Tôi đến Hội An
đôi lần. Ấn tượng trong tôi có lẻ đây là
một khu phố cổ đúng ý nghĩa nhất Việt Nam. Nhưng tôi bất ngờ nơi đây lại sản
sinh một ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự có nhiều giai thoại hay. Hay đến mức ông
được phong tặng Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần 5- Giải thưởng Phan
Châu Trinh, là một giải thưởng được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao hằng năm
cho các cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực Giáo dục, Nghiên cứu
văn hoá, Việt nam học và Dịch thuật.
Tôi xin đăng lại bài viết của Nhà văn Nguyên Ngọc về nhân vật này.
(ảnh Hữu Thành, ảnh minh họa : Hoàng Tường.)
(ảnh Hữu Thành, ảnh minh họa : Hoàng Tường.)
Người ta bảo khi khỏe thì thấy chuyện khỏe là đương nhiên, chỉ khi đổ ốm mới nhớ ra là có thể có bệnh. Gần đây do công việc tôi về ở Hội An hơi lâu, đến nay đã hơn năm tháng, hằng ngày vẫn đi ra đường ra phố, thỉnh thoảng qua các làng quê ven thị, thấy cũng bình thường thôi, thanh bình, thân thiện, hiền lành, nhẹ nhõm, thì Hội An vẫn thế, ai chẳng biết. Cho đến một bữa có anh bạn ghé thăm, tẩn mẩn hỏi: Anh ở đây có thấy gì lạ không? Gì nhỉ, nghĩ mãi không ra. Anh ấy mới bảo: Ở Hội An, ra đường, hầu như không hề thấy công an. – Thật sao? Tôi ra đường mấy ngày liền, lang thang khắp nơi: À, hóa ra là thế thật!
Hội An thật tài, tôi đố thành phố nào trong cả nước
thi đua được với Hội An về cái mục này. Có thành phố nào dám lên tiếng không? …
Ở Hội An, ngày nắng, chiều tôi thường ra tắm biển An
Bàng (không biết tại sao gần đây bổng thấy có báo rộ lên tin: bãi biển An Bàng,
một trong mấy bãi tắm bình dân của Hội An, được xếp vào top 50 bãi biển đẹp nhất
thế giới. Tôi e là tin bịa thôi, vả người Hội An cũng không hề chú ý). Biển
lặng và hiền, không quá đông. Tắm xong, thường ăn bát cháo nghêu hay cá, và
ngồi chơi hóng gió, nghe sóng, nhiều hôm đến chín, mười giờ đêm. Rồi lững thững
ra về. Trên đường, băng qua cánh đồng Trà Quế rộng xa đến vài cây số, vắng
tanh, vậy mà thỉnh thoảng gặp vài cô nữ du khách tây, có hôm chỉ mỗi một cô,
không biết đi chơi đâu về, cũng lững thững thản nhiên thong thả băng đồng lớn
như mình. Lại đố nữa nhé: đố nơi nào có được cảnh ấy, đàn bà con gái, lại tây,
mà chẳng lạ nước lạ cái chi hết, chẳng sợ gì sất, có thể một mình băng đồng đi
chơi ban đêm, giữa mông quạnh, còn bình yên hơn cả ở chính quê mình?
Hội An có Cù lao Chàm. Khách ra chơi, đêm ngủ
lại, phải căng tăng mà nằm. Thành phố nhất định không cho xây bất cứ khách sạn
nào ở đấy. Giữ núi non cây cối nguyên vẹn. Chẳng đua theo Vinpearl trong kia
khoét núi giữa biển làm nhà mấy sao. Về mặt này Hội An rất bảo thủ. Ai chê, xin
nhận.
Cù lao Chàm là nơi duy nhất trên cả nước hiện nay
tuyệt đối không có túi ni lông, được đâu năm bảy năm nay rồi. Người ta ra chợ
mang theo cái làn mây hay cái rỗ, mua gì thì bỏ vào đấy, cắp hông thong thả đi
về. Hoặc gói lá chuối, lá sen, lá vả (lá vả to như lá sen, thơm mùi mộc hơn).
Hội An muốn làm điểm trước ở Cù lao Chàm, nay đang dần dần lan vào cả
thành phố, bước đầu ở mức vận động bà con hạn chế bớt. Tôi cũng thuộc loại bảo
thủ, và hoài cổ nữa, tôi rất thích cảnh mấy bà mấy chị đi chợ về cắp rỗ ngang
hông, như mẹ tôi xưa. Phố đấy, cũng văn minh như ai chứ, mà vẫn nét quê, đằm,
hiền, và đẹp.
Nhưng về vụ túi ni lông còn có chuyện khác, chính
những người xướng ra cũng không ngờ. Cũng nghĩ là cố gắng góp phần hạn chế cái
nạn trái đất khốn khổ của chúng ta, do thói lười biếng và kiêu căng ỷ phát minh
khoa học của con người, ngày càng bị chất đầy cái thứ vừa bẩn vừa độc đến mấy
trăm năm chưa chịu tiêu hũy ấy. Không ngờ còn hay hơn nhiều nữa: hóa ra túi ni
lông trước đây rơi xuống biển làm chết san hô. Biển Cù lao Chàm năm bảy năm
không có túi ni lông nữa, bây giờ san hô nở rộ mọc vào tận sát bờ, đủ màu rực
rỡ. Cù lao Chàm có thú lặn biển, bây giờ tha hồ lặn ngắm san hô.
… Nhưng mà cẩn thận nhé, người Hội An có tiếng
hiền hòa. Xin nói: cũng tùy lúc, tùy người, tùy chuyện thôi. Gần đây có chuyện
thế này: chợ ở gần phố cỗ khá lộn xộn và bẩn. Thành phố xây lại chợ, nguyên chỗ
cũ, sạch, gọn, lại giữ được khá tốt nét xưa. Và yêu cầu những người lâu nay
ngồi linh tinh bên ngoài vào chợ. Ai cũng biết, hiền mấy thì hiền, hỗn nhất vẫn
là dân chợ, nhất là khi các bà bị đụng chạm quyền lợi làm ăn. Các bà chửi um
lên, không chịu vào. Các ngành liên quan vận động bao nhiêu đều không xong.
Cuối cùng anh bí thư thành phố xuất hiện. Ra đứng giữa chợ nhốn nháo. Gọi lớn:
Các bà chửi phải không? Được rồi. Bây giờ thế này nghen, đề nghị các bà bầu lên
một bà chửi hỗn nhứt, đại diện cho tất cả, ra đây chửi thi với tui. Chửi thua
thì phải vô chợ, đồng ý không?
Bất ngờ quá, các bà sững đi một lúc. Rồi tất cả phá
lên cười. “Thôi, chịu ông rồi, ông bí thư ơi!”.
Vì sao anh bí thư Hội An làm được chuyện lạ này? Đơn
giản chỉ vì dân người ta thương anh.
Như chuyện anh cưới vợ cho cậu con trai cách đây mới
vài tháng. Không mời bất cứ lãnh đạo nào ở tỉnh hết; anh bảo biết ai mời
ai không, mời hết thì không đủ sức, mời thiếu thì mất lòng. Cũng không mời bất
cứ doanh nghiệp nào, họ mang phong bì sụ đến, mình tốn công đi trả, mệt. Nhưng
anh lại mời đến chín trăm người: tất cả bà con trong xóm trong làng. Anh tâm sự
với tôi: Năm ngoái mẹ tôi mất, bà con đến viếng không thiếu người nào. Toàn các
bà hằng ngày đi mò hến, mò tôm. Có bà đến, để tờ bạc hai nghìn lên trên chiếc
đĩa, cẩn thận vuốt cho thật thẳng, rồi kính cẩn đặt lên bàn thờ mà lạy mẹ tôi.
Tôi hỏi anh người như thế làm sao ngày vui của gia đình tôi tôi có thể không
mời. Vợ tôi mang giấy mời tới từng nhà, dặn bà con viếng không được mang theo
bất cứ thứ gì …
Anh ấy yếu, người gầy, ăn uống rất ít, huyết áp
thấp, mà chẳng chịu bỏ việc. Đêm nằm vắt tay lên trán lo cho Hội An, vì anh
biết Hội An là văn hóa, mà đã là văn hóa thì bao giờ cũng mong manh, đời là
vậy, càng đẹp thì càng mong manh, dễ vỡ, phải nâng niu. Anh nâng niu quê hương
và con người quê anh, nâng niu cái đẹp. Một nhà văn hóa.
Vừa rồi lụt lớn, thủy điện xả lũ khẩn cấp, nước
về nửa đêm một tiếng đồng hồ lên hai mét nước. Gầy ốm thế mà hể lụt là anh lao
ra giữa dòng, cứu dân. Hội An sông nước mênh mông, lụt thường dữ. Mà mấy mươi
năm nay chưa hề có ai chết lụt. Cũng như sức khỏe ấy mà, có ai thấy là ghê gớm
gì đâu. Thường thôi. Vẫn vui, lại vui. Nay đã qua hai mươi ba tháng mười rồi. Ở
quê tôi, Hội An, vốn có câu ca: Ông tha mà bà không tha, làm ra cái lụt hăm ba
tháng mười. Qua cái đận đó là có thể yên tâm. Năm nay trời hiền, lụt bão khá
mềm. Hội An đang chuẩn bị đón xuân.
Mùa xuân, tôi mạo muội thay mặt quê mình nêu lên hai
thách đố của Hội An đã nhắc đến trên kia. Có thành phố nào lên tiếng đáp không?
N.N.
Tháng 11-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét