Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

TỐC ĐỘ & SẮC MÀU của MÙA XUÂN




Tôi muốn miêu tả về bộ môn ĐUA THUYỀN TRUYỀN THỐNG mừng xuân mới ở Thành phố Phan Thiết. Số là theo truyền thống hàng năm tại đô thị biển Phan Thiết có lễ hội đua thuyền  diễn ra vào trưa ngày MÙNG 2 tết âm lịch trên dòng sông Cà Ty đoạn trước Tháp Nước Phan Thiết – Di tích cổ xưa mang biểu tượng cho  thành phố này.  Chuẩn bị cho cuộc đua này, gần 10 chiếc thuyền của các phường trong thành phố phải tập dượt trước cả chục ngày liên tục. Cứ tầm 2 giờ chiều hàng ngày, khi thủy triểu lên các thuyền đua nhau tập dượt reo hò vang cả một góc trời thành phố.








Thật ra tìm hiểu từ các lão ngư, lễ hội đua thuyền truyền thống có từ lâu đời từ gần trăm năm trước. Ngày xưa các vạn chài trong thị xã sau cả năm bám biển sinh nhai họ luôn tôn nghiêm việc thực hiện việc thờ cúng thần của  biển cả , thờ cúng những sinh linh tử vong trên biển cả trong hành trình khai thác từ biển… . Trong các lễ hội,  xuất sắc nhất là Lễ hội Cầu Ngư. Trong chương trình lễ hội Cầu Ngư có môn đua thuyền của các chàng trai từng vạn chài khác nhau góp phần vui xuân hàng năm trong cộng đồng dân cư các làng biển. Cứ thế mà môn đua thuyền truyền thống ở Phan Thiết đã dần dần đứng đầu cả nước. Các chàng trai Phan Thiết đã từng đại diện cho Việt Nam đi thi đấu môn đua thuyền ở các nước ASEAN.






Trung bình mổi chiếc thuyền tham gia đua ngày tết có khoảng 20 người gồm 1 cầm chèo lái và 19 vận động viên chèo nhỏ. Họ cứ reo “ Hey , hey, hey hhh…”  và phải cùng một nhịp chèo như nhau, quan trọng và tốc độ nhanh, khỏe, nhưng phải đều tay. Khó nhất vẩn là sự đồng điệu và người cầm lái trước mũi thuyền đua sao cho hay nhất là đoạn qua “ tiêu” trong các cuộc đua đường dài. Cuộc đua chỉ giới hạn không gian dưới dòng sông Cà Ty đoạn kéo dài từ cầu Dục Thanh qua cầu Lê Hồng Phong và cầu Trần Hưng Đạo. Chiều mùng 2 tết cà vạn người dân các nơi đổ dồn về 2 bên bờ sông Cà Ty xem đua thuyền truyền thống. Nếu nhìn bao quát  thì rất đúng nghĩa với ngày hội đón xuân về. Vì vậy, đối với người Bình Thuận, mấy ngày xuân mà không kéo nhau về xem hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty là một  thiếu sót lớn trong ngày xuân. Chí ít là 1 lần trong đời.










Chụp ảnh với lễ hội đua thuyền là một khoảnh khắc quen thuộc và thú vị của đời người cầm máy ảnh ở xứ này bởi nó diễn ra hàng năm và lại rất dễ chụp khi những chiếc thuyền đua lao vun vút giữa dòng sông xuyên qua các chiếc cầu ngay trung tâm thành phố. Người chụp ảnh chỉ đứng trên cầu mà bấm. Đẹp hay xấu của mỗi bức ảnh là do người xem và góc độ khác biệt của từng của người chụp ảnh. Đối với riêng tôi – một người ở ngay cạnh dòng sông Cà Ty và là người chụp ảnh có thâm niên khá lâu về lễ hội này thì nói thiệt đã hết mặn mòi chụp khung cảnh lễ hội chính thức vào chiều mùng 2 tết nữa mà thay vào đó chỉ chăm chút chup những khung cảnh tập luyện hăng say hàng ngày trước ngày đua chính thức mà thôi. Có lẽ vì tôi chụp đã rất nhiều lần. Vã lại, những cuộc đua sau này ban tổ chức đã cải tiến đến mức một lần đua chỉ có 3 chiếc thuyền mà lại chạy trong các luồng riêng biệt khác nhau do sợ đụng chạm, đã vậy còn mặc áo đồng phục có logo của nhà tài trợ( do xã hội hóa) làm cảm giác thích thú của tôi không còn. Trong khi đó những ngày tập dượt trước tết, tính quyết liệt vẫn dữ dội, sắc màu sặc sỡ do đồng phục tự chọn , thậm chí còn “ cá độ” nên…hấp dẫn lạ lùng kkk…


















Tôi thích những bữa hôm nắng chiều đẹp, từng giọt nước, vệt nước cứ tung tăng dưới dưới mái chèo nổi bật trên nền ánh nắng ngược chiếu vào con thuyền…. Ngày xuân chụp được những bức ảnh tốc độ và đầy sắc màu của những con thuyền ở xứ mà người dân phải kiếm kế sinh nhai từ biển cả tôi vẫn cảm thấy háo hức nên muốn cùng hòa nhập với cuộc sống của họ từ những bức ảnh vậy!



Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...