Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Khi đờn ca tài tử trở thành di sản nhân loại

Những năm tháng công tác ở “ Đất Phương Nam”, điều tôi ấn tượng nhất là những câu chuyện về Đờn Ca Tài Tử. Cứ trong một lần gặp mặt đầu tiên bất cứ ai đó từ công chức cho đến thương gia, tài xế xe lôi hay tài công tắc rángv,v.…nói đến đờn ca tài tử là họ muốn "xung phong" rồi….Chính vì vậy tôi đã về xứ Bạc Liêu để tìm hiểu về bài “ Dạ Cổ Hoài Lang” của Cao Văn Lầu – Nhiều người cho rằng ông chính là ông Tổ của món đờn ca tài tử ở “Đất Phương Nam:. Nhân dịp đờn ca tài tử được công nhận là DI SẢN CỦA NHÂN LOẠI, tôi muốn viết vài dòng và gởi lên một bài ca điển hình…
'Tứ tuyệt' trong đờn ca tài tử: Đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu


Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Quyết định trên được đưa ra tại phiên họp ngày 5/12 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra ở Baku, Azerbaijan, từ ngày 2/12-7/12, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
Đại diện của UNESCO được các báo Việt Nam dẫn lời sau lễ vinh danh nói tổ chức này "hy vọng Việt Nam sẽ có các biện pháp bảo vệ nhằm hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức".
Đờn ca tài tử của Việt Nam là một trong số 14 nét văn hóa từ các nước trên thế giới vừa được UNESCO bổ sung vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại.
Hồ sơ đờn ca tài tử Nam Bộ đã được phía Việt Nam tổng hợp hồi tháng 8 năm 2010 và sau đó trình lên UNESCO vào tháng 5 năm 2011.
Năm ngoái, đờn ca tài tử cũng được Bộ Văn hóa Việt Nam đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Nghe bài Dạ Cổ Hoài Lang ở Vườn nhãn cổ Bạc Liêu

Đờn ca tài tử có tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 19
Xuất nguồn từ miền Nam Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, loại hình nghệ thuật này là di sản phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Những loại nhạc cụ thường sử dụng trong đờn ca tài tử thường bao gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu, hay còn gọi là tử tuyệt.




Phần mộ vợ chồng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu

Từ là từ phu tướng,
Báu kiếm sắc phán lên đàng.
Vào ra luống trông tin chàng.
Năm canh mơ màng.
Em luống trông tin chàng,
Ôi gan vàng quặng đau.(í a)
Đường dù say ong bướm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Đêm luống trông tin bạn,
Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu.
Vọng phu vọng luống trông tin chàng.
Sao nỡ phũ phàng...
Chàng là chàng có hay?
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
Bao thuở đó đây sum vầy,
Duyên sắc cầm lợ phai.(í a)
Là nguyện cho chàng
Hai chữ an bình an.
Trở lại gia đàng,
Cho én nhạn hiệp đôi.(í a)
Ký âm cổ nhạc:
(theo loại đàn dây Bắc)
Hò lìu xang xê cống
Líu cống líu cống xê xang
Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò
Liu xế xang xự xề xang lìu hò
Xừ liu xáng ũ liu cống xề
Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu
Hò lìu xang xang xế cống
Xê xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ xang xế, líu xê xang xư’'
Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ, xê líu xừ, líu cống xê, líu hò
Liu xề xang xự cống xê xang lìu hò
Xừ xang xừ cống xế
Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ xang xề hò líu cống xế xang hò
Lưu xáng xàng, xề liu xề xáng ú liu
Hò xự cống xê xang hò
Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ xang xế, hò líu cống xê xang hò
Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu
Bản Dạ cổ hoài lang sử dụng thang âm lên tới 7 cung, thuộc hệ thang âm Ai, Oán.


Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Ảnh nghệ thuật của tôi phải THẬT và ĐẸP

Anh La Tuân, phóng viên đài Phát thanh- truyền hình tỉnh Bình Thuận liên lạc với tôi nhiều lần ngỏ lời phỏng vấn khi biết tôi về vườn…Suy nghỉ mãi tôi chấp nhận với điều kiện nhỏ đừng gọi tôi là “ Nghệ sĩ nhiếp ảnh” mà chỉ là “ Nhà nhiếp ảnh”. Anh ta bằng lòng. Thế là có một cuộc trao đổi ngắn tại nhà. Bài viết của La Tuân ( Thành Chương). Tôi thấy cũng vui nên sử dụng bài này đưa lên trang Blog “Lang Thang” để bạn bè đồng cảm. Bài này phát trong chương trình Tuần san Văn hóa nghệ thuật, lúc 8 giờ 30 phút thứ bảy, 14/12 - FM Bình Thuận (qua đài hay điện thoại),  website www.binhthuantv.vn chọn mục Phát thanh trực tuyến, hoặc binhthuan.radiovietnam.vn.


Nhà báo – nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Thành sinh năm 1958 tại Phan Rang, hiện đang sinh sống và sáng tác tại Phan Thiết. Anh đã có hơn 30 năm công tác tại Thông tấn xã Việt Nam và cũng gần bằng thời gian đó cầm máy ảnh sáng tác trên lĩnh vực báo chí nghệ thuật, tạo nên nhiều bức ảnh có giá trị đưa đến mọi người.

Nghể Truyền Thống


Bước chân vào nghề báo với hành trang là những kiến thức được học ở lớp đào tạo do Thông tấn xã Việt Nam mở từ năm 1977-1980, Hữu Thành trở thành phóng viên Thông tấn xã, biên chế ở Phân xã Thuận Hải.
Cuộc sống dựng xây đất nước thời hậu chiến tạo nên không khí sôi nổi ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực đã cuốn hút bước chân của chàng phóng viên trẻ, anh xông xáo đến với những vùng đất khác nhau để phản ánh không khí lao động sản xuất ở cơ sở gửi về cơ quan.
Cũng từ những chuyến đi như thế, Hữu Thành nhận ra rằng, những tin bài mình gửi về sẽ thiếu sức sống nếu như không được minh họa bằng những bức ảnh, nhất là những hình ảnh đẹp, vì vậy, anh đã dành dụm tiền để mua cho mình một chiếc máy ảnh phục vụ nghề nghiệp, và cũng là để thỏa mãn đam mê khắc họa cái đẹp cuộc sống. Nhà báo - nhà nhiếp ảnh Hữu Thành chia sẻ:
Săn Voi
Vũ Khúc
(Thực ra là anh được đào tạo chuyên viết chứ không phải chụp ảnh, nhưng sau đó trong quá trình tác nghiệp anh mê ảnh, mình cứ đặt dấu hỏi tại sao mình đi làm báo mà cứ viết, trong khi đó nhiều cái rất là đẹp mà không ghi hình lại? Cuối cùng phải dành dụm tiền mua cái máy ảnh, mang tính chất là ghi lại những hình ảnh trong quá trình đi viết, đó là điều đầu tiên anh đến với nhiếp ảnh từ nghề báo). ( Radio)



Tìm Con Trong Lửa

Theo Hữu Thành, thực ra hồi đó khái niệm về nhiếp ảnh nghệ thuật trong anh còn mơ hồ. Qua một số tạp chí về nhiếp ảnh thời trước như Con Trâu hay Quê Hương và nhất là tờ Báo ảnh Việt Nam của cơ quan đã giúp anh dần dần hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật này, ấn tượng vào trong suy nghĩ, làm cho anh trở thành con người mê ảnh, nên khi đi làm tin bài, luôn có tư tưởng chụp ảnh nghệ thuật với quan niệm rõ ràng đó là ảnh nghệ thuật báo chí, coi trọng tính xác thực của tác phẩm.
Những người thầy để Hữu Thành học hỏi như Lê Minh Trường (tác giả bức ảnh nổi tiếng Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước), Văn Thính (tác giả bức ảnh Cầu người) và nhất là Lâm Hồng Long (tác giả của bức ảnh nổi tiếng Mẹ con ngày gặp lại), cùng nhiều nhà nhiếp ảnh khác ngay tại chính cơ quan Thông tấn xã như Lâm Tấn Tài, Văn Bảo, Chu Chí Thành,…họ có những tác phẩm mà khi xem anh cảm thấy xúc động, học hỏi được nhiều điều, trong đó cơ bản nhất là tính khoảnh khắc trong từng bức ảnh. 

