Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

CHIM CU MÙA XÂY TỔ…

Chim Cu tha cây khô về xây tổ



Mấy hôm nay trời chợt nắng chợt mưa rất khó chịu có lẽ do khí trời chuyển mùa. Tháng này vẫn còn mùa hè nóng bức nhưng những cơn áp thấp ở tận miền bắc cứ kéo cả trời mây ra đó nên cứ bồng bềnh bồng bềnh…thiệt là. Ngày nào cũng vậy tôi cứ cái túi xách nhỏ sau lưng rồ máy chạy ra cà phê Ocean  vào tầm 7,30 sáng để thưởng thức ly thứ 2 trong ngày bởi 4,30  giờ sáng hàng ngày trước khi nhảy ùm xuống biển là ly số 1. Vê HU mà….chỉ có vậy!

Cuộc sống lứa đôi của chim Cu



Cuuuuu…Cuuuuu…tiếng con cu gáy đều trên những ngọn cây dương và cây dừa  trong khu sân vườn Ocean coffe. Trước khi đền bàn ngồi tôi dạo 1 vòng quanh cái sân rộng có một lớp cỏ xanh rì, quán cà phê dành cho du khách có khác. Trong các loại chim hàng ngày tôi thường gặp trong khu sân vườn nhiều nhất vẫn là chim sẻ, chim quành quạch, chìm đầu rìu, chim sâu và lâu lâu cũng gặp được vài chú chim bích thanh, chim hút mật và chim di... Nhưng nhiều nhất vẫn là những chú chim cu mà dân ở tôi thường gọi là chim cu gáy. Có một lý do là khu vực  biền đồi dương có một “ rừng “ cây phi lao được nhà nước bảo vệ cấm bắn chim nên hàng đàn chim cu và một các loại chim khác vê đây sinh sống.Chim Cu là loại chim xuất hiện nhiều nhất ở những vùng thôn quê yên tĩnh, nhất là những nơi có nhiều đồng ruộng. Lý do đơn giản là bởi chúng cần dựa vào con người để sống, đặc biệt là người nông dân, vì thức ăn chủ yếu của Cu là những nông sản như lúa, đậu, mè,…Tôi thích chim cu gáy là sự chung tình và đời sống vợ chồng. Nó cứ từng đôi, từng cặp quấn quít bên nhau, rồi sinh sản  và bảo vệ chim non.


Lên mạng đọc tài liệu về chim Cu mới biết là thường trước tết nguyên đán chừng một tháng,tiết trời mát mẻ Cu gáy trống mái bắt đầu tụ về kết đôi chồng vợ với nhau.Điều này bất cứ ai ở vùng thôn quê hoặc ven bìa rừng đều dễ dàng nhận ngay ra được.Có người bảo rằng sau mùa sinh sản năm trước thì đôi chim tách bầy sống mỗi con một nơi,cho nên ta thấy chúng đi lẻ chứ không sống theo cặp.Chỉ sắp đến mùa sinh sản thì chúng mới có đôi.Trong thời gian này,đôi chim thường rủ nhau tìm đến các lùm bụi hoặc các vườn cây trái vắng vẻ để tìm một nơi trú ngụ và nhắm việc xây tổ sau này. Tổ chim Cu tuy đơn sơ,nhưng phải là nơi thật kín đáo yên tĩnh,càng vắng người qua lại càng tốt. Do đó, khi chọn một nơi để làm tổ,đôi chim cha mẹ phải lùng sục các bụi bờ trong phạm vi cả cây số vuông mới yên bụng làm tổ để đẻ trứng.Tuy vậy,hễ cảm thấy bị động thì chúng săn sàng dời tổ đi nơi khác...Trời đã phú cho giống chim Cu  đủ khôn ngoan để bảo vệ luật sinh tồn nòi giống cho chúng.Khi cần tìm cái ăn thì chúng sống vào vùng đất nào cũng được,nhưng khi làm tổ đẻ thì nhất khoát phải chọn cho bằng được những nơi thật sự yên tĩnh,an toàn để mong bảo vệ bằng được ổ trứng và con của chúng.

Tổ chim Cu thường rất là thô sơ chỉ gồm vài nhánh cây khô cong queo ngắn độ gang tay.Những cành cây khổ nho xíu này được chim cha mẹ nhặt nhạnh về,rồi chọn một cháng ba cây lam giá đỡ rồi gác bắc chéo qua lại...trông rất ẩu tả,rồi trên chúng bày biện một nắm cỏ khô,rồi chim mẹ vào xoáy tròn lại một lòm hơn nông bằng miêng chén làm nơi đẻ trứng vào.Đến ngày cho  ra đời chiếc trứng đầu tiên,chim mẹ tự rứt lông ức lông bụng của mình chừng chục chiếc để lót tổ được êm ấm.  Chim Cu thường làm tổ ở độ cao vừa phải,cách mặt đất từ ba đến năm sáu thước mà thôi.chúng có thể làm tổ ngay trong vườn cây trái gần nhà,hoặc cạnh đường mòn hằng ngày có người qua lai,miễn là nơi đó nó cảm thấy được yên ổn,giấu kín được tông tích của tổ chúng là được.Thật ra,nếu không cố gắng để ý thăm dò thì ta khó lòng phát giác ra được nơi Cu làm tổ,dù nơi đó hằng ngày ta thường qua lại, hoặc đứng phía dưới trú chân hằng giờ liền.

            Mấy ngày hôm nay, tôi chứng kiến được cảnh con chim Cu vội vã làm tổ trên một ngọn cây dừa gần cái bàn tôi uống cà phê hàng ngày. Tôi và những người bạn ầm thầm theo dõi ngằm nhìn và chụp choẹt vài tấm ảnh. Nó không quan tâm gì đến chúng tôi cả những tiếng ồn ào của những cái bàn cà phê xung quanh. Chắc nó quen khung cảnh ở đây và đoán biết chả ai làm hại nó. Có những lúc nó bay đến sát chân tôi để tìm kiếm những cành khô về xây tổ. Tôi nhẹ nhàng bấm…tách, tách….

Con chim Cu đã làm những ly cà phê sáng ngọt ngào, thấm đậm trong mùa nó xây tổ.


















Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

KHOÁI ÔNG DONALD TRUMP

Ông DONALD TRUMP, vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ

Tự sự: Chuyện ở tận nước Mỹ chứ chẳng phải ở xứ mình, nhưng tôi vẫn thích nhân vật Donald Trump bởi ông hiện là tâm điểm của thế giới. Ông hầu như rất “ ngẩu hứng” trong mọi vấn đề về chính trị. Mà “ ngẩu hứng” và táo bạo  và khác biệt là những tính cách tôi thích ở đời. Có một bài phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đăng trên https://viettimes.vn/ làm tôi thõa mãn được về nhân vật TRUMP nên chia sẻ vậy.


Phóng viên: Quan sát tình hình hiện nay, chúng tôi thấy dường như thế giới đang bị chi phối bởi ba nhân vật chính trị nổi bật: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin. Chúng tôi muốn cùng với ông giải mã về các nhân vật này, bắt đầu bằng Tổng thống Donald Trump. Khi nói về nhận thức chính trị của các lãnh đạo thế giới, ông từng cho rằng “người nhận ra sự thay đổi mang tính bản chất của thời đại này chính là tổng thống đắc cử Donald Trump của Hoa  Kỳ”. Ông có thể lý giải tại sao?

-Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Câu hỏi các anh đặt ra cho tôi rất hay! Trước đây chúng ta cứ tưởng rằng thế giới gồm gần 200 quốc gia bình đẳng với nhau, có thể cùng nhau thảo luận trong Đại hội đồng LHQ. Nhưng có một thời kỳ dài, theo dõi các hoạt động của LHQ, tôi băn khoăn không biết thật ra họ làm gì, bởi tôi chưa bao giờ thấy họ dàn xếp thành công các vấn đề chính trị thế giới. Thế giới giai đoạn vừa qua tưởng là mình dân chủ, cổ vũ một nền dân chủ, nhưng chính nền dân chủ ấy đã làm hỏng thế giới, làm cho người ta tưởng rằng chính trị dễ và đơn giản.

Sau một thời gian nghiên cứu và quan sát, tôi rút ra kết luận: về bản chất, không gian chính trị tổng thể của thế giới là không gian được hoạch định bởi các nước lớn. Nền chính trị nước lớn là cái mà gần đây Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình nói ra, nhưng người đầu tiên khẳng định nó trên thực tế lại là người Mỹ. Càng ngày vai trò của các nước lớn càng hiện hữu rõ ràng, nên đã đến lúc chúng ta phải hiểu lại thế giới.

