Huyền thoại 1:
Xưa kia, có một người nọ rất giàu có nhưng chẳng may vợ chết
sớm, chưa kịp có với nhau mụn con nào. Vốn là người chung thuỷ, ông ta không tục
huyền và nảy ra ý định tu tập Phật pháp. Bao nhiêu của cải vàng bạc châu báu,
ông đều đem phân phát cho người dân trong vùng để làm kế mưu sinh. Số còn lại
ông cất vào kho cạnh bờ biển (tức thôn 6 xã An Ninh Đông ngày nay) với ý định
là sau này khi thành đạo, số của cải ấy sẽ đem ra xây dựng chùa chiền và dâng tặng
cho vị minh quân nào yêu thương con dân như con đẻ. Sau thời gian dài tu tập
thành Đạo, ông theo Phật về cõi Niết bàn chưa kịp dùng số của cải kia cho ý tưởng
tốt đẹp ban đầu.
Biết có kho tiền cạnh bờ biển, nhiều kẻ nảy lòng tham, đang
đêm hè nhau đến kho cướp bóc, nhưng lạ lùng thay, cửa kho chỉ là những tấm ván
gỗ thông thường như bao cửa nhà dân khác, tường chỉ là những phiến đá chất cao
bao quanh, nhưng không tài nào cạy ra được. Đêm này sang đêm khác, ròng rã mấy
tháng trời mà tường đá, cửa gỗ vẫn không hề suy suyển. Quá tức giận, chúng bèn
dùng củi, bổi chất phủ lên kho và phóng hỏa đốt, lửa cao ngất trời nhưng cánh cửa
gỗ vẫn y nguyên.
Một đêm nọ, bọn tham lam kia lại tìm đến và dùng các vật xú
uế bôi lên cánh cửa gỗ rồi chất củi tiếp tục đốt. Nửa chừng bỗng xảy ra cơn gió
xoáy như vòi rồng cuốn những kẻ đứng chung quanh kho bạc mất hút lên không và
phát ra một tiếng nổ kinh hoàng, khiến mọi người đang say giấc điệp cũng choàng
tỉnh, đổ xô ra hướng bờ biển, nơi phát ra tiếng nổ. Nhưng tất cả đều chìm trong
đêm tối tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng sóng biển đập đều đều vào bờ đá lao xao trong
đêm tối đen như mực. Sáng hôm sau, họ kéo nhau ra phía bờ biển, thì hỡi ơi, kho
bạc của người nhà giàu nọ không còn nữa mà chỉ thấy những phiến đá to hình lục
giác xếp chồng lên nhau thành từng cột ngay ngắn, cao thấp khác nhau, kéo dài
ra tận ngoài biển, thi gan cùng tuế nguyệt.
Huyền thoại 2
Có một nhà giàu nọ, người Đàng Ngoài chuyên tâm làm ăn, tích
đức. Nhưng trong số con ít ỏi của ông lại có người con trai trưởng thuộc loại
“phá gia chi tử” khiến ông rất buồn rầu.
Ông thường đích thân chỉ huy đội thương thuyền chở các loại
hàng nông thổ sản và hương liệu xuôi buồm về phương Nam, sang tận các nước Xiêm
La, Cao Miên, Tân Gia Ba… và các nước lân cận khác. Chẳng lâu sau, đã giàu có lại
càng giàu hơn. Trong chuyến đi buôn cuối cùng, chẳng may gặp bão lớn, đoàn thuyền
của ông tấp vào gành đá An Ninh Đông, phải neo thuyền và lên đất liền lánh nạn.
Đến khi trời tạnh, sóng yên, ông rảo bước trên vùng đất tránh bão và nhận ra
đây là nơi có phong cảnh hữu tình: có cánh đồng bát ngát, xanh rì; có dãy núi
nhỏ ăn thông tận mép biển và đặc biệt là vòng cung bãi cát trắng phau, nước
xanh leo lẻo, soi thấy mặt. Ông ngẫm nghĩ, mảnh đất này vừa đẹp vừa là nơi cứu
tử khi gặp bão nên quyết định đưa cả gia sản cùng vợ con vào sinh sống, làm ăn
với tâm niệm đến vùng đất mới có thể sẽ làm cho đứa con hư hỏng của ông hồi
tâm. Công việc đầu tiên là ông xuất tiền bạc cho xây một ngôi chùa trên đỉnh
núi, thỉnh kinh Phật, rước một nhà sư cao đạo về trụ trì để sau những chuyến đi
dài ông lên chùa nghe kinh, tụng niệm.
Trong các chuyến đi buôn sau đó ông thường mang theo đứa con
trưởng mong truyền lại nghiệp để có thể yên tâm kinh kệ nơi cửa Phật. Nhưng tiếc
thay, lòng thành của ông không được đền đáp. Chuyến đi năm đó, đứa con hư hỏng
của ông tập hợp những tên du thủ du thực cướp thuyền buôn và quăng ông xuống biển
rồi kéo thuyền đi thẳng. Khi ông rơi tòm xuống nước cũng chính là lúc có đàn cá
Ông lướt tới và đưa ông về tận quê nhà (nơi ở mới).
Quá thất vọng về đứa
con, ông gom hết của cải chất vào kho cạnh bờ biển với lời nguyền là toàn bộ của
cải này sẽ chỉ có một người giải mã được để lấy ra dùng vào việc an dân. Số con
lại, ông mang phân phát hết cho dân trong vùng và cho nhà chùa, rồi ông quyết định
xuống tóc đi tu cho tới khi ông chết. Chẳng bao lâu sau, người vợ và đứa con
gái hiếu thảo cũng theo ông qui tiên.
Toàn bộ số của cướp được từ tay người cha trong chuyến buôn
năm ấy, người con thua bạc sạch. Đám bạn du thủ trở thành đám lâu la cướp biển
mà đứa con là thủ lĩnh, cướp bóc tàu thuyền buôn suốt dọc khu vực lân cận.
Khi hay tin cha đã mất, đứa con quyết định quay về để cướp
toàn bộ số tài sản cha mình để lại. Đang đêm, cả bọn cập bến, tiến về phía kho
đập phá nhưng cửa kho và vách tường không hề suy suyển. Sau đó chúng dùng vật
dơ rải khắp kho rồi dùng củi chất chung quanh đốt cháy suốt ba ngày đêm và cuối
cùng nhà kho nổ ra một tiếng kinh hoàng, lửa phụt cao đến hai mươi trượng. Cả bọn
mừng rỡ ào tới định chuyển của cải xuống thuyền. Nhưng hỡi ơi, những nén vàng bạc
trong kho hiện ra trước mắt chúng lúc này chỉ là những viên đá hình lục giác xếp
chồng như những nén bạc! Tức giận, chúng dùng rìu chặt đốn nhưng khi lưỡi thép
va vào thì lập tức dội ngược trở lại trúng thẳng vào người chúng, khiến cả bọn
kinh hãi giong thuyền trốn đi nơi khác.
Huyền thoại 3:
Dựa theo lời kể của các cụ ở Tuy An thì xưa kia, vùng đất
này có cảnh trí rất thơ mộng, đến nỗi các vị tiên từ thiên đình chọn nơi đây
làm nơi đối ẩm đề thơ, ngâm vịnh. Vì thế cho nên họ đã chuyển chén vàng dĩa ngọc
từ cung đình xuống để bày yến tiệc, ngắm cảnh. Đến khi các vị tiên này ngao du
cảnh trí ở những nơi khác thì bỏ quên số chén dĩa nói trên, lâu ngày hóa thành
những cột đá (!?) để An Ninh Đông có gành Đá Dĩa tuyệt đẹp như ngày nay.
Tư liệu :
Từ thị trấn Chí Thạnh huyện Tuy An đi theo đường xã lộ Cây
Keo-An Ninh về hướng đông chừng 10 km là tới gành Đá Dĩa (thuộc thôn 6 xã An
Ninh Đông).
Đá Dĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất 50 mét;
nơi dài nhất 200 mét. Từ xa nhìn vào gành thấy những tầng đá lô nhô như vườn tượng
của các nhà điêu khắc tài danh, nhưng khi đến gần, gành là những trụ đá nơi
cao, nơi thấp hoặc thẳng đứng hoặc hơi nghiêng nghiêng so với mặt nước biển, tạo
thành một cảnh quan rất kỳ vĩ, đứng từ xa nhìn về gành trông giống như một tổ
ong khổng lồ nhô ra giữa biển khơi bạc sóng. Bao quanh gành đá là một bãi cát
hình cong lưỡi liềm dài khoảng trên dưới 3 km. Cát trắng mịn, bạc sáng trong nắng
ban mai lấp loá, là một bãi tắm rất tốt.
Đá ở gành Đá Dĩa có màu đen huyền hoặc nâu vàng xếp thành cột,
nửa chìm nửa nổi trên mặt nước biển, chồng lên nhau như có một bàn tay vô hình
bê từng phiến đá lục giác, bát giác xếp chồng lên nhau như người nội trợ chồng
những cái dĩa cao ngất. Mỗi viên đá có độ dày từ 60-80 cm. Do đứng nhô ra biển,
quanh năm sóng vỗ nên đã tạo thành những lỗ khuyết tròn láng. Ở giữa gành có một
hõm trũng, nước mưa, nước biển đọng lại lại tạo thành vũng và trong đó có nhiều
loại cá nhỏ, có màu sắc sặc sỡ: xanh, vàng, tím, hồng nhạt… bơi lội tung tăng.
Xung quanh hõm nước này, đá dựng thành cột liền khít nhau.
Theo các nhà địa chất học, từ hàng triệu năm trước núi lửa
hoạt động trong khu vực này, phun nham thạch ra bề mặt trái đất rồi nguội lại
đông cứng thành đá. Trên thế giới hiện nay, ngoài gành Đá Dĩa ở Việt Nam thì
Scotland là nơi thứ hai có một địa điểm đá xếp chồng thành những cột thẳng đứng
giống như gành Đá Đĩa Việt Nam, có tên gọi là Giant’s Causeway (Con Đường Của
những Người Khổng Lồ), đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới
vào năm 1986.
Riêng gành Đá Dĩa đã được Bộ VHTT xếp hạng thắng cảnh thiên
nhiên cấp quốc gia vào năm 1998.
Bên cạnh gành Đá Dĩa có Bãi Bàng với những tầng đá màu vàng
sáng chồng lên nhau, lặng yên dưới những tán cây bàng vươn cành lá ra khoảng
không xa rợp mát cả một vùng rộng lớn, rất lý tưởng cho du lịch, dã ngoại, cắm
trại ngoài trời. Địa danh này đã đi vào ca dao địa phương:
Chiều chiều
sóng bổ Bãi Bàng
Một ngày
xa bạn, ăn vàng (cũng) không ngon.