“ Bước Chuyển”
tôi thích cụm từ này khi đọc bài báo”DÁM NGHĨ, DÁM LÀM - BƯỚC CHUYỂN ĐỂ THÀNH
CÔNG” trên Tạp Chí Nhiếp ảnh số tháng
5/2015 . Trong nhận thức của tôi từ “
Chuyển” rất hay, nó báo hiệu cho một sự chuyển động cho một quá trình thay đổi
nhận thức con người …. Nhưng bước chuyển ở đây theo tôi là một sự dứt khoát cho
một thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn thôi…..
Tuy nhiên, trong tư duy nhiếp ảnh nghệ thuật, sự thay đổi về nhận thức vốn sẳn có trong tiềm thức
người nghệ sĩ nhiếp ảnh là không phải dể dàng gì bởi nó đã là sự tích tụ trong một thời gian dài.
Ngoài nổ lực của các cấp lãnh đạo VAPA về phương pháp tiếp cận mới rất cần có sự nổ lực của bản thân những người cầm máy, người nghệ sĩ nhiếp ảnh, và bước chuyển đó còn phải từ các vị trong Hội Đồng Nghệ Thuật, các Ban giám khảo và kể cả mảng nội dung lý luận phê bình v.v…nhằm một mục tiêu : HÃY GẦN GỦI HƠN VỚI CUỘC SỐNG THỰC TẠI …Tôi vẫn hy vọng
đây là bước khởi đầu tốt đẹp.Vì vậy, trên Blog “ Lang Thang”, tôi muốn giới thiệu
toàn văn bài phòng vấn NSNA Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội NSNAVN, nhìn nhận những
điều đạt được từ trại sáng tác của VAPA tại Quảng Ngãi vừa qua.
( Bài do
Nhà báo Hoàng Thu Trang, thực hiện)
PV: Thưa
NSNA Vũ Quốc Khánh - trên cương vị là Chủ tịch Hội NSNAVN, ông có thể chia sẻ Hội
đã đặt mục tiêu chính là gì khi mở trại sáng tác tại Quảng Ngãi?
NSNA
Vũ Quốc Khánh: Có thể nói
rằng, bắt đầu nhiệm kỳ VIII này, việc nâng cao chất lượng tác phẩm, chất lượng
hội viên đang là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Chúng ta biết rằng nhiều chục
năm nay, nhiếp ảnh làm phong trào rất tốt và có những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, sau từng ấy năm, chúng ta nhìn nhận lại những sáng tác hiện nay thì
thấy vẫn đang thiếu vắng điều gì đó, đang thua kém so với thời kỳ các bậc đàn
anh, đàn chú đã làm. Thời kỳ trước đây trong chiến tranh, nhiếp ảnh Việt Nam có
nhiều tác phẩm quen thuộc, để lại dấu ấn sâu
đậm trong lòng công chúng yêu ảnh không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc
tế với giá trị là những thông điệp mạnh mẽ phản đối chiến tranh, để nói về một
Việt Nam luôn mong muốn, yêu chuộng hòa bình… Nhìn nhận khách quan mà nói thì
đó là những thời điểm mà cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của
cộng đồng quốc tế khi một dân tộc nhỏ bé đã kiên cường bảo vệ chủ quyền trước sức
mạnh quân sự rất lớn từ hai đế quốc thực dân Mỹ và Pháp. Lúc này, nhiếp ảnh với
vai trò ghi chép lịch sử của mình đã nắm bắt và phát huy hết thế mạnh, làm rất
tốt việc dùng những hình ảnh chụp thật trong cuộc chiến để làm vũ khí phản chiến
hết sức hiệu quả. Bên cạnh đó lịch sử nhiếp ảnh còn ghi nhận công lao của các
NSNA, các phóng viên, nhà báo thời kỳ đó đã lăn xả, sống chết với nghề để có thể
cống hiến những tác phẩm bất hủ.
Sau này, nhiếp ảnh Việt Nam phát triển theo một
hướng hơi khác đi, chúng ta tham gia vào các hoạt động nghệ thuật nhiều hơn, hội
nhập quốc tế cũng theo định hướng này. Từ năm 1999 chúng ta gia nhập FIAP, rồi
chơi các sân chơi quốc tế… những cái được cũng có, bên cạnh những tác phẩm ảnh
nghệ thuật tốt, thì rõ ràng với những người tâm huyết và theo dõi nhiếp ảnh nhiều
năm vẫn cứ cảm thấy chưa hài lòng, thấy chúng ta đang thiếu vắng điều gì đó,
thiếu những bức ảnh được xã hội, đặc biệt là được công chúng nhân dân đánh giá.
Đó chính là những điểm còn hạn chế của nhiếp ảnh Việt Nam, cần chúng ta có những
bước đi mới, định hướng mới để làm cho nhiếp ảnh đến được gần hơn với cuộc sống,
với công chúng và được xã hội đánh giá. Đồng thời, sự lan tỏa của nhiếp ảnh,
giá trị của nhiếp ảnh phải được công nhận.
Từ những trăn trở này mà Hội NSNAVN đã triển khai
thêm một định hướng mới trong nhiếp ảnh mà bắt đầu từ nhiệm kỳ này chúng ta bắt
tay vào thực hiện, đó chính là việc tổ chức những trại sáng tác hơi “đặc biệt”
hơn một chút, để lồng ghép nhiều nội dung với nhau và quan trọng là tư vấn, định
hướng sáng tác nhiếp ảnh mới cho anh em nhiếp ảnh Việt Nam, đặc biệt là những
nghệ sĩ đang trong độ tuổi cầm máy sung sức và giới nhiếp ảnh trẻ - thế hệ nhiếp
ảnh kế cận. Tôi cho rằng điều này là quan trọng vì nhiếp ảnh trên hết cần có sức
khỏe, có đam mê, cần những sáng tạo trẻ, chính vì vậy, đây là đối tượng mà Hội
NSNAVN đang hướng tới. Bên cạnh những nội dung khác như tăng cường tập huấn
công tác thẩm định ảnh, không chỉ phục vụ việc anh em sau này tham gia vào các
hoạt động thẩm định ảnh, công tác giám khảo mà chính là cung cấp kiến thức, cái
nhìn khách quan để sau này anh em hướng ống kính của mình trong việc sáng tác
và làm nghề. Đây cũng là lý do chính để Hội NSNAVN vừa rồi dành một phần lớn thời
gian của trại sáng tác Quảng Ngãi cho việc định hướng sáng tác và tập huấn công
tác thẩm định ảnh. Hai nội dung này được lồng ghép với nhau một cách chặt chẽ,
liên quan hữu cơ đến các hoạt động của nhiếp ảnh Việt Nam.
Trại sáng tác tại Quảng Ngãi là trại chọn lựa có
tính cơ cấu vùng miền để trước hết phục vụ cho việc sau này các nghệ sĩ tham
gia vào các hoạt động của Hội trên phạm vi cả nước; bên cạnh đó, trại còn lưu ý
đến việc lựa chọn những tài năng trẻ, những tay máy có đủ điều kiện phát triển
để đào tạo. Đây chính là những nét mới của trại lần này. Việc Hội thực hiện
khâu tuyển lựa, đưa ra yêu cầu kiểm tra đầu vào, rồi khi đã tham gia trại chúng
ta nâng cao dần các yêu cầu về thuyết trình “đọc” ảnh tại trại, trả lời phản biện
và thậm chí là yêu cầu anh em viết bài đánh giá, thẩm định về một tác phẩm cụ
thể, để từ đó có căn cứ đánh giá năng lực, trình độ của anh em nhằm tìm ra hướng
đào tạo tốt nhất có lẽ cũng là điểm khiến nhiều anh em hội viên, thậm chí ngay
cả trại viên cũng sẽ rất bất ngờ. Tuy nhiên, theo tôi, đó là những việc làm cần
thiết, nhằm đạt được mục tiêu là xây dựng lực lượng nhiếp ảnh trẻ nòng cốt cho
tương lai.
Và đây là trại đầu tiên thử nghiệm phương pháp
này, sau này Hội sẽ tiếp tục mở thêm các trại ở khu vực phía Bắc, khu vực phía
Nam và các trại viên vẫn phải trải qua trình tự các bước kiểm tra như với
phương pháp đã làm tại trại Quảng Ngãi.
PV:
Vâng, với tính chất là trại thử nghiệm, vậy bản thân ông có đánh giá như thế
nào về tính hiệu quả của trại lần này?
NSNA
Vũ Quốc Khánh: Với trại thử
nghiệm này tôi có một vài đánh giá như sau. Thứ nhất về mặt sáng tác. Qua mấy
ngày đi thực tế sáng tác ở huyện đảo Lý Sơn, rồi các tỉnh miền núi, thâm nhập
vào đời sống của đồng bào dân tộc, kể cả ở các vùng đô thị, các khu kinh tế,
công nghiệp… của tỉnh Quảng Ngãi, có thể thấy tay máy của hầu hết anh em khá vững
chắc. Đây gần như một cuộc chụp marathon, chỉ trong vòng mấy ngày mà chất lượng
bộ ảnh của anh em sáng tác về khá tốt. Chưa kể đã có nhiều những công nghệ chụp
mới được áp dụng như chụp từ trên không với thiết bị flycam, chụp dưới nước…
cho thấy anh em đã rất hăng hái đầu tư và có cách thể hiện rất tốt. Điều đó còn
nói lên một điều rằng chúng ta hiện cũng đã theo kịp bạn bè khu vực và trên thế
giới bằng nhiều phương thức chụp ảnh khác nhau.
Qua cuộc triển lãm “Đất và người trên quê hương Hải
đội Hoàng Sa” - trưng bày những tác phẩm chọn lọc trong đợt thực tế sáng tác tại
Quảng Ngãi, tôi đã rất vui khi nhận được phản hồi tích cực của người dân khi đến
xem, tham quan triển lãm, đặc biệt là phản hồi của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các
đoàn thể. Anh Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi
còn đề nghị Hội VHNT tỉnh phối hợp với Hội NSNAVN lưu trữ lại những files ảnh
này và tỉnh sẽ mua để làm quà tặng cho các nhà đầu tư đang làm việc với huyện đảo
Lý Sơn, làm quà lưu niệm phục vụ cho quảng bá du lịch và đối ngoại… Trong đợt
sáng tác tác lần này nhiều nghệ sĩ đã sử dụng các thiết bị nhiếp ảnh hiện đại để
chụp ảnh trên không, dưới nước… tạo ra những bức ảnh với góc nhìn độc đáo, gây
thích thú, ngạc nhiên cho người xem. Nói như vậy để thấy rằng, việc sử dụng các
thiết bị, công nghệ ảnh hiện nay phục vụ rất nhiều cho hoạt động đầu tư, du lịch,
trong tổ chức, điều hành các công việc của cơ quan nhà nước. Chúng ta đang hướng
tới nhiếp ảnh phải phục vụ cho đất nước, cho xã hội. góp phần thiết thực vào sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, phần định hướng sáng tác, tập huấn
công tác thẩm định ảnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số anh em vẫn đang
loay hoay theo kiểu chụp những gì đèm đẹp, sáng tác theo ngẫu hứng nhiều hơn chứ
chưa xây dựng được những ý tưởng, chưa đặt được cho mình mục tiêu, hoặc chưa
xây dựng được những chuyên đề mình cần hướng đến; đáng chú ý là cách xây dựng những
bộ ảnh, sách ảnh… là những vấn đề mà anh em còn rất lúng túng thì ở trại này Hội
đã nhận thấy những điểm hạn chế đó ở các nghệ sĩ để tập trung khắc phục. Theo
đó, Hội đã cung cấp thông tin, hướng dẫn, hệ thống các phương pháp làm theo
cách khoa học, hiệu quả, thậm chí gợi mở các ý tưởng xây dựng các dự án ảnh bộ,
dự án sách ảnh lớn cho anh em dự trại để từ đó, sau khi rời trại, anh em có thể
tự mình thực hiện những đề tài ảnh bộ mà mình yêu thích.
Các nghệ sĩ cũng còn khá lúng túng trong vấn đề
thẩm định một bức ảnh, chưa nắm vững các quy tắc thẩm định để biến nó thành kỹ
năng, thành lợi điểm riêng của mình. Tất nhiên việc thẩm định ảnh không chỉ khô
khan “đọc” theo quy tắc, mà còn cần rất nhiều yếu tố khác nữa như văn hóa, cảm
xúc… cho nên Hội sẽ tiếp tục đặt ra mục tiêu để có hướng đào tạo phù hợp nhằm
xây dựng một đội ngũ thẩm định trẻ, kế cận để phục vụ tốt hơn cho hoạt động nhiếp
ảnh nước nhà.
Theo tôi những điểm đã nêu ở trên là những hiệu quả
nhìn thấy rõ nhất của trại lần này tại Quảng Ngãi.
PV: Với
việc nhìn nhận, đánh giá hết sức cụ thể các mặt hoạt động của trại lần này, vậy
theo ông mô hình kế tiếp của Hội khi mở các trại sáng tác tới đây là gì?
NSNA
Vũ Quốc Khánh: Ngay trong
buổi tổng kết trại Ban Tổ chức cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực,
trong đó, có thể thấy việc tiếp tục đổi mới hoạt động tổ chức các trại sáng tác
ảnh là một điều hết sức cần thiết.
Đối với từng nội dung, chúng tôi sẽ làm kỹ hơn. Thí
dụ liên quan đến vấn đề định hướng sáng tác, trại tới Hội sẽ đặt ra nhiều đề
tài hơn, thậm chí có thể lên trước một danh sách các đề tài để anh em lựa chọn
thể hiện. Hội sẽ có một chuyên đề trình bày kỹ lưỡng về vấn đề này để cung cấp
kiến thức cho anh em trước khi đi vào thực tế sáng tác. Hoặc khuyến khích anh
em làm theo cách so sánh, tức là vừa chụp theo đề tài bắt buộc của trại, vừa chụp
một đề tài mình yêu thích - sau đó cùng xem xét, đánh giá, phân tích lại xem
cách lựa chọn nào hiệu quả, phân tích mặt ưu, nhược của cả hai phương cách…
theo tôi sẽ rất bổ ích cho anh em nghệ sĩ.
Về phần thẩm định ảnh, trại kế tiếp, Hội sẽ đẩy mạnh
việc phân tích nhiều hơn, để dành thời gian cho các nghệ sĩ trao đổi không chỉ với
Hội đồng phản biện mà ngay cả giữa các học viên với nhau, có như vậy mới tăng
cường được tính tương tác trong các buổi học, giúp học viên thực hiện việc “đọc”
ảnh nhuần nhuyễn hơn. Việc giải thích các quy tắc thẩm định ảnh cũng sẽ phải được
chú trọng nhiều hơn nữa, nhằm làm sáng rõ những vấn đề còn lúng túng của nghệ
sĩ khi tham gia thẩm định một tác phẩm ảnh. Và điều quan trọng hơn, rất có thể
trại tới Hội sẽ thử nghiệm để anh em có cơ hội thực hành ngay tại trại với một
cuộc chấm chọn ảnh sáng tác của chính các trại viên.
PV:
Tôi có được nghe nói đến mô hình đào tạo theo hình chóp, vậy theo ông chúng ta
sẽ áp dụng mô hình đào tạo này trong tương lai như thế nào?
NSNA
Vũ Quốc Khánh: Qua đợt tổ
chức trại này, Hội cũng đã có đánh giá, nhìn nhận, và đương nhiên, trong mặt bằng
chung ấy, sẽ có những nghệ sĩ ở những mức độ khác nhau. Người ở mức độ A, người
mức độ B, C… Qua vài trại, chúng ta sẽ lựa chọn những người ở mức độ A, hoặc
trên loại B của các trại, tiếp tục có các hình thức củng cố, đào tạo sâu hơn, kỹ
hơn cho anh em đạt đến mức độ vững chắc, sau đó mới có thể mời tham gia vào các
hoạt động của Hội trong tương lai chứ Hội không đào tạo tràn lan.
Việc sáng tác, định hướng cũng sẽ tiếp tục được
nâng cao dần lên theo các trại, nhằm chọn lựa những anh em có khả năng hoạt động
tốt nhất, sau này sẽ giao nhiệm vụ thẩm định ảnh ở các mảng đề tài khác nhau và
ở các cấp khác nhau.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Những tác phẩm ảnh nghệ thuật do anh em nghệ sĩ dự trại ở Quảng Ngãi sáng tác, cùng một số hình ảnh sinh hoạt.
TƯỚI TỎI - Bùi Đình Ngôn |
NGÀY HÈ - Bảo Hưng |
BÁNH TRÁNG TRÀ BỒNG - Duy Bằng |
ĐẶC SẢN QUẾ TRÀ BỒNG - Huỳnh Phúc Hậu |
CHIM NON - Bùi Kim Mạnh |
TRONG LÒ ĐƯỜNG - Nguyễn Bá Hảo |
MÙA BIỂN - Nguyễn Tấn Khâm |
LÀNG CHÀI NGÀY NAY - Nguyễn Vinh Hiển |
NGÀY MÙA - Nguyễn Vinh Hiển |
ĐIỂM SÁNG - Nguyễn Viết Rừng |
HANG SAU , YÊN BINH, LÝ SƠN - Nguyễn Đăng Lâm |
Ảnh: TRẦN NHÂN QUYỀN |
NÉT ĐẸP SÔNG TRÀ - Trần Đình Thương |
KHÁM PHÁ - Đinh Mạnh Tài |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét