóng dật. Những vật liệu bình thường, những sự việc bình thường, được gán tính cách, được nhân cách hóa, được đẩy tới cao trào theo kiểu luôn chuyển động không ngưng nghỉ: Yêu như loài ma quái, đi theo ai tới cuối trời, đi không thôi kêu gào, làm sao nói được tình tôi… Bao nhiêu người yêu nhau đã gặp được tình tự ấy trong chính đời mình.
Chiều xuân mưa bay Hà Nội, ông cũng mơ mang theo như bao người tha hương. Nhưng cơn mưa ấy là cơn mưa của một quá khứ, Hà Nội ngày ông trở về cũng là một Hà Nội khác xưa đến “một nghìn lần” như ông thừa nhận. Với tôi, ông là một người đã làm công việc của mình, đi qua cuộc đời bề bộn, với những toan tính sắp đặt để khẳng định chỗ đứng, có khi thành có khi bại. Một khi đã lên yên, chỉ có thể phóng đi, chấp nhận thị phi cùng những hậu quả không mong muốn. Cái sự bất chấp liều mạng của ông thời nào, nay có đầy ở những người Việt mới.
Ra khỏi căn nhà, tôi bước ra con đường trời mây vần vũ. Bên kia đường, trường đua ngựa vẫn đông nghìn nghịt người xem. Mai tôi về lại Hà Nội, tôi vẫn chưa biết phải bắt đầu viết ra sao."

* Những chữ in nghiêng là lời ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và Y Vân.


Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

DIỄN VĂN NHẬM CHỨC CỦA TỔNG THỐNG BARACK OBAMA


Tôi là FAN của OBAMA nên giới thiệu trên BLOG mình về buổi lễ này.





Thưa các bạn công dân:

Tôi đứng ở đây hôm nay cảm thấy mình nhỏ bé trước nhiệm vụ mà chúng ta phải đối diện, cảm thấy biết ơn niềm tin mà các bạn đã trao cho tôi, và ý thức được những sự hy sinh mà cha ông chúng ta đã phải gánh chịu. Tôi cảm ơn Tổng thống Bush về sự phụng sự quốc gia của ông, cũng như sự hợp tác và sự rộng lượng mà ông đã cho chúng ta thấy trong giai đoạn chuyển tiếp.

Bốn mươi tư người Mỹ đã nói lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Những lời thề này đã từng được nói lên trong những thời thịnh vượng dâng cao và hòa bình ngự trị. Nhưng lời thề này cũng thường được nói giữa những lúc mây đen bão cả. Vào những lúc đó, nước Mỹ có thể vững bước đi tiếp không đơn giản chỉ vì kỹ năng hay viễn kiến của những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, mà bởi vì Chúng ta như một Dân tộc đã luôn trung thành với những lý tưởng của tiền nhân, và luôn làm đúng theo tôn chỉ lập quốc.

Điều này trước nay đã là như thế. Với thế hệ người Mỹ hiện giờ nó cũng sẽ phải là như thế.

Việc chúng ta hiện đang ở giữa một cuộc khủng hoảng là một điều chúng ta hiểu rõ. Đất nước chúng ta đang ở trong một cuộc chiến chống lại một mạng lưới bạo lực và hận thù lan rộng. Nền kinh tế của chúng ta bị suy yếu nặng nề, hậu quả của cả lòng tham và sự vô trách nhiệm của một số người, nhưng cũng là hậu quả của sự thất bại chung của chúng ta khi có những lựa chọn khó khăn và khi chuẩn bị cho đất nước của chúng ta bước vào một thời đại mới. Người ta đã bị mất nhà, mất việc; các doanh nghiệp bị đóng cửa. Chi phí y tế của chúng ta quá cao; trường học của chúng ta không đáp ứng được việc học của quá nhiều người; và mỗi ngày mới lại mang đến thêm những bằng chứng mới rằng cách chúng ta sử dụng năng lượng làm tồi tệ hơn những khó khăn của chúng ta và đe dọa hành tinh của chúng ta.

Đây là những chỉ dấu của khủng hoảng, dù rằng để biết chắc chúng ta còn phải có số liệu và các chỉ tiêu thống kê. Một điều khác khó định lượng nhưng không kém phần quan trọng là sự suy giảm lòng tin trên khắp đất nước – nỗi sợ dai dẳng rằng sự sụt giảm vị thế của nước Mỹ là không thể tránh khỏi, và rằng thế hệ kế tiếp cần phải hạ thấp những kỳ vọng của họ.

Hôm nay tôi nói với các bạn rằng những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là có thật. Những thách thức này có nhiều và nghiêm trọng. Vượt qua những thách thức này không phải là việc dễ dàng có thể làm trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng xin hãy biết điều này, hỡi nước Mỹ - những thách thức này chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua. Ngày hôm nay, chúng ta cùng có mặt ở đây là vì chúng ta đã lựa chọn hy vọng chứ không phải sợ hãi, sự đoàn kết về mục đích chứ không phải mâu thuẫn và bất đồng.

Ngày hôm nay, chúng ta đã đến để cùng tuyên bố kết thúc thời của những lời phàn nàn lặt vặt và những lời hứa trống rỗng, những lời lẽ cáo buộc tranh tụng và những thứ giáo điều cũ mèm, những thứ mà đã quá lâu nay bóp nghẹt nền chính trị của chúng ta.

Chúng ta vẫn là một đất nước trẻ tuổi, nhưng như trong Thánh Kinh có nói, là đã đến lúc bỏ những trò con trẻ qua một bên. Đã đến lúc chúng ta cùng khẳng định tinh thần bất diệt của chúng ta; lựa chọn một lối đi lịch sử tốt hơn; để mang lên phía trước món quà quý giá, ý tưởng cao cả đã được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác: lời hứa của đấng Sáng tạo rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, đều tự do, và đều xứng đáng được có cơ hội mưu cầu trọn vẹn hạnh phúc của họ.

Khi tái khẳng định sự vĩ đại của đất nước của chúng ta, chúng ta cùng hiểu rằng sự vĩ đại không bao giờ là một thứ tự nhiên mà có. Người ta phải phấn đấu để có được nó. Hành trình của chúng ta chưa bao giờ là một hành trình của những ngõ tắt, hay chấp nhận chín bỏ làm mười. Hành trình đó chưa bao giờ là con đường dành cho những người hèn nhát – những người thích nghỉ ngơi hơn là lao động, hay những người chỉ tìm kiếm khoái cảm từ của cải và danh tiếng.

Ngược lại, con đường chúng ta đi là của những người dám chấp nhận rủi ro, những người dám làm, những người sáng tạo ra mọi vật – một vài người trong số đó được nổi tiếng tôn vinh nhưng khuôn mặt của đa số còn lại bị phủ khuất sau những nỗ lực lao động của họ, những người này đưa chúng ta tiến lên trên một con đường dài, gian khó tiến tới thịnh vượng và tự do.

Vì chúng ta, họ đã đóng gói chút tài sản ít ỏi và vượt qua các đại dương đi tìm cuộc đời mới.

Chính vì chúng ta, họ đã làm việc cật lực trong những xưởng thợ và định cư ở miền Tây; chịu đựng roi quất lên thân mình và xới cầy đất cứng.

Chính vì chúng ta mà họ chiến đấu và thiệt mạng, ở những nơi như Concord và Gettysburg; Normandy và Khe Sanh.

Hết lúc này qua lúc khác những người đàn ông và đàn bà này đã đấu tranh và hy sinh và lao động cho tới lúc bàn tay họ sưng tấy chỉ để chúng ta có được một đời sống tốt đẹp hơn. Họ nhìn thấy nước Mỹ lớn hơn là chỉ một tổng số của những tham vọng cá nhân; vĩ đại hơn mọi sự khác biệt về xuất thân hay tài sản hay phe nhóm.

Đây chính là cuộc hành trình mà hôm nay chúng ta tiếp tục đi. Chúng ta tiếp tục là đất nước mạnh mẽ nhất, thịnh vượng nhất trên Trái Đất. Vào lúc này nhân công của chúng ta có năng suất không kém gì trước khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu. Trí tuệ của chúng ta không kém phần sáng tạo, hàng hóa và dịch vụ của chúng ta được người ta cần đến không kém gì tuần trước hay tháng trước hay năm trước. Năng lực của chúng ta không hề sút giảm. Nhưng cái thời mà chúng ta đứng chỉ tay, thời bảo hộ cho những lợi ích hẹp hòi và thời trì hoãn những quyết định khó khăn – cái thời đó chắc chắn là đã qua rồi. Bắt đầu từ ngày hôm nay, chúng ta cần phải nâng mình đứng dậy, rũ bụi khỏi người, và bắt đầu công trình tái tạo nước Mỹ. Bởi vì bất kỳ ở đâu chúng ta nhìn thì ở đó đều có việc phải làm. Hiện trạng của nền kinh tế đòi hỏi phải có hành động, hành động phải nhanh và mạnh mẽ, và chúng ta sẽ hành động – không phải chỉ để tạo ra công việc mới mà còn để tạo ra nền móng mới cho tăng trưởng. Chúng ta sẽ xây đường và xây cầu, xây lưới điện và những đường truyền số liệu giúp nuôi sống nền thương mại của chúng ta và giúp gắn bó chúng ta. Chúng ta sẽ khôi phục vị trí xứng đáng của nền khoa học, và dùng những phép mầu của công nghệ để nâng cao chất lượng và giảm chi phí của y tế. Chúng ta sẽ nắm bắt năng lực của mặt trời và gió và đất để vận hành xe hơi và công xưởng của chúng ta. Và chúng ta sẽ biến đổi trường học và trường đại học của chúng ta để đáp ứng được những nhu cầu của một thời đại mới. Tất cả những điều này chúng ta đều có thể làm. Và tất cả những điều này chúng ta đều sẽ làm.

Phải nói rõ là sẽ có vài người đặt câu hỏi về tầm vóc những tham vọng của chúng ta, họ cho rằng hệ thống của chúng ta không đủ sức nâng đỡ quá nhiều kế hoạch lớn.

Trí nhớ của họ có lẽ không đủ dài. Bởi vì họ đã quên những gì đất nước này đã từng làm; những gì mà những người đàn ông và đàn bà tự do có thể đạt được khi trí tưởng tượng được gắn kết vào với một mục đích chung, và khi sự cần kíp được gắn kết vào với lòng can đảm.

Điều mà những người hoài nghi này không hiểu được là việc đất đã dịch chuyển dưới chân họ - rằng những tranh biện chính trị cũ kỹ làm mất thời gian của chúng ta bao lâu nay giờ không còn áp dụng được nữa. Hôm nay câu hỏi chúng ta hỏi không phải là chính quyền của chúng ta như thế là quá to hay quá nhỏ, mà là chính quyền có vận hành tốt không – liệu chính quyền có giúp đỡ các gia đình tìm được việc làm với mức lương hợp lý, sự chăm sóc sức khỏe mà họ có đủ tiền trả, một thời hưu trí mà trong đó người ta bảo lưu được phẩm giá của mình. Những chỗ nào câu trả lời là có thì chúng ta sẽ cố tiến lên thêm nữa. Những chỗ nào câu trả lời là không, thì các chương trình phải ngưng lại. Và những người nào trong số chúng ta có trách nhiệm quản trị những khoản tiền công cộng sẽ bị buộc phải gắn bó trách nhiệm – phải chi tiêu khôn ngoan, sửa đổi những thói quen xấu, phải làm mọi việc công minh như trong ánh sáng ban ngày – bởi vì chỉ có như thế thì chúng ta mới có thể khôi phục được lòng tin có tầm quan trọng sống còn giữa người dân và chính quyền của họ.

Câu hỏi bây giờ chúng ta hỏi cũng không phải là câu hỏi về việc thị trường là một thế lực tốt hay xấu. Năng lực của thị trường trong việc tạo ra của cải và mở rộng quyền tự do là không gì sánh nổi, nhưng cuộc khủng hoảng này lại gợi nhớ cho chúng ta rằng nếu không bị đặt dưới con mắt kiểm soát thì thị trường có thể lao ra khỏi vòng kiểm soát – và rằng một quốc gia không thể làm giầu được lâu nếu nó chỉ ưu tiên những người giầu có.

