Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

TIN BẮT VOI ONLINE BẰNG…ĐIỆN THOẠI



Ngồi lai rai cà phê với mấy ông bạn hưu trí, Tuấn ( người bạn công tác ở Sở Thông tin truyền thông BT) bảo : “ vừa rồi tui có đọc 1 bài báo viết về Hữu Thành trong chuyến đi Săn Voi Rừng đó nhen”. Thế là tôi về nhà nhờ ông “ Thánh “ Google tìm giúp về anh Trần Đình Thảo vì tôi tin chắc chỉ có anh là người duy nhất biết được câu chuyện này của tôi vì khi đó anh (Phó Ban tin trong nước TTXVN) và tôi là hai đầu mối chính cho câu chuyện Săn Voi của cơ quan TTXVN.


Trên trang VĂN HIẾN ONLINE (http://vanhien.vn/news/tin-bat-voi-onlines-bang%E2%80%A6-dien-thoai-58767) anh đã viết:

“Khoảng tháng 11 năm 2001, Hữu Thành ở Phân xã (nay gọi là Cơ quan thường trú) Bình Thuận  báo cáo về việc kế hoạch bắt sống đàn voi dữ sẽ được thực hiện tại Tánh Linh, nơi đàn voi đang hoành hành dữ dội.
Hữu Thành đề nghi Tổng xã ủng hộ bằng cách đưa tin sao cho kịp thời cho các bản tin thời sự 6 giờ,11 giờ, 18 giờ và 21 giờ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi thấy đề nghị này rất đáng lưu tâm nên ủng hộ. Trưởng ban Vũ Kim Hải đồng tình và giao cho tôi trực tiếp lo việc này. Thời kỳ này, sự phối hợp giữa TTXVN và Đài TNVN rất  tốt. Tin của ta phát đề rõ là theo Phóng viên TTXVN tại đia phương, sáng nay, trưa nay hoặc tối nay đã xảy ra việc này việc kia hoặc đã hoàn thành công trình này, sản phẩm kia…rất được đia phương hoan nghênh.  Có nơi như An Giang, tuyên giáo Tỉnh ủy còn thưởng cho phân xã mỗi tin, bài một khoản tiền nên số tin, bài cuả Tố Quyên và phân xã tăng cao.
Có lẽ thế nên Hữu Thành hăng hái lắm. Thành báo cáo dự kiến khá đầy đủ về chiến dịch săn voi này và tôi đã hình thành các bản tin nhanh cho sự kiện này. Tôi giao hẹn Thành làm tin miệng qua điện thoại  thẳng cho tôi bất cứ khi nào khi bắt được voi. Nghe điện thoại của Thành, tôi hỏi vắn tắt đại loại như mấy giờ, voi to ,  hay nhỏ, đực cái, ở đâu,  chuyên gia Malaysia làm gì, nói gì…Cứ như vậy tôi đủ dữ liệu cho một tin nhanh.
Sau con voi thứ nhất, thứ hai đến con voi thứ 3 vào chiều 26 tháng 11, Thành báo về con voi thứ 3 đã bị bắt sống, giải mê và sẽ được chuyển về Yok Đôn.  Con voi này khá hung dữ, trước khi chịu khuất phục, nó tìm cách phá phách, làm sạt một mảng chuồng và đập vỡ máy bộ đàm của ông Shariff, trưởng toán chuyên gia săn voi người Malaysia. Tham gia áp tải voi rừng là 5 chuyên gia Malaysia, có cả công an tỉnh, cán bộ kiểm lâm với đầy đủ phương tiện, tất nhiên  có cả giấy phép vận tải hàng hóa đặc biệt. Để tránh cho voi bị sốc, xe chở không đi theo quốc lộ 1A mà đi theo quốc lộ 14, rút ngắn được 100 km. Dự tính, 6h sáng nay, đoàn vận chuyển sẽ đến nơi…
Tin của Hữu Thành đã được hoàn chỉnh từ những câu vấn đáp dòng một , viết lại và phát riêng cho ban Thời sự Đài TNVN. Bản tin thời sự 18 giờ ngày 26 tháng 11 đã phát đi tin này, Thành còn báo cho Ban chỉ đạo và các chuyên gia sự kiện này cũng như hai lần bắt hai voi trước. Địa phương và chuyên gia rất phấn khởi vì kết quả công việc của mình được cả nước biết đến kịp thời nhất, nhanh nhất và chính xác nhất.

Anh em còn báo về cho biết trước khi thả vào vườn quốc gia Yok Đôn, voi rừng sẽ được cài máy định vị vệ tinh  của  New Zealand để theo dõi việc di chuyển. Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk sẽ giám sát và theo dõi và xử lý thông tin nhận được từ các con voi này.

Để tránh đàn voi đến giải vây cho voi bị giữ trong chuồng như lần trước, lần này, các chuyên gia và 2 voi nhà trụ lại gần chuồng voi. Hệ thống thắp sáng sẽ được tăng cường để phát hiện voi rừng từ xa. Lực lượng bảo vệ sẽ được trang bị thêm 1 đèn pin. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận cũng tăng cường một trung đội tham gia giữ an toàn cho đoàn săn.


Thấm thoát đã 16 năm sau sự kiện này. Tất cả người trong cuộc làm tin voi đã nghỉ hưu chỉ con gặp nhau trên Face để nhớ lại một thời làm tin theo Phóng viên TTXVN sáng nay…phát ngay cho Đài TNVN theo kiểu bây giờ phát onlines dù hồi ấy chỉ có điện thoại vì máy tính bàn không thể ôm theo và nếu có mang theo cũng không có đường truyền…”

_________________________________________________

Một câu chuyện cũ đã 16 năm, nhưng nói thật tôi nhớ mãi không quên vì nó quá đặt biệt trong đời làm báo của tôi .Khi đó tôi chỉ là một phóng viên tin của Phân xã Bình Thuận và tôi nhận nhiệm vụ này hoàn toàn bất ngờ vì đây là một câu chuyện lớn : Chính Phủ quyết định giao cho Cục Kiểm Lâm phối hợp cùng tỉnh Bình Thuận thuê chuyên gia Malaysia  bắt đàn voi dữ giết 12 người dân chuyển lên vườn quốc gia Buôn Đôn. Mà tôi chỉ là 1 phóng viên tin. Một buổi chiều trước khi sự kiện diễn ra 2 ngày năm 2001,  Anh Nguyễn Duy Cương, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN điện cho tôi : “ HT, cơ quan giao cho cậu đi đưa tin chụp ảnh về sự kiện quan trong  này ….”

-       Tôi hỏi lại sếp Cương : “ Sao lại là tôi, chỉ là một phóng viên tin, không máy ảnh mà không khải là các pv chuyên đề….?”

-       Cơ quan biết khả năng của HT nên mới mạnh dạn giao cho cậu . Cậu có cần hổ trợ gì…?
-       Tôi biết không thể từ chối được,nên tôi nhận lời và ra "điều kiện" với sếp “ Về máy ảnh, thì tôi sử dụng máy nhà, nhưng về phương tiện thì cơ quan phải hổ trợ vì từ cánh rừng nơi voi trú ngụ đến Phân xã hơn 100 km nên phải có xe hơi và thêm 1 pv phụ giúp”

Sếp Cương đồng ý tất cả . Ngay ngày hôm sau tôi có 1 chiếc pajero với anh Hiệp là lái xe và anh Lê Hiền PV của tờ TIN TỨC phía Nam phụ giúp.

Tất cả những chuyện còn lại đều chính xác như anh Trần Đình Thảo đã viết như trên. Sở dĩ tôi đề nghị đọc tin qua điện thoại vì muốn cạnh tranh thông tin với Đài truyền hình VN. Họ có bản tin 7 giờ tối, trong khi bản tin Đài tiếng nói VN chỉ có 6 giờ và thời đó chỉ có 2 phương tiên là “ cạnh tranh” thời sự. Vì vậy tôi quyết định đọc tin qua điện thoại từ bưu điện xã Tân Minh – nơi đàn voi rừng đang tung hoành. Từ đó suốt cả chiến dịch “ Săn Voi” tin của TTXVN lúc nào cũng “ nóng” và nhanh nhất. Ngoài bản tin Trong nước, tôi phải làm bài cả ảnh  cho báo Tin Tức ( cùng pv Lê Hiền), Vietnamnews, Báo ảnh Việt Nam. Ban ảnh, Các ấn phẩm của ngành TTXVN lúc bấy giớ.

 Suốt 1 tháng trời theo đoàn chuyện gia tôi đã viết mấy chục bản tin, bài và chuyển về hàng trăm bức ảnh chỉ bằng 2 phương thức điện thoại và mail. Tôi đã được cơ quan TTXVN khen thưởng và bộ ảnh “ Bắt voi rừng” đã được giải báo chí loại B của cơ quan TTXVN.Điều đáng nhớ nhất trong suốt thời gian 33 năm làm việc cho TTXVN là hình ảnh chân dung trong “chiến dịch” săn voi của tôi được in trong tập sách 60 NĂM TTXVN một cách trân trọng. Một kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm THÔNG TẤN./.





TRÍCH BỘ ẢNH "  BẮT VOI DỮ GIẾT NGƯỜI " 
CỦA HỮU THÀNH



















Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

CHỤP ẢNH VỀ CHIM HOANG DÃ…

Tôi yêu thích động vật hoang dã nên có những lúc gặp những chú chim là lao theo chụp, chụp mặc dù biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Thú thật rằng, tôi không phải là nhiếp ảnh chuyên nghiệp chụp ảnh chim hoang dã do không có kiến thức đầy đủ về đặc tính các loài chim; không có những thiết bị chuyên dùng chụp ảnh chim như những ống tele khủng; và tôi cũng không có những chuyến đi xuyên rừng, leo núi, vượt đầm lầy để tìm những đàn chim di trú để bắt được những khoảnh khắc ngoạn mục nhất của chúng. Như vậy, đối tượng chim để ghi vào ống kính của tôi chính là những đàn chim quanh làng, những đàn chim bất chợt bay qua trong những chuyến lang thang, những hồ nước hoặc những vùng đầm lầy gần nhà…với vọn vẹn mỗi ống kính tele xa nhất cũng chỉ 300 mm …



Loài chim hoang dã sống trong rừng sâu hay như sống ven đô thành đều có chung một đặc điểm chung là bầy đàn, cần một nơi tĩnh lặng để xây tổ và có nhiều thức ăn để duy trì nòi giống. Vì vậy đối với một nhà nhiếp ảnh muốn chụp ảnh chim cần phải tôn trọng những đặc điểm này hơn là những bức ảnh đẹp khác. Chính vì vậy, tôi đã rất khó khăn khi tiếp cận những đàn chim với sự thiếu thốn thiết bị. Tôi đã thử đủ cách tiếp cận những đàn chim như từ mờ sớm, đến lăn, bò, núp, lén..và cứ bấm bấm liên hồi…Nhiều lần tiếng lách cách nhẹ của chiếc máy ảnh cũng đã làm cho những đàn chim giật mình bay đi. Tôi đã từng xấu hổ vì chụp mãi  mà chưa ưng ý, nhưng cũng đã từng xấu hổ khi mình là tác nhân làm xáo trộn những cuộc mưu sinh mỗi ngày của từng đàn chim mà tôi trên đường gặp phải. Nhưng dần dần tôi có cảm giác đàn chim mà tôi thường “ săn “ đã tỏ ra thân thiện hơn khi rảo bước chân rình rập trong “ lãnh địa” của chúng. Từ đó tôi cũng chụp được một ít ảnh về một số loại chim hoang dã  ở những khoảng cách không xa lắm.



Thật ra, những chuyến đi chụp ảnh chim luôn là câu chuyện lạ và bất ngờ đối với tôi vì đó không phải mục đích chính của những chuyến lang thang. Như chuyến đi chụp ảnh ở rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang chụp ảnh đàn chim Cò Ốc mà rất hiếm khi các nhà nhiếp ảnh tìm gặp được; những chú chim Trích Cồ có màu sắc  xanh đỏ lạ lẫm. Hoặc những đàn chim cò Điên điển ở tràm chim Đồng Tháp hay hồ Sông Khán mà tôi đã đi qua. Những câu chuyện chụp chim hoang dã của tôi còn bị thôi thúc bởi những người bạn thích săn tìm những tổ chim Dòng Dọc và chim Đầu Rìu, hai loại chim sống không xa con người lắm mà cũng không dễ gần.  Còn những đàn Cò trắng và những chú chim Cà Kheo ngộ nghĩnh thì cứ đến mùa xuân hàng năm lại kéo về chừng mấy chục con ở vùng đầm lầy hiếm hoi còn xót lại quanh nhà. Còn xót lại bởi vùng này đã nằm trong quy hoạch xây dựng phát triển hướng bắc đô thi Phan Thiết trong một tương lai gần. Tức là không bao lâu nữa đàn chim sẽ không còn nơi cư trú , kiếm ăn cũng như sinh nở vào những dịp xuân về. Biết thông tin như vậy nên tôi cừ lần mò ra vùng đầm lầy thường xuyên  để cố gắng chụp lại những tấm ảnh với ý định lưu trữ về một vùng  ngoại ô nơi tôi ở đã từng có những đàn chim giúp cho những đứa trẻ sau này biết Phan Thiết có một nơi như thế.



Thời gian gần đây đã có những cuộc tranh luận trên mạng xã hội, facebook và cả báo chí về đề tài chụp ảnh chim hoang dã. Ngoài những nhiếp ảnh gia có tình yêu thiên nhiên hoang mãnh liệt, niềm đam mê chụp ảnh chim hoang dã nhằm góp thêm tiếng nói với cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã.. thì nay đã xuất hiện thêm một số nhà nhiếp ảnh ham thích chụp ảnh chim hoang dã nhưng rất Giả. Họ đã đầu tư những thiết bị ảnh “ khủng”, chuyên dùng như những ống kính tele tiêu cự lớn, máy ảnh đắt tiền …Và sau cùng họ mua các tổ chim của những “ thợ “ rừng đem về phố bán rồi tạo dựng những khung cảnh trong vườn nhà giống như ở thiên nhiên thật và chụp ảnh chúng sau đó dùng các phần mềm chỉnh sửa ảnh để hoàn chỉnh những bức ảnh về “những chú chim hoang dã”..v.v Cũng có thể ví đây là một thú tiêu khiển của một lớp người khá giả đi, nhưng thật là  đau xót cho số phận của những chú chim phải bị tách xa nơi cư trú và làm “ mẩu” bắt đắc dĩ cho những trò chơi bằng ảnh kì lạ này. Tất nhiên tôi lên án cách chụp ảnh về loài chim một cách giả tạo này. 

Chụp ảnh về đời sống hoang dã của những đàn chim dù ở trên những cánh rừng hoang sơ hay cái ao đầm quanh nhà, theo tôi điều đầu tiên là phải có một tấm lòng yêu quí chúng, một cảm xúc đặc biệt khi thề hiện những bức ảnh về cuộc mưu sinh vất vã của muôn loài chim trong một mội trường ngày càng suy thoái do con người tạo nên. Hình ảnh đẹp và thật về một loài chim nào đó chính là nhân cách của một nhiếp ảnh gia./.





Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

THÀNH ĐIỆN HẢI, BƠ VƠ GIỮA LÒNG ĐÀ NẴNG


               


 Đà Nẵng – Một thành phố đáng sống nhất Việt Nam đang là tâm điểm của những câu chuyện thời đốt lò. Tôi thì ít quan tâm đến những câu chuyện “ quan trường” thời hiện đại mà thích những câu chuyện lịch sử vì thích thú với những chuyện chống giặc ngoài xâm của cha ông ngày xưa. Hôm rồi đọc tin  có một cuộc hội thảo của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia  đã khảo sát hiện trạng di tích lịch sử cấp quốc gia thành Điện Hải nhằm đánh giá cơ sở xét công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Và tôi đã nhớ chuyến đi Đà Nẵng năm 2015.





                    Dạo ấy, tôi  ra Đà Nẵng dự một liên hoan nhiếp ảnh khu vực này. Nhận giấy mời đến dự lễ khai mạc và triển lãm ảnh tại Bảo tàng TP, khi đến nơi tôi ngỡ ngàng vị trí này lại nằm ngay trên nên đất của thành Điện Hải xưa (đường Trần Phú, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng bây giờ). Giữa không gian ồn ào và màu sắc sặc sở của những bức ảnh thời Photoshop, tôi lẳng lặn cầm máy ảnh men theo những tường gạch đỏ cổ xưa còn sót lại của thành trì ghi vội vã những bức ảnh kỷ niệm, nào là bức tường thành , những bờ cỏ hoang dại bao phủ những bức tường từng oanh liệt của cha ông; nào là những cây súng thần công oanh oanh liệt thuở nào với những viên đạn sắt đã rỉ sét…v.v...Ngồi trên bức tường cạnh khẩu súng thần công, tôi cừ mường tượng đến khung cảnh chiến đấu oai hùng của danh tường Nguyễn Tri Phương thời là chỉ huy mở đầu cuộc kháng chiến liên quân pháp – Tây Ban Nha xâm lược nước ta ( 1800-1873). Thế nhưng, đó là những gì còn lại của một thành trì lịch sử khi nó bị bao quanh bởi cái Bảo tàng hiện đại, những hàng quán chung quanh kể cả những quán nhậu ì xèo hàng đêm của một thành phố mang danh là đáng sống nhất VN.

Tôi thích phát biểu của ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc VN (khu vực miền Trung - Tây nguyên) : “Bảo tàng đã xâm phạm đến di tích nên cần thiết phải đập bỏ để phục dựng những thứ liên quan đến danh tướng Nguyễn Tri Phương chống quân Pháp xâm lược”. Và, Hội đồng di sản đã xem xét, ghi nhận và 25/25 thành viên hội đồng đã bỏ phiếu kiến nghị Thủ tướng ra quyết định công nhận thành Điện Hải là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt”, đồng thời nên bỏ bảo tàng để 'cứu' thành Điện Hải .


Được biết,thành Điện Hải được xây dựng lần đầu tiên vào thời Gia Long thứ 12 năm 1813 ở ven sông Hàn. Trước đây nó là đồn Điện Hải. Đến năm 1823 năm Minh Mạng thứ 4, ông cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền. Và vào năm 1835 Minh Mạng thứ 15, nó được đổi tên là thành Điện Hải.Năm 1840, sau khi xem xét hệ thống phòng ở Đà Nẵng, Nguyễn Công Trứ đã đưa ra đề nghị tăng cường phòng thủ tại thành Điện Hải và An Hải. Đến năm 1847, thành Điện Hải được mở rộng với chiều cao hơn 5m, chu vi 556 m và xung quanh là các hào sâu 3m. Thành gồm 2 cửa, trong đó, một cửa mở về phía Đông và cửa chính mở về phía Nam. Trong thành có kỳ đài, hành cung, các cơ sở chứa lương thực, thuốc súng, đạn dược và có 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. . Vào năm 1858, khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha lần đầu tiên nổ súng xâm chiếm Việt Nam, thành Điện Hải trở thành tiền đồn ngăn bước chân giặc. Vẫn đứng vững trước súng thép, đạn đồng và kìm chân tên thực dân đầu tiên muốn “đánh nhanh, thắng nhanh để tiến thẳng ra kinh thành Huế. Khẩu súng thần công Thành Điện Hải là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 – 1860.










                Một di tích lịch sử oai hùng vậy mà cả một thời gian dài thành Điện Hải nằm bơ vơ giữa lòng một thành phố lớn nhất miền Trung – Đà Nẵng.










Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

“NHIẾP ẢNH, TRƯỚC TIÊN PHẢI LÀ NIỀM VUI..”


Ba ông anh cùng “ làng” của tôi đã khẳng định như vậy khi mở đầu câu chuyện. Tuyệt, một ý nghĩ hết sức bình thường của người cầm máy ảnh lâu nay, nhưng tôi thấy HAY mới lạ chứ. Nó hay bởi cái thời bây giờ, thời của công nghệ “ Nhiếp ảnh & Thi cử” nó đã làm xói mòn đi bản chất rất thật của nhiếp ảnh là phản ánh, là khoảnh khắc và niềm vui của người cầm máy..Thế là tôi quí mến 3 ông anh “ lớn tuổi “này : LÊ VĂN LIỄU; HOÀNG ĐÌNH DANH và NGUYỄN SỸ ĐỨC.

Tôi lọ mọ bắt đầu theo dõi nhịp bước chân mấy ông anh cùng làng này. Các anh có một thói quen quý là đi đâu, chụp cái gì, bất kể ngày đêm đều đi chung. Rất hiếm khi đi lẻ bởi một lí do đơn giản mà anh Liễu trưởng nhóm đã thú nhận với tôi “ Đi một mình buồn quá!”. Tôi gặp các anh từ tờ mờ sớm ở các làng chài chụp cảnh những chiếc lưới rùng, rồi bên “ Hố Lỡ” ở dốc CPC thuộc xã tiến thành chụp những cồn cát đỏ. Các ảnh leo lên hết các đồi cát hiện có ở xứ sở Mũi Né – Phan Thiết rồi lên tận vùng dân tộc K’Ho ở Đông Giang, Lạ Dạ…Tất cả các anh cứ ra sức mà bấm, bấm…xấu, đẹp tính sau, miễn là vui cái đã. Ở góc độ chất lượng các bức ảnh của các ông anh, tôi đã nhận được sự trưởng thành theo thời gian cầm máy, bởi các anh đến với nhiếp ảnh cũng khá muộn màn sau khi về hưu và công việc gia đình tạm ổn. Nếu ảnh của anh Lê Văn Liễu có những ảnh nặng chất phong cảnh ở vùng Mũi Mé quê anh với buổi chiều hoàng hôn ở biển hay bình minh trên đồi cát trắng thì anh Hoàng Đình Danh đã bắt đầu bước theo những khoảng khắc của đời thường. Anh Đức Nguyễn thì rất thích những bức ảnh chân dung con người khi bắt gặp một “ người mẫu” bất đắc dĩ….

Khi tôi hỏi cái gì chung nhất của 3 ông anh cùng làng?. Các anh cùng thống nhất:  “Cả ba anh có đặc điểm chung là rất thân tình, cởi mở, tuy đều là U70 nhưng  rất hòa đồng với mọi người, kể cả đội ngũ trẻ cầm máy ở Phan Thiết. Cùng chung niềm đam mê, cùng sở thích và chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Điều đó tạo nên sự gắn bó, kết dính, là niềm vui của ba anh trên các nẻo đường, trên từng góc phố để tìm những khoảnh khắc đẹp cho các tác phẩm của mình …”



Tôi muốn chia sẻ thú vui “ Nhiếp ảnh là niềm vui” của 3 ông anh cùng làng trên Blog LANG THANG như một lời động viên: các anh tiếp tục chụp, chụp nhé….

___________________________







 Anh Nguyễn Sỹ Đức, học KS Cầu đường và theo nghiệp xây dựng đường bộ cho đến ngày về nghỉ hưu. Anh đam mê ảnh từ rất sớm nhưng do điều kiện công việc và cũng chưa có điều kiện để sở hữu một chiếc máy ảnh có chất lượng khá nên thực tế cũng mới chính thức nhập cuộc chơi ảnh trong vài ba năm trở lại đây.

















---------------------------

-        


  Anh Hoàng  Đình Danh, xuất thân từ nghề dạy học, người mà tôi quen biết đã khá lâu, từ khi anh còn làm ở ngành giáo dục tỉnh nhà. Cũng như anh Đức và anh Liễu, anh Danh cũng đam mê nhiếp ảnh nhưng do hoàn cảnh và điều kiện công việc, đến khi vể nghỉ mới thực sự cầm máy cho đến nay.















-------------------------------------------------------------------------------------



-          Anh Lê văn Liễu, từ khi rời ghế nhà trường phổ thông ở cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, đã phải vất vã, bôn ba kiếm sống. Từ là người nông dân chính hiệu đến người thợ cơ khí anh đều lần lượt trãi qua và gặt hái được nhiều thành công. Từ ngày còn đi học, anh cũng đã tập tành cầm máy phim nhưng cũng phải đến những năm gần đây anh mới “sưu tập” được bộ máy ảnh có chất lượng cao, từ đó mới thỏa niềm đam mê của mình.































VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...