Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

LAN MAN CHUYỆN CHỤP HÌNH

Tác giả ĐỖ DUY NGỌC

Chiều nay có anh bạn học cũ từ Pháp về Việt Nam ghé nhà chơi. Anh là một giáo sư Mỹ thuật ở một trường Đại học nhưng cũng là người rất mê nhiếp ảnh. Anh rủ tui đi chụp hình cảnh đất nước con người Việt Nam cùng anh. Anh dự định đi một tháng chỉ để chụp hình. Lời rủ rê hấp dẫn quá mà lúc này tui lu bu nên không đi với anh được. Câu chuyện chuyển qua lãnh vực nhiếp ảnh hồi nào không hay. Trời lại mưa nên khách chưa muốn về, chuyện càng lúc càng say. Anh bảo Việt Nam ta có nhiều cảnh đẹp, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có nhiều tấm ảnh rất nghệ thuật giới thiệu với thế giới và cũng có nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam đạt được nhiều giải thưởng. Tuy nhiên, anh bảo ảnh Việt Nam set- up nhiều quá, mà lại sắp xếp phi thực tế. Đã đành là người nước ngoài khi chụp cảnh và con người Việt Nam, bởi họ không hiểu văn hoá Việt nên có những bức ảnh phi lý thì cũng tạm bỏ qua được. Đằng này, người cầm máy là người Việt, sinh ra lớn lên trên đất nước này mà chẳng hiểu gì về nếp sống, phong tục, văn hoá và con người Việt, đó là điều đáng trách. Do vậy có những tấm ảnh xếp đặt ngô nghê, thiếu thực tế một cách buồn cười. Ở nước ngoài anh cũng có được mời chấm thi ảnh, nhiều khi bắt gặp những tấm ảnh như thế anh rất buồn và bực mình. Theo anh, đã là người làm nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật phải có cái phông văn hoá nhất định, người nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng thế, chính những kiến thức về văn hoá, phong tục của dân tộc sẽ làm nên cái hồn của tấm ảnh. Mọi sự sắp xếp khiên cưỡng, phi thực tế chứng tỏ người chụp ảnh thiếu kiến thức thực tế, không nắm được cái hồn cốt của dân tộc mình. Nhiếp ảnh không phải chỉ tạo ra những tấm ảnh đèm đẹp, màu sắc nhập nhoè mà quan trọng là nó muốn nói gì sau tấm ảnh ấy, nó chứa đựng vấn đề khiến người xem phải suy nghĩ và cảm xúc. Nếu tấm ảnh chỉ đẹp mà vô hồn thì giỏi lắm chỉ là loại ảnh trang trí, treo cho vui cửa vui nhà chứ chưa thể gọi là tác phẩm nghệ thuật. Ngày nay, với chiếc điện thoại, ai cũng có thể chụp hình, do vậy đã gọi là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia phải chụp khác những tấm ảnh bình thường và không nên biến tấm ảnh của mình thành bức ảnh chứa đựng điều phi lý và phi thực tế. Anh mở laptop cho tui xem một số bức ảnh mà theo anh là những ảnh sắp đặt phi lý, trong đó có cả những tay máy nước ngoài chụp cảnh Việt Nam. Anh cũng cho tui xem một loạt ảnh chim cũng theo anh là một kiểu làm nghệ thuật vô nhân đạo của một số người Việt khi bắt những con chim con dán keo vào cành cây để chụp ảnh hay phá tổ chim, bắt chim bỏ vào chai nước, cho chim thò đầu ra khỏi tổ để chụp hình. Anh thốt lên: Ác quá. Làm nghệ thuật mà không có nhân tính! Anh cũng nhắc đến hiện tượng là khi một bức ảnh nào của ta được giải là ùn ùn sau đó thiên hạ cứ bắt chước đề tài đấy mà chụp hoài, như ngày xưa là người dân tộc, rồi đồi cát Mũi Né, rồi đan lưới, vá lưới ..., làm như xứ ta cạn hết đề tài hay sao ấy, hình cứ na ná nhau. Những tấm ảnh đó dù có được giải thưởng, xem vẫn không sướng chút nào vì nhàm quá. Người cầm máy xứ Việt phần đông cứ chạy theo giải thưởng và đánh gia tài năng qua giải thưởng. Bởi muốn vào Hội Nhiếp ảnh là phải có giải thưởng, phải có số má chứ không phải chỉ đam mê nghệ thuật là đủ. Cầm máy đi săn ảnh, lặn lội, suy nghĩ sáng tạo để mục đích duy nhất là dự thi, lấy giải thì còn mong chi nghệ thuật và nghệ sĩ ở đâu?
Theo anh, trong cuộc sống, bất cứ điều gì cũng có thể là đề tài của nhiếp ảnh, sao cứ mãi quẩn quanh.

Bớt mưa, ra cửa mà anh còn bảo: Tiếc quá, về chuyến này mong được đi với anh mà không toại nguyện. Già rồi, không biết có thêm được chuyến về nào nữa không? Tui cũng tiếc chẳng khác chi anh, nhưng biết làm sao?
11.11.2019
DODUYNGOC

Ảnh có tính chất minh họa)








Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...