Bước nhảy Mai Hoa Thung

Hoa Xứ Biển

Đất Trổ Hoa
Dấu ấn ban đầu của Hữu Thành trong ảnh nghệ thuật đó là tác phẩm Vũ khúc anh chụp đàn cò ở vùng ven Phan Thiết, bức ảnh được trao giải 3 của tỉnh và triển lãm khu vực Đông Nam bộ. Nhưng có lẽ ba tác phẩm báo chí nghệ thuật mà nói đến Hữu Thành người ta đều nhớ đó là Nghề truyền thống, Tìm con trong lửa và Săn voi. Tác phẩm Nghề truyền thống được chụp khi anh đi tác nghiệp tại Hàm Tiến, thể hiện hình ảnh người phụ nữ đang làm công việc của mình bên những mái mắm cá cơm với bố cục và ánh sáng rất đẹp, giới thiệu cho mọi người thấy nét đặc trưng của người dân Phan Thiết với nghề làm nước mắm truyền thống. Tác phẩm này giúp anh đoạt giải B - ảnh xuất sắc quốc gia năm 1996.
Mùa Lưới Ghẹ

Me Rai

Rặng Dừa ở Rạng
Tác phẩm Tìm con trong lửa được Hữu Thành chụp trong vụ cháy ở phường Lạc Đạo vào chiều mồng hai tết cách nay khoảng hai mươi năm. Hình ảnh một người cha bồng con chạy, lửa cháy xung quanh, sự đau đớn, hoảng hốt về nỗi mất mát hiện lên trên khuôn mặt. Đây là tấm ảnh được triển lãm quốc tế đầu tiên của anh năm 1998. Và tác phẩm Săn voi được Hữu Thành thực hiện vào tháng 9/2001 trong chiến dịch bắt voi dữ giết 12 người ở Tánh Linh. Tấm ảnh thể hiện cảnh chuyên gia bắt voi Malaixia đang từ con voi nhà chồm qua xích con voi dữ đầu đàn để chuẩn bị đưa lên Đắc Lắc. Với tác phẩm này, anh đã được giải thưởng báo chí của Thông tấn xã Việt Nam. Đặc biệt, những tác phẩm của anh đã được ngành Kiểm lâm chọn làm bộ ảnh tư liệu chính thức trong chiến dịch bắt voi dữ này. Những tác phẩm trên đã đưa tên tuổi nhà nhiếp ảnh Hữu Thành đến với công chúng nhiều hơn. Trong thời gian này, anh cũng có các tác phẩm được trao các giải thưởng như giải báo chí của Thông tấn xã Việt Nam, giải báo chí quốc gia, ảnh xuất sắc quốc gia v.v…Các tác phẩm này thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt của Hữu Thành trong hoạt động báo chí, nghệ thuật.
Quyết Thắng

Chống chọi với Sóng Dữ

Thi Lắc Thúng


Cùng về
Làng cá bè ở Châu Đốc
Mùa Lũ
Nhà báo – nhà nhiếp ảnh Hữu Thành nói:(Radio)
(Mình làm báo 33 năm, trong suốt thời gian làm báo dài như vậy nó ảnh hưởng lớn đến niềm đam mê ảnh nghệ thuật. Trong hàng trăm tác phẩm ra đời thì ảnh nghệ thuật phải mang hơi hướng báo chí, tức là tính thông tin trong từng tác phẩm rất rõ. Trong tương lai cũng thế. Dù xã hội phát triển công nghệ số, về máy móc, công nghệ phần mềm cũng chỉ là phương tiện thôi chứ còn về góc nhìn tác phẩm, thể hiện tác phẩm phải mang sự thật cuộc sống – thật và đẹp, không tô hồng quá mà cũng không bi kịch hóa. Bản thân cuộc sống là như thế thì người nhiếp ảnh phải là như thế). 



Về Chuồng


Nước lên non cao



Rừng Khộp Tây Nguyên

Năm 2006, Hữu Thành rời cương vị Trưởng Phân xã Bình Thuận về thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Phòng phụ trách chuyên môn của Báo ảnh Việt Nam khu vực phía Nam. Từ đây anh có điều kiện đi nhiều hơn đến những vùng đất khác nhau để thực hiện những bộ ảnh phục vụ công việc và qua đó chắt chiu cho mình những tác phẩm ảnh nghệ thuật ưng ý. Trong giai đoạn từ 2006 đến trước khi nghỉ hưu vào năm 2013, với vai trò phụ trách, anh đã cùng các đồng nghiệp thực hiện được nhiều chuyên đề cho báo ảnh Việt Nam như: Biến đổi khí hậu, Sống giữa hoang mạc, Những hạt muối Việt Nam, Câu chuyện xuất khẩu gạo ở miền Nam, Rừng khộp Tây Nguyên, Những quần đảo cuối trời Nam… tạo nên dấu ấn riêng trong nghề nghiệp và được trao giải thưởng báo chí của Thông tấn xã Việt Nam.
Vùng Hoang Mạc
Năm 2013, anh xin cơ quan cho nghỉ hưu sớm, khi mới 55 tuổi. Trước mắt là nghỉ ngơi sau chặng đường hơn 30 năm lang thang cùng nghề báo, tiếp đến là những dự định nghề nghiệp mà khi còn đang công tác chưa thực hiện được.
Band
(Mình xin nhà nước nghỉ ngơi sớm để tiếp tục thực hiện cho được những chương trình riêng tư về ảnh, đi lang thang cả nước để tìm hiểu cuộc sống, chụp thêm những tác phẩm đúng với bản chất con người mình, những tri thức mình có, ham muốn mình có để sẽ làm một cuốn sách ảnh 100 bức ảnh của cuộc đời mình).


Song song với quá trình làm báo và sáng tác ảnh nghệ thuật, Hữu Thành còn là người đóng góp nhiều cho phong trào nhiếp ảnh địa phương. Anh nguyên là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Phan Thiết từ ngày đầu thành lập, là Phân hội trưởng Phân hội nhiếp ảnh – Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, ủy viên Ban chấp hành Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (khóa V), hiện là Chi hội Trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Thông tấn xã Việt Nam tại TPHCM. Anh cũng được trao các tước hiệu: Nhà nhiếp ảnh xuất sắc Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (E.FIAP), nghệ sĩ có nhiều đóng góp của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (HON.VAPA).


THÀNH CHƯƠNG


Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Vũng Chùa – Đảo Yến

Vũng Chùa, nơi đặt phần mộ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp từ nay và ngàn đời sau sẽ được người đời lưu danh muôn thuở. Để biết thêm về mảnh đất được Đại Tướng chọn an giấc ngàn thu trước khi qua đời như thế nào, tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Quốc Nam có tự đề : “Vũng Chùa – Đảo Yến”



Chúng tôi đã có mặt ở Vũng Chùa – Đảo Yến, một mạch đất có một không hai. Thầy phong thủy đi với chúng tôi nói, nơi đây nếu là chốn an giấc ngàn thu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không những rạng danh vùng đất Đèo Ngang mà còn làm cho đất nước hiển danh, ông nhìn theo trục tâm linh.