Sự thành công của nền kinh tế của chúng ta từ trước đến nay luôn phụ thuộc không phải vào kích thước của Tổng Sản lượng Quốc gia của chúng ta, mà phụ thuộc vào tầm với của sự thịnh vượng của chúng ta; vào khả năng của chúng ta mang cơ hội đến cho mọi trái tim sẵn sàng cố gắng – không phải vì lòng từ thiện mà vì đó là con đường chắc chắn nhất đạt tới sự thịnh vượng của chung chúng ta.

Về vấn đề tự vệ chung, chúng ta gạt bỏ cách đặt vấn đề tự vệ như là một lựa chọn giữa sự an toàn của chúng ta và những lý tưởng của chúng ta. Những Bậc Khai Quốc của chúng ta, khi đối mặt với những hiểm nguy mà giờ chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi, đã thảo ra một hiến chương bảo đảm nền pháp trị và quyền con người, một hiến chương được mở rộng ra bằng máu của nhiều thế hệ. Những lý tưởng đó hôm nay vẫn còn chiếu sáng cho thế giới, và chúng ta sẽ không bỏ rơi những lý tưởng đó chỉ vì lợi riêng của chúng ta.

Và tôi muốn nói tới một dân tộc và mọi chính quyền hôm nay đang theo dõi thời khắc này của chúng ta, từ những thủ đô vĩ đại nhất cho tới ngôi làng nhỏ nơi cha tôi đã sinh ra: rằng nước Mỹ là bạn của mọi quốc gia và của mọi người đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ tìm kiếm một tương lai của hòa bình và phẩm giá, và rằng chúng tôi đã lại sẵn sàng để một lần nữa làm người dẫn đường.

Hãy nhớ lại rằng những thế hệ trước đây đã hạ bệ chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa XX (cs J) không phải chỉ với hỏa tiễn và xe tăng, mà còn cả với những khối liên minh vững chắc và những niềm tin không lay chuyển. Họ hiểu rằng chỉ mình sức mạnh của chúng ta thì không đủ để bảo vệ chúng ta, cũng không đủ để cho chúng ta cái quyền muốn hành xử thế nào tùy ý. Thay vào đó, họ biết rằng sức mạnh của chúng ta sẽ lớn lên thông qua việc sử dụng nó một cách khôn ngoan; sự an toàn của chúng ta đến từ sự công minh trong lý tưởng của chúng ta, năng lực của những ví dụ chúng ta thực hiện làm gương, những phẩm chất được tôi luyện của sự khiêm nhã và kiềm chế.

Chúng ta là những người có trách nhiệm gìn giữ di sản này. Được chỉ dẫn bởi chính những nguyên tắc này một lần nữa, chúng ta có thể đối mặt với những mối đe dọa đòi hỏi những nỗ lực còn lớn hơn trước nữa – và cả sự hợp tác, sự thông hiểu lớn hơn nhiều nữa giữa các quốc gia. Chúng ta sẽ khởi đầu bằng việc rút lui một cách có trách nhiệm, trả lại Iraq cho cư dân của nó, và kiến tạo một nền hòa bình đắt giá ở Afghanistan. Với những người bạn cũ và cả cựu thù, chúng ta sẽ làm việc không mệt mỏi để làm giảm mối đe dọa hạt nhân, và quay ngược lại nhiệt kế của một hành tinh đang ấm dần lên. Chúng ta sẽ không phải xin lỗi ai về lối sống của chúng ta, và chúng ta cũng sẽ không lơi là bảo vệ lối sống đó, và đối với những kẻ đang cố cổ võ cho mục đích của chúng bằng khủng bố và giết hại người vô tội, chúng ta nói với các người rằng ý chí của chúng ta giờ mạnh mẽ hơn và không thể nào bị bẻ gẫy; các người sẽ không thể tồn tại lâu hơn chúng ta, và chúng ta sẽ đánh bại các ngươi.

Bởi vì chúng ta biết rằng di sản ghép nhặt của chúng ta là một sức mạnh chứ không phải là một điểm yếu. Chúng ta là một đất nước của người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo, của người Do thái giáo và người Ấn độ giáo, và của cả những người vô thần. Chúng ta được định hình bởi mọi ngôn ngữ và mọi nền văn hóa, được lấy từ mọi miền Trái Đất; và bởi vì chúng ta đã nếm trải vị đắng của nội chiến và sự chia rẽ phân biệt, và đã vươn mình lên từ thời đen tối đó mạnh mẽ hơn và đoàn kết hơn, chúng ta không thể không tin được rằng những hận thù cũ một ngày nào đó sẽ biến mất; những ranh giới bộ lạc sẽ bị xóa nhòa; và rằng khi thế giới trở nên nhỏ hơn thì cái gốc nhân ái chung của chúng ta sẽ hiện ra; và rằng nước Mỹ phải đóng một vai trò trong việc đón chào kỷ nguyên mới của hòa bình.

Đối với thế giới Hồi giáo, chúng ta tìm kiếm một con đường mới để tiến lên, dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau. Đối với những lãnh đạo trên khắp địa cầu đang muốn gieo hạt mâu thuẫn, hay đổ lỗi cho những phương Tây là gây ra những tệ nạn trong xã hội của họ - họ cần biết rằng nhân dân của họ sẽ phán xét họ dựa trên những gì họ có thể xây dựng nên chứ không phải những gì họ có thể phá đi. Đối với những người đeo bám lấy quyền lực thông qua những phương cách tham nhũng và lừa dối và sự bịt miệng những tiếng nói phản kháng, hãy biết rằng các vị đang đi ở bên lề trái của lịch sử; nhưng chúng tôi sẵn sàng đưa sang một bàn tay nếu như các vị sẵn lòng nới lỏng nắm đấm.

Đối với những người ở các nước nghèo, chúng tôi hứa sẽ làm việc cạnh các bạn để giúp cho đồng ruộng của các bạn sinh sôi và nước sạch có thể chảy; để cấp dưỡng cho những cơ thể đói ăn và những tâm hồn đói kiến thức. Và đối với những đất nước như đất nước của chúng ta đây có điều kiện đời sống no đủ, chúng ta nói rằng chúng ta không thể nào tiếp tục duy trì sự thờ ơ với những cảnh sống đau khổ bên ngoài biên giới của chúng ta nữa; và chúng ta cũng không thể tiếp tục tiêu thụ những nguồn tài nguyên của thế giới mà không thèm để ý gì tới hậu quả của việc đó. Bởi chưng thế giới đã thay đổi, và chúng ta phải thay đổi cùng với nó.

Khi chúng ta khảo sát con đường đang hiện ra trước mắt, chúng ta nhớ với lòng biết ơn ngưỡng vọng tới những người Mỹ can đảm, vào chính giờ khắc này, đang tuần tra những nơi sa mạc và núi non xa xôi. Họ có điều gì để nói với chúng ta hôm nay, giống như những vị anh hùng tử sĩ nằm bên nghĩa trang Arlington thì thầm qua nhiều năm tháng. Chúng ta tôn vinh họ không phải chỉ vì họ bảo vệ cho tự do của chúng ta, mà còn bởi vì họ là hiện thân của một tinh thần phụng sự; một sự sẵn lòng tìm kiếm ý nghĩa của đời sống trong một điều gì đó vĩ đại hơn chính bản thân họ. Và chính đó, vào chính thời điểm này – một thời điểm sẽ định hình cả một thế hệ - cái tinh thần phụng sự đó phải là tinh thần tràn đầy tâm trí mỗi chúng ta.

Bởi vì dù chính quyền có thể làm và phải làm nhiều tới đâu thì cuối cùng đất nước này vẫn phụ thuộc vào niềm tin và sự quyết tâm của những con người Mỹ. Chính là cái sự tử tế cưu mang người lạ khi đê bao chắn nước bị vỡ, sự vô tư bất vị thân của những người thà phải cắt ngắn bớt giờ làm còn hơn phải thấy một người bạn bị mất việc đã giúp chúng ta đi qua được những giờ phút đen tối. Chính là sự can đảm của người lính cứu hỏa lao mình vào cầu thang tràn ngập khói, và cả sự sẵn lòng của một người cha mẹ đơn thân tự nuôi đứa con của mình, quyết định số phận của chúng ta.

Những thử thách của chúng ta có thể mới. Những công cụ chúng ta dùng để đối mặt và vượt qua thử thách có thể mới. Nhưng những giá trị mà sự thành công của chúng ta phụ thuộc vào – sự cần cù và tính trung thực, sự can đảm và tinh thần chơi đẹp, sự bao dung và sự tò mò ham học, lòng trung và tinh thần ái quốc – những giá trị đó đều là cũ. Những điều này đều là thật. Chúng ta đã sức mạnh tiến bộ âm thầm trong suốt chiều dài lịch sử của chúng ta. Điều nhất thiết phải làm là phải quay lại với những sự thật này. Điều mà chúng ta được đòi hỏi bây giờ là một kỷ nguyên mới của trách nhiệm – một sự nhận thức của mỗi cá nhân người Mỹ rằng chúng ta có nghĩa vụ với chính bản thân chúng ta, với đất nước của chúng ta, và với thế giới, những nghĩa vụ không phải chúng ta lầm lì buộc phải chấp nhận mà là những nghĩa vụ chúng ta vui mừng nắm lấy, đứng vững trong hiểu biết rằng không có gì thỏa mãn tốt hơn cho tâm hồn, không có gì tôi luyện tốt hơn cho tính cách, là trao trọn bản thân chúng ta cho một nghĩa vụ khó khăn.

Đây là cái giá và lời hứa của quốc tịch.

Đây cũng là nguồn của sự tự tin của chúng ta – sự hiểu biết rằng Chúa Trời giao cho chúng ta phần trách nhiệm định hình một số phận bất định.

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Cuộc đời Nhạc sĩ Hoàng Hiệp




            Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (sinh ngày 1 tháng 10, 1931 - mất 9 tháng 1, 2013) là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với nhiều tác phẩm xuất sắc phản ánh chân thực chặng đường đi lên của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ 20. 

             Ông tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 01/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác từ năm 1948, tuy nhiên những tác phẩm thật sự để đời của ông chỉ xuất hiện trong những giai đoạn sáng tác sau đó vài thập kỷ.

          Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội cho đến 1975, ông đã viết hơn 100 bài hát, nhiều bài trong đó là những tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kì chống Mỹ như Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác.

          Sau 1975 Hoàng Hiệp trở về miền Nam. Ông về công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, sau chuyển sang Hội âm nhạc thành phố và một thời gian làm Tổng thư ký Hội. Dấu ấn của thời kỳ sáng tác này, bên cạnh những tình ca Con đường có lá me bay (1977), Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em (bài hát trong phim Tội lỗi cuối cùng) nổi lên một tác phẩm không chỉ là tâm sự của riêng ông về miền Bắc mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ký ức về thủ đô.
Những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ xúc động. Bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp là một tác phẩm đặc sắc, nếu không muốn nói là kinh điển, của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 về tình yêu thành phố bên bờ sông Hồng nơi qua đi một phần tuổi trẻ của tác giả. Đây cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về Hà Nội.
           Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói như: Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu...; nhạc cho các vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và Nghĩa; viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn... Ông còn là dịch giả cuốn Nhạc lý cơ bản của Spasspbine, và là tác giả của nhiều sách giáo khoa âm nhạc.
            Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 2007, vào tối chủ nhật ngày 2-12, có một chương trình được tổ chức để vinh danh ông. Chương trình nằm trong chuỗi chương trình Con đường âm nhạc, được tổ chức tại sân khấu Lan Anh, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3 Đài Truyền Hình Việt Nam.

Ông mất lúc 12 giờ 45 phút ngày 09 tháng 01 năm 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Các sáng tác của nhạc sĩ

Câu hò bên bờ Hiền Lương
Chiều ấy
Con đường có lá me bay
Cô gái vót chông
Đánh mất
Đất quê ta mênh mông
Đồng đội
Em vẫn đợi anh về
Hoa hồng
Khúc thơ tình cho người lính biển
Lá Đỏ
Mùa chim én bay
Ngọn đèn đứng gác
Nhớ về Hà Nội
Nơi anh gặp em
Phố tôi có một anh chàng
Sao anh không kể
Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây
Thành phố tôi yêu
Trở về dòng sông tuổi thơ
Về phía ấy tình yêu
Vào lăng viếng Bác
Đất mũi Cà Mau




VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...