Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên

Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành
TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những suy nghĩ của nhà báo, NAG Hữu Thành, một người rất thích ngao du với chiếc máy ảnh bên mình, khám phá kỹ lưỡng những tư duy, cách diễn tả của ông theo một sự ủy nhiệm và thành kính. Đấy là album ảnh đen trắng chụp ở vùng cao Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Nguyên và Tây Bắc. Tôi xem kỹ tất cả những bức ảnh và cố gắng diễn giải bằng ngôn từ những gì chúng gợi cho tôi để cảm xúc, suy nghĩ và hiểu. 





Ảnh của ông không phải là cái gì đó bí ẩn, hư ảo và phi lịch sử của sự hiển diện và ngưng đọng. Mỗi bức ảnh của ông như một thứ nghệ thuật của phương thức thông tin về con người, một vùng đất, như một cuộc nói chuyện gắn liền với những quan hệ xã hội cụ thể. Ảnh của ông thực sự có giá trị vì nó không chỉ là một cái nhìn bất chợt vào thế giới. Dáng vẻ riêng, cách diễn giải riêng, Hữu Thành linh cảm được và đánh giá đúng đối với từng khung hình cá biệt dựa trên khía cạnh hiện thực. Ngoài ra ông có khả năng ghi lại ở một dạng thái tác động được đến tình cảm con người, qua đó làm tăng thêm hiệu lực của thông tin bằng ảnh. Làm được điều này không chỉ đòi hỏi tài năng, sự hiểu biết mà còn đòi hỏi người cầm máy có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tác. Với ông “nghệ thuật vị nghệ thuật” dường như chỉ để chơi chứ không có lý do tồn tại hữu dụng. Tính tài liệu trong ảnh của ông mang lại một ưu điểm lớn là giúp độc giả hình dung ra sự việc một cách chính xác nhất. Ví dụ như bức ảnh  “Người đan giỏ” (6), “Dệt vải” (34), thậm chí cả với những bức ảnh chân dung như “Trang phục gái H’mông” (35), ngồn ngộn những chi tiết có tính tư liệu, người xem chỉ cần nhìn vào ảnh là nhận thức được nội dung của nó.
.
Những bức ảnh của ông đem lại cho người xem cách nhìn mới vào chính những khía cạnh rất quen thuộc của cuộc sống. Trong bộn bề công việc hàng ngày, người ta nhiều khi không có thời gian nhận ra những sự việc thông thường nhưng rất đáng quan tâm, như bức ảnh “Đá cầu” (42) hay “Người quản tượng” (102). NAG Hữu Thành đã thực sự để lại dấu ấn riêng của mình trong album này bằng cách nêu bật lên những hình ảnh buộc độc giả phải suy nghĩ về số phận con người, vùng đất mà ông đã đi qua.  









Ảnh của HT luôn muốn truyền đạt đến người xem một ý tưởng nào đó. Thông thường cuộc sống diễn ra trước ống kính đều có khía cạnh khách quan và chủ quan: Theo khách quan thì nhà nhiếp ảnh dùng phương pháp miêu tả. Còn theo chủ quan thì nhà nhiếp ảnh cố gắng thể hiện được quan điểm của mình và tìm cách ảnh hưởng đến độc giả. Xem ra Hữu Thành khá khôn ngoan, ông lợi dụng cả hai, dùng thực tế để diễn tả theo cách của mình. Vì thế dù chụp đã lâu mà những bức ảnh của ông vẫn tươi rói mà không hề đông cứng. Một loạt những bức ảnh ở trần của các cô gái dân tộc cho thấy NAG Hữu Thành có khả năng thể hiện nhiều ý tưởng khác nhau về cùng một để tài. Cứ tự nhiên như vốn là vậy, người ta không ồ lên bởi vẻ đẹp bóng bẩy, được chăm chút, nuôi dưỡng công phu, choáng ngợp nhưng xa lạ. Xem những tấm ảnh bán thân của ông ta cảm nhận một vẻ đẹp quen thuộc, gần gũi, để lại trong lòng một hoài niệm hoang sơ, dâng hiến và trong veo như nước suối nguồn (84, 125, 126). Trong phạm vi miêu tả thực tế NHT luôn tránh những yếu tố thừa. Ông thường dùng ánh sáng, bố cục, tạo ra một độ căng nhất định, kích thích óc tưởng tượng của người xem. Nhà nhiếp ảnh HT làm việc này rất khéo, không mất vẻ phóng khoáng tự nhiên của ảnh mà hình thức của hình ảnh dựa trên sự tổng hợp giữa bố cục đường nét, và bố cục ánh sáng cứ quyện vào nhau (74).
Tác giả Nguyễn Hữu Thành


.



Trong bộ ảnh này nhà nhiếp ảnh HT hay dùng nhiều hậu cảnh để khắc họa cuộc sống của đối tượng. Bối cảnh của ông cũng tham gia vào câu chuyên để kể về chủ nhân của mình, làm rõ thêm tính cách của nhân vật (46). Nhằm mục đích truyền cảm hứng ông thường lựa chọn điểm nhấn của khuôn hình chính là phong cách sống của từng cá nhân được đề cập, vẽ lên những mong muốn từ cuộc sống hàng ngày (20, 72). Nếu như trong ảnh “Hai bà mẹ” (104) ông sử dụng những khoảng nét sâu cho mục đích sáng tạo để đạt được những hiệu quả có sức diễn cảm thì “Mẹ và bé” (37), “Tình yêu trên lưng” (81), ông lại sử dụng phối cảnh hình học với bố cục đường nét của bức ảnh để diễn giải.
.


Khi chụp chân dung ông vẽ nên những nét cá tính, thể hiện tầng lớp xã hội cũng như nghề nghiệp mà nhân vật gắn bó trên nét mặt, cử chỉ và dáng điệu. Khi chụp ông trung thành tìm kiếm môi trường tự nhiên của nhân vật nhằm nâng cao giá trị thông tin bằng những chi tiết mà người xem cảm thấy rất thích thú. Ảnh “Người đàn bà đeo kính” (28), trọng tâm bức ảnh là khuôn mặt, chiếc kính đeo trễ, một bên là sợi dây thay cho chiếc gọng kính bị mất rất tự nhiên, thể hiện rất biểu cảm cá tính và tâm trạng của đối tượng. Bức ảnh “Người con gái H’mông” ông lại lấy đặc điểm trang phục làm điểm nhấn (35). Còn đến “Người đàn bà chăm bò” (72), “Thiếu phụ cõng con” (93), hay “Ông già Tây Nguyên” (101), NAG Hữu Thành lại phát hiện những khoảnh khắc mà nhân vật của ông đang làm những công việc biểu đạt cho hoạt động cá thể của họ để khắc họa làm cho chúng trở nên đặc biệt sống động.



. 
.
Bộ ảnh “Vùng cao” như một minh chứng cho “Hạnh phúc nằm trong những điều thật giản dị”. Thả mình, miên man theo dòng ảnh của NAG Nguyễn Hữu Thành tôi lại nghĩ đến quan điểm về “Chủ nghĩa hậu hiện đại”. Một số nhà phê bình nhận định rằng: Trong thời kỳ này tài năng cá nhân, sự tự do, khả năng tạo ra cái mới có sức thuyết phục cao là cơ sở độc nhất và quý giá cho nghệ thuật nhiếp ảnh tỏa sáng. Tôi thấy ông ở trong lớp người này!  





Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Phà Tắc Cậu


Lang thang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong những điều mà tôi ấn tượng nhất là những con phà qua sông. Có lẻ đây là đặc điểm đáng yêu nhất của xứ sở đất Chín Rồng. Trong nhiều con phà tôi đã đi qua nhiều lần như Cần Thơ, Vàm Cống, Cổ Chiên, Châu Đốc, tôi thích nhất vẫn là Phà Tắc Cậu
            Đây là bến phà duy nhất ở miền Nam chạy dọc dòng ( không chạy ngang) sông nhỏ  Xẻo Rô  và băng ngang cùng một lúc 2 con sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là trung tâm của vùng mà dân gian thường gọi là “ Miệt Thứ “ của  đất trời U Minh Thượng. Tôi thích bài thơ của Mạc thế Nhân
 Tôi gặp em khi xuống phà Tắc Cậu
Trên tay em trĩu nặng bắp khoai mì
Tôi hộ xách em rụt rè mắc cỡ
Dáng thơ ngây của thôn nữ hiền lành

Tôi gặp lại em vùng sâu xa quá
Cha mẹ già, nhà lá cột siêu cong
Gạo không đủ phải độn thêm mì chuối,
Muối hột, sả bầm cố nuốt cũng trôi!

Tôi gặp em qua những lần từ thiện
Một xã nghèo ruộng lúa thất quanh năm
Ngày bắt ốc, hái rau đem ra chợ
Được đồng tiền em cực khổ tấm thân

Quà phát xong, đoàn đi em đưa tiễn
Tôi nhìn em lưu luyến gái ruộng đồng
Chiếc nón lá, khăn rằn em che mặt
Sợ nắng trời đen hoặc xấu da em!










Biết trước khi những cây cầu mới cầu vượt sông Cái Bé và Cái Lớn, phà Tắc Cậu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó và chấm dứt sự tồn tại . Tôi vì tiếc nuối nên ngày này 9 năm trước ( 2011) tôi đã chụp những bức ảnh này.

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

GÀNH HÀO - NƠI TÔI ĐÃ ĐẾN…..

                 Suốt thời công tác phía Nam, tôi chưa một lần đến địa danh Gành Hào, mặc dù lời tiếng hát của ca sĩ Phi Nhung bài “ Đêm Gành hào nghe giai điệu Hoài Lang “ cứ thúc giục tôi….Cho tới một hôm, tôi đã đến được xứ Gành Hào nên trong lòng rất toại nguyện, bởi ít nhất tôi đã một lần đến để xem đất và người xứ này, nơi đã làm rung động một người nhạc sĩ xứ Quảng Nam- Vũ Đức Sao Biển. Tôi cùng bè bạn dạo quanh một vòng và ghi lại vài tấm ảnh với mục đích gởi gắm lòng mình trên blog cá nhân…



Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thị trấn Gành Hào nằm cạnh con sông Gành Hào - tên gọi một con sông chảy qua hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Con sông bắt đầu từ thành phố Cà Mau bởi dòng nước từ các kênh Phụng Hiệp, kênh xáng Cà Mau-Bạc Liêu và sông Giống Kè hợp lưu. Sông Gành Hào đổ về hướng nam, đến ngã ba ranh giới giữ thành phố Cà Mau, huyện Đầm Dơi và huyện Cái Nước sông đổi sang hướng đông làm thành ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Đầm Dơi và Đông Hải (Bạc Liêu) và đổ ra biển Đông tại cửa Gành Hào





 Có thể nói sông Gành Hào là đầu mối giao thông và cũng là đầu mối giao lưu kinh tế giữa các dòng sông, kinh rạch, giữa các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Con sông là nơi tập trung nhiều nhất các loại phương tiện giao thông đường thủy. Mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện - nào là tàu đò, ca-nô cao tốc, đò máy, đò chèo, ghe lườn... tấp nập ngược xuôi chở hành khách và hàng hóa đến với các địa phương và ngược lại từ các địa phương các phương tiện chở người và hàng hóa cùng hướng về sông Gành Hào để đến với TP Cà Mau.



 Với những vẻ đẹp tự nhiên của sông Gành Hào, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong những năm làm giáo viên tại đây đã sáng tác nên bản nhạc” Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, là một trong những tác phẩm hay nhất của ông cũng như một trong những tác phẩm âm nhạc trữ tình quê hương miền Tây


Lời bài hát: Đêm Gánh Hào Nghe Điệu Hoài Lang


Ca sĩ: Phi Nhung, Nhạc sĩ: Vũ Đức Sao biển

Dưới trăng dòng sông trôi rất dịu dàng 
Như dải lụa vàng xuôi về phương đông
Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang
Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm
Xề u xế u liu phạn 
Dây tơ đàn kìm buông thiết tha
Xề u xế u liu phạn 
Đưa cung đàn về trên bến xa

Đường dù xa ong bướm xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
(Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang)
Lời ai ca dưới ánh trăng này 
Rừng đước mênh mông đêm Gành Hào chợt thương nhớ ai
Ngày ấy ra đi con sông buồn tím một dòng trôi
Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng ai
Thuở ấy thanh xuân trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng




Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng với “Biển trong chúng ta “

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh MỸ DŨNG
Gần đầy nhất tôi có 2 lần gặp Nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng. Một ở Đà Nẵng và một ở Phan Thiết khi anh đang trên đường thực hiện dự án “ Biển trong chúng ta”. Cả 2 lần đều vội vội vàng vàng nên không có thời gian tâm sự nhiều. Nhưng chúng tôi là những người quen biết nhau vì cùng thời chơi nhiếp ảnh chỉ có điều ở 2 nơi xa lắc. Không có dịp vào sài gòn tham dự triển lãm  chia vui cùng anh đành chỉ theo dõi trên mạng, trên báo chí. Sáng nay đọc bài “Nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng và những trăn trở về biển và ngư dân Việt Nam” đã thích thú. Tôi cho rằng nhiếp ảnh Nghệ Thuật Việt Nam hiện đang quá thiếu những nhà nhiếp ảnh có tầm cở tư duy như Mỹ Dũng. Triển lãm của ảnh đã một lần nữa minh chứng cho một lối chơi ảnh lấy hiện thực làm gốc vì  những bức  ảnh phản ánh cuộc sống về biển Việt Nam của anh đầy ắp hơi thở cuộc sống và mang tính thời sự cao,đồng thời nó cũng như một tiếng chuông vang vọng với mọi người là hãy lo lắng cho hiện trạng biển của VN. Tôi phải cảm ơn anh Mỹ Dũng cho xem bộ ảnh ( dù chỉ trên mạng). Tôi xin chỉa sẻ bài viết trên https://thanhlab24.blogspot.com/ để chúc mừng Mỹ Dũng…..


NAG Mỹ Dũng tại không gian trưng bày

BÌA CUỐN SÁCH


Nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng với “Biển trong chúng ta “

'Biển trong chúng ta'của Mỹ Dũng là những bức ảnh đen trắng chụp 'các câu ca dao' về ngư dân Việt Nam từ Móng Cái cho đến Cà Mau, mỗi bức ảnh là niềm trăn trở của người nghệ sĩ về thân phận lênh đênh của người dân làng chài.





Khai mạc vào sáng ngày 15.6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm “Biển trong chúng ta” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng đã tạo nên sự chú ý trong công chúng phương Nam. Sau 2 ngày trưng bày, triển lãm đã thu hút hàng trăm lượt người đến xem và cảm nhận về tác phẩm của anh. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 20.6.2019.

90 tác phẩm ảnh đen trắng được trưng bày lần này là thành quả của hơn bao năm lao động sáng tạo miệt mài của Mỹ Dũng. Để có những tác phẩm chân thực sinh động và đang dạng, Mỹ Dũng đã có chuyến hành trình xuyên Việt theo dọc bờ biển từ Cà Mau đến Móng Cái trong suốt một thời gian dài từ năm này qua năm nọ.

 


Nụ cười của người ngư dân qua góc nhìn của Mỹ Dũng



Biển của Mỹ Dũng là những khoảnh khắc tuyệt đẹp tỉnh lặng của phong cảnh bãi bờ nhưng cũng sục sôi như con sóng bạc đầu vỗ tung gành đá. "Biển trong chúng ta - Biển của Mỹ Dũng" gần như chuyển tải tất cả niềm vui nỗi buồn, thân phận lênh đênh, lo toan nhọc nhằn, nụ cười nước mắt của những người ngư dân suốt đời sống nhờ vào biển. Xem ảnh của Mỹ Dũng chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi còng lưng, trên vai là đôi quang gánh đi dọc bãi biển vào buổi trưa, những làng chài vắng lặng, con thuyền thúng nằm lặng lẽ bên rặng phi lao, người ngư dân nằm dài trên thuyền phủ lưới trong mùa biển động, những cây nhang lạnh lẽo ai đó thắp theo dọc triều sóng để tưởng nhớ những người ra biển rồi không bao giờ trở về...








NAG Mỹ Dũng tại không gian trưng bày "Biển trong chúng ta" ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Công chúng đang thưởng lãm ảnh của Mỹ Dũng

Thế nhưng, ảnh của Mỹ Dũng không chỉ là mảng đơn sắc. Bên cạnh những trăn trở, nỗi niềm là những khoảnh khắc tuyệt đẹp và sống sinh động về người dân miền biển. Đó là nụ cười của anh ngư phủ khi được mùa cá, ánh mắt rạng rỡ của em bé khi thấy cha từ biển trở về, là hình ảnh đẹp và đầy lãng mạn của người thiếu nữ đang ngồi dệt lưới, là tiếng reo hò của ngư dân khi cá nặng lưới đầy…

Vốn là người được sinh ra từ làng chài có truyền thống lâu đời về nghề biển ở miền Trung (làng chài Nam Thọ,Thọ Quang, Đà Nẵng), vì vậy góc tiếp cận và cách khai thác đề tài của Mỹ Dũng cũng có một sự khác biệt so với những đồng nghiệp khác. Trong tác phẩm của mình, anh vận dụng tối đa những câu ca dao tục ngữ, thành ngữ về nghề biển một cách sinh động.





Trong triển lãm lần này, đa phần tác phẩm của Mỹ Dũng là những bức ảnh mang theo những câu ca dao quen thuộc về nghề biển được anh hình tượng hóa bằng nghệ thuật nhiếp ảnh đầy ẩn dụ. Người xem ảnh của Mỹ Dũng không thể không thích thú với những tác phẩm với phần chú thích bằng ca dao như: “Làng tôi nghề biển nghề sông/ Những hôm trời lặng cá trong cá ngoài”, “Ngủ đi cho mẹ đi mò/ Tôm rang đầy chảo, cá kho đầy nồi/ Ngủ đi cho mẹ đi hôi/ Cá nấu đầy nồi chị múc em ăn” , “Ai về nhắn với bạn nguồn, mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”…



Ngoài những gì được thấy trực diện bằng thị giác, ảnh của Mỹ Dũng còn ẩn chứa nhiều thông điệp cảnh báo môi trường và khát vọng của anh về một cuộc sống bình yên no ấm, lẽ phải công bằng cho người dân vùng biển.


“Gần 3 năm lăn lộn từ Nam ra Bắc, có lúc tôi xém bị ngư dân đánh, do tưởng nhầm tôi là nhà báo, họ chửi tôi nhắm mắt làm ngơ trước chuyện mất biển, chuyện môi trường bị ô nhiễm. Ngư dân mỗi vùng miền có khác nhau, miền Trung sung túc hơn miền Bắc, miền Nam thì rất nghèo. Nhưng rất buồn là trong câu chuyện chung của họ gần như không có hứa hẹn gì về tương lai tươi sáng, đa phần khuyên con cháu lên bờ tìm việc khác. Nhiều ngư trường đang vắng người Việt, nhiều làng nghề đang dần phá bản - đốt bỏ ghe thuyền - để giải nghệ. Tôi như chụp ngư dân những thế hệ cuối cùng”. Mỹ Dũng tâm sự.

Thành Điện Hải (ĐN) -2015


Xem triển lãm ảnh của Mỹ Dũng, chúng ta sẽ nhận ra rằng những tấm ảnh không dừng lại ở tác phẩm tác nghệ thuật mà mỗi bức ảnh là tiếng kêu tuyệt vọng trước số phận của biển, thân phận của con người đang trở nên mong manh trước sự tàn phá của thiên tai và nhân tai.




Nguồn : Báo “Một Thế Giới” ngày 17/06/19 . ( Tiểu Vũ)




VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...