Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Ảnh nghệ thuật: Chỉ “ĐẸP” thôi, chưa đủ!

Tác giả VŨ KIM KHOA
Bạn thường phấn chấn khi vào một phòng triển lãm ảnh nghệ thuật chào mừng một sự kiện nào đó ở nước ta. Ở các gian trưng bày, bạn nghe thấy nhiều lời khen của người xem ảnh: “Oh? Đẹp quá! Nét thế! Tuyệt vời!!...” Nhưng khi về đến nhà, bạn không còn nhớ gì hết. Đó có lẽ là kết cục của những thứ sản phẩm nghệ thuật “ăn theo”. Tuy vậy Ban tổ chức vẫn hào sảng tuyên bố: Cuộc triển lãm thành công rực rỡ, số lượng và chất lượng hơn hẳn những năm trước! Đâu đó, trong báo cáo chuyên môn của Ban giám khảo gửi Ban tổ chức (có thể được đọc công khai trong buổi khai mạc phòng triển lãm), lại có những đoạn viết gây não lòng các tác giả gửi ảnh dự thi. Nào là: “ảnh trùng lặp nhiều quá”, ảnh còn “lỗi hậu kì”; “ảnh chưa có nhiều sáng tạo”…, kèm theo cả đống những vấn đề mà các thí sinh vẫn chưa khắc phục được, bị mấy nhà thẩm định vạch ra…


Hàng xóm nhà tôi có một anh bạn trẻ, mở quầy mua bán và sửa chữa điện thoại. Hôm rồi con Nokia trung thành của tôi nạp mãi mà pin không chịu tích điện, bèn đưa sang để anh “xem hộ”. Nhìn thấy chiếc điện thoại, anh ta “miệt thị” bảo: “sao bác còn dùng làm gì con điện thoại cùi bắp ấy?”. Rồi anh moi từ trong cái sạp chuyên trưng bày đồ cũ ra một cái điện thoại mỏng dính và nhẹ. Đến nỗi tôi đã nghĩ, có thể đặt trên mặt nước thì cái thứ mong manh ấy cũng không thể chìm, mà sẽ nổi lênh bênh như mảnh lá sen bên góc hồ; thậm chí nó còn trôi được khi bị gió lay thổi nhẹ. Đến lúc anh ta vuốt lên mặt cái màn hình, thì Chúa ơi!… Tài gì mà cảnh sắc trời xuân lại hội tụ được ở đó(?). Để nhử một lão già chơi ảnh, anh giơ máy lên hướng vào tôi rồi vỗ ngón tay nhẹ hều vào góc máy. Khi ngửa cái màn tinh thể lỏng ra cho tôi xem, thì tôi thấy một cặp mắt nghi kị, khó đăm đăm đang dòm mình chằm chặp. Anh lôi tôi sát gần cái quầy kính, chỉ cho tôi xem các tính năng đã được tích hợp. Trong chốc lát, bức chân dung méo mó anh vừa chụp có thể chuyển màu thành đen trắng; đảo dương bản thành âm bản; chuyển các gam màu có sắc xuân hạ thu đông; rồi lại biến được ngay thành tranh màu nước như có cọ vẽ của Bùi Xuân Phái phớt qua vậy…

Với các phương tiện kĩ thuật có trong tay, nhà nhiếp ảnh bây giờ quá dễ dàng để chụp một bức ảnh có đủ sáng và no màu, như chính mắt thường nhận biết được. Chẳng bù cho thời gian của những năm tám mươi, chín mươi và xa hơn nữa ở thế kỉ trước, khi chúng tôi còn lọ mọ với đám phim đen trắng “quá đát”, vài ba mẫu máy ảnh XHCN chỉnh tốc độ chụp, căn cửa mở ống kính…, hoàn toàn bằng tay. Sau một ngày vận dụng cả vốn liếng và kinh nghiệm vào việc ghi hình, buổi chiều tà hì hụi pha thuốc, rồi tráng phim. Trong khi khấp khởi chờ cuộn phim khô, mới sực nhớ đến phần ăn cả nhà để dưới nắp cái lồng bàn. Lại mặn nhạt với bữa tối ngắt ngơ một mình. Chỉ vài cuộn phim ban ngày chụp là đã ngốn hết trọn một đêm kì cạch cắt giấy và in ảnh… Thôi thì cái thời “hoàng kim” của những chàng nhiếp ảnh “hào hoa trong cái nhìn của thiên hạ, nhếch nhác trong mắt người thân” cũng đã chìm lắc lơ vào dĩ vãng, không nên nhắc đến làm gì nữa, kẻo người đời lại bảo là hoài cổ!!

Khi những cái bếp dầu bị quăng vào lò luyện thép và chiếc nồi điện ngự xinh xắn bên mâm cơm mỗi gia đình, cũng là thời điểm chiếc máy ảnh tự động cao cấp chen dần vào túi đồ nghề của những phóng viên nhiếp ảnh. Hiện đại hơn, thiết bị còn có thể bán phần tự động khi ưu tiên cho độ sâu trường nét (độ mở ống kính), hoặc ưu tiên cho thời gian phơi sáng (tốc độ cửa chập). Khi mà công nghệ số hóa tràn vào cuộc sống, các hãng điện tử đua nhau cải tiến thiết bị, thì độ nhạy bắt sáng (ISO), độ xử lý nhiễu hạt (NOIS) đã không còn là “nhảy vọt” nữa, mà phải gọi là “bay vọt” vào nghề ảnh. Bây giờ người ta có thể chụp được cả những thứ mà mắt thường khó nhận ra. Giá thành của một cái máy ảnh hiện nay đã không còn là một vài “chỉ” như xưa, mà nó có thể nhống lên đến vài cây vàng. Trong khi đó, mua một chiếc điện thoại di động nhưng nó được “tích hợp” thêm chức năng chụp ảnh, quay clips và kết nối internet…, động đến nó thấy tờ “tíc kê” bảng giá bé tin hin nhưng lại ghi con số kếch xù: dăm triệu, chục triệu và nhiều hơn nữa...

Có quá nhiều tiện ích như vậy, nhưng hà cớ vì sao mà chất lượng của những cuộc thi ảnh ở ta vẫn chưa làm thỏa mãn Hội đồng nghệ thuật? Vẫn chưa kéo được “hàng vạn” khán giả đến xem triển lãm ảnh, như một số bản báo cáo người ta đã “viết khống” và đọc trên diễn đàn?

Chụp một bức ảnh được cho là đẹp, ở thời đại kĩ thuật số hiện nay không còn là chuyện khó. Một bức ảnh no màu, có độ phân giải tốt, quả không còn là vấn đề với các nhà nhiếp ảnh nói riêng và những người thích chụp ảnh nói chung. Người xem ảnh cũng đã quen mắt với những khuôn hình mượt mà, sắc nét (những tiêu chuẩn căn bản mà giới nhiếp ảnh nhiều năm trước đòi hỏi). Nếu dẫn khách đến xem phòng ảnh, mà chỉ thấy người ta khen “nét”, khen “đẹp”, thì tác giả của bức ảnh buồn ngang với bị chê là mình bất tài! Vì thực chất đó là “công việc chuyên môn” của thiết bị. Các nhà nhiếp ảnh hôm nay quan tâm hơn đến việc tạo ra những bức ảnh có khả năng truyền tải được điều gì đó cho người xem; nó có “hồn cốt” không? Hay ẩn chứa thông điệp gì…(?)

Trong ổ cứng của cả ngàn hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, của cả các tay chơi ảnh tự do trải dài khắp đất nước, hẳn chất đầy những file ảnh chụp về miền núi phía Bắc; nhưng giải thưởng của HIPA (Hamdan International Photography Award năm 2019) chụp về mấy mẹ con người Việt Nam vùng Tây Bắc lại thuộc về một người Malaysia: Ewind Ong Wee Kee (?). Ông ấy đi dự thi ảnh và đem 120.000 USD tiền thưởng về nhà cất trong két sắt. Vậy mà đại đa số các nghệ sĩ của chúng ta gửi ảnh dự thi quốc tế, mỗi cuộc tốn cả triệu bạc nộp lệ phí cho Ban tổ chức, mà chỉ đem được về những tấm huy chương trang trí trong tủ bày làm lưu niệm(?).

