Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Anh |
Nghề kéo lưới rùng là một nghề bắt
cá ven biển rất lâu đời của ngư dân nước Việt, đây là loại lưới chỉ đánh cá ven
bờ, kéo lưới bằng tay, gắn liền với thửa hồng hoang khi ghe thuyền người Việt còn
thô sơ chưa dám vươn mình ra biển lớn. Đây là nghề kéo lưới mà ai cũng có thể
tham gia kéo được, chỉ cần một dàn lưới rùng với một chiếc ghe nho nhỏ, hoặc một
thúng chai be bé là người ta có thể tiến hành đi kiếm cá được.
Cách thức họ làm là, sau khi cố định
một đầu lưới trong bờ, rồi đem ra khỏi biển khoảng 300 - 400m rồi từ từ thả lưới
xuống, họ cố gắng tạo thành một vòng cung đủ rộng, rồi đem đầu mành lưới còn lại
vào bờ để mọi người bắt đầu kéo.
Lúc này, trong bờ bà con chia ra
làm hai hàng, mỗi hàng là một đầu lưới. Cứ thế mà kéo, cho đến khi lưới vào hết
trong bờ. Những con cá nằm trong vòng cung của lưới sẽ không thoát ra ngoài và bị
kéo hẳn vào bờ.
Những con cá không vượt ra khỏi
lưới, ngoài lý do thân cá lớn hơn mắt lưới, thì còn nguyên do khác là màn lưới
đã được sơn màu, như một bức tường chắn làm cá hoảng sợ không dám đâm đầu để thoát
qua bên kia màn lưới. Đây cũng là một lý do mà sau này bà con dùng lưới cước với
mắt lưới lớn khoảng 0,5cm thì cá nhỏ hơn cũng không thể thoát ra khỏi được.
Lúc đầu, lưới rùng được làm bằng
dây nhợ, mắt lưới lớn hơn lưới mùng một xíu, tức là khoảng 1,5 – 1,8 ly, sau
khi mua về bà con nhuộm màu đỏ, xanh, vàng tùy thích. Nhược điểm của dây nhợ là
nặng kéo, đó là lý do sau này bà con ngư dân chuyển sang bằng cước lưới sâm làm
lưới rùng cho nhẹ kéo, mắt lưới cũng vậy, màu sắt cũng y chang. Hiện tại bà con
lại sử dụng lưới cước mắt lưới khoảng 0,5 ly cũng với lý do là kéo cho nhẹ tay.
Ở Phan thiết những năm đầu thế kỷ
20 và kéo dài đến nhiều thập niên sau, nghề lưới rùng là nghề đánh bắt cá chủ yếu
và phát triển phồn thịnh nhất là ở làng Đức Long (còn làng Đức thắng thiên về
nghề Chà và Giã), ngoài ra còn có các địa phương khác như Mũi né, hoặc xóm Bình
trị, xóm Biển, xóm Trạm, Ke Cả (thuộc Tiến Thành ngày nay) cũng tham gia.
Lúc này, chủ lưới rùng thường là người có ghe
nên là người giàu mới có, người kéo trong bờ gọi là “bạn” những người này thường
là người nghèo thiếu trước hụt sau, mượn tiền ăn trước rồi kéo lưới sau trả nợ,
cũng giống như những “bạn” đi ghe hay đi lặn sau này vậy. Ngoài ra cũng có người
phụ kéo nhưng chủ yếu là kiếm cá ăn, trong số này cũng có lúc có những bà con
vùng nông thôn tới tham gia. Hữu Thành và Kim Sơn NHÓM ẢNH CỦA KIM SƠN |
Lý do chính mà từ thập niên 60 đổ
về trước, bà con ngư dân chỉ đánh lưới rùng ven bờ là vì ghe còn thô sơ phải
chèo bằng tay và dùng buồm, chưa có động cơ gắn vào để ra khơi. Lúc này, để đem
lưới rùng ra khỏi bờ thả phải dùng đến 4 tay chèo lực lưỡng. Tới những năm đầu thập
niên 60 đổ lại đây, ghe thuyền mới được trang bị động cơ gắn vào.