Tuy nhiên, hiểu thế giới như là không gian chính trị của các nước lớn cũng chưa đủ. Trong giai đoạn lịch sử gần đây, tôi thấy không gian chính trị thế giới cũng không đơn thuần là của các nước lớn, mà còn là của các nhân vật chính trị lớn. Hiện tượng dàn xếp giữa ông Putin và ông Medvedev để thay nhau làm Tổng thống nước Nga là một trong những biểu hiện đầu tiên của sự thao túng của các nhân vật chính trị lớn.

Các nhân vật chính trị lớn chỉ cần một vài thủ thuật, ví dụ đánh tháo Crưm ra khỏi Ukraina, là có thể làm ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự chính trị quốc tế. Sự xuất hiện của yếu tố Putin trong nền chính trị thế giới đã kích thích sự xuất hiện tiếp theo của yếu tố Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thấy rằng, nếu cứ quanh quẩn để tìm kiếm sự đồng thuận lặt vặt thì khó thực hiện các chiến lược lớn, cho nên ông ấy bắt đầu tập trung quyền lực. Tập trung quyền lực là một trong hai mặt của nền dân chủ tập trung mà ở Việt Nam cũng đang áp dụng. Đảng ta ở giai đoạn hiện  nay cũng đã nhận thức khá sâu sắc về vai trò của “tập trung” và “dân chủ”, nếu dân chủ mà không tập trung được thì dân chủ ấy không có giá trị.

Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình đã xây dựng được một chế độ tập quyền hợp lý. Sự tập quyền hợp lý ấy đã làm cho Trung Quốc trở thành một nguy cơ thật sự đối với sự phát triển của thế giới, đặc biệt là phát triển về kinh tế. Chính vì thế mới xuất hiện nhân vật thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump là một hiệu ứng của sự xuất hiện các nhận vật chính trị tập quyền quan trọng trên thế giới. Có thể nói rằng Donald Trump, Tập Cận Bình và Putin đang tháo ra để lắp lại nền chính trị thế giới. Nếu không ý thức được về những thay đổi này thì chúng ta sẽ trở thành kẻ nói leo trong bối cảnh nền chính trị thế giới đang ngày càng hiện hình rõ nét.

Truyền thông thế giới gọi hiện tượng xuất hiện các nhà chính trị lớn ở các quốc gia lớn là “chính trị độc tài” nhưng tôi không nghĩ vậy. Hôm qua Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã giải thích các tư tưởng kinh tế của Tổng thống Trump không phải là chủ nghĩa biệt lập, mà là ông ấy đang muốn thiết lập lại một nền thương mại tự do và công bằng.

Thế giới xưa nay đã quen với việc “cưỡi lên lưng nước Mỹ” một cách đương nhiên và coi nó như một con voi có sức khỏe vô tận. Người ta chỉ nhớ đến bản thân mình, nhớ đến tất cả yếu tố trên lưng con voi mà quên mất rằng con voi ấy là một đối tượng chính trị nằm trong tập hợp lực lượng chính trị chủ chốt của thế giới.

Với những chính sách mới của mình, Tổng thống Donald Trump đã làm cái việc nhắc nhở thế giới rằng các anh đang ở trên lưng nước Mỹ. Hiểu được như vậy mới có được chính sách đối ngoại phù hợp với nước Mỹ trong giai đoạn Donald Trump.

Thế giới bao giờ cũng ở trạng thái lưỡng cực, cho dù có phân hóa thế nào rồi cuối cùng nó cũng tiệm cận về trạng thái ấy. Tôi xác định rằng nước Mỹ có địa vị vĩnh viễn là một cực của thế giới, còn cực thứ hai thì có sự thay đổi theo thời gian. Có một gian đoạn khá dài từ năm 1945, Liên Xô đóng vai trò là cực thứ hai. Cho đến năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, thế giới lại vận hành để tìm đối tác mới cho quan hệ lưỡng cực với Mỹ.

Dù cực thứ hai ấy có thay đổi như thế nào, rơi vào Trung Quốc hay quốc gia nào khác thì cực thứ nhất vẫn là nước Mỹ. Chính vì thế, trong nhận thức của tôi nước Mỹ có một địa vị cực kỳ quan trọng. Tôi nói như vậy với tư cách là một nhà khoa học chính trị độc lập chứ không nói với tư cách là một người Việt Nam, vì khi nói với tư cách người Việt Nam thì tôi lại buộc phải chiếu cố một số yếu tố khác.

Trump là một nhà chính trị thông minh, biết tìm kiếm, tập hợp các lực lượng của mình, và biết chọn các vấn đề cơ bản để thiết lập lại một tình trạng chính trị có lợi cho mình và hơn nữa là chọn một thái độ quốc tế phù hợp. 
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt

Pv- Có lẽ trong lịch sử nước Mỹ chưa có Tổng thống nào trúng cử một cách đặc biệt như vậy. Khi cuộc bầu cử 2015 bắt đầu khởi động thì Trump vẫn chưa xuất hiện. Cho đến tháng 6-2015, Trump xuất hiện nhưng giới chính trị và giới truyền thông Mỹ đều cho rằng đấy là một trò vui vẻ. Lúc đó thăm dò dư luận cho thấy Hillary có 80% sự ủng hộ của đảng viên đảng Dân chủ trong khi Trump chỉ nhận được sự ủng hộ của 2% đảng viên đảng Cộng hòa, tức là chưa đến 1% dân số ủng hộ. Sau đó thì chính Đảng cộng hòa cũng chống Trump, cho đến tận bây giờ, chừng mực nào đó họ vẫn có sự chống lại Trump. Trong một bối cảnh như vậy mà Trump  vẫn thẳng tiến vào Nhà Trắng. Theo ông, vì sao người Mỹ lại chọn Trump? Phải chăng người Mỹ cần một nhân vật đổi mới vì họ đã chán phong cách chính trị cũ? Hay là người Mỹ nhìn thấy ở Trump một tố chất nào đó mà nước Mỹ hiện nay đang cần?

-Tôi nghĩ không có phép màu nào giúp Donald Trump trúng cử Tổng thống. Nếu không hiểu được chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có những thay đổi lớn về nội dung thì không hiểu được hiện tượng Donald Trump. Ông ấy là người rất hiểu tình thế chính trị của nước Mỹ. Chính thu nhập quá cao của giới tư bản tài chính và công nghệ ở Mỹ đã làm khoảng cách giàu nghèo trở nên quá lớn, làm cho 1% giới siêu giàu chiếm giữ 50% giá trị tài sản nước Mỹ.


 Donald Trump hiện nay là điểm tập trung sự quan trắc đầy lo lắng của tất cả các lực lượng trên thế giới.
Thực tế ấy làm người lao động Mỹ hiểu ra rằng, nếu như chủ nghĩa tư bản cổ điển được đại diện bởi những người có vốn lớn, thì chủ nghĩa tư bản hiện đại được đại diện bởi tầng lớp tinh hoa về mặt học vấn (đâu đó người ta đã gọi đấy là tầng lớp Davos). Tầng lớp Davos của nước Mỹ bỏ rơi một chuỗi rất dài người lao động từ tầng lớp trung lưu lớp dưới xuống đến tầng lớp cần lao. Người lao động Mỹ đã chán đến tận cổ tầng lớp Davos, phương pháp Davos.

Do đó, điều kiện để hoạt động chính trị thành công ở giai đoạn này chính là chọn khúc nào trong toàn bộ cái phổ giai cấp vô sản dài như vậy làm lực lượng chính trị của mình. Donald Trump đã thành công bằng sựa lựa chọn tầng lớp trung lưu cấp thấp.  Ông ấy biết chọn yếu tố quan trọng nhất trong cấu thành động cơ chính trị của tầng lớp này là việc làm.

Chính vì vậy mà một trong những ưu tiên hàng đầu trong  các chính sách của Trump là việc làm cho người Mỹ, gọi các nhà đầu tư Mỹ quay trở lại đất nước của mình. Và cũng chính vì kêu gọi xúc tiến việc làm mà Trump buộc phải có thái độ đối với các nền kinh tế có tác động tiêu cực lên kinh tế Mỹ. Điều đó lý giải tại sao Trump lại có thái độ gay gắt với châu Âu (gọi châu Âu là đối thủ), với NATO… và nhiều đối tác khác, kể cả các đồng minh truyền thống.

Trump là một nhà chính trị thông minh, biết tìm kiếm, tập hợp các lực lượng của mình, và biