Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa – "Sau tất cả tôi thấy tâm mình thanh thản"

Thầy giáo ĐỖ VIỆT KHOA

Loạt bài “Người Việt không xấu xí” của chuyên mục Văn hóa – Đại Kỷ Nguyên hy vọng sẽ mang tới làn gió mát lành giữa những trăn trở về hình ảnh ngày nay của người Việt Nam. Chúng tôi muốn cung cấp cho độc giả những góc nhìn khác, những tấm gương người Việt tuyệt đẹp trong nhân cách và lối sống, những nét đẹp đã từng tồn tại và trở thành bản sắc văn hóa một thời của cha ông. Để từ đó chúng ta cùng nhau học hỏi và thực hành, lan tỏa những nét văn hóa tốt đẹp.

Giữa những nỗi tủi hổ của dân tộc và sự chỉ trích lẫn nhau, một gợn nước nhỏ bé hy vọng sẽ trở thành cơn sóng lớn cuốn trôi những gì được đặt tên là xấu xí trong tác phong, lối sống của người Việt hiện đại. Thay vì cứ nói mãi về những điều chưa được, chúng ta hãy cùng thực hành với sự rộng lượng và đốc thúc lẫn nhau. Bởi cái xấu chỉ có thể bị đẩy lùi bởi cái Thiện.

Được gọi là “Người hùng cô độc”, thầy giáo Đỗ Việt Khoa sau nỗ lực đưa ra ánh sáng những tiêu cực có hệ thống của ngôi trường mình đang công tác, đã không hề nhận được sự ủng hộ nào từ đồng nghiệp, thậm chí bị cô lập, hành hung và bôi nhọ thanh danh. Mất mát và chịu đựng quá nhiều, nhưng ông khẳng định nếu được cho làm lại, ông sẽ vẫn làm như thế


***********



Cái giá của việc làm người hùng


Sau 12 năm chống tiêu cực, thầy Khoa phải làm đủ nghề để kiếm sống. Năm 2015 thầy vay nợ 1,5 tỷ ở ngân hàng để xây cho vợ con tấm nhà lành lặn. Nhưng tới hiện giờ, gia đình nhỏ của thầy vẫn không thể cùng nhau vượt qua bão tố.

“Tôi từng bị những đối tượng mà tôi tố cáo thuê xã hội đen dọa đánh, bị cướp máy ảnh. Sau đó, họ gây sức ép, đẩy tôi đi trường khác. Họ cũng làm ảnh hưởng đến gia đình của tôi, ảnh hưởng đến cả hạnh phúc vợ chồng.

Con tôi đi học gặp sức ép vì là con của Đỗ Việt Khoa. Rồi suốt một thời gian dài, số điện thoại lạ liên tục gọi vào máy của gia đình để chửi bới, đe dọa. Nhiều đêm vợ tôi nghe, sợ hãi quá, khóc mếu, rồi đòi ly hôn. Cô ấy nói tôi đi lo chuyện bao đồng, làm ảnh hưởng đến gia đình” – (theo Laodong).

Trong cuộc chiến chống tiêu cực của mình, thầy Khoa đã phải đi trên một hành trình “rất đơn độc”. Ông cho biết, ban đầu cảm thấy nản lắm, vì cả hàng trăm giáo viên trong trường, ngày ngày lên lớp rao giảng đạo đức cho học trò nhưng tất cả đều im lặng, thậm chí a dua theo cái xấu.

Cái giá của việc làm người hùng
Thầy Khoa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trên cuộc hành trình chống tiêu cực của mình. 
(Ảnh: youtube.com)

Đó là cái giá phải trả để làm người hùng, một cái giá quá phi lý. Bởi trong một xã hội mà giá trị đạo đức bị đảo lộn, bóp méo, thì quy luật làm việc tốt sẽ nhận lại được điều tốt đẹp sẽ không còn đúng nữa. Để cho cái quy luật giúp níu giữ nhân tính, ước thúc mọi hoạt động trong xã hội và đời sống con người ấy bị lệch lạc, thì đó là lỗi của tất cả các thành viên trong xã hội. Và để cho thế hệ mai sau nhìn vào việc làm anh hùng ấy mà nghĩ rằng làm điều tốt làm gì, chỉ hại thân, hại gia đình, thì đó cũng lại càng là trách nhiệm của chúng ta.

Nhìn vào cuộc sống khó khăn của “người anh hùng ngành giáo dục”, thế hệ trẻ có thể hoài nghi về việc phải luôn làm người tốt trước khi làm người thành đạt. Đó là sự thụt lùi của đạo đức xã hội, là một lời khẳng định rằng, quyền lực và tiền tài là thứ có giá trị hơn hết thảy mọi thứ tốt đẹp trên đời. Đó là viễn cảnh u tối của quốc gia.

Một buổi lên lớp của thầy Khoa. (Ảnh minh họa: zing.vn)


Hy vọng vẫn còn, khi nhân cách người thầy được tôn vinh

Nhưng trong vũng bùn của những tiêu cực từ quyền lực và tiền tài, chính sự cô độc của thầy Khoa lại càng làm nổi bật nét đẹp của nhân cách đạo đức, của hy vọng vẫn còn về những người Việt không hề xấu xí. Để từ đó đánh thức những mảng sáng tiềm ẩn vẫn đang chờ đợi để lan tỏa trong tâm thức người Việt.

Tạo hóa có cái lý tương sinh tương khắc, có cái tính nghệ thuật cao của sự tương phản. Khi cái xấu càng vẫy vùng, bộc lộ hết những thâm độc, xú uế, thì cái tốt càng thu hút được sự chú ý dù chẳng cần làm gì nhiều.

Người ta càng thương xót cho thầy Khoa, thì càng trân trọng, khâm phục và cảm ơn thầy. Khi nạn nhân của cái xấu càng nhiều lên, họ bắt đầu nhận ra chỉ có cách khôi phục, ủng hộ cái tốt mới có thể dẹp bỏ được cái xấu. Và hình ảnh về thầy giáo Khoa một lần nữa lại đang lan tỏa sau 12 năm, lần này không chỉ là một người hùng dám đứng lên nói rõ sự thật, mà là hình ảnh về một người thầy chân chính, không coi nghề giáo là một nghề nghiệp kiếm tiền đơn thuần. Đó chính là cái gốc của giáo dục.

Mới đây, chia sẻ với báo Zing, thầy Khoa nói: “Chúng tôi gắn bó với nghề giáo không phải vì đồng lương, nó còm cõi lắm, mà vì lòng yêu nghề, muốn truyền đến cho học sinh những giá trị nhân văn nhất, nhân bản nhất”.

Vì sao nói khi người thầy không đi dạy vì đồng tiền thì đó là cái gốc vững chắc của giáo dục? Từ xa xưa, trong văn hóa hàng nghìn năm của nhân loại, người ta vẫn coi làm thầy là sứ mệnh, là việc dâng hiến cho thế hệ tương lai, cho nhân loại. Thế nên người thầy mới được đặt ở vị trí trên cả người cha trong tam cương: Quân – Sư – Phụ. Bởi người thầy là người neo giữ và duy trì đạo đức, văn hóa của các thế hệ.

Cha mẹ cho ta hình hài, nuôi nấng, chăm sóc cho ta từ tấm bé. Bậc quân vương cho ta cuộc sống ấm êm, cho ta môi trường tốt để sinh sống, phát triển. Còn người thầy cho ta Đạo làm người, không có thầy dẫn dắt, chỉ lối thì bậc phụ mẫu có khi chẳng có được người con ngoan có hiếu, đấng quân vương chẳng có bề tôi hiền tài, ái quốc trung quân.

Thế nên bao đời nay, thầy giáo vẫn luôn được xem là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Trước khi làm thầy thì phải làm được người tốt, trước khi dạy trò giỏi thì cũng phải dạy học trò làm được người tốt.

Người Do Thái vốn nổi tiếng thế giới về những triết lý giáo dục cổ xưa nhưng vẫn còn nguyên giá trị tích cực cho tới ngày nay. Trong ngôn ngữ Hebrew của họ, từ “giáo dục” (hinukh) có nghĩa là “phục vụ, cống hiến”. Đã là cống hiến thì phải có hy sinh và không màng điều kiện, dù giá nào cũng phải làm tốt công việc của mình, vì phần thưởng là những nhân cách cao thượng mà mình góp phần dạy dỗ nên. Đó là những điều sẽ còn mãi và nhân rộng dù người thầy có không còn trên thế gian này nữa. Tiền tài, danh vọng, chẳng thể mang theo khi ta chết, nhưng những giá trị tốt đẹp vĩnh cửu chính là dấu ấn của ta để lại cho đời, là điều mà hàng trăm, nghìn năm sau sẽ vẫn được tôn vinh.

“Phàm đã là thầy cô giáo, chúng ta hãy tránh xa tham sân si, giữ sạch tấm áo giáo dục của mình, nói không với những cám dỗ đời thường, lúc ấy chẳng ai sa ngã được, chẳng có gì xấu có thể len lỏi vào giáo dục được. Sau tất cả, tôi thấy tâm mình thanh thản” – thầy giáo Đỗ Việt Khoa chia sẻ với báo chí.

Trải qua bao khó khăn, cay đắng, điều còn đọng lại trong thầy Khoa lại là sự “thanh thản”. (Ảnh: zing.vn)
Hóa ra thầy cũng được rất nhiều điều sau những mất mát, cái được mà chắc chắn chẳng tiền bạc, chức vị nào mua được. Đó là sự thanh thản trong tâm mình. Là di sản để lại cho con trai, một di sản đáng giá vô cùng: “Em luôn ủng hộ và tự hào về những gì bố đã, đang và sẽ làm, dù đó cũng là một phần nguyên nhân khiến gia đình em không được trọn vẹn như bây giờ. Đánh đổi một chút hạnh phúc cá nhân để làm được những điều to lớn hơn cũng đáng chị nhỉ”, em Đỗ Trọng Nguyên, con trai thầy Khoa bày tỏ.

Con trai anh đã hiểu rằng đánh đổi một chút hạnh phúc cá nhân để làm những điều tốt đẹp cho xã hội cũng đáng. Đó là điều mà không phải người trưởng thành nào cũng hiểu, là điều mà không phải bậc làm cha mẹ nào cũng dạy được cho con mình.

Di sản của thầy Khoa, nếu được xã hội nhìn nhận đúng đắn và đề cao, thì đó sẽ là một trong những niềm hy vọng của ngành giáo dục và của đạo đức quốc gia. Rằng làm thầy thì trước tiên phải làm người tốt, dạy học trò thì trước tiên cũng phải là dạy làm người tốt. Đừng để que diêm Đỗ Việt Khoa sau khi cháy rụi chẳng thể tiếp thêm ánh sáng nào cho những ngọn đuốc lớn hơn. Thắp sáng và truyền đi những tấm gương người Việt tốt chính là nghĩa vụ của chúng ta đối với thế hệ mai sau và đối với chính trách nhiệm làm người của mình.

Thuần Dương



Theo : https://www.dkn.tv/goc-nhin-dkn/nguoi-viet-khong-xau-xi-thay-giao-chong-tieu-cuc-do-viet-khoa-sau-tat-ca-toi-thay-tam-minh-thanh-than.html


1 nhận xét:

LANG THANG nói...

Ngọc Thái Đặng:" Ở môi trường xã hội này lũ người xấu nhâu nhâu như đàn linh cẩu luôn luôn đói mồi là những người như Đỗ việt Khoa"

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...