Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Tản mạn với bức ảnh “ Biển Kết Hoa”


Lâu lắm rồi tôi mới xem lại tấm ảnh này. Tấm ảnh này do anh bạn tôi Trần Vĩnh Nghĩa chụp. Bây giờ anh thành đạt nhiều nên nhiều người gọi anh là “ nghệ sĩ”. Nhưng tôi vẫn thích gọi anh là “ nhiếp ảnh gia” hơn vì chúng tôi là những người cầm máy chơi ảnh cùng thời với nhau.
Nhà nhiếp ảnh : Trần Vĩnh Nghĩa

Bức ảnh “Biển Kết Hoa” ra đời vào khoảng năm 1995. Chỉ sau đó 1 năm, tại cuộc thi ảnh VN-96 - Cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế đầu tiên do Việt Nam tổ chức (có 997 tác giả từ 35 quốc gia gửi 4.042 tác phẩm dự thi) – Bức ảnh “Biển kết hoa” đã  đoạt  Huy chương vàng FIAP cùng với tác phẩm “Xuân về trên cánh đồng hoang” (Bùi Bé Tư). Tôi còn nhớ như in, cái ngày mà cả bọn chúng tôi đã vỡ òa sung sướng bên quán cà phê “cốc” dưới gốc me tây già ven sông Cà Ty khi nghe một cú điện thoại báo tin này. Ngoài niềm vui riêng của Vĩnh Nghĩa, lúc đó tôi cũng có cảm giác lâng lâng khó tả vì tấm huy chương này đã là cao quý nhất từ trước đến nay và kể từ khi tôi giử vai trò Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Phan Thiết.

“Biển Kết Hoa”
Đã hơn 15 năm trôi qua, tôi nhớ lại rằng sau những niềm vui và tiếng cười có những lúc anh bạn Vĩnh Nghĩa của tôi còn nhiều ưu tư trong lòng. Bản tính rụt rè  nên Vĩnh Nghĩa hay nói “ kệ….”. Điều gì vậy?. Số là sau khi thành công bức ảnh có tiếng vang lớn, đâu đó có nhiều phát biểu, thậm chí bài báo phê bình rằng : bức ảnh “ Biển kết hoa dàn dựng thô thiển, không thực tế với nghề làm muối, không mang tính chân thực trong ảnh nghệ thuật…”. Nhiều nhà lý luận phê bình còn đưa cả những lời trên vào những bài viết mang tính răn dạy người khác về nhiếp ảnh…



Những bức ảnh nghề muối ở Bình Thuận do Hữu Thành thực hiện nhằm minh họa cho bài viết này:


Hôm nay, “ Lang Thang” tôi ngẩu hứng viết vội bài này nói đôi điều về “ BIỂN KẾT HOA”, bức ảnh mà tôi ưa thích. Theo tôi bức ảnh này là một tác phẩm nhiếp ảnh đỉnh cao khi khái quát hóa nghề làm muối ở Phan Thiết nói riêng và ở miền Nam nói chung. Thu hoạch muối ở miền Nam có 2 khâu năng nhọc nhất là cào muối và gánh muối. Ở những cánh đồng muối ven đô Phan thiết lúc đó. Cứ sáng sớm tinh mơ vào mùa nằng ai cũng có thể bắt gặp hàng chục, thận chí hàng trăm người cào muối và gánh muối khi mặt trời chưa ló dạng. Có những lúc sương mù dày đặt phủ kín cả cánh đồng làm " ghiền" biết bao nhiêu nhà nhiếp ảnh say mê lặn lội chụp cho được cảnh thu hoạch muối trong không gian này. Rất tiếc bây giờ những cánh đồng muối đẹp ở Phan Thiết đã bị “ xóa sổ” để dành đất cho các khu đô thị sang trọng. Hậu quả của nhiều dự án như thế này đã khiến Việt Nam, một đất nước có hơn 3.200 km bờ biển nhưng phải nhập khẩu muối ?. Tôi tiếc nuối những cánh đồng muối này.
Từ trái qua phải
Quốc Thanh, Vĩnh Nghĩa, Hữu Hùng, Lê Nguyễn, Hữu Thành
Tại đại hội Hội NSNA VN lần thứ 5 ở Hà Nội( 2000)
 Vĩnh Nghĩa đã làm được điều là mô tả hết sức thực nghề làm muối ở quê mình bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Nên lưu ý rằng, vào những tháng năm đó Vĩnh Nghĩa và chúng tôi đều phải chụp bằng phim đen trắng . Muốn có một bức ảnh đẹp ngoài việc chụp ảnh tốt còn phải trải qua các công đoạn hết sức thủ công : tráng phim, rọi ảnh và chấm bụi bằng những chiếc cọ với đôi mắt nheo nheo…Thời đại bây giờ, hiện có quá nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải kể cả có huy chương bằng công thức: Người chụp + thợ photoshop . Thậm chí một tác phẩm xuất sắc hôm nay có thể bao gồm: Cánh đồng miền Bắc, mây miền Trung và nhân vật lại ở tận… miền Nam. Có nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp khỏa thân tâm sự với tôi rằng : Cô gái trong tác phẩm đó có vòng 1, vòng 2 và vòng 3 của 3 cô gái khác nhau????.

Vì vậy, tôi vẫn cảm phục Trần Vĩnh Nghĩa và yêu bức ảnh “ Biển Kết Hoa”.




Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...