Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

CHỤP ẢNH VỀ CHIM HOANG DÃ…

Tôi yêu thích động vật hoang dã nên có những lúc gặp những chú chim là lao theo chụp, chụp mặc dù biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Thú thật rằng, tôi không phải là nhiếp ảnh chuyên nghiệp chụp ảnh chim hoang dã do không có kiến thức đầy đủ về đặc tính các loài chim; không có những thiết bị chuyên dùng chụp ảnh chim như những ống tele khủng; và tôi cũng không có những chuyến đi xuyên rừng, leo núi, vượt đầm lầy để tìm những đàn chim di trú để bắt được những khoảnh khắc ngoạn mục nhất của chúng. Như vậy, đối tượng chim để ghi vào ống kính của tôi chính là những đàn chim quanh làng, những đàn chim bất chợt bay qua trong những chuyến lang thang, những hồ nước hoặc những vùng đầm lầy gần nhà…với vọn vẹn mỗi ống kính tele xa nhất cũng chỉ 300 mm …



Loài chim hoang dã sống trong rừng sâu hay như sống ven đô thành đều có chung một đặc điểm chung là bầy đàn, cần một nơi tĩnh lặng để xây tổ và có nhiều thức ăn để duy trì nòi giống. Vì vậy đối với một nhà nhiếp ảnh muốn chụp ảnh chim cần phải tôn trọng những đặc điểm này hơn là những bức ảnh đẹp khác. Chính vì vậy, tôi đã rất khó khăn khi tiếp cận những đàn chim với sự thiếu thốn thiết bị. Tôi đã thử đủ cách tiếp cận những đàn chim như từ mờ sớm, đến lăn, bò, núp, lén..và cứ bấm bấm liên hồi…Nhiều lần tiếng lách cách nhẹ của chiếc máy ảnh cũng đã làm cho những đàn chim giật mình bay đi. Tôi đã từng xấu hổ vì chụp mãi  mà chưa ưng ý, nhưng cũng đã từng xấu hổ khi mình là tác nhân làm xáo trộn những cuộc mưu sinh mỗi ngày của từng đàn chim mà tôi trên đường gặp phải. Nhưng dần dần tôi có cảm giác đàn chim mà tôi thường “ săn “ đã tỏ ra thân thiện hơn khi rảo bước chân rình rập trong “ lãnh địa” của chúng. Từ đó tôi cũng chụp được một ít ảnh về một số loại chim hoang dã  ở những khoảng cách không xa lắm.



Thật ra, những chuyến đi chụp ảnh chim luôn là câu chuyện lạ và bất ngờ đối với tôi vì đó không phải mục đích chính của những chuyến lang thang. Như chuyến đi chụp ảnh ở rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang chụp ảnh đàn chim Cò Ốc mà rất hiếm khi các nhà nhiếp ảnh tìm gặp được; những chú chim Trích Cồ có màu sắc  xanh đỏ lạ lẫm. Hoặc những đàn chim cò Điên điển ở tràm chim Đồng Tháp hay hồ Sông Khán mà tôi đã đi qua. Những câu chuyện chụp chim hoang dã của tôi còn bị thôi thúc bởi những người bạn thích săn tìm những tổ chim Dòng Dọc và chim Đầu Rìu, hai loại chim sống không xa con người lắm mà cũng không dễ gần.  Còn những đàn Cò trắng và những chú chim Cà Kheo ngộ nghĩnh thì cứ đến mùa xuân hàng năm lại kéo về chừng mấy chục con ở vùng đầm lầy hiếm hoi còn xót lại quanh nhà. Còn xót lại bởi vùng này đã nằm trong quy hoạch xây dựng phát triển hướng bắc đô thi Phan Thiết trong một tương lai gần. Tức là không bao lâu nữa đàn chim sẽ không còn nơi cư trú , kiếm ăn cũng như sinh nở vào những dịp xuân về. Biết thông tin như vậy nên tôi cừ lần mò ra vùng đầm lầy thường xuyên  để cố gắng chụp lại những tấm ảnh với ý định lưu trữ về một vùng  ngoại ô nơi tôi ở đã từng có những đàn chim giúp cho những đứa trẻ sau này biết Phan Thiết có một nơi như thế.



Thời gian gần đây đã có những cuộc tranh luận trên mạng xã hội, facebook và cả báo chí về đề tài chụp ảnh chim hoang dã. Ngoài những nhiếp ảnh gia có tình yêu thiên nhiên hoang mãnh liệt, niềm đam mê chụp ảnh chim hoang dã nhằm góp thêm tiếng nói với cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã.. thì nay đã xuất hiện thêm một số nhà nhiếp ảnh ham thích chụp ảnh chim hoang dã nhưng rất Giả. Họ đã đầu tư những thiết bị ảnh “ khủng”, chuyên dùng như những ống kính tele tiêu cự lớn, máy ảnh đắt tiền …Và sau cùng họ mua các tổ chim của những “ thợ “ rừng đem về phố bán rồi tạo dựng những khung cảnh trong vườn nhà giống như ở thiên nhiên thật và chụp ảnh chúng sau đó dùng các phần mềm chỉnh sửa ảnh để hoàn chỉnh những bức ảnh về “những chú chim hoang dã”..v.v Cũng có thể ví đây là một thú tiêu khiển của một lớp người khá giả đi, nhưng thật là  đau xót cho số phận của những chú chim phải bị tách xa nơi cư trú và làm “ mẩu” bắt đắc dĩ cho những trò chơi bằng ảnh kì lạ này. Tất nhiên tôi lên án cách chụp ảnh về loài chim một cách giả tạo này. 

Chụp ảnh về đời sống hoang dã của những đàn chim dù ở trên những cánh rừng hoang sơ hay cái ao đầm quanh nhà, theo tôi điều đầu tiên là phải có một tấm lòng yêu quí chúng, một cảm xúc đặc biệt khi thề hiện những bức ảnh về cuộc mưu sinh vất vã của muôn loài chim trong một mội trường ngày càng suy thoái do con người tạo nên. Hình ảnh đẹp và thật về một loài chim nào đó chính là nhân cách của một nhiếp ảnh gia./.





Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...