Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

LỄ VÍA BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM



Đã trở thành thông lệ, hàng năm vào tháng 4 âm lịch, mùa lễ vía Bà Chúa Xứ lại bắt đầu vào hội. Người dân trong vùng và các tỉnh khác bắt đầu hành hương về Núi Sam (Châu Đốc-tỉnh An Giang) vía Bà, nhưng rộ nhất là vào những ngày từ 23 – 27/4 âm lịch. Đây cũng là dịp người dân trong vùng xuống giống đã xong, có thời gian rảnh rỗi để tổ chức lễ hội ăn mừng và tạ ơn bề trên. Năm 2008 là năm Du lịch Quốc Gia Mê Kông với chủ đề “ Miệt vườn Sông nước Cửu Long”.Vì vậy, lễ hội vía Bà Chúa Xứ được nâng lên thành lễ hội cấp quốc gia và là một trong những lễ hội chính trong năm
Trong dân gian tương truyền rằng: Cách đây gần 200 năm, núi Sam còn hoang vu, cây cối rậm rạp, nhiều thú dữ, dân cư thưa thớt, giặc biên giới thường sang khuấy nhiễu. Một hôm, có một toán giặc Xiêm leo lên núi Sam phát hiện được pho tượng cổ bằng đá rất đẹp. Động lòng tham, chúng xeo nại, tìm cách khiêng đi nhưng không thể nào xê dịch được. Sau hàng giờ vất vả với pho tượng, chúng tức giận đập phá làm gãy cánh tay trái pho tượng.
Sau khi chúng bỏ đi, trong làng có một bé gái đang đùa giỡn bỗng dưng ngồi lại, mặt đỏ bừng, đầu lắc lư, tự xưng là Chúa xứ thánh mẫu, nói với các bô lão: “Tượng bà đang ngự trên núi, bị giặc Xiêm phá hại, dân làng hãy đưa Bà xuống”. Dân làng kéo nhau lên núi, quả thật tượng Bà đang ngự gần trên đỉnh. Dân làng mừng rỡ tuyển chọn chín cô gái dẫn lên núi, xin phép Bà được đưa cốt tượng xuống. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, các cô phải đặt xuống đất và không nhấc lên nổi nữa. Dân làng hiểu rằng Bà muốn ngự nơi đây nên tổ chức xin keo, được Bà chấp thuận và lập Miếu thờ. Hôm đó là ngày 25 tháng 4 âm lịch, dân làng lấy ngày này làm lễ vía Bà. Hiện nay, trên đỉnh núi Sam, vẫn còn vết tích l bệ đá Bà ngồi. Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn.
Ban đầu miếu Bà được cất đơn sơ bằng tre lá. Ðến năm 1870, miếu được xây cất lại. Năm 1972, ngôi miếu mới được xây dựng theo qui mô lớn và hoàn chỉnh như hiện nay, và người thiết kế là kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng. Kiến trúc miếu có dạng chữ "quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Bên trong miếu có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của Ban Quý tế...
Các hoa văn ở cổ lầu chính điện, thể hiện đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi ở nơi đây cũng rực rỡ vàng son. Đặc biệt, bức tường phía sau tượng bà, bốn cây cột cổ lầu trước chính điện gần như được giữ nguyên như cũ.
Tượng thờ này thuộc nền văn hóa Óc Eo, mang mô típ mỹ thuật Bà-la-môn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, tương tự tượng Phật Bốn Tay ở chùa Linh Sơn ( thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang).

1 nhận xét:

LANG THANG nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...