Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

NGỌC THÁI - NHÀ NHIẾP ẢNH HÀ NỘI LỊCH LÃM


             Tôi và anh Ngọc Thái biết nhau từ năm 1997, khi 2 người cùng dự Liên hoan ảnh ASEAN lần thứ nhất tại Hà Nội. Trong một thời gian dài chúng tôi không liên hệ với nhau bởi kẻ Bắc, người Nam và vì môi trường làm việc khác nhau. Tháng 12 năm nay, chúng tôi gặp lại nhau và tôi hết sức ấn tượng bởi lời từ chối không ứng cử thêm một nhiệm kì nữa trong Hội đồng nghệ thuật của Hội NSNAVN. Thật tiếc cho cái chung, nhưng tôi mừng cho anh Ngọc Thái vì sự trở lại của một nhiếp ảnh gia mang đậm chất của Hà Nội trong sáng tác và trong con người anh. Hôm 14 tháng 12, ngồi tâm sự cùng anh bên ở quán cà phê 86 Trần Vũ, cũng là nhà riêng của anh Ngọc Thái, tôi đã ngắm nhìn rất lâu những bức ảnh nghệ thuật về Hà Nội của anh…Trong triển lãm ảnh “ Mắt Vuông” của anh Ngọc Thái tổ chức vào tháng 12 năm 2009, bài báo của  họa sĩ Lê Thiết Cương cùng một bài thơ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đã làm tôi thật sự thích thú nên muốn giới thiệu trên Blog “ LANG THANG” về nhà nhiếp ảnh NGỌC THÁI.


Ngọc Thái sống ở Hà Nội, cho dù anh chụp gì, xem ảnh của anh vẫn thấy chất Hà Nội, tinh tế, mượt mà, sang trọng. Không thời sự nhưng ảnh của anh vẫn có những chi tiết biểu hiện thời gian tính tuy nhiên bao trùm lên tất cả vẫn là tính duy mỹ, duy cảm, duy tình.

Mắt Vuông của Thái không hướng đến sự cầu kỳ rắc rối, những đề tài to lớn mà đọng lại ở những vẻ đẹp bình dị.

Duyên do thế nào Ngọc Thái lại mời tôi xem và cùng chọn lọc những bức ảnh của anh cho triển lãm lần này. Chả dễ dàng gì, tôi phải chọn được những tác phẩm theo đúng quan niệm nhiếp ảnh của mình nhưng cũng cố dung hoà, sao cho đó là những bức tác giả thích. Tôi muốn cảm ơn Ngọc Thái vì anh đã tin tưởng để tôi dùng hình ảnh mắt vuông làm tên cho cuộc triển lãm 31 tác phẩm của anh.

Ngọc Thái sử dụng một phương tiện giản dị, đó là chiếc máy ROLEIFLEX, ống kính 1 tiêu cự (80mm f 2.8), sản xuất từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Dùng ít nguyên liệu nhất nhưng lại làm được nhiều, nói được nhiều nhất. Phương tiện kỹ thuật hiện đại không có lỗi nhưng đôi khi nó biến nhiếp ảnh gia thành người làm xiếc.

Có những câu hỏi mà tôi không bao giờ muốn nêu ra với Ngọc Thái. Bởi vì với Thái, người đối diện được yên tâm bởi sự thực lòng của anh, ngoài đời cũng như trong tác phẩm. Câu trả lời đã nằm trong tác phẩm rồi. 31 tác phẩm trong triển lãm Mắt Vuông cũng chính là 31 câu trả lời. 31 con mắt, 31 khuôn hình, 31 hình vuông, 31 con mắt vuông, 31 điểm nhìn, 31 thời khắc, 31 lựa chọn, 31 lần đi, 31 lần dừng lại, 31 đen, 31 trắng, 31 trắng đen, 31 phận người, 31 cảnh huống, 31 câu chuyện, 31 hồi hộp lo âu chia sẻ, 31 đêm, 31 một mình buồng tối.

( Lê Thiết Cương - 12/2009)


Anh Đặng Ngọc Thái đã tự sự rằng : Máy ảnh kỹ thuật số, tráng film phóng ảnh mầu ở lab là con đường của số đông. Ngọc Thái chọn cho mình con đường của số ít, chụp bằng phim đen trắng khổ lớn, rửa ảnh trong buồng tối, phóng nguyên phim từng bức một.
Chụp phim, ống kính một tiêu cự 80mm f 2.8, điểm nhìn normal, tự tráng, tự phóng là một chuỗi công việc để người chụp được là mình, được một mình nhất và tự nhiên nhất, trung thực nhất. Chạy tiếp sức thì đoàn kết, thì đồng đội và đằng nào cũng cán đích thôi nhưng một mình, một đường, một đích vẫn cô đọng và cá nhân hơn, bộc lộ tự tính rõ hơn, nguyên chất hơn, độc bản hơn. Tự mình bộc lộ mình là cốt lõi của nghệ thuật đâu riêng gì nhiếp ảnh. Mình làm mình chịu, mình chụp mình chịu. Mình chụp mình được, mình làm mình được. Thành công hay thất bại, ảnh xấu hay đẹp vẫn phải là mình.



Bài thơ song thất lục bát đầu tiên được công bố của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:

Cạnh Hồ Tây có chàng Ngọc Thái,
Dân Tràng An quen thói phong lưu.
Khi mê say đắm bóng chiều,
Lại khi rung động dáng Kiều thướt tha.
Cũng có lúc xa nhà bát ngát,
Đỉnh non cao mây trắng dừng chân.
Cô em xóm núi tần ngần,
Mõ trâu một khúc lòng xuân rộn ràng.
Kiếp nhân sinh phù vân đâu tá?
Nào ai hay cửa sổ bóng câu?
Cảnh xưa người cũ phai màu,
Ai lưu ảnh lại cho nhau ngậm ngùi?
Chuyện bể dâu đời nào chẳng có,
Người với người ly biệt tương phùng.
Hỡi ơi, kỳ nữ anh hùng,
Đôi khi giáp mặt còn chừng chiêm bao…
Kiếp con người vận vào một chữ:
Ai có "tình" người ấy có tâm.
Dở hay muôn sự Hoá công,
Danh ai phận nấy thuận dòng mà theo.
Cõi Ta bà nhân gian bé tí,
Thân phận người bèo giạt mây trôi.
Bức tranh vân cẩu trên giời,
Thoát dưng chuyển dịch là đời tang thương.
Kìa ai thân gái dặm trường,
Kìa ai lưu lạc trên đường công danh?
Trời xanh xanh, nước xanh xanh,
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.
Người đi Tam đảo, Ngũ hồ,
Người về bể Sở sông Ngô mặc người.
Tấm lòng nghệ sĩ đầy vơi,
Mong sao góp chút tình đời thêm xuân.
Người phù vân, cảnh phù vân,
Tìm trong hư ảnh cái chân, cái thường.
"Khi đã hiểu lẽ vô thường,
Nhìn đâu cũng chỉ thấy đường mà thôi …" (*)

Hà Nội ngày 12 tháng 12 năm 2009

------------------------------------------

(*) Trích thơ Nguyễn Bảo Sinh













Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...