|
Tác giả NGUYỄN THÀNH |
“ Liên hoan ảnh nghệ thuật các khu vực là một
trong những hoạt động nổi bật nhất của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ( VAPA)
trong nhiều thập kỷ qua. Từ những cuộc Liên hoan này, đã cho ra đời hàng trăm
tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật xuất sắc cũng như sự xuất hiện rất nhiều nhà nhiếp
ảnh thành danh cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây rõ ràng
đã có những dấu hiệu “ đi xuống “ từ những
cuộc chơi này. Biểu hiện của nó là những tác phẩm xuất sắc đa số là không mới,
sao chép ý tưởng, thậm chí đã xuất hiện những nhận định ảnh của VAPA bây giờ quá " MÒN". Tôi được biết, đây là nổi
lo lắng thật sự của VAPA hiện nay.
Tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn
Thành trên Tạp chí Nhiếp ảnh số tháng 6/2015 về Liên hoan ảnh nghệ thuật Sông Hồng lần thứ 18. Đây là bài viết hay và có cái nhìn khái quát
về thực trạng Liên hoan ảnh Khu vực mà tôi muốn những người yêu ảnh cần đọc để
tham khảo….”
Nguyễn Thành
Đề tài “Đồng bằng sông Hồng - Tiềm năng và
phát triển bền vững” của cuộc Liên hoan nhiếp ảnh của các tỉnh đồng bằng sông Hồng
tạo ra sân chơi chung để các nhà nhiếp ảnh sáng tạo các tác phẩm thể hiện vẻ đẹp
thiên nhiên, đất nước, con người, những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật,
an sinh xã hội… trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; những tấm
gương điển hình tiên tiến, những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng
bào các dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng bằng
sông Hồng là vùng đất rộng lớn, nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng được coi là
cái nôi của nền văn minh lúa nước với nhiều nét văn hoá riêng, các lễ hội, hệ
thống đình, chùa gắn liền với không gian làng Bắc bộ. Nơi đây có bề dày lịch sử
hàng nghìn năm với văn hoá Đông Sơn, văn hoá Hoà Bình rực rỡ đã bồi đắp nên một
vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Đặc điểm văn hóa nổi bật nhất của vùng chính
là sự phân trộn văn hóa do cư dân từ các khu vực khác dồn đến và gắn bó chặt chẽ
với quá trình khai hoang các vùng bãi triều, trong đó có sự đan xen giữa Phật
Giáo và Công giáo. Đời sông tinh thần được đánh dấu bởi nghệ thuật rối nước
Làng Nguyễn hay chiếu chèo Làng Khuốc ở Đông Hưng – Thái Bình; múa đèn của Mai
Diêm - Thái Thụy. Nơi đây, các làng quê thuần Việt còn chứa đựng rất nhiều các
giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể nhất Việt Nam như ca trù, quan họ... Các lễ
hội diễn ra quanh năm, nhiều công trình kiến trúc cổ, cảnh quan thiên nhiên kỳ
thú và phong tục tập quán mang đậm dấu ấn của làng quê thuần Việt. Hơn thế nữa
nơi đây còn có hàng loạt khu công nghiệp như: Như Quỳnh, Phố Nối (Hưng Yên), Đồng
Văn (Hà Nam), Tam Điệp (Ninh Bình), Lộc Hạ (Nam Định), Quế Võ (Bắc Ninh), Nam
Sách, Phú Thái (Hải Dương)…
Với 1499 tác phẩm gửi về tham dự, Ban tổ chức chọn
được 139 tác phẩm trưng bày triển lãm và trao tặng 1 huy chương vàng, 3 huy
chương bạc, 4 huy chương đồng, và 6 giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc
nhất. Huy chương vàng thuộc về tác phẩm “Đại dương vẫy gọi” của tác giả Nguyễn
Huy Kiên (Hải Phòng). Dưới lăng kính của những nhà nhiếp ảnh, vẻ đẹp non nước
quê hương được tái hiện qua các tác phẩm: “Một thoáng Tràng An” của Bùi Duy Tư
- Ninh Bình; “Ngũ lân tranh hùng” của Vũ Tuấn Khanh - Nam Định; “Giăng tơ” của
Lương Thế Tuân - Hà Nam; “Đồng điệu làng quê” của Bùi Đức Đồng; “Ngã 5 thành phố”
của Nguyễn Đại Thắng; “Trong nắng mai” của Vương Khánh Hồng, “Quê tôi” của Nguyễn
Đức Toàn (Hải Dương), “Ánh tơ” của Dương Văn Tăng (Hưng Yên), hay “Quê lúa ngày
nay” của Ngô Quang Yên (Thái Bình)...
