Ảnh VŨ KIM KHOA |
Tác giả VŨ KIM KHOA |
Có
lần ở trong cuộc họp tổng kết về nhiếp ảnh, một người phát biểu: “Phàm đã cầm
máy, thì đều là những người yêu cái đẹp, nên tất cả chúng ta cũng đều là nghệ
sĩ!” Hình như anh bạn ấy đúng. Nếu ta để ý đến vai trò cá nhân ở một lĩnh vực
khác của một chuyên ngành nghệ thuật: Trên sân khấu, người ta không chỉ gọi tất
cả các diễn viên hiện diện tại đó đều là “nghệ sĩ”: Nghệ sĩ thủ các vai diễn,
nghệ sĩ chơi các loại nhạc cụ, ngay cả những người điều khiển ánh sáng, âm
thanh, trang phục, đạo cụ…, cũng đều được gọi là “nghệ sĩ”. Chỉ có hai người được
giới thiệu khác đi, đó là: Nhà biên kịch và nhà đạo diễn. Hai “nhà” này không
có chữ “sĩ” chạy theo, nhưng ai cũng biết, họ lại là linh hồn của sân khấu. Họ
hiện diện uy nghi trước khán giả. Và các “nghệ sĩ” hội tụ trên sân khấu, là để
thực hiện các tiết mục mà họ bày đặt ra. Vậy cụm từ: “Nhà biên kịch; nhà đạo diễn”
phải có trọng lượng lớn hơn cụm từ “nghệ sĩ” để gán theo mỗi con người hoạt động
trong lĩnh vực này(?). Rồi khi xét tãi rộng ra nữa, thì hình như lại thấy lập
luận của anh bạn trên kia có gì đó sai sai. Bởi nghĩ rằng những người đi xem kịch,
xem chèo, nghe cải lương…, cũng đều vì yêu cái đẹp, nên đã bỏ tiền ra mua vé
vào rạp. Nếu cứ “là những người yêu cái đẹp” mà thành nghệ sĩ cả, thì ta cũng
phải phong cho các khán giả, là “nghệ sĩ thưởng thức” sao? Còn lạ một điều, là
trong nhiếp ảnh người ta thích được gọi “nghệ sĩ nhiếp ảnh” hơn là “nhà nhiếp ảnh”.
Nhưng chắc chúng ta cũng đã nhận ra. Các quan chức ngay từ những vị làm tuyên
giáo, thường dễ dàng gọi các nghệ sĩ sân khấu kèm theo đủ các danh hiệu là Nghệ
sĩ ưu tú; hay Nghệ sĩ nhân dân…, nghe nó vừa dễ hiểu, vừa gần gũi - thì riêng với
nhiếp ảnh, những danh hiệu (mà chúng ta thích viết tắt): AVAPA, EVAPA, EVAPA –
g…, dường như vẫn là những mĩ từ khó hiểu và xa lạ với họ, cũng như với đại bộ
phận người dân.
Gần
đây tôi có xem bộ phim, nói về chuyện một nhóm người tổ chức cướp máy bay, với
mục đích là để gây áp lực chính trị… Trong một đoạn văn trao đổi giữa người cướp
máy bay và người lái máy bay, người là không tặc đã đề cao việc tham gia làm
cách mạng của mình, thì anh phi công của chiếc máy bay bị cướp trả lời: “Tôi là
kĩ sư và một kĩ sư có giá trị hơn năm mươi nhà cách mạng!” Nhóm cướp máy bay
còn sợ anh phi công bỏ trốn, khi anh đề nghị đi sửa đường nước sinh hoạt, (việc
mà cả nhóm làm cách mạng bất lực, không ai biết làm gì). Thì anh nhìn thẳng vào
mắt họ mà nói: Tôi là phi công và tôi không bỏ rơi hành khách của mình!
Vậy
nên cụm từ “nhà cách mạng” nhiều người từng rất thích được gán cho hoạt động của
bản thân trong quá khứ. Nhưng ngay ở Việt Nam, những người từng tích cực tham
gia công cuộc “Cải cách ruộng đất”, về sau này thường muốn quên đi những tháng
năm chỉ mang lại nỗi dằn vặt cho lương tâm mình. Và những câu trả lời của anh
lái máy bay đối với nhóm không tặc trên kia, khiến mọi người xem bộ phim phải
kính trọng nhân cách “người thợ” của anh phi công ấy. Và thực tế đã chứng minh:
Tên gọi không biện hộ được cho hành vi một con người.
Những
thành phần chính tham gia sinh hoạt ở Hội NSNA Việt Nam hiện nay, có thể được tạm
phân ra làm ba nhóm: Nhóm thứ nhất gồm những phóng viên ảnh ở các tòa báo, tạp
chí chính thống từ trung ương đến địa phương. Nhóm thứ hai là các thợ ảnh của
những hiệu ảnh làm dịch vụ. Nhóm thứ ba là lớp người chơi ảnh thuần chất, chỉ để
phục vụ cho nỗi đam mê cá nhân mà mình theo đuổi. Nếu như nhóm thứ nhất và thứ
hai được coi là “chuyên nghiệp” khi nhiếp ảnh là nghề chính, mà bản thân đã dựa
vào công việc đó để hưởng lương và nuôi sống gia đình. Thì nhóm thứ ba đích thị
được coi là “nghiệp dư”, khi nguồn sống của bản thân và gia đình không phụ thuộc
vào nhiếp ảnh. Thực tế các NSNA của Việt Nam, dù nằm ở bất kể thành phần nào; đại
bộ phận họ, đều do tự học mà nên. Những kiến thức chuyên về nhiếp ảnh, ở các trường
đại học báo chí thường rất sơ sài, hạn hẹp. Còn kinh nghiệm mà những bậc lão
làng trong các hiệu ảnh truyền đạt lại cho nhân viên của mình thì thường manh
mún, lạc hậu và yếu về lý thuyết căn bản. Nhu cầu và ranh giới hoạt động của
hai nhóm đầu, thực tế nhiều lúc hòa vào nhau khiến khó phân biệt. Chỉ nhóm thứ
ba là có khác biệt, nhóm này tập hợp từ đủ mọi ngành nghề, đang hoặc đã từng ở
những vị trí khác nhau trong thành phần cấu trúc của xã hội, họ mê nhiếp ảnh là
bởi trong đường gân, thớ thịt của họ tiềm ẩn bẩm sinh tố chất văn nghệ sĩ và họ
đến với nhiếp ảnh, ban đầu cũng với chỉ một mục đích giải stress! Nhiều người
trong họ thấy bất ngờ, khi ảnh của mình còn đoạt giải trong những cuộc thi. Và
thực tế, họ hầu như đứng ngoài mọi tranh chấp thiệt hơn trong tổ chức. Họ lại đủ
kinh nghiệm sống, coi nhiếp ảnh là thú chơi tao nhã, nên họ biết hành sử đẹp.
Chỉ tiếc, những người như họ còn rất nhiều ở ngoài xã hội, cũng bởi nhiều lý
do, họ đã không muốn khép mình vào bất kì một tổ chức nào…
Tôi
nghĩ các vị lãnh đạo ở Hội NSNA Việt Nam đã thừa biết thế mạnh trong tổ chức mà
mình đại diện nằm ở đâu. Nhưng để thu hẹp những hạn chế và khai thác những thế
mạnh tiềm ẩn của nhiếp ảnh ở một đất nước có gần trăm triệu dân cần phải làm thế
nào, thì họ vẫn đang tỏ ra lúng túng. Từ hai chục năm trước, khi mà cố nghệ sĩ
nhiếp ảnh Lê Phức còn làm chủ tịch hội, rồi đến thời kì NSNA Chu Chí Thành và
nay là thời NSNA Vũ Quốc Khánh. Giữa những kì đại hội, một số người đã mạnh dạn
muốn thay đổi tên gọi của tổ chức. Mục đích chính là để mở rộng tầm hoạt động của
Hội, thu nạp thêm những nhân tố mới; hòa nhập với xu thế phát triển chung của nền
kinh tế, xã hội đất nước…, các nhà nhiếp ảnh đó vốn rất nhạy cảm: Họ muốn tránh
những điều được coi là “hữu danh vô thực”. Nhưng rồi cái mĩ từ “Nghệ sĩ” nó
lung linh quá, người ta thấy thiệt thòi, khi lại gọi khác đi. Không biết những
người làm tranh, làm tượng ở Việt Nam có thấy tủi phận không, khi họ “chỉ” núp
dưới cái tên: Hội Mĩ Thuật Việt Nam – theo logic của giới nhiếp ảnh, nghe như
nó thiêu thiếu một âm điệu nào ấy thì phải(?)
Một
kì đại hội nữa sắp đến gần, hội viên cả nước hướng về đại hội không phải cứ chỉ
để săm soi, rằng ai sẽ là những người đại diện cho mình trong tổ chức bộ máy.
Thế giới già cỗi của chúng ta cũng đang phải tự làm mới mình bằng nền công nghiệp
4.0. Những NSNA dù là người lạc hậu nhất, cũng hiểu chiếc máy di động không dây
nằm trong túi ngoài chức năng gọi điện thoại ra, còn có thể chụp ảnh đẹp và lại
còn thay thế được cái đèn pin - mỗi khi trời nhập nhoạng tối phải leo núi đến
điểm ghi hình. Hãy trao cho BCH, cho Chủ tịch, Phó chủ tịch khóa mới… Những quyền
năng tốt nhất có thể! Nhưng chúng ta cũng sẽ chất lên vai họ, cái trách nhiệm
phải đưa nền nhiếp ảnh Việt Nam thành một cường quốc thực sự, nổi bật trong thế
giới văn minh. Một cái cây xanh tốt là nhờ có bộ rễ khỏe mạnh và không bị mối mọt,
úng mục. Với một đàn ong thợ kém chất lượng thì chẳng ai nghĩ sẽ có một mùa mật
bội thu. Cũng khó có kì vọng, rằng chúng sẽ tạo ra chúa mới óng mượt và đẻ khỏe,
đảm bảo duy trì sự tồn tại của đàn bất chấp cả khi gặp môi trường khắc nghiệt.
Và cuối cùng, ai cũng hiểu: Cái “danh xưng” tự tôn - muôn đời không thể sánh được
với thứ gọi là “hữu xạ tự nhiên hương”.
Nguồn:
Một số tác phẩm của NSNA VŨ KIM KHOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét