Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Cuộc đời Nhạc sĩ Hoàng Hiệp




            Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (sinh ngày 1 tháng 10, 1931 - mất 9 tháng 1, 2013) là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với nhiều tác phẩm xuất sắc phản ánh chân thực chặng đường đi lên của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ 20. 

             Ông tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 01/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác từ năm 1948, tuy nhiên những tác phẩm thật sự để đời của ông chỉ xuất hiện trong những giai đoạn sáng tác sau đó vài thập kỷ.

          Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội cho đến 1975, ông đã viết hơn 100 bài hát, nhiều bài trong đó là những tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kì chống Mỹ như Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác.

          Sau 1975 Hoàng Hiệp trở về miền Nam. Ông về công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, sau chuyển sang Hội âm nhạc thành phố và một thời gian làm Tổng thư ký Hội. Dấu ấn của thời kỳ sáng tác này, bên cạnh những tình ca Con đường có lá me bay (1977), Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em (bài hát trong phim Tội lỗi cuối cùng) nổi lên một tác phẩm không chỉ là tâm sự của riêng ông về miền Bắc mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ký ức về thủ đô.
Những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ xúc động. Bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp là một tác phẩm đặc sắc, nếu không muốn nói là kinh điển, của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 về tình yêu thành phố bên bờ sông Hồng nơi qua đi một phần tuổi trẻ của tác giả. Đây cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về Hà Nội.
           Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói như: Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu...; nhạc cho các vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và Nghĩa; viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn... Ông còn là dịch giả cuốn Nhạc lý cơ bản của Spasspbine, và là tác giả của nhiều sách giáo khoa âm nhạc.
            Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 2007, vào tối chủ nhật ngày 2-12, có một chương trình được tổ chức để vinh danh ông. Chương trình nằm trong chuỗi chương trình Con đường âm nhạc, được tổ chức tại sân khấu Lan Anh, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3 Đài Truyền Hình Việt Nam.

Ông mất lúc 12 giờ 45 phút ngày 09 tháng 01 năm 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Các sáng tác của nhạc sĩ

Câu hò bên bờ Hiền Lương
Chiều ấy
Con đường có lá me bay
Cô gái vót chông
Đánh mất
Đất quê ta mênh mông
Đồng đội
Em vẫn đợi anh về
Hoa hồng
Khúc thơ tình cho người lính biển
Lá Đỏ
Mùa chim én bay
Ngọn đèn đứng gác
Nhớ về Hà Nội
Nơi anh gặp em
Phố tôi có một anh chàng
Sao anh không kể
Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây
Thành phố tôi yêu
Trở về dòng sông tuổi thơ
Về phía ấy tình yêu
Vào lăng viếng Bác
Đất mũi Cà Mau




Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...