Mỗi tác phẩm có một chủ đề riêng, mỗi khoảnh
khắc thể hiện cách nắm bắt hiện thực cuộc sống với những góc máy đẹp. Nhưng phải
thừa nhận rằng những gì trình diễn ở đây còn quá khiêm tốn so với tiềm năng! Chỉ
vậy, không hiểu có phải vì đã quá quen thuộc với những đề tài như thế này mà
người ta ít thấy những tay máy khát khao đi tìm những mẫu hình của cuộc sống,
không thấy sự mãnh liệt trong những khuôn hình, không có những bức ảnh lột tả
sâu sắc cuộc sống, không có cái riêng của từng vùng đất quê mình. Anh chụp, tôi
chụp, họ chụp…cũng vậy cả thôi, chụp để mà đoạt giải, chụp theo con mắt quen
thuộc của giám khảo rất ít đổi thay. Người cầm máy lấy cái riêng của phân giới
địa lý, của kiến trúc, của phong cảnh thay cho cái riêng của phong cách, của lịch
sử, của bề dầy văn hóa đã tạo nên con người trên những vùng quê riêng biệt.
Đành rằng Hoa Lư thì khác Tràng An, biển thì không phải là ruộng lúa, con thuyền
thì không phải cánh cò bay. Với sự trây lỳ của cảm xúc, người ta đã cố đưa vào
tác phẩm của mình những cái lạ nhưng không mới, những cái quen mà không thuộc về
mình. Người ta bó tròn trong cái tư duy đóng khung: ruộng lúa phải thế này, con
thuyền phải thế kia và dòng sông là như vậy. Rồi người cầm máy vận dụng
photoshop tăng màu, giảm gam làm biến dạng hiện thực để đi tìm cái mới trong sự
lạ lẫm. Và tự an ủi rằng “Nghệ thuật là ta chụp cho ta” với tình yêu và cái
nhìn của riêng ta. Nhưng họ không biết rằng đó là một tình yêu đơn côi, lẻ loi
trong khuôn khổ chật hẹp của một lối mòn cũ kỹ. Do vậy họ đã bỏ qua, không tìm
thấy, chưa hình dung ra cuộc sống còn bao điều mới mẻ, đẹp đẽ lớn lao hơn, ý
nghĩa hơn, nó luôn vận động và biến đổi quanh mình.
Các tác phẩm tham dự liên
hoan có chất lượng khá đồng đều, bám sát nội dung, nhưng còn một số nhược điểm.
Đó là thiếu cái mới, thiếu sự nổi trội của những tay máy xung kích, các nghệ sĩ
chưa bật được cá tính trong sáng tạo nghệ thuật. Sau cuộc liên hoan nhiều tờ
báo đã phản ánh: Cách làm thiết thực như Ban tổ chức liên hoan ảnh nghệ thuật đồng
bằng sông Hồng lần thứ 18 giúp người nghệ sĩ “được” rất nhiều. Đó không chỉ là
những tấm huy chương, giấy chứng nhận, những bó hoa chúc mừng, những lời khen tặng
mà còn là cơ hội học hỏi, trao đổi nghiệp vụ và quan trọng hơn là những lời nhận
xét chính xác để nhìn ra những hạn chế của bản thân để sửa chữa và phát huy thế
mạnh, tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Đúng vậy: Cái được lớn
nhất của mỗi cuộc liên hoan không phải là giải thưởng. Mà phải nhìn nhận mỗi cuộc
liên hoan là một lần cọ xát, là một cuộc xé vỏ trổ mầm, chứ không phải là cuộc
tranh đua giải thưởng hay những cuộc chạy đua với đầu tư kỹ thuật với mọi loại
hình của thiết bị. Đối với nhiếp ảnh hiện thực cuộc sống mới là dòng chủ lưu
sôi sục, biến ảo và năng động trên mọi nẻo đường đất nước. Chảy theo dòng chảy
của xã hội, nhiếp ảnh cũng phải tự chuyển mình. Đã nhạt dần đi hoặc trở nên lạc
lõng cái nhận thức cũ mòn, người ta đã thấy manh nha một khuynh hướng mới. Ban
chấp hành hiệm kỳ VIII cũng đặt ra việc nâng cao chất lượng tác phẩm là vấn đề
đặt lên hàng đầu. Mặc dù nhiếp ảnh phong trào hiện nay hoạt động rất tốt, tuy
nhiên vẫn thiếu dấu ấn để lại trong lòng công chúng với những thông điệp mạnh mẽ.
Một số anh em vẫn loay hoay tìm kiếm những gì đèm đẹp, chụp một cách ngẫu hứng
chứ chưa xây dựng những ý tưởng, mục tiêu thể hiện trong tác phẩm của mình. Xã
hội bắt đầu không dung nạp dòng ảnh đứng ngoài cuộc sống, lấy niềm vui cá nhân
làm chủ đạo. Nói đến phương pháp mới mà tiền đề cơ bản của nó là thế giới quan
mới. Bởi thế cho nên sau một khoảng thời gian mà người cầm máy say sưa với ánh
sáng lạ đường nét lạ mà photoshop đóng vai trò chính, nền nhiếp ảnh bước vào một
khoảng lặng im lìm. Có những nhà nhiếp ảnh với lá bùa photoshop vẽ ra một thế
giới tưởng tượng, giả tạo, những thực tế phù phiếm. Điều này dần dần sẽ bị loại
trừ. Ví như bức ảnh “Bình Minh trên biển” sau vòng loại chấm trên máy cũng đã
phát hiện ra. Nhưng tôn trọng đa số và cũng dễ dãi cho rằng “ảnh treo thì cho
qua nhưng không vào dải là được” nên bức ảnh vẫn tồn tại trong phòng trưng bày,
đó cũng là một điều đáng tiếc.
Với một đất nước phong phú, đa dạng, đa tầng đầy
biến động, đổi mới mà nhiếp ảnh lại bế tắc về chủ đề, đề tài là một khoảng lặng
không bình thường. Những người thành công là những người sớm nhận ra điều này
và cương quyết thoát khỏi cải ấn tượng, cái rào cản vô hình mà người ta đã dựng
lên một cách ngẫu nhiên. Họ, những nhà nhiếp ảnh này sử dụng hiện thực như một
cái cớ, một điểm tựa để người nghệ sỹ bộc lộ những nỗi niềm, những suy tư, những
khát khao của chính mình đã thành công. Ở góc độ khác người ta cũng dễ nhận ra
rằng có những người chụp hiện thực một cách đơn sơ, chưa có nhãn quan nghệ thuật
để sàng lọc những tố chất nghệ thuật trong cuộc đời thường nên nó còn trần trụi
và nguyên sơ, chỉ là những ghi chép đơn giản chưa nâng lên thành nghệ thuật,
thành bản chất của thời đại của lối sống văn hóa truyền thống . Cũng có những bức
ảnh hay nhưng chưa tới như “Thợ sơn” của Trần Ngọc Văn, Hải Phòng. Là một bức ảnh
đẹp, tạo hình có ý đồ và sáng tạo, mạnh dạn trong cách thể hiện: Một người lao
động đang mải miết làm, dường như không quan tâm tới người cầm máy. Người thợ
sơn trong bộ quần áo đang lao động lem luốc vác thang, hình như anh đang di
chuyển vị trí làm việc của mình, chiếc thang trên vai chạy theo đường chéo của
khuông hình, phía sau là bức tường loang lổ mầu sơn. Mọi thứ đều hoàn hảo chỉ
có khoảnh khắc bấm máy là chưa chuẩn mà thôi. Sức lan tỏa của công việc, cảm xúc
của tác giả gửi gắm vào bức ảnh không nhiều làm cho bức ảnh nhạt nhòa thiếu sức
thuyết phục. Bức ảnh “Đóng nhiều thuyền mới cho ngư dân bám biển” của Đặng
Thanh Kiên Ninh Bình cũng mắc một lỗi đáng tiếc. Bức ảnh có góc máy rất tốt,tạo
hình đẹp, người cầm máy có ý đồ. Chỉ tiếc rằng tác giả đã không đi tới cùng của
sự diễn tả mà lại áp dụng kỹ thuật một cách giản đơn đã làm hỏng bức ảnh này…
Thực tiễn đã cho ta câu trả lời rằng, mỗi lần “xé vỏ trổ mầm” đều khó khăn và
đau đớn. Bởi thế đã làm cho không ít người cầm máy mung lung trong cái xã hội
phát triển nhanh chóng với những biến động của công nghệ đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới
tư duy, tới lối sống. Đây chính là một khoảng trống mà những nhà lãnh đạo, những
người cầm cân nảy mực phải tìm ra được lời giải đáp. Và tôi biết chắc rằng lãnh
đạo Hội NSNAVN đang tích cực làm việc để san lấp khoảng trống này./.
|
Đại Dương Vẫy Gọi ( HCV) Nguyễn Huy Kiên - Hải Phòng |
|
Một Thoáng Tràng An ( HCB) Bùi Duy Tư - Ninh Bình |
|
Ngũ Lân Tranh Hùng ( HCB) Vũ Tuấn Khanh - Nam Định |
|
Cát ( HCB) Phạm Ngọc Quang - Hưng Yên |
|
Muối Sạch Về Kho ( KK) Mai Quốc cách - Nam Định |
|
Âm Vang Hội Pháo (HCĐ) Nguyễn Đức Nghĩa - Hải Phòng |
|
Rước Qua Cầu Ngói ( KK) Trần Văn Hưng ( Nam Định) |
|
Nghề Gia Truyền ( KK) Nguyễn Thế Anh ( Hững Yên) |
|
Quê Tôi ( HCĐ) Nguyễn Đức Toàn ( Hải Dương) |