Thời gian ấy, cũng như một thời
gian dài đến cuối thập kỷ 70, lưới rùng là lưới cung cấp cá cơm chính cho các
hãng nước mắm danh tiếng vang bóng một thời của quê hương Phan Thiết như công
ty Liên Thành hiệu con voi, hãng nước mắm Hồng Hương của bà Chín Lâu, Hồng Sanh
ông Dương Quang Thiết, Hoàng Hương của bà Cửu Sanh, nước mắm Hồng Xuyên, nước mắm
Kiết Tường ….. ( nước mắm Hồng Xuyên là của
song thân cụ bà Ni trưởng Thích nữ Huyền Tông, chùa Liên Hoa Ni tự cũng do ông
bà nước mắm Hồng Xuyên cúng dường năm 1962, để cho con gái mình tu tập, sau
này Ni trưởng Thích nữ Huyền Tông là viện chủ
tổ đình Bình Quang Ni tự, có thời gian quản lý trường Bồ Đề)
Cũng cần nói thêm lúc này, người
có ghe chưa chắc đã làm nghề lưới rùng, bởi họ chuyên làm nghề vận chuyển cá
khô, nước mắm (ghe bầu) được chứa trong các tỉn hình bánh ú 3,5 lít được làm bằng
đất rồi đem nung nóng (lò tỉn) ra các thị trường khác tiêu thụ. Bên cạnh đó
cũng có ghe chuyên vận chuyển rau quả về Vũng tàu, Sài gòn bán hay cũng có những
ghe thu mua cá rồi bán lại đầu nậu gọi là “chạy lựa”. Cho tới những năm trước 1975
bà con ngư dân Phan Thiết vẫn còn buôn bán và vận chuyển bằng đường thủy, lý do
là chiến tranh khốc liệt đường bị “đắp mô” đầy nguy hiểm và rủi ro cho chuyện
kinh doanh buôn bán của họ.
Khi còn bé mỗi khi mùa cá cơm về,
chiều chiều khi biển
êm, gió lặng thấy bà con đem lưới rùng ra kéo là tôi thường nhảy ra
biển tắm và xem chơi, lúc đó thấy nam nữ cùng hò nhau kéo lưới vui lắm, người
này đụng người kia la oi ói. Bờ biển lúc đó đang cạn, đông người, không khí thật
náo nhiệt ồn ào của bà con xứ biển. Khi lưới vào bờ, tôi thích nhất là xem cá trong
lưới, cảm giác thật vui sướng nhìn các chú cá đủ màu vẫy vùng, bên cạnh cá cơm các
loại như cá cơm đỏ, cá cơm sọc tiêu và cá cơm than
còn có các chú “cá khách” khác loại xấu số, vài chú mực, ghẹ, cá nóc …. xen lẫn
vào, ngày nay cảm giác thần tiên ấy vẫn còn, thỉnh thoảng xuất hiện cả trong những
trong giấc mơ.
VƯƠNG NIEN và HỮU THÀNH |
Ngày xưa, nghề lưới rùng rất thịnh, lý do thật dễ hiểu bởi lúc đó cá còn nhiều, thiên nhiên ưu đãi, môi trường tốt lành. Ngày nay, đáng buồn thay lưới rùng lại bị mai một, ít ai làm nữa và có nguy cơ bị mất đi, bởi không còn cá ven bờ như trước đây nữa và nghề này chỉ còn hoạt động chút ít ở Tiến Thành mà thôi.
Nhìn bà con lúc kéo lưới rùng vào,
chỉ có một nhúm cá nhỏ gánh ra chợ, chợt nhớ đến ngày xưa ở thời điểm cực thịnh
của mùa cá cơm (bắt đầu giữa tháng 6 âm lịch và kéo dài đến tháng 9 tùy thời tiết),
cá đánh đem về “đổ đống” “đầy bãi”, ngoài biển ngợp một màu đen sẫm của những
đàn cá, như là ân huệ mà biển khơi đã ban tặng cho quê hương. Nghĩ đến lưới rùng
một thời đã nuôi sống bao thế hệ ngư dân, là niềm vui, là cơm áo và hạnh phúc của
nhiều gia đình, góp phần làm nên thương hiệu nước mắm Phan Thiết nổi tiếng
giang hồ, mà ngày nay có thể bị mất đi, tôi không khỏi chạnh lòng.
