http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20141204/nhiep-anh-vn-con-chay-theo-thoi-vu/680013.html
TT - Ông Vũ Quốc Khánh - chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - đã có
cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với Tuổi
Trẻ về những vấn đề nóng của nhiếp ảnh
Việt Nam hiện tại.
* Từ cách đây
20 năm đã có ý kiến cho rằng nhiếp ảnh Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức phong trào,
và hiện nay câu chuyện này đang tiếp tục được bàn luận. Trước thềm đại hội lần
8 của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (ngày 5 đến 7-12), ông nghĩ sao về câu
chuyện này?
- Tôi cho
rằng suy nghĩ đó không phải sai lắm.
Chỉ có điều
so nhiếp ảnh bây giờ với vài năm hoặc 10 năm trước thì khác hẳn về tư duy, xử
lý, chất lượng ảnh. Cùng là phong trào nhưng phong trào nhiếp ảnh hiện tại chất
lượng đã hơn trước.
Tuy nhiên, để
có được những tác phẩm làm hài lòng công chúng hoặc được giải thưởng quốc tế
thật xứng đáng thì không dễ. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hiện có 1.000 hội
viên với số lượng ảnh rất nhiều, không thiếu những tác phẩm nghệ thuật đẹp, nhưng
để có những bức ảnh nhớ đời, bức ảnh khiến người ta luôn trăn trở, ám ảnh thì
chưa có nhiều.
Hiện nay
nhiếp ảnh của chúng ta vẫn đang theo phong trào nhiều hơn. Những tác phẩm đỉnh
cao về nội dung, về nghệ thuật, những tác giả, tác phẩm mang tầm vóc dân tộc
thì rất hiếm, thậm chí tôi cảm giác như chưa thấy xuất hiện.
Tuy nhiên, đã
bắt đầu xuất hiện những tác giả và tác phẩm phản ánh những vấn đề nóng, những
vấn đề thật sự liên quan đến vận mệnh của đất nước và được xã hội quan tâm như
tác giả Nguyễn Á với đề tài Hoàng Sa - Trường Sa, tác giả Trần Thế Phong với đề
tài về người khuyết tật...
Tôi cho rằng
đó là một khởi đầu cho sự bứt phá trong việc nghiên cứu, tìm tòi đề tài chuyên
biệt để đi sâu, đi sát những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước.
* Theo ông,
đâu là nguyên nhân dẫn đến việc phong trào nhiếp ảnh của nước ta tuy đông về số
lượng nhưng chất lượng chưa cao, hiếm có những tác phẩm đỉnh cao?
- Trước đây,
trong thời kỳ chiến tranh, Việt Nam như trọng tâm thông tin của thế giới, vì
vậy chúng ta đã có nhiều bức ảnh gây tiếng vang. Còn bây giờ đối tượng chụp ở
Việt Nam không phải là những vấn đề nóng của thế giới nữa, đó là nguyên nhân
khách quan...
Có bộ ảnh ở
Việt Nam như những tác phẩm về người đồng tính đoạt giải thưởng quốc tế. Nhưng
đó là đề tài nhân văn, chưa phải là bộ ảnh tiêu biểu cho dân tộc, đất nước
mình.
Ngoài ra, còn
có nguyên nhân chủ quan là những nhà nhiếp ảnh đã thật sự say mê, tìm tòi, sáng
tạo hay chưa? Anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh còn đang sáng tác theo “thời vụ”, chạy
theo các cuộc thi là chính. Sự ham muốn lấy được giải thưởng đã làm nhiều người
quên mất cái sâu hơn, lớn hơn, là bản thân nhà nhiếp ảnh phải có tầm tư duy, có
những đề tài lớn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Tôi luôn cho
rằng tài năng của nghệ sĩ không phải chỉ được khẳng định qua nhiều giải thưởng.
Bên cạnh nhiều giải thưởng, nhà nhiếp ảnh phải có đột phá trong tư duy của
nhiếp ảnh.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh - Ảnh: Việt Dũng |
- Ðó chính là
tính không chuyên nghiệp, mang tính phong trào của nhiếp ảnh Việt Nam. Ví dụ
trong một cuộc thi năm nay, có bức ảnh nào được giải thưởng về chủ đề gì đó thì
năm sau sẽ thấy rất nhiều bức ảnh na ná như vậy.
Nhiều người
nghĩ rằng chụp theo như thế thì có thể đoạt giải. Nhưng tôi cho rằng đã là sáng
tạo thì không thể lặp lại. Tôi có bức ảnh đoạt giải: Bà mẹ địu đứa con sau lưng
chụp năm 1991, thì đến bây giờ tôi vẫn còn bắt gặp những tác phẩm tương tự như
thế, thậm chí còn chú thích giống y như bức ảnh của tôi ngày ấy cách đây hơn 20
năm là “Mặt trời của mẹ”.
Nói như vậy
để thấy rằng khả năng tư duy, khả năng tìm tòi những ý tưởng mới, cái tầm của
nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam còn hạn chế, nên mới có những bức ảnh mang
tính bắt chước nhiều hơn là sự sáng tạo cá nhân. Từ đó cho ra đời các bức ảnh
cứ giông giống nhau.
* Thưa ông,
vậy nhiếp ảnh Việt Nam hiện đang ở đâu trên bản đồ nhiếp ảnh của khu vực và
quốc tế?
- Nhiếp ảnh
Việt Nam trong bản đồ khu vực đã được thể hiện rõ. Việt Nam tham gia các cuộc
thi nhiếp ảnh khu vực được các nước bạn đánh giá khá tốt. Các nước nhìn nhận
ảnh của Việt Nam hơi lạ về đề tài nên dễ được giải.
Nhiếp ảnh
Việt Nam xuất phát điểm muộn so với quốc tế, nhưng hiện nay nhiếp ảnh Việt Nam
đã có thể chơi, so tài với bạn. Có những tác giả và tác phẩm của Việt Nam được
bạn đánh giá rất cao. Việt Nam cũng tổ chức được nhiều cuộc chơi trong khu vực.
Có thể nói nhiếp ảnh Việt Nam đang hội nhập vừa sâu, vừa rộng và có hiệu quả
với nhiếp ảnh khu vực và thế giới.
Nhưng nhìn
chung, mặt bằng nhiếp ảnh của Việt Nam so với bạn còn những hạn chế. Tuy có một
vài cá nhân nghệ sĩ bằng sự say mê tìm tòi, sáng tạo đã vượt lên nhưng nhìn
chung nhiếp ảnh nước ta vẫn đang ở mức trung bình, thậm chí tôi cho rằng phải
cố gắng nhiều hơn nữa.
VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét