Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Cánh cò đã bay


Bài LÊ THU THÙY, Ảnh : HỮU THÀNH


Hàng năm cứ vào giữa mùa đông, đầu mùa xuân, những đợt gió lạnh từ phương Bắc tràn về, xua đuổi lũ chim trời khỏi cánh đồng quê, nơi mà suốt mùa mưa lũ ngập nước, không được cày cấy nên cỏ dại, cá đồng, ếch nhái sinh sôi nẩy nở, và trở thành điểm dừng chân kiếm ăn của chim trời.
Nhà chúng tôi nằm cạnh cánh đồng và gần bãi sông, trên phần đất thổ cư; từ trong nhà có thể nhìn thông thống qua mảnh ruộng lầy ra tận đồng vắng, qua tận làng xã phía bên kia đồng.
Chúng tôi có đám ruộng lầy nhỏ, gần như vuông góc, tiếp giáp với cánh đồng, tre sậy che kín, cỏ lùm, cỏ lách mọc dày xung quanh. Cứ vào cuối đông, trên đường thiên di từ Bắc xuống Nam, đã có nhiều loài chim chọn cánh đồng ngập nước và con sông có nhiều bãi bồi để trú.

Lũ chim trời, tôi gọi chúng như vậy vì không phân biệt được tên của từng loài như: Cò vàng, cò trắng, bồ nông, cò thìa, mòng bể đầu đen mỏ ngắn, choi choi mỏ thìa, choắt đầu đốm và choắt chân màng lớn, le le, vịt nước, gà nước, mỏ nhát… Nhiều nhất là cò trắng, từng đôi liệng xuống cánh đồng tìm thức ăn trong ánh hoàng hôn.





Trước kia, đám ruộng lầy này là một hố bom nằm cuối vườn, về sau gia đình tôi đã sang lấp thành đám ruộng, nhưng do trũng lầy, thường ngập nước nên vào mùa mưa thì bỏ hoang.
Có vài loài chim làm tổ trên đồng, trên bãi sông, trong đám lau sậy trên đám ruộng lầy, giữa những lùm điên điển và cả trên bờ tre sau nhà. Lũ chim trời ngủ trên bờ tre suốt nhiều tháng trong mùa mưa lạnh. Trên vạt cỏ xanh mướt là hàng nghìn con cò, tiếng kêu của chúng huyên náo cả vùng. Chúng rất thính nhạy, hễ nghe động là cả đàn bay ào đi; những sải cánh trắng muốt chấp chới, quyện vào nhau trông tuyệt đẹp. Tới mùa chim, người ta giăng bẫy khắp đồng, bắt được rất nhiều.

Ðó là ngày xưa, những năm gần đây cò vẫn về theo đàn, nhưng tôi thấy chúng chỉ tụ tập vào khoảng 5, 6 giờ sáng, rồi bay đi khi mặt trời mọc. Nhiều lần muốn chụp hình chúng, tôi rón rén tiến lại, nhưng khi còn cách khoảng 200 mét thì cả đàn vùng bay mất. Trong số đó có một con cò chân vàng, nó đến với đàn vào cuối Tháng Chạp năm xưa, kiếm ăn trên đám ruộng lầy phía sau hè nhà tôi. Tôi gọi nó là con cò có nghĩa, từ ngày nó theo đàn trở lại với bầu trời.


Một lần nọ, mấy gã nhử cò bắt mang đến một lồng đầy cò trắng mỏ vàng, được gọi là cò ruồi, vì loài này bắt ruồi ăn; chúng khá dạn, không sợ các con vật nuôi như trâu, bò, heo, gà, mèo, chó, và người ta có thể nuôi chơi. Trong lồng có một con cò nhỏ bị què chân, cánh đã bị chặt gần trụi, không bay được. Cha tôi đổi một chú chó con mà ông mới xin về để lấy con cò què. Từ đó con cò ruồi trở thành thành viên mới trong nhà.


Dần dà, con cò bớt sợ người, hễ thấy tôi về là nó chạy tới đón. Nó bắt hết ruồi trong nhà thì ra vườn ruộng, săn cào cào, châu chấu, ếch nhái, cá nhỏ. Tới bữa cơm tôi thường dành cho nó một ít tôm tép, coi như nó dùng bữa với cả nhà.
Tôi không nhớ con cò ruồi ấy đã sống với chúng tôi bao lâu, sau một thời gian thì chân nó lành, lông cánh mọc lại. Từ ngày mọc cánh, nhiều lần nó bay đi kiếm ăn rất xa, mãi tận cánh đồng ở làng bên, lẻ loi, tha thẩn một mình. Chúng tôi phải chờ nó ngủ quên trên cây thì mới bắt được mang về, rồi phải cắt bớt lông cánh để nó không thể bay cao, bay xa nữa.

 Một chiều nọ, tôi thấy đàn cò trắng bay về rợp trời, tiếng vỗ cánh rào rào trên mái nhà, rồi đậu khắp đồng. Con cò ruồi cố vỗ cánh bay theo nhưng vì cánh nó bị cắt lông nên chỉ có thể lên tới ngọn tre, đậu trên đó, nhìn theo đồng loại khuất dần trong bóng chiều.


Năm sau, lông cánh con cò mọc đủ, một lớp lông vàng tuyệt đẹp phủ trên lưng. Cha tôi bảo nó đã thay lông ngựa. Từ đó nó bay đi kiếm ăn tận bãi sông mà không ai còn bận tâm đến việc cắt lông nữa. Thật ra, nó được trả tự do khi con trâu của cha tôi bị bán đi, nó không còn bắt ruồi cho trâu nữa. Rồi một hôm nó theo đàn bay mất.
Về sau, mỗi khi đàn cò bay về luôn có con cò cũ. Nó bay vòng trên mái, có vẻ như tìm cái chuồng trâu và con trâu ngày trước, rồi vào tận bếp, theo tôi ra sau vườn. Có lần tôi thấy nó len lỏi bên mộ mẹ tôi, quẩn quanh bên mộ làm tôi không dưng xúc động.
Mùa đông năm trước đàn cò ghé ngang cánh đồng rồi bay thẳng về phương Nam. Dù đàn không dừng lại, tôi vẫn nhác thấy nó vẫn ghé qua nhà giây lát. Khi đàn cò bay đi theo hình chữ V, nó vội vã bay theo.
Một chấm trắng khuất dần vào chân trời, rồi biến mất.






Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...