Lưới rùng không chỉ là tên của một
loại lưới nữa, mà bây giờ nó còn là tên của nỗi nhớ mang tên hoài niệm, luyến
tiếc, sự phồn thịnh về một thời đã qua.Không riêng gì lưới rùng, mà nói chung về nghề
biển cũng vậy, ngày nay bà con ngư dân phải có tàu lớn đi xa, dài ngày bởi cá gần
bờ không còn nữa, thiên nhiên bị cạn kiệt, bờ biển bị thu hẹp, môi trường bị
xâm hại mạnh. Bạn hay nhìn xem hàng loạt resort du lịch che kín bờ biển ở Mũi né,
ở Phan thiết có dự án lấn biển dở sống, dở chết nằm “chình ình” như một nơi chứa
rác suốt từ Lạc đạo đến Đức long thì đất đâu ra để nghề lưới rùng tồn tại nữa ?
lại nghe có chuyện nhiệt điện Vĩnh Tân định đổ bùn sang biển thì không biết
chuyện gì sẽ xảy ra cho môi trường biển quê tôi. Bên cạnh đó, còn có nạn giã
cào bay, dùng thuốc nổ hoạt động vô pháp luật ở địa phương khác đến, đã làm cho
nghề biển thêm khó sống.
NHÓM ẢNH CỦA HỮU THÀNH
Ngư dân ngày xưa ở Phan thiết, chỉ
chuyên nghề đi biển, họ quan niệm “văn chương không bằng xương cá mòi” cho nên
ít chịu cho con cái ăn học, cho nên ngày nay khi “biển đói”, họ phải làm thêm
nghề phụ khác như thợ hồ, vá lưới thuê, đi câu, lặn sò với bao hiểm nguy để đặng
kiếm cơm thêm.
Tôi thấy rõ lúc trước, khi nghề
biển “có ăn” thì vùng nông thôn ở các huyện lân cận Phan thiết vẫn còn nghèo, còn lúc này trái thanh
long đã đưa cuộc sống vùng nông thôn trở nên giàu có, thì anh ngư dân lại lâm cảnh
“biển đói” triền miên, nghĩ thật tội nghiệp.
Ngày xưa, nghề biển thịnh ai cũng
vui vẻ, xây nhà xây cửa, chủ ghe và tài công đều “có giá” trong xã hội, ngày
nay khi hỏi lại chỉ nhận được một cái lắc đầu ngao ngán./.
|
2 nhận xét:
Sau Nguyen viết: Ông bạn Anh kể thiệt là "biết chuyện". Tôi ở Đức Long, Phan Thiết và đã nhiều lần "kéo lưới rùng". Tôi kéo không phải "bạn", mà kéo là kéo cho vui. Vì thường những ngày không đi học, chúng tôi mấy đứa nhỏ gần như lúc nào cũng tắm biển ban mai cũng là lúc người ta "kéo lưới rùng" ở Xóm Câu ( Xóm Câu ở Đức Long, còn Xóm Ghẹ ở Lạc Đạo ). Bờ biển Đức Long hối đó những năm 1950-1960 rất dài, rất rộng, rất sạch, rất thoáng, và vô cùng trong mát...Mấy thằng nhỏ chúng tôi kéo là kéo chơi cho vui như thể tập thể dục, vậy mà cũng được chia phần hẳn hòi. Phần chia dư ăn dư để cả mấy ngày. Nghĩ hồi đó, người ta làm ăn dễ dàng, lương thiện, xuề xòa với nhau ghê. Nhớ lại, tôi yêu người Phan Thiết của tôi biết chừng nào! Nhớ lại, tôi yêu trời đất Phan Thiết của tôi biết chừng nào!
Hung Nguyen viết : Rất nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu ở Đức Long, Phan thiết.
Đọc comment của anh tôi lại càng nhớ thêm. Cảm ơn anh nhiều. Happy Sunday.
Đăng nhận xét