Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

NGẤT NGƯỞNG MỘT TƯỢNG ĐÀI











Cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VÕ AN NINH
Nhận được món quà quí “ TIÊU ĐIỂM THỜI GIAN” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa từ Thái Nguyên gởi vào, tôi đọc chầm chậm và chỉ mới mấy bài đầu tiên đã thấy thích thú bởi lĩnh vực lý luận phê bình nhiếp ảnh từ trước đến nay thường chi có ở các nhà lý luận phê bình hàn lâm của cơ quan Thông Tấn, Báo Chí viết. Tôi thích phong cách viết của anh bởi anh có xuất phát điểm từ một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, một người sáng tác ảnh.  Dừng lại ở bài “ NGẤT NGƯỞNG MỘT TƯỢNG ĐÀI”.tôi xin giới thiệu bài viết trên Blog LANG THANG vậy.






           
 Mỗi khi nhắc đến núi, người ta thường đem núi cao hơn để so sánh; đề cập đến trời, thì luôn có vũ trụ bao la mà tị hiềm. Tuy vậy trong giới nhiếp ảnh ở Việt Nam, tôi khẳng định chẳng có ai dám kiễng chân để mà hòng so bì cao thấp với Võ An Ninh.

Tác giả bài viết Vũ Kim Khoa

Có một câu nói nổi tiếng của Naponeon: “Binh nhì nào không ước mơ thành Đại tướng sẽ chỉ là một anh lính tồi”. Nhiếp ảnh Việt Nam từng có một ông “tướng” là Võ An Ninh, vậy nhưng đến nay, sau ngày ông qua đời đã lâu, dường như chúng ta vẫn chưa tìm ra “người cầm máy” nào đủ dũng khí, dù chỉ là để đứng lồng vào cái bóng của cụ!

Lật lại trang sử, sau rất nhiều năm ông tổ nghề ảnh Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam (1869), đến thời cụ Võ An Ninh thì đã ắt phải có hàng trăm nhà nhiếp ảnh người Việt từng sống bằng nghề ảnh hoặc đã có hoạt động liên quan tới nhiếp ảnh. Theo Nguyễn Đức Hiệp sơ lược thống kê trong “Võ An Ninh: Nhiếp ảnh và cuộc đời” thì được biết, những năm ba mươi của thế kỉ trước, Võ An Ninh đã đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh tại các Salon quốc tế. Và hôm nay, khi xem lại những bức ảnh ông chụp về Hồ Gươm, về Sapa, về Mũi Né…, không ít người trong chúng ta, đặc biệt là những người trong giới nhiếp ảnh đã phải tự vấn, bởi thấy mình dường như đang “sáng tác lại” những hình ảnh của vị tiền bối...
Câu hỏi mà người viết muốn đặt ra ở đây là, hà cớ gì sau biến cố đau thương của đất nước thời kì nhiễu nhương Nhật - Pháp đô hộ, chúng ta như chỉ còn có một bộ ảnh của Võ Anh Ninh chụp về nạn đói năm Ất Dậu? Những nhà nhiếp ảnh khác khi đó ở đâu? Chắc chắn với tư cách là một phóng viên báo của Sở Lâm nghiệp, ăn đồng lương mà người Pháp trả cho, ông không được họ giao nhiệm vụ để chụp những hình ảnh nhằm tố cáo lại chính họ. Thiển nghĩ, Võ An Ninh khi đó chắc hẳn đã phải đánh đu giữa quyền lợi cá nhân mình và nỗi đau của một Người Việt khi phải chứng kiến những khổ ải thương tâm mà hàng triệu đồng bào bần hàn đang chết đói, chết khát hiển hiện trước mắt. Ông đã chụp những bằng chứng tội ác đang đè nặng lên quê hương, đất nước từ chính trực giác của một nghệ sĩ chân chính, bằng sự thôi thúc bản năng của người cầm máy - bất chấp nó có thể gây hệ lụy cho bản thân mình!
Trong các giai thoại về Võ An Ninh, tôi cũng chưa thấy ai nói, hoặc viết rằng ở thời kì đó, ông đã nhận nhiệm vụ chụp ảnh từ một tổ chức chính trị nào đấy và thời đó cũng chẳng có ai rót tiền “đầu tư” cho ông làm việc này… Ông thầm lặng ghi lại những hình ảnh nhằm tố cáo tội ác của các thế lực đang dồn người dân Việt Nam vào cùng quẫn, mà không hề nghĩ để tích điểm, mong đến một ngày kia giành huân chương hay giải thưởng này khác… Thảm cảnh từ những bức ảnh của ông trải ra trước mắt người xem, mới đầu để góp sức cho những người dân cùng máu đỏ da vàng ở Việt Nam biết mà nhường cơm, sẻ áo với đồng bào của mình. Rồi những hình ảnh đó đã vượt biên giới, nhằm tố cáo tội ác của các cường quốc đã gây nên chiến tranh và gieo rắc thảm họa cho người Việt Nam thế nào. Một nạn đói đã cướp đi hai triệu người dân Nước Việt - bằng gần mười phần trăm dân số (23 triệu) người ở thời điểm năm 1945. Trong số nạn nhân chung phận bị chết đói, có tài liệu còn ghi là có cả các “quan chức” như lý trưởng, phó lý và các chức dịch trong làng…, điều đó càng khẳng định sự kiệt quệ của đất nước đã tới mức khốn cùng. Ngày những tấm hình của cụ được ghi vào trang bi sử của dân tộc, thì cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã đánh giá: “Bộ phóng sự ảnh này của ông Võ An Ninh là một tài sản vô giá của loài người, một bản án kết tội chủ nghĩa thực dân mà không cần thêm một lời nói nào cả”.
Qua các hoạt động nhiếp ảnh của Võ An Ninh ở thời kì ấu thơ của nền nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, nhờ những tác phẩm như Buổi sáng trên đê Sông Hồng; Đẩy thuyền ra khơi; Chợ bán nồi đất; Nước ròng Bãi Trà Cổ; Đôi nét thủy mạc Sa Pa; hồ gươm buổi sớm; Hồ Gươm bốn mùa; Thu về; Nhớ xưa; Thiếu nữ Hà Nội; Thác Bản Giốc; Xuân về trên dãy Hoàng liên sơn… được tham dự triển lãm và đoạt giải thưởng trong các cuộc triển lãm quốc tế đã quảng bá và mang lại cho người xem sự chú ý tới một đất nước Việt Nam đầy kín đáo, lạ lẫm và hấp dẫn. Nhiều người sau này còn muốn phân định ranh giới đâu là nghệ thuật, đâu là tư liệu báo chí trong ảnh của Võ An Ninh. Song chính những bức ảnh phơi bày sự thật trần trụi, nhưng lại rung động tới tận sâu thẳm tâm can người xem. Và phàm những gì đã chạm tới các giác quan hỉ, nộ, ái, ố của con người, thì nó đã thuộc phạm trù của nghệ thuật! Bất chấp nó có thuộc dòng “nghệ thuật vị nghệ thuật” hoặc “nghệ thuật vị nhân sinh” hay không.
Ít người theo đuổi nghề ảnh có một phương châm tuyệt đối để tuân thủ như ông, là luôn ghi nhận “cái thực” vào khuôn ngắm. Thông thường những gì đã chụp được thì nhà nhiếp ảnh lại lưu vào bộ nhớ rất lâu, bời thế về sau này các nhà làm sử đã dựa vào những bức ảnh ông chụp ở địa điểm này, địa điểm khác, họ dẫn ông đến thực địa để khai thác thêm từ ông những diễn tả bằng lời, như là điều khẳng định của nhân chứng sống về một biến cố nào đó khiến họ phải đưa vào trong trang sử để muôn đời sau ghi tạc. Những người gần gũi ông còn cho biết, Võ An Ninh luôn thích dùng ống kính có tiêu cự 50, bởi theo ông loại ống kính này nó thân thiện với góc quan sát của mắt con người nhất.
Cụ Võ An Ninh ứng xử với những chuyện rối rắm trong nghề cũng khác người. Chuyện là, một năm vào cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, có người ghép ảnh ông đang chống gậy đứng chăn dắt một đàn dê và chuyện đẩy đưa giữa những nhà nhiếp ảnh đã thổi câu chuyện thành phức tạp khi báo chí cũng vào cuộc. Một nhà báo đến xin phỏng vấn hỏi về quan điểm của Võ An Ninh xung quanh vấn đề mà bức ảnh đã tạo nên, ông chỉ trả lời: “Thằng C. nó không biết đùa”. Trong sinh hoạt, ông vẫn quen gọi đám em út, hậu duệ gần gụi của mình là “thằng”. Mọi người vui vẻ ngầm tiếp nhận cách xưng hô thân mật có vẻ xô bồ của ông, và nhà nhiếp ảnh C. cũng nằm trong số đó, nhưng lại là người khơi mào cho những tranh luận quanh bức ảnh ghép Võ An Ninh chăn dê. Vậy là theo ông, nhiếp ảnh có thể làm người ta khóc, nhưng nhiếp ảnh cũng có thể khiến người ta vui đùa được. 
Võ An Ninh được tôn vinh là Công dân danh dự của thành phố Hồ Chí Minh, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Văn học, Nghệ thuật như một sự ghi nhận và tôn vinh trân trọng dành cho một người nghệ sĩ, được Nhà nước tặng nhà (hay bán ưu tiên - người viết bài này chưa có tài liệu để kiểm chứng). Tôi đã có lần nghe cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Long (Thư kí Tạp chí Nhiếp ảnh) kể: Khi nhận căn nhà vốn là của một gia đình sĩ quan chính quyền cũ đi di tản để lại, Võ An Ninh không nỡ tháo dỡ bàn thờ cúng thổ công của người chủ cũ, ông lập riêng bàn thờ gia tiên nhà mình, rồi vào những dịp mồng một, hôm rằm…, ông vẫn thắp hương lên bàn thờ của người đã xây dựng căn nhà và cầu mong sự tốt lành đến với họ.
Giới ảnh ở Việt Nam không xây dựng những trường phái để theo đuổi. Các tổ chức nhiếp ảnh từ cấp thấp đến cấp cao ngày nay được gọi tên hành chính là tổ chức chính trị nghề nghiệp. Theo quy luật, thì khi đã có tổ chức chính trị nghề nghiệp, sẽ có “nhà chính trị nghề nghiệp”. Rốt cuộc khi bầu sữa ngân sách đang vơi cạn, nợ công đang là vấn đề báo động cấp bách, thì các “nhà chính trị” làm nghề ảnh ở Việt Nam bắt đầu biết lo lắng cho tương lai, không ít người đã sợ một ngày kia mình sẽ bơ vơ như những tay chơi ảnh nơi trời Tây… Vậy thì đây: Một tấm gương như cố NS Võ An Ninh có lẽ là giải pháp cho giới nhiếp ảnh học tập, noi theo.



MỘT SỐ HÌNH ẢNH NẠN ĐÓI NĂM 1945  DO NS VÕ AN NINH THỰC HIỆN












Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...