Một nơi bí ẩn

Quảng Đông, một địa phương hẻo lánh cuối cùng của tỉnh Quảng Bình ở phía biển. Hệ núi Trường Sơn kéo ra biển thành dãy Đèo Ngang hùng vĩ, cấu tạo địa chất ở đây là đất đá khô cằn, nhưng là nơi phát tích rất nhiều huyền thoại về những danh nhân xa xưa.
Vũng Chùa – Đảo Yến nhìn từ xa

Dưới chân Hoành Sơn Quan, thôn Minh Sơn đựng trong lòng một loạt di tích người xưa để lại, trong đó đặc biệt linh thiêng là đền thờ mẫu Liễu Hạnh Công Chúa, ngôi đền nhỏ dưới bóng dáng núi non trùng điệp đã có hơn 500 năm hiển linh, được người đời không chỉ trong vùng mà ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…vào viếng hương hằng niên.
Thêm chú thích
Những ngọn núi chạy dài phía thôn Minh Sơn cắt mảnh đất này thành nhiều thung lũng khác nhau, tạo ra các hòn đảo nhỏ như Hòn La, Mũi Ông, Hòn Cỏ, Đảo Yến, Đảo Chim, Hòn Nồm, Hòn Bớc…



Nhưng có một địa danh mà theo người dân địa phương là rất thiêng, chỉ dành cho bậc khai quốc, hoặc hiển đạt khoa bảng mới có thể an nghĩ vĩnh hằng để hộ vệ quốc gia cho con cháu ngàn đời thanh bình. Người trần mất mắt thịt, không thể an táng ở đây.

Địa danh ấy, không hề tìm thấy trên bản đồ của Google, không thể có trên trang thông tin của cổ máy tìm kiếm này. Trong các di cảo của người xưa viết về Đèo Ngang, cũng như địa chí Quảng Bình từ mấy trăm năm nay, địa danh ấy không hề biết đến. Nhưng người dân địa phương chỉ những bậc cao niên tinh ý mới biết đó là nơi chốn xứng tầm cho người có công trạng lớn với quê hương. Ấy là Mũi Rồng.



Mũi Rồng thiên thu

Một kỹ sư, nhà khoa học đã nghỉ hưu, nhà phong thủy địa phương dẫn chúng tôi đi thăm đất Mũi Rồng. Một con lộ nhỏ xấu xí dẫn vào một con đường cấp phối đặc trưng ở Đèo Ngang, khá rộng, nền đường lót đầy vỏ thu hoạch tràm của người trồng rừng bên sườn núi. Đường điện và con đường ấy đã khởi công mấy năm trước, người dân nói là khoảng từ năm 2004-2006. Khu đất đó rộng hơn 15ha, và được con trai của Đại tướng, anh Võ Điện Biên làm một khu tâm linh trong đó. Đất đã được làm các thủ tục cần thiết từ nhiều năm trước.


Con đường đi đến gần mép biển đã dừng lại, một tấm biên ghi chú: “Khu vực dự án, không phận sự miễn vào”. Một lối mòn nhỏ khác dẫn ra hướng Mũi Rồng. Chúng tôi cùng nhà phong thủy lội bộ trên con đường mòn sau bão, nước mưa còn đọng chặt vào đường, có nơi bùn đầy chân, có nơi đá lởm khởm. Nhưng cảnh trí thật điền viên, thảo dã.


Hơn 30 phút lội bộ, chúng tôi vỡ òa với khu đất Mũi Rồng hiện ra giữa chiều thu bãng lãng. Một tháp chuông trong khuôn viên theo phong cách thờ tự đã được dựng lên. Trên đó có in tên của phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình cung tiến. Bốn chữ lớn đúc vào chuông: “Vũng Chùa Hồng Chung”, các bức khánh khắc thơ của nhiều sư tổ danh tiếng. Năm đúc chuông hoàn thành vào 2010.


Từ gác chuông này, nhìn về phía đông nam là một phần của biển Đông, phóng tầm mắt ra xa hơn là Đảo Yến án ngữ, sau lưng là núi Mũi Rồng hùng vĩ. Vị phong thủy trước khi đi vào đây nói với chúng tôi, bình đồ ở đây là dương 2,5m, cao hơn 90m ở đỉnh, nhưng nếu là vĩ nhân đã chọn, người trần mắt thịt sẽ không biết, bình độ đẹp nhất không lấy điểm cao nhất và lấy trên vùng lưng chừng núi, không vượt con số trực 9 mà là 8,7, đó là địa thế lý tưởng, đắc địa.


Dưới núi Mũi Rồng là thung lũng Rồng hết sức nên thơ, ở giữa núi Mũi Rồng cao sừng sừng, hai bên chạy theo hướng vòng cung đông nam, địa hướng lý tưởng, không lệch bất cứ một phút, một giây nào khi đưa la bàn ra kiểm chứng.

Bất ngờ chúng tôi đang mãi ngắm vùng Mũi Rồng độc đáo thì một ngư ông râu bạc, tóc dài đội chiếc nón cời xuất hiện, dừng lại một lát ông trò chuyện với chúng tôi rằng, đây là đất hiếm, nơi này chỉ có hai ngôi mộ của lương dân trong vùng, nhưng đó là mộ của người công thành với làng, được làng đưa ra đặt dưới chân núi, không đưa lên lưng chừng vì đó còn chờ một thánh nhân khác. Chúng tôi xin ông một kiểu hình, nhưng ông không đồng ý rồi đi ra phía bãi biển. Lát sau không thấy bóng dáng ông ấy đâu.


Chuyên gia phong thủy đi theo chúng tôi giải thích, mạch đất ở đây cực kỳ đẹp, không thể có nơi thứ hai khi hướng đông nam chính trực tuyệt đối, ông nhẩm tính từng đốt ngón tay, nói những câu trong lý dịch, và nói; chắc chắn sẽ có một người công trạng lớn về trấn giữ vùng đất này.


Theo ông, nếu được thế, không chỉ là phúc cho mảnh đất Quảng Đông mà con phúc cho cả nước vì ở đây, sẽ là mạch tụ khí, tụ linh còn hộ vệ quốc gia trước nhiều bất trắc và tai ương khó lường. Ông giải thích thêm, người dân nói Mũi Rồng quá chuẩn, nhìn lên ngọn núi chính diện trung tâm, đỉnh của nó như cái mào rồng, thẳng trục đông nam, biển giữa bãi Rồng với Đảo Yến kín gió, thanh bình, đất này quá thiêng, long mạch rất đẹp.

Giữa thung lũng Rồng, chúng tôi thấy có đến 3 con suối chảy về phía biển, chia đều thung lũng thành ba gian rất đẹp. Người dân cho biết, trong 3 con suối này, có một con suối được xem là suối chính, mùa hè hạn hán nặng vẫn không hề hết nước, mặc dù vùng đất Quảng Đông vào mùa hạ khá khó khăn vấn đề này.
Cỏ lau đã mọc um tùm, dưới chái của mái chuông là một cái miếu nhỏ cổ kính đã được dựng lên từ mấy năm trước. Một nhà thờ khá lớn lợp ngói đỏ cũng đã được dựng lên, nội thất phía trong chỉ mấy bộ bàn ghế. Chách về phía sau là một ngôi nhà sàn bị tốc mái do bão.


Ông Ngô Văn Cảnh ở thôn Minh Sơn nói với chúng tôi: “Đảo Yến nhiều năm trước vắng chim yến, nhưng hai năm nay chim yến về rất nhiều, điềm lành”, nó như hồng phúc địa phương, vị phong thủy nháy mắt.

Bãi biển trước mũi rồng là một cấu tạo địa chất của đá khác hẳn các bãi biển khác, những thớ đá xếp lên nhau như những chiếc vảy của con rồng đang ngơi nghỉ, hằng vạn hằng vạn những chiếc vảy ấy được sóng biển gột rữa mỗi ngày nên chúng sáng láng vô cùng.


Theo một chiếc thuyền ra Đảo Yến, trên đó có một ngôi nhà của mấy người giữ yến, một thung lũng cỏ lau trắng khiết, một ngôi mộ cổ của ai đó từ xưa còn lại. Trên đảo có một cái giếng cổ, mạch nước ngọt duy nhất có ở bức bình phong của Mũi Rồng.



Nếu có người anh hùng yên nghĩ nơi đây thì Mũi Rồng là nơi linh thiêng của đất, trời, nơi sót lại cuối cùng chưa đưa vào dư địa chí, nơi thảo dã cho người anh hùng thanh thản thiên thu.


Quốc  Nam

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Đạo diễn Trần Văn Thủy


Đạo diễn Trần Văn Thủy
                    

                    Tôi biết đến đạo diễn này khi lọ mọ, lén lút đi xem cho bằng được bộ phim “ Chuyện Tử Tế” năm nào do một doanh nghiệp chiếu bằng đầu video đa hệ lần đầu tiên có được ở Việt Nam. Sau này mới tìm xem thêm phim “ Hà Nội trong mắt ai”. Nói về phim với đề tài chiến tranh thì khỏi phải bàn, bới vì những người đạo diễn thường là ở chiến trường hoặc sống trong hoàn cảnh chiến tranh nên họ đầy cảm xúc để có phim hay. Còn phim về đề tài xã hội sau năm 1975, nói thật tôi chỉ nhớ đến 2 phim trên. Vì vậy tôi muốn chuyển tải bài viết của Hồ Hương Giang về cuốn sách “ Chuyện nghề của Thủy” như  tự cho mình là FAN hôm mộ ông.

"Chuyện nghề của Thủy" - Tác giả Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy
Cuốn sách gây chú ý của đạo diễn "Chuyện tử tế"

- Nếu bạn đọc hỏi cuốn sách viết bằng tiếng Việt nào hiện đang đặc biệt gây chú ý trên thị trường, thì có lẽ đó là "Chuyện nghề của Thủy". Tác phẩm thuật lại gần 40 năm làm nghề đầy sóng gió của một trong vài đạo diễn phim tài liệu xuất sắc nhất  lịch sử điện ảnh Việt Nam.

"Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai" (1999) có lẽ là bộ phim tài liệu nổi tiếng nhất của Trần Văn Thủy - vang xa tới tận bên kia bán cầu, gây chấn động và làm thức tỉnh hàng ngàn người Mỹ. Nhưng ông còn có một số bộ phim quan trọng khác mà có lẽ ít người ít biết hơn.

Vào những năm 1980, nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy đã làm 2 bộ phim tài liệu cực kì thành công là  "Hà Nội trong mắt ai" (giải vàng LHP Việt Nam 1988) và "Chuyện tử tế" (giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig).

Như ông thuật lại trong "Chuyện nghề của Thủy", làm 2 bộ phim trên khó hơn "Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai" nhiều. Vì nó là cái nhìn ngược lại nội tâm, để người Việt soi chiếu chính người Việt, để bản thân mình soi chiếu, cay đắng với chính mình trên chặng đường "muốn làm một người tử tế".

Một cảnh trong phim "Chuyện tử tế"


Chẳng thế mà "Chuyện tử tế" đã được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig (Đức)”. Nhiều người coi đây mới là tác phẩm đặc sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy. Trong đó có những lời bình cực kì đắt giá. “...Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử".

Nhân vật chính trong tác phẩm là người nghèo khổ, người nông dân - những người ít khi được cất lên tiếng nói, được hỏi ý kiến... trong các tác phẩm văn hóa và nghệ thuật.

Trong poster quảng cáo Liên hoan phim Brooklyn (Mỹ, 2002), khi giới thiệu về Trần Văn Thủy người ta viết: "Trần Văn Thủy một nhà làm phim được mô tả như “Francis Ford Copola của Việt nam” (Tran van Thuy a vietmamese filmmaker described as “The Francis Ford Copola of Vietnam).


 Dù Trần Văn Thủy có khiêm tốn cỡ nào, thì việc được so sánh với vị đạo diễn từng 5 lần đoạt giải Oscar, dẫn dắt bộ ba phim Bố già và Apocalypse Now cũng chứng tỏ nhận định của giới làm nghề trên trường quốc tế về vị trí của ông với điện ảnh Việt Nam.

"Năm đó tôi mới 40 tuổi. Tôi được học hành tử tế, được thử thách, đã quay phim và sống sót trong chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt; là học trò của Roman Karmen – một đại thụ của phim tài liệu Liên Xô, một con người có những cống hiến to lớn với nhân loại trong thời kỳ chống phát xít và trong phong trào giải phóng dân tộc". - Đạo diễn/ NSND Trần Văn Thủy đã viết những lời đầu trong cuốn sách của đời mình như thế.


"Chuyện nghề của Thủy" bắt đầu thuật lại những tháng ngày khởi động những thước phim nhựa đầu tiên của cậu sinh viên tập sự, với vị trí là một phóng viên chiến trường ngang dọc dãy Trường Sơn, giữ máy, giữ phim còn hơn giữ sinh mạng của chính mình. "Đến đêm, mình đói quá, háo quá, có gạo rang trong túi phim nhưng có chết đói cũng không dám sờ vào một hạt. Đó là gạo rang để chống ẩm cho phim!"

Trần Văn Thủy đã lành lặn qua bom đạn trở về miền Bắc trong cơn sốt rét. Anh gầy như "con ma đói" đến chị ruột cũng không nhận ra, nhưng toàn bộ số phim đã được bảo quản an toàn dù cũng đã lăn lộn cùng anh dưới nước, trong hầm trú ẩn...

Bộ phim tài liệu đầu tiên của phóng viên chiến trường Trần Văn Thủy với những thước phim quay ở chiến trường Quảng Đà đã đoạt giải Bồ Câu Bạc - Liên hoan phim Quốc tế Leipzig (Đức), năm 1970.

Trong cuộc đời, Trần Văn Thủy có lẽ đã không làm quá nhiều phim, nhưng lại có rất nhiều phim đoạt giải cao trong nước và quốc tế. Ông làm phim cẩn thận, cầu toàn, theo đuổi vấn đề thời sự, nói những điều chưa ai nói. Có lẽ đó là lý do mà "Phản bội" - bộ phim tài liệu hiếm hoi về chiến tranh biên giới năm 1979 tiếp sau đó giành giải vàng LHP Việt Nam 1980.



 Suốt quãng đường làm nghề thời chiến tranh đến hòa bình, ông đã được gặp và nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách quan trọng ở Việt Nam, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Trung tướng Trần Độ... Ông đã được gặp hàng nghìn người yêu nước và bạn bè quốc tế giúp đỡ hết lòng; cũng như những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua để mang phim của mình cho công chúng.

Một câu chuyện chân thực về chiến tranh của phóng viên chiến trường Việt Nam. Một câu chuyện cảm động về người làm phim ở Việt Nam. Một sản phẩm tốt nữa của Nguyễn Văn Thủy - lần này là sách - dâng tặng cuộc đời.


Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trần Văn Thủy là một đạo diễn phim Việt Nam, sinh năm 1940 tại Nam Định. Trong chiến tranh Việt Nam ông làm phóng viên chiến trường. Ông đã đạo diễn trên 20 phim, trong đó có nhiều phim tài liệu đoạt giải cao trong các liên hoan phim. Ông đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Phim ‘Anh Does Vietnam’




 Anh Đỗ - diễn viên hài tài ba, cũng là nhà văn nổi tiếng của Úc - phát trên kênh 7 của Úc tối Chủ nhật 07/10 vừa qua đã thu hút 1,678 triệu lượt người xem.

Phim của Anh Đỗ vượt qua ‘Sunday Night’, ‘Seven News’, và cả ’Underground - The Julian Assange Story’ về số lượt người xem, đứng đầu trong xếp hạng các chương trình vào tối chủ nhật rồi.

Đây là kết quả‘ngoài dự đoán’ - nhà phân tích truyền thông Steve Allen phát biểu trên tờ The Australian.

‘Anh Does Vietnam’ là hành trình về quê của Anh Đỗ. Anh về Việt Nam, đi từ Bắc chí Nam, khám phá lại vùng đất nơi anh sinh ra với một cách nhìn rất cá nhân, vui nhộn.


Trong một thông cáo báo chí, Anh Đỗ cho biết lý do anh thực hiện cuốn phim hai phần này: ‘Vài năm trước, gia đình tôi cùng về lại Việt Nam. Chúng tôi đã thu hình rất nhiều băng video. Gần đây, tôi xem lại và thấy chúng rất vui nhộn, không chỉ bởi các thành viên trong gia đình tôi khá vui tính mà bởi vì người Việt Nam sẵn có năng khiếu hài hước. Bởi vậy, tôi nghĩ đến việc trở lại và khám phá đất nước này cùng đội ngũ làm phim của kênh 7.’

‘Trong cuộc hành trình về quê này, tôi đã tìm câu trả lời cho một câu hỏi, rằng cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu tôi không đến Úc và không trở thành một diễn viên hài. Thực sự đó là một sự kiện làm thay đổi cả số phận. Tôi đã hình dung lại cuộc đời và tuổi thơ của cha mẹ tôi. Kết thúc hành trình, sau nhiều khám phá, với không ít nụ cười và cả những giọt nước mắt, tôi cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có. Có thể, tôi sẽ bị cho là hơi quá lời, nhưng tôi nghĩ chuyến đi đã làm tôi tôi lạc quan hơn.’




Với hai phần của phim, chúng ta có dịp khám phá Việt Nam qua đôi mắt của Anh Đỗ. Từ chuyện anh thử hành nghề xích lô ở Sài Gòn, chuyện đi lại ở thành phố “không bao giờ ngủ”, rồi những câu chuyện  sinh  hoạt đời thường trên đường phố, chuyện tập thể dục dưỡng sinh buổi sáng, đến khám phá những bản sắc của văn hóa cổ truyền Việt như võ cổ truyền, các phiên chợ. Qua những thước phim vui nhộn, ta khám phá cảnh sắc, hương vị và vẻ đẹp Việt Nam tiềm ẩn. Qua bộ phim, mỗi khán giả hẳn đã có thể tự tìm ra câu trả lời, rằng tại sao Việt Nam là một trong những điểm đến rất thu hút với khách du lịch gồm đủ lứa tuổi ở châu Á.

Phải chăng vì thế mà phim thu hút một lượng khán giả không nhỏ?


Anh Đỗ sinh ra ở Việt Nam. Anh là tác giả cuốn tiểu sử tự thuật 'The Happiest Refugee' (Người tị nạn hạnh phúc nhất),miêu tả cuộc hành trình đến Úc bằng thuyền khi còn là một đứa trẻ hai tuổi.  Cuốn sách đã đoạt nhiều giải thưởng, đáng chú ý nhất là giải'Book Industry Awards' (Giải thưởng của ngành công nghiệp sách) do Hiệp hội các Nhà xuất bản Úc trao tặng. Anh Đỗ cũng từng tham gia dàn dựng chương trình truyền hình 'Thank God You’re Here' (tạm dịch: Tạ ơn Chúa, chúng ta ở đây) và 'Good News Week' (tạm dịch: Tuần tin mừng).



Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Nhạc sĩ PHẠM DUY

Bài này tôi tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau như một lời chia buồn dành cho gia đình nhạc sĩ PHẠM DUY . Lời ca  và nhạc của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi về tình yêu quê hương, tình bạn, tình yêu thiên nhiên.....sau này.


Nhạc sĩ  Phạm Duy tên thật của ông là Phạm Duy Cẩn (ông sinh ngày 5 tháng 10, 1921- mất ngày 27 tháng 1 năm 2013)
Cha của Phạm Duy là nhà văn Phạm Duy Tốn
Anh cả của Phạm Duy là Phạm Duy Khiêm, một học giả và là một nhà văn viết tiếng Pháp
Người anh thứ hai của Phạm Duy là Phạm Duy Nhượng, một nhà giáo, cũng là một nghệ sĩ tài tử, tác giả bài Tà áo Văn Quân
Vợ của Phạm Duy là ca sĩ Thái Hằng
Một người anh họ của ông là học giả Nguyễn Văn Ngọc[cần dẫn nguồn]
Sau này ông có cha nuôi là học giả Trần Trọng Kim[cần dẫn nguồn]
Các con của Phạm Duy cũng là những ca sĩ, nhạc sĩ:
Ca sĩ Thái Hiền
Ca sĩ Duy Quang
Ca sĩ Thái Thảo
Nhạc sĩ hòa âm Duy Cường
Ngoài ra có thể kể đến:
Ca sĩ Thái Thanh, em gái của bà Thái Hằng
Ca sĩ Ý Lan, con gái của Thái Thanh, tức cháu gái của Thái Hằng
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, em trai của Thái Hằng, là ca sĩ Hoài Bắc của ban hợp ca Thăng Long.
Nghệ sĩ Phạm Đình Sỹ, anh trai của Thái Hằng
Phạm Đình Viêm, anh trai của Thái Hằng, là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.
Ca sĩ Tuấn Ngọc, chồng của Thái Thảo
Ca sĩ Mai Hương, con gái của Phạm Đình Sỹ, tức cháu gái của Thái Hằng



       Thời kháng chiến Nam bộ (1945–1946) ông chơi thân với Văn Cao, ngoài việc cùng ra vào chốn ăn chơi, ông và Văn Cao còn giúp nhau trong phương diện sáng tác (chẳng hạn một số ca khúc của văn cao do ông đặt lời, như bài Bến Xuân). Những nhạc phẩm đầu tay của ông có nhiều hùng ca: Gươm tráng sĩ, Chinh phụ ca, Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh, Nợ xương máu... Bên cạnh đó còn có nhạc tình lãng mạn, trong đó có nhiều bài giúp ông trở nên nổi tiếng: Cây đàn bỏ quên, Khối tình Trương Chi, Tình kỹ nữ, Tiếng bước trên đường khuya...
                   Năm 1947, Phạm Duy bắt đầu sáng tác nhạc âm hưởng dân ca với mong muốn xâm nhập sâu vào chốn thôn quê hơn, từ đó cho ra đời nhiều bài mà ông gọi là "Dân ca mới", rất được đông đảo quần chúng yêu thích: Nhớ người thương binh (1947), Dặn dò, Ru con, Mùa đông chiến sĩ, Nhớ người ra đi, Người lính bên tê, Tiếng hát sông Lô, Nương chiều... Những bài này được ông sáng tác dựa trên 2 tiêu chí:
Nét nhạc vẫn dùng âm giai ngũ cung cố hữu nhưng áp dụng nhạc thuật chuyển hệ làm cho giai điệu không nằm chết trong một ngũ cung nào đó như trong dân ca cổ mà chạy dài trên nhiều hệ thống ngũ cung khác nhau;Lời ca tuy nằm trong thể thơ lục bát, nhưng có nhiều khi được biến thể, do đó tiết điệu cũng theo âm tiết của lời ca mà trở nên phong phú hơn
-                                                Từ năm 1948, bên cạnh những bài có sắc thái tươi vui như: Gánh lúa, Đường ra biên ải... Ông có sáng tác thêm một thể loại mới: nói về sự đau khổ của những người sống trong chiến tranh. Những bài như: Bao giờ anh lấy được đồn tây (sau đổi thành Quê nghèo), Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Mười hai lời ru... đều có hình ảnh làng quê và người dân quê nghèo khổ.
Những bài hát này tuy được quần chúng yêu thích và phổ biến rất rộng rãi, nhưng do nói về sự bi, sự khổ mà Phạm Duy bắt đầu bị sự chỉ trích của cấp trên thời kháng chiến, ông bèn về miền Nam để tự do sáng tác. Năm 1952, bài Tình hoài hương ra đời, khởi xướng cho xu hướng sáng tác "Tình ca quê hương", sau đó là Tình ca; hai bài này được yêu thích từ Nam ra Bắc và nằm trong những tác phẩm tiêu biểu nhất nói về quê hương, với những câu như: "Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất, lúc tan chợ chiều xa tắp, bóng nâu trên đường bước dồn, lửa bếp nồng, vòm tre non làn khói ấm hương thôn" (trong Tình hoài hương), "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi! tiếng ru muôn đời" (trong Tình ca).
                          Tiếp đó ông trở về thể loại dân ca mới với những bài Đố ai, Nụ tầm xuân, Ngày trở về, Người về, Tình nghèo... Bên cạnh đó là Thuyền viễn xứ, Viễn du nói về sự chia lìa quê hương. Bài Hẹn hò nói về sự ngăn chia đôi lứa, ông dùng nhạc ngũ cung giọng Huế. Ngoài ra còn có: Xuân ca, Dạ lai hương, Xuân thì... Năm 1954, ông chuyển từ nhạc tình ca quê hương sang tự tình dân tộc, soạn ra Bà mẹ quê, Em bé quê, Vợ chồng quê, trong đó có Em bé quê với những câu đầu lấy trong sách giáo khoa Quốc Văn, được trẻ con thuộc như bài đồng dao.
-       Sau khi sang Pháp du học âm nhạc, ông sáng tác thêm được nhiều bài giá trị, ban đầu vẫn là "Dân ca mới", lại có thêm nhiều tác phẩm ca ngợi tình yêu đôi lứa mà phổ biến nhất phải kể đến "Đừng xa nhau", "Ngày đó chúng mình", "Tìm nhau"...
                         Lúc này ông sáng tác tự do theo nhiều chủ đề, những bài hát như nói về tâm tưởng '"Chiều về trên sông", "Một bàn tay", "Tạ ơn đời", "Đường chiều lá rụng", "Nước mắt rơi"... được Thái Thanh, Kim Tước, Quỳnh Giao thể hiện thành công; nhất là ca sĩ Thái Thanh, em của Thái Hằng, tên tuổi của bà đã gắn liền với những tác phẩm "Dân ca mới" và nhạc tình của Phạm Duy.
                          Năm 1973, lúc Phong trào Nhạc trẻ lên cao, ông cùng với ca sĩ Thanh Lan và nhạc sĩ Ngọc Chánh đi dự Đại hội âm nhạc Quốc tế tại Tokyo, Nhật. Bản Tuổi biết buồn của ông được lọt vào vòng chung kết.
                      Tại Hoa kỳ, thời gian đầu ông sáng tác một số ca khúc nói lên nỗi buồn tha hương, cũng như đả phá chế độ tại Việt Nam, những bản nhạc đó được phổ biến trong băng nhạc Phượng Nga. Nhưng sau này ông sáng tác những bài tình ca trở lại. Đáng kể nhất trong thời gian ở hải ngoại là bộ Minh họa Kiều (phổ nhạc truyện Kiều), Trường ca Hàn Mặc Tử, Hương Ca (lúc đầu chỉ có 7 bài), ...
                         Sau nhiều lần về thăm quê hương. Phạm Duy chính thức trở về định cư tại Việt Nam ngày 17 tháng 5 năm 2005, với sự cho phép của chính phủ Việt Nam. Sự kiện này được truyền thông trong nước lẫn hải ngoại quan tâm đặc biệt. Báo chí Việt Nam nhận xét đó là "nhịp cầu nối quê hương với người Việt xa xứ", "niềm vui thống nhất lòng người", còn Phạm Duy nói cuộc trở về này là "lá rụng về cội". Bên cạnh đó, sự kiện này còn gặp phải sự phản đối của người Việt hải ngoại, vì họ cho rằng ông đã về phe cộng sản.
Công ty Phương Nam cũng nhân dịp này, đã đứng ra mua bản quyền toàn bộ nhạc phẩm của Phạm Duy trong vòng 10 năm với giá hơn 400 nghìn đôla.
                             Năm 2006, Phạm Duy tổ chức đêm nhạc mang tên "Ngày trở về" tại nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, đêm nhạc tổ chức quy mô hoành tráng, được công chúng đón nhận nhiệt liệt.
Nhiều đêm nhạc Phạm Duy khác với quy mô lớn tiếp tục diễn ra: Con đường tình ta đi, Ngày trở về tại nhiều tỉnh miền Trung, những đêm giới thiệu Minh họa Kiều tại miền Bắc.. Tháng 3 năm 2009, đêm "Ngày trở về" đã tổ chức thành công ở nhà hát lớn, Hà Nội, nơi ông sinh ra, "Xong buổi diễn, tôi mới thực sự là người về hưu" - ông phát biểu. Ngày 18 tháng 8 năm 2011 ban liên lạc họ Phạm tại Tp Hồ Chí Minh và công ty TNHH họ Phạm Phương Nam tổ chức đêm nhạc Họ Phạm với chủ đề: "Mọi trái tim - một tấm lòng" cũng mời ông và nhạc sỹ Phạm Tuyên tới dự.

Các sáng tác của Phạm Duy có thể chia ra làm nhiều loại:

Nhạc cách mạng: Sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nói lên sự căm giận của người dân quê đối với giặc cướp nước, phá làng. Tiêu biểu có thể kể: Bà mẹ Gio Linh, Mười hai lời ru, Chiến sĩ vô danh.
Nhạc quê hương: Một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông, gồm những bài ca ngợi quê hương đất nước, hình ảnh con trâu, đồng lúa, cái cày... Nhiều bài rất quen thuộc với người Việt: Tình ca, Về miền Trung, Tình hoài hương, Bà mẹ quê, Em bé quê...
Nhạc tình đôi lứa: Tình yêu là một đề tài lớn trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy. Nhạc tình có khối lượng nhiều nhất trong kho nhạc đồ sộ của ông, có thể kể những bài được giới trẻ trong nam ngoài bắc hát như Hẹn hò, Cỏ hồng, Ngày đó chúng mình, Cây đàn bỏ quên, Phượng yêu, Kiếp nào có yêu nhau, Đừng xa nhau, Mưa rơi, Đường em đi, Tôi còn yêu tôi cứ yêu, Trả lại em yêu, Giết người trong mộng...
Nhạc tâm tư: Ngoài viết về tình yêu trai gái, tình yêu quê hương, thì những sự suy tưởng cao siêu hay nhớ nhung buồn nản vẩn vơ cũng được Phạm Duy ghi lại thành nhạc, có thể kể đến Đường chiều lá rụng, Bên cầu biên giới, Chiều về trên sông, Dạ lai hương, Viễn du... Hay những bài nói lên tâm trạng phẫn uất trước nội chiến, cảm khái trước thế thời như: Huyền sử ca một người mang tên Quốc.
Trường ca: Những tác phẩm lớn khiến ông có một địa vị chắc chắn trong nền tân nhạc Việt Nam: Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam, Hàn Mạc Tử, sau này là Minh họa Kiều, bản trường ca dài nhất và hoàn thành lâu nhất của ông.
Rong ca: Gồm 10 bài sáng tác năm 1988: Người tình già trên đầu non, Hẹn em năm 2000, Mẹ năm 2000, Mộ phần thế kỷ, Ngụ ngôn mùa Xuân, Nắng chiều rực rỡ, Bài hát nghìn thu, Trăng già, Ngựa hồng, Rong khúc.
Đạo ca: Gồm 10 bài, phổ thơ của Phạm Thiên Thư vào thập niên 1970: Pháp thân, Đại nguyện, Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng, Quán thế âm, Một cành mai, Lời ru bú mớm nâng niu, Qua suối mây hồng, Giọt chuông cam lộ, Chắp tay hoa, Tâm xuân.
Thiền ca: Gồm 10 bài, sáng tác vào thập niên 1980: Thinh không, Võng, Thế thôi, Không tên, Xuân, Chiều, Người tình, Răn, Thiên đàng địa ngục, Nhân quả.
Tâm ca: Gồm 10 bài, thở than về những xáo trộn trong cuộc sống người dân miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ: Tôi ước mơ (thơ Thích Nhất Hạnh), Để lại cho em (thơ Nguyễn Đắc Xuân), Tiếng hát to, Ngồi gần nhau, Giọt mưa trên lá, Một cành củi khô, Kẻ thù ta (ý thơ Nhất Hạnh), Ru người hấp hối, Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe, Hát với tôi. Ngoài ra còn nhiều bài khác cũng theo hướng Tâm ca như Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Tôi còn yêu tôi cứ yêu.
Tâm phẫn ca: Sáng tác sau Tết Mậu Thân: Tôi không phải gỗ đá, Nhân danh (thơ Tâm Hằng), Bi hài kịch (thơ Thái Luân), Đi vào quê hương (thơ Hoa Đất Nắng), Người lính trẻ, Bà mẹ phù sa... Ngoài ra còn một số bài sáng tác cho phong trào du ca.
Tục ca, vỉa hè ca: Gồm những bài ca lời dung tục, chỉ có tác giả hát, không ca sĩ nào hát.

Bên cạnh những thể loại kể trên, còn có Tổ khúc Bầy chim bỏ xứ, Tị nạn ca nói về tâm trạng và sự khó nhọc của người ly hương; Hoàng Cầm ca phổ những bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm; Hương ca sáng tác khi ông về ở Việt Nam...

MỘT BÀI VIẾT HAY VỀ PHAM DUY


"Một nghìn bảy trăm cây số từ Hà Nội - Nguyễn Trương Quý

Lần trở lại Sài Gòn này, tôi có một lời đề nghị gần như là thách thức: viết về một nhân vật nổi tiếng. Thuận lợi thì có nhiều: ông được nhiều người hâm mộ; ông còn khỏe và nhất là minh mẫn, so với các nhân vật cùng thời thì ông quả là may mắn khi giữ được nhiều tư liệu về đời mình… Khó khăn có lẽ là ở tôi: tôi không phải người Sài Gòn, tôi không sống cùng thời hoàng kim của ông, tôi nghe nhạc của ông bằng những mỹ cảm của một thế hệ khác, không gian khác. Dù ông là người gốc Bắc, nhưng tôi vẫn không biết có thể coi ông là người gốc Hà Nội được không. Tính về số năm sống ở Hà Nội của ông còn ít hơn tôi nhiều.
Sài Gòn sau mười năm đầu thế kỷ 21 vẫn còn giữ được vài khu phố có kiến trúc thời thuộc địa, nhưng những kiến trúc phong cách “quốc tế” thời năm 60-70 thì đã xuống cấp. Căn bản là phong cách này bây giờ trên thế giới không còn được ưa chuộng và người ta thấy cũng xấu xí. Phong cách này gắn với thời hậu chiến ảnh hưởng của những kế hoạch tái kiến thiết và viện trợ, đề cao phô bày kết cấu bê-tông cốt thép, với những cột mảnh làm phân vị dọc mặt đứng và những tấm đan tô đá rửa làm ban-công. Khách sạn Caravelle mười một tầng ngày xưa giờ đã cải tạo thành phần dưới của tòa nhà hai mươi tầng với những chi tiết tân cổ điển. Những chung cư dọc đường Trần Hưng Đạo chỉ còn chờ phá đi xây lại. Những hàng cây sao gần trăm tuổi thì vẫn còn, vẫn thẳng tắp vươn lên bầu trời phương Nam xanh ngăn ngắt. Cây sao hàng gầy, nằm phơi ráng đỏ… Và nhạc của thời ấy vẫn còn được hát nhiều, may mắn hơn kiến trúc. Những bài hát lời lẽ chi tiết, vẽ nên cả không gian sống một thời: ngọn đèn hiu hiu, nỗi lòng cư xá… căn phòng nhỏ, cao ốc vô danh… Thời mà những tấm ảnh cũ in lại, có những cô gái mặc áo dài chiết eo đi với quần lụa đen, tóc uốn bồng lên, bình thản băng qua đường. Nhưng mà ai cũng có một thời, thời yêu anh em làm thơ, yêu em anh soạn nhạc.
Sài Gòn giờ càng ngày càng đông càng phát triển nóng đến nỗi báo “Tuổi Trẻ Cười” phải vẽ tranh biếm họa, gọi là Hòn ngập và Hòn nghẹt Viễn Đông. Buổi trưa tôi được rủ đi ăn cơm ở một quán dùng toàn đồ cũ, những bàn ghế và đèn đóm của thời những năm 60 – thì ra cái gì của phong cách quốc tế còn thì vẫn còn chứ không biến mất. Nhà thiết kế dùng những chi tiết gợi lại hình ảnh thời chiến: dây thép gai, tấm tôn dã chiến, lon sữa bằng nhôm đong gạo. Và giữa sảnh là một cái đài quay băng cối Akai. Nhạc thời cũ rền rĩ. Thấy đời mình là những đám đông, người chia tay nhau cuối đường.
Ở Sài Gòn cách đây vài năm có một cửa hàng chuyên bán băng nhạc cũ tên là Thanh Nhân ở 20 Nguyễn Huệ. Hiện giờ thì khu đó đã giải tỏa để xây khu cao ốc văn phòng cao cấp. Hiệu Thanh Nhân cậy thế có đủ nguồn nhạc cũ lúc công nghệ in đĩa chưa phổ biến, nên bán băng cát-xét đắt gấp đôi bình thường. Giờ tôi nghĩ hiệu này có còn tồn tại đi chăng nữa thì cũng không cạnh tranh được với đĩa lậu la liệt. Tôi đi bộ từ nhà sách Nguyễn Huệ ra đó mà chưng hửng. Dù sao thì cũng cảm giác như một quá khứ đã không còn.
Bạn tôi bảo, tưởng gì, muốn nghe thì sẵn. Hàng tối, ở các quán hát cho nhau, người ta vẫn miệt mài ca những kỷ niệm của họ. Năm nay, các phòng trà ca nhạc làm ăn thất bát. Người nhạc sĩ chuyên phối khí nhạc tiền chiến cũng chẳng có nhiều việc để làm. Các đĩa nhạc tiền chiến giờ cũng ra thưa thớt. Hãng phim Trẻ thì đã chấm dứt series videoNhững tình khúc một thời vang bóng từ bốn năm nay. Còn lại Phương Nam Phim vẫn kiên trì khai thác. Nhưng đời sống của dòng nhạc này muốn sống thì phải là sống dưới ánh đèn sân khấu, chứ không thể chỉ là cơm nguội khi đói lòng chốn phòng thu ra đĩa.
***
Ở Hà Nội vào gặp Phạm Duy, tôi chỉ chia sẻ được với ông một giọng nói Bắc, còn ngoài ra mọi thứ đều khác. Ngay cả giọng của ông cũng là để diễn đạt những ngôn từ có gốc từ một thời xa lắc, rồi trôi giạt mấy chục năm, một lối nói luôn rành mạch và khôn ngoan. Lối nói ấy rất chủ kiến và chắc, chứ không lộn xộn, hoang mang và “đang cấu trúc” in progress như thế hệ chúng tôi.
Ông mệt nên thay vì trả lời nhiều, ông bảo tôi đọc to lên những bài viết trong bản thảo cuốn sách ông mới viết về âm nhạc, thực ra là về những bài ông sáng tác trong cuộc đời mình. Đọc thành tiếng, tôi nhận thấy ông có tài diễn đạt ý tưởng một cách hấp dẫn và thông minh bằng một thứ văn viết tự nhiên như kể chuyện. Tôi nghĩ tới nhạc của ông, những bài hát để lại ấn tượng cho tôi về sự phong phú ngồn ngộn của ca từ, hát cũng là một cuộc trình bày ngôn ngữ. Những chữ sắc nhọn, gai góc, xù xì, cảm tưởng tự nhiên chủ nghĩa, xô đẩy nhau. Giết người đi, giết người đi. Giết người như loài bướm đong đưa… Trong căn phòng mười lăm mét vuông kín như bưng, chỉ có cái cửa sổ che rèm, một cái giường cùng lỉnh kỉnh đồ đạc như mọi căn phòng của người già bị bệnh, ông ngồi thu người trong cái ghế xoay giữa đống máy tính, máy in và loa nhạc, nhỏ nhoi và kín đáo. Bầu không khí buổi chiều khá ngột ngạt như sắp có giông, chỉ có tiếng tôi đều đều đọc những dòng viết của ông.
***
Tôi vẫn nhớ cảm giác đầu tiên khi nghe những ca từ gợi về một không khí bảng lảng xa xưa, những miền giáo đường với người tình Văn khoa. Những ca từ đem lại một đặc tính duyên dáng và lịch lãm, biến những địa điểm và không gian cụ thể như khung trời đại học, công viên chiều qua, chiếc cầu biên giới… thành lấp lánh của màu sắc kỷ niệm. Nó khác và mới lạ với đầu óc tư duy nặng về trực quan và thực tế của tôi cũng như nhiều người miền Bắc. Nó giống như một người vẫn khai trong lý lịch “Tôn giáo: Không” bước vào một nhà thờ, nhìn những vòm trần cao vút và tiếng kinh cầu ngân nga, mà bâng khuâng lạ lẫm.
Người Sài Gòn yêu rộng rãi những thể loại nhạc tình cảm, và tình ca lãng mạn một thời trở thành món ăn tinh thần của bao thế hệ. Có những người Hà Nội, hay đúng hơn là dân Bắc, nhiều khi quen một lối sống thực tế và cách nói năng chao chát, cho đó là “sến”. Tuy nhiên có hỏi ra thì mới hay, sến đối với họ là những gì khóc lóc nỉ non, chàng và nàng ly biệt, hay là ỉ eo bolero. Ai cũng biết nói vậy là nghĩ hẹp, nhưng chẳng phải là mới mẻ gì việc người ta bảo “sến như dân Sài Gòn”. Vấn đề là ở Sài Gòn người ta kiếm sống dễ hơn, thu nhập cao hơn, kinh tế phồn vinh nhất nước. Phồn vinh thật chứ không phải “giả tạo”. Một chiều mưa Sài Gòn như mọi chiều mưa, dạt vào mua cái áo mưa, chợt loáng thoáng bên tai… ngày nào đọc lại dòng thơ, mưa rơi, mưa rơi trên má… Bất chợt, những lời lẽ mùi mẫn nọ làm cho con đường nhiều lô cốt đỡ khó đi. Đường kẹt xe chết đứ đừ, ba bề bốn phía mấy cửa hiệu thời trang vẫn mở nhạc ầm ầm. Phố xá thênh thang đón chân tôi đến nơi này…
Người lái xe ôm khéo léo vượt qua con đường dài như bất tận đến qua trường đua Phú Thọ. Tôi xa ông không chỉ một nghìn bảy trăm cây số đi máy bay, không chỉ mười cây số từ trung tâm Sài Gòn bằng xe ôm (đi taxi thì khả năng bỏ xe lại bắt xe ôm rất cao), tôi vẫn xa ông ngay trong căn phòng này, như thể giữa tôi và ông có một cái hố chứ không phải là một viên gạch lát sàn vuông 40cm giữa hai cái ghế. Biết nói cái gì nữa nhỉ. À, ông có nick là “ông già hi-tech”, ông thích chơi công nghệ, từ máy tính đến các dụng cụ kĩ thuật số. Nhiều người mê ông thì mê như thánh sống, nói về ông cả buổi không cạn, viết hàng tập về tác phẩm của ông. Người lại bảo tôi đừng viết về ông, chẳng hay gì cái người phức tạp, viết đằng nào cũng khó xử cho mình. Nhiều người không ưa ông vì những sự lựa chọn và toan tính, lại càng không thích vì những phát ngôn nhiều khi gây hấn. Tôi đã đọc hồi ký của ông được in trong nước, những lời rất thông minh và biết lách qua những chỗ khúc mắc của thời cuộc và quan hệ. Con người của ông gần như chẳng còn ngóc ngách nào giấu cả. Ông có nói nhiều hơn về bản thân thì cũng như một người chơi bài ngửa. Con người ông thế nào thì dường như đã chẳng ngại ngần giấu diếm trong nhạc, trong phát ngôn và trong hành trình song hành với đời sống của bao nhiêu thế hệ – những nhân chứng cho một ca tốn khá nhiều giấy mực cho các bên phân xử. Chất liệu thì có đủ cả đấy, rõ ràng rành mạch, vậy mà mọi sự vẫn cứ u minh như phủ một màn sương huyền hoặc.
Ông khoe đĩa nhạc Thu Hiền hát 7 bài của ông. Tôi hỏi, ông có biết cái giọng luyến láy phát âm có màu sắc dân ca Nghệ Tĩnh này từng được người miền Bắc yêu thích lắm không? Ông chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi lại: “Thế à?” Rồi tôi lại nói về sự khác nhau giữa ca từ trong việc đặt lời cho những bản nhạc như Serenade của Schubert hay Trở về Sorriento của Curtis, và ông có biết là ở miền Bắc thịnh hành những bản lời khác… Câu trả lời cũng vẫn là ngạc nhiên, “thế à?” Ông bảo việc ca sĩ hát nhạc của ông bây giờ là do Phương Nam quyết hết, ông không biết việc tổ chức hát ra sao… Sau một hồi nói chuyện, tôi lấy làm nghi hoặc, chẳng lẽ ông lại như một người tách biệt với đời sống âm nhạc đương đại đến thế. Tự nhiên tôi như thấy, căn phòng này, không khí này, buổi chiều này, như cách ly xa vời vợi với kẹt xe, với lô cốt đường phố, với hàng cây ngoài kia, những cảnh trí từng là nguồn cảm hứng cho âm nhạc của ông.
Ông lấy đĩa nhạc mới ra. Không khí mềm dịu đi trong tiếng nhạc của một bài hát mà ông đã viết cho Hà Nội, nơi ông lớn lên: Mơ dạo xuân Hà Nội, phổ thơ Thảo Chi.
Mùa Xuân phơn phớt gió
Ngày Xuân ta lang thang
Bóng chàng không thấy đâu
Bơ vơ trên xứ lạ
Buồn vì Xuân đã mất
Một mùa Xuân mưa bay
Ước gì tay trong tay
Dạo chiều Xuân Hà Nội
Tôi lấy máy ảnh ra chụp. Ông ngồi ngả ra ghế, không hẳn thư thái cũng không hẳn suy tư. Ông đang nghĩ gì? Một đời của ông có phải là tròn đầy không, hay cuộc đời đó là của một kẻ lang bạt nhưng biết vun vén thích nghi hoàn cảnh. Mà hình như đấy cũng mang máng cuộc đời của bao người cất bước chân đi, không ấm chỗ nào bao giờ, mượn những chữ bóng bảy “giang hồ” để cho thi vị. Tình ái trong nhạc của ông cũng nhiều những mối tình qua đường, những trả hết cho người, cả những chua cay, ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi, một tiếng thương ôi, gửi đến cho người… Dù là nhạc tình hay nhạc xã hội, là đấy là một loại nhạc không dành cho những tâm sự tươi non, ngây thơ hoặc trong trắng. Nó là loại nhạc của người đã dày dạn, dù có đóng vai trẻ con hay thoát tục vẫn đầy nhục cảm. Từ một chi tiết, câu hát đưa đẩy ra cả một không gian mênh mang: Ôi tóc em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời. Cái nhục cảm vì tính chất tạm trú, “biết ra sao ngày sau”, nên càng cuống quýt, nghiến ngấu. Điều này khiến cho ở cấu trúc hình tượng, ông sai khiến ca từ bắt được những cách biểu đạt ngoa dụ, phóng dật. Những vật liệu bình thường, những sự việc bình thường, được gán tính cách, được nhân cách hóa, được đẩy tới cao trào theo kiểu luôn chuyển động không ngưng nghỉ: Yêu như loài ma quái, đi theo ai tới cuối trời, đi không thôi kêu gào, làm sao nói được tình tôi… Bao nhiêu người yêu nhau đã gặp được tình tự ấy trong chính đời mình.
Chiều xuân mưa bay Hà Nội, ông cũng mơ mang theo như bao người tha hương. Nhưng cơn mưa ấy là cơn mưa của một quá khứ, Hà Nội ngày ông trở về cũng là một Hà Nội khác xưa đến “một nghìn lần” như ông thừa nhận. Với tôi, ông là một người đã làm công việc của mình, đi qua cuộc đời bề bộn, với những toan tính sắp đặt để khẳng định chỗ đứng, có khi thành có khi bại. Một khi đã lên yên, chỉ có thể phóng đi, chấp nhận thị phi cùng những hậu quả không mong muốn. Cái sự bất chấp liều mạng của ông thời nào, nay có đầy ở những người Việt mới.
Ra khỏi căn nhà, tôi bước ra con đường trời mây vần vũ. Bên kia đường, trường đua ngựa vẫn đông nghìn nghịt người xem. Mai tôi về lại Hà Nội, tôi vẫn chưa biết phải bắt đầu viết ra sao."

* Những chữ in nghiêng là lời ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và Y Vân.


VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...