Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

CUỐN SÁCH ĐÁNG ĐỂ ĐỌC VÀ SUY NGẪM


 NHIẾP ẢNH - PHÊ BÌNH VÀ TIỂU LUẬN” của NGUYỄN THÀNH



 NSNA, nhà báo VŨ HUYẾN 




Tác giả bài viết NSNA, nhà báo VŨ HUYẾN 

            Có thể cảm nhận và đánh giá chất lượng sách viết về ảnh của Nhà LLPB Nhiếp ảnh Nguyễn Thành từ nhiều góc khác nhau bởi nội dung đa dạng và phong phú, từ cái lõi, bản chất của nhiếp ảnh đến các dòng, các xu hướng tiếp cận và diễn đạt cuộc sống qua ống kính, từ các phong trào nhiếp ảnh rộ nở trên khắp các miền đất nước đến những chuyện nho nhỏ “đầu cua tai nheo”, chuyện hy hữu xảy ra trong quá trình chụp của ai đó, chụp và công bố các tác phẩm, thói quen và phong cách sáng tác của một số đồng nghiệp .v.v…


             Sắp xếp theo “cách Nguyễn Thành”, nhiều vấn đề được nêu và biên luận của người viết vốn là người cầm máy thích trải nghiệm. Vì thế “Phê bình và tiểu luận” không giống cuốn sách giáo khoa, thứ sách mà người mới vào nghề thường tìm mua, tìm đọc. Nguyễn Thành vào nghề báo, nghề ảnh từ những năm đất nước có chiến tranh, nếu muốn ra sách vì danh, anh đã là dịch giả tiếng Đức, của nhiều sách dạy ảnh theo kiểu sách bỏ túi. Thời gian khó ấy Nguyễn Thành là phóng viên của Báo Ảnh Việt Nam, tờ báo với nhiều bậc đàn anh có kinh nghiệm, là toà soạn được Nhà nước đầu tư lớn về kỹ thuật. Rồi không chỉ làm phóng sự ảnh, anh được cử làm công tác toà soạn, biên tập viên, chăm nom hậu kỳ cho những người chuyên chụp. Những chuyện “tay dao tay thớt” ở toà soạn Báo Ảnh Việt Nam tại Cuba và nhiều chuyện “ly kỳ” khác tuy chưa nói đến trong cuốn sách ra lần đầu tiên này nhưng giống như nhiều bài viết của các cán bộ phóng viên Báo Ảnh Việt Nam kỳ cựu Nguyễn Thành luôn khẳng định sức sáng tạo và dấu ấn cá nhân quan trọng như thế nào trong việc phát huy năng lực làm chứng của nhiếp  ảnh so với các loại hình văn hoá, văn nghệ khác. Tôi biết dù có thêm vài chục, thậm chí vài trăm trang nữa, sách của anh cũng không ôm đủ những chuyện “trong nhà ngoài ngõ”, những chuyện đáng nói, đáng nêu, những điều sót lại và trăn trở của bao nhiêu chuyến đi gần xa, xuống, lên các cơ sở kinh tế, xã hội, ở các tỉnh miền Bắc (trước năm 1975) và ở phía Nam, sau này khi anh đảm nhận việc quản lý toà soạn Báo Ảnh Việt Nam và Tạp chí Đẹp, cố vấn cho Tạp chí Thế giới Ảnh, những ngày nhà báo Văn Thành vừa lo chụp ảnh, lấy tài liệu viết ,việc viết và chụp, trình bày các loại tờ gấp, tờ rơi, sách ảnh .v.v.. lo nâng mức sống cho bản thân, cho cộng đồng, những lần tôi - anh và vài người khác trắng đêm trước và sau các cuộc thi, liên hoan ảnh toàn quốc và quốc tế, cho các hội thảo Ảnh báo chí cấp ngành.v.v…

Nhà lý luận phê bình Nhiếp ảnh NGUYỄN THÀNH
            Đọc sách của Nguyễn Thành, thấy có bóng mình trong đó, nhớ tới bao lần tôi và anh vừa gặp đã sôi nổi luận bàn nhiều nội dung của sáng tác và phổ biến tác phẩm, những chuyện như không ngã ngũ .v.v.. lan man tới bản chất của cái thực, vai trò của phần mềm trong tạo tác ảnh nghệ thuật, những vướng víu trong công tác tạo nhiếp ảnh ở bậc đại học, tính tích cực của các CLB Ảnh ở Trung ương,Hà Nội và các tỉnh .v.v.?.

           Ảnh Báo chí và Ảnh nghệ thuật là phần nội dung chiếm số trang không nhiều nhưng đi tìm cái thực của mối quan hệ ấy (mục tiêu chủ yếu) lại như thấy có ở nhiều trang viết khác. Nói cho cùng thì ở Việt Nam hôm nay, phục vụ tuyên truyền và nâng cao thị hiếu, thị giác là hai việc lớn nhất của các hoạt động nhiếp ảnh. Từng câu, chữ, cách đặt vấn đề và lý giải, những cảm nhận của tác giả, mục đích biên soạn cuốn “phê bình và tiểu luận” cũng không ngoài mục tiêu lớn nói trên.

Ở đời, có những cái lạ rất chóng quên đi, lại có những cái chẳng hề lạ mà người thụ hưởng cứ mê mê dài dài, bắt họ nghĩ, buộc họ lựa chọn giữa đồng tình hay phản đối? Đồng tình đến đâu? Sách của Nhà NCLLPB nhiếp ảnh Nguyễn Thành là ấn phẩm “không lạ mà lạ” bởi như thế ?
         Đọc sách của một người viết cần mẫn và càng viết nhiều hơn sau lúc nghỉ hưu, luôn bận rộn hơn với đủ thứ việc của nghề ảnh, với các bút danh Nguyễn Thành, Văn Thành, Thanh Bằng, Nguyễn Văn Thành .v.v… dễ nhận ra điều này.
Dấu vết của kiến thức “lượm hái được” từ một trường dạy chụp ảnh và trình bày danh tiếng (CHLB Đức), cập nhật các tiến bộ của công nghệ, sự lăn lộn với nghề .v.v… hiện rõ nhất khi nhà báo, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thành biên soạn các ấn phẩm ảnh. Biên tập và trình bày sách là cùng lúc phải giải quyết cho được các nhu cầu khác biệt, chấp nhận tới đâu các gu thẩm mỹ, thị hiếu và sở thích để sao toàn bộ những gì thấy, có trong một sản phẩm cầm tay là một tác phẩm, một công trình văn hoá thật sự .v.v…

Tác giả  của nhiều ấn phẩm bằng ảnh

                 Nguyễn Thành bao giờ cũng là cây bút vì độc giả, tự trọng, trân trọng đồng nghiệp và người thụ hưởng, là tác giả của rất nhiều bài viết “viết mà như không viết”, của những dòng chữ, của những câu dễ đọc và đáng tin. Sự bận rộn của ông chủ căn nhà bên hồ Hoàng Cầu, ngày ngày trò chuyện, lắng nghe giọng nói của bao đồng nghiệp bên ly cà phê .v.v… như sự thách đố với sự lão hoá, sự trì trệ và nhạt nhẽo, vô cảm.
Ngày cuối của mùa hè, đêm mưa lớn, tôi đang đọc sách của ông. Hẳn giờ này ông cũng đang đọc hay viết về ai đó, chuyện gì đó của cái nghề “vừa có giá lại vừa phù du” như nghề ảnh, hay lại đang lan man nghĩ tới công việc của một ngôi trường đào tạo nhiếp ảnh ở Hà Nội, nơi ông là giảng viên thỉnh giảng, nơi có cậu con trai đang theo nghề của bố?. Hình như tôi đã là người đoán đúng ?.

                                                     Hà Nội, đêm 26 tháng 7 năm 2018

Một số tác phẩm ảnh nghệ thuật của Nguyễn Thành

Đất giao mùa

Giũ lưới

Ra đồng

Đôi bạn

Thanh bình

Buổi sáng trên bãi biển

Bình minh nơi thôn dã

Đầm Thủy Phú, Phá tam Giang

Cập bến

Gia đình ngư phủ

Chân dung nhà điêu khắc

Niềm vui giản dị





Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...