Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Bàn về chuyện TƯỚC HIỆU NHIẾP ẢNH…..




Cách đây hơn 6 năm, tôi có đi dự một cuộc triển lãm ảnh “ Mùa Xuân” của đơn vị nhiếp ảnh tỉnh nọ. Khi vị đại diện cuộc triển lãm đọc diễn văn khai mạc, một trưởng lão trong ngành văn hóa quen tôi hỏi:
“ HT, cậu giải thích cho tôi mấy chữ “ phi phi …áp áp…” mà người đứng trên bụt ban tổ chức đang giới thiệu kia cho tôi hiểu được không?
Tôi trả lời: “ Dạ giải thích thì dài dòng lắm, nhưng đó là tước hiệu tổ chức quốc tế về chụp ảnh, nếu nói đủ nghĩa chắc chú cũng khó hiểu luôn…!”
-À, thế thôi…

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện trên để minh chứng một điều những tước hiệu mà chúng ta có (Tôi cũng có) là câu chuyện riêng lẻ của giới nhiếp ảnh. Công chúng nghe càng khó hiểu lắm…
Tước hiệu nhiếp ảnh đối với VN là mới sau này chứ trên thế giới đã có từ lâu và nó là sự tôn vinh dành riêng chỉ cho giới nhiếp ảnh mà thôi. Tôi còn nhớ, trong một phiên họp Ban chấp hành VAPA nhiệm kỳ năm ( 2000-2005) , cố Chủ tịch VAPA lúc đó là anh Lê Phức đã đưa ra bàn chuyện xây dựng tước hiệu Hội viên VAPA với lý do là ta đã bắt đầu hội nhập với thế giới nhất là FIAP ( Liên đoàn nhiếp ảnh Quốc tế) nên cứ theo cách FIAP tính điểm phong tước hiệu mà thử nghiệm. …Đây có lẽ là khởi đầu cho câu chuyện tước hiệu trong VAPA và cũng từ đó câu chuyện “ ganh đua” tước hiệu VAPA bắt đầu nóng lên và sinh ra đủ thứ “ kiện thưa” về chuyện này mãi đến tận bây giờ. FIAP cũng như PSA họ xem tước hiệu nhiếp ảnh là một sự thừa nhận, một sự vinh danh của quá trình chơi ảnh của một nhà nhiếp ảnh nào đó trong tổ chức của họ và nó cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến cuộc sống xã hội bên ngoài. Trong khi đó tước hiệu ở VN lại là một kiểu đánh bóng tên tuổi, một kiểu “ maketing” làm ăn trong ngành dịch vụ ảnh..Có những vị hội viên có tước hiệu in luôn tước hiệu trên các bảng hiệu trước cửa tiệm ảnh để góp phần “ so sánh” độ chất lượng hơn hẳn với các “đối thủ”….vvv. ..
Trong nhiều năm liền VAPA cũng như cá nhân nhiều nhà nhiếp ảnh có tước hiệu cao trong hội đã cố gắng bằng nhiều hình thức khác nhau để được Nhà nước thừa nhận những “tước hiệu” nhiếp ảnh để từ đó xin phong tặng “ Nghệ sĩ Ưu Tú” hoặc “ Nghệ sĩ Nhân dân”… theo các đợt Nhà nước xét hàng năm nhưng BẤT THÀNH. Cho đến bây giờ cho Nhà Nước chỉ xét tặng và phong tước hiệu cao quí “ Huân chương Hồ Chí Minh” hoặc “Nghệ sĩ Nhân dân”…cho những nhà nhiếp ảnh Việt Nam tham gia trong hai cuộc kháng chiến và họ chỉ cần 1 đến 2 bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc anh hùng cũng như tính nhân văn của nội dung các bức ảnh thể hiện sự khốc liệt của  cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Rất nhiều tác giả các bức ảnh trước khi được phong tặng đã hy sinh trên chiến trường. Như vậy tầm ảnh hưởng của những “ Tước hiệu nhiếp ảnh “ của VAPA hiện nay chỉ là quanh quẩn trong tổ chức Hội và chỉ để “ tư sướng” là chính mà thôi…
Tôi còn nhớ câu chuyện này: Số là vào năm 2003 cố NSNA Lê Phức- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh ( Nhiệm kỳ 5) có đến thăm tỉnh Bình Thuận, lúc đó tôi là UVBCH Hội..trong một buổi gặp mặt anh em có một NSNA tên tuổi hỏi thẳng anh Lê Phức “ Chúng tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh đả tham gia công sức, tiền bạc đoạt nhiều huy chương và đem lại nhiều thành tích trong việc quảnh bá về đất nước..thì Nhà Nước phải thừa nhận và khen thưởng chứ?”. Anh Lê Phức đã trả lời “ Việc anh em NSNA tham gia thi ảnh quốc tế đoạt nhiều giải thường quốc tế thì Hội VAPA sẽ ghi nhận và khen thưởng, nhưng suy cho cùng đó là việc làm cá nhân của anh em khi có tiền muốn có danh hiệu thôi và việc đó chỉ mang ý nghĩa “ MUA DANH” thôi mà  Nhà nước chưa tính tới được…”. Trước khi viết bài này tôi sợ ý kiến  của mình chủ quan và trí nhớ không đúng liền hỏi NSNA Trần Vĩnh Nghĩa - một nhiếp ảnh gia tên tuổi ở Bình Thuận có tham dự cuộc gặp mặt hôm đó xác nhận “ Hữu Thành nhớ chính xác mình có dự và nghe anh Lê Phức nói thế..”


Đời chơi ảnh nghệ thuật của tôi chỉ có 2 tước hiệu. Một là ESVAPA ( trước đây gọi lả Hon VAPA) tức người có công đóng góp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Tước hiệu thứ hai là EFIAP ( Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắt của FIAP). Tước hiệu Hon VAPA do tôi có công xây dựng từ đầu phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật tỉnh Bình Thuận sau khi tách tỉnh  và tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN khóa 5 (2000-2005). Tôi được phong tước hiệu EFIAP sau khi vượt qua thời gian là AFIAP vào năm 2001 tức là chỉ sau 5 năm khi được kết nạp vào hội VAPA. Hồi đó như muốn thử sức chất lượng ảnh cũng như công sức tôi nhiệt thành tham gia thi các cuộc thi ảnh quốc tế trong hệ thống FIAP. Tất nhiên đối các salon FIAP thi là phải đóng tiền có cuộc lên tới 100USD và thông thường là 10USD…Nhưng thời đó việc gởi ảnh dự thi ở các salon quốc tế không dễ dàng như bây giờ vì phải bị kiểm duyệt gắt gao..Tuy không được nhiều huy chương như mấy anh em hiện nay nhưng việc tích lũy điểm để giành tước hiệu EFIAP không khó khăn như người ta tưởng. Nó cũng chỉ trong tầm với của những anh em yêu thích môn nhiếp ảnh nghệ thuật bình thường thôi.





Tôi viết bài viết này như muốn là một lời tâm sự suy nghĩ cá nhân về câu chuyện tước hiệu nhiếp ảnh. Thực sự vui khi có nó nhưng nó không quan trọng lắm cho động tác vỗ ngực xưng tên để nhắm đánh bóng tên tuổi cá nhân. “ Nghệ sĩ Nhiếp ảnh” ư? hãy chứng minh  công khai cho cộng đồng xã hội biết về các tác phẩm nhiếp ảnh hơn là  khoe TƯỚC HIỆU. Như vậy có vẻ hay hơn và văn minh hơn./.









Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...