Một ví dụ khác, ấy là khi các nghệ sĩ người Hà Nội tổ chức hàng đoàn đi sáng tác ở khắp đất nước, nhưng lại quên cảnh đời của cậu bé Phả với người mẹ bị tâm thần sống bên mép đê sông Hồng. Cậu sinh viên người Mỹ - Justin Maxon sau khi hoàn thành bộ ảnh chụp hai mẹ con chị Mùi - Phả đã tâm sự: …“Tôi từng cảm thấy lạc lõng khi phải sống ở một đất nước mới với những trải nghiệm mới. Hai mẹ con chị có vẻ lẻ loi giống tôi. Có một điều kỳ lạ ở họ đã làm tôi thay đổi, đó là việc tìm thấy hạnh phúc từ nội tại. Ở Mỹ, bạn được cho là hạnh phúc khi bạn sở hữu tài sản, nhưng ở đây, hai mẹ con chị hoàn toàn tay trắng. Chị ấy thậm chí còn thích cuộc sống không nhà cửa hơn là bị nhốt trong một trung tâm xã hội. Chị ấy theo đạo Phật. Chị ấy bị đặt bên lề xã hội. Chị ấy cho tôi thấy tất cả chúng ta đều là con người với tất cả ý nghĩa nhân bản của từ này”.



Hai ví dụ khác nhau khiến chúng ta phải ngầm thừa nhận rằng, các nhiếp ảnh gia nước ngoài đã vượt những nhà nhiếp ảnh người Việt Nam ở cách tiếp cận đề tài và xử lý hiệu ứng màu sắc. Bức ảnh đơn của Ewind Ong Wee Kee hoàn toàn xứng đáng nhận giải cao nhất của cuộc thi với chủ đề “Hy vọng” mà Thái tử Dubai Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum trao thưởng. Thông thường, nếu bản thân tôi có đi cùng nhóm với tác giả, thì chắc chắn bức ảnh tôi chụp được trong điều kiện ngoài trời như thế, luôn cố gắng để sao cho sắc nét và màu sắc phải no đủ… Chúng ta quên rằng chấm ảnh ở các cuộc thi lớn như vậy thường đều là những nhà nhiếp ảnh hàng đầu. Và việc phải xem những bức ảnh “đạt chuẩn” đôi khi đã thành nhàm chán trong con mắt của họ.

Chẳng phải ngẫu nhiên người ta chọn trong hàng chục ngàn bức ảnh để tôn vinh một tác phẩm trào nên nỗi buồn âm u, cả một bối cảnh bị dồn nén, bức bối nhờ gam màu yếu ớt, ảm đạm… Sắc trầm như trĩu nặng hơn, khi “cuộc đời phía trước”, “cuộc đời phía sau” bấu víu vào thân phận bé mọn, thiệt thòi… (ở đây tôi coi mỗi đứa trẻ là một cuộc đời của người thiếu phụ). Trong lúc như cùng cực nhất, người mẹ hướng ánh mắt (không còn lành lặn) lên phía trên. Cái nhìn đầy tin tưởng và “hy vọng” rằng sẽ được “bề trên” nhìn lại… Ánh mắt “hy vọng” như đại diện cho những thân phận bé nhỏ, khốn cùng trải khắp thế gian. Nó tĩnh lặng mà mạnh mẽ như một lời kêu gọi đến thế giới văn minh: Phải có cái nhìn đáp lại! Và những bức ảnh như thế, có thể làm thức tỉnh lương tâm thời đại.

Chỉ qua bức ảnh của một nghệ sĩ người Malaysia, chỉ một bộ ảnh của cậu sinh viên người Mỹ, đã là minh chứng điển hình để khơi gợi cho chúng ta cách tiếp cận và cách khai thác đề tài nhiếp ảnh. Chúng khiến các nhà nhiếp ảnh người Việt Nam đã lờ mờ nhận ra, một bức ảnh đẹp chưa đủ để tạo nên “một tác phẩm nghệ thuật”. Các tác phẩm của họ là ví dụ, là dụng cụ trực quan, thể hiện sâu sắc một điều rằng: Cái đẹp trong ảnh không chỉ là vẻ ngoài bóng bẩy, hay những cảnh quan hùng vĩ…; cái đẹp trong nghệ thuật nhiếp ảnh, còn là hiệu ứng để thúc đẩy những con người xích gần lại nhau, bùng phát những ứng xử khoan dung đầy chất nhân văn giữa đồng loại.


 Nguồn : https://www.facebook.com/vukim.khoa.3/posts/1217562948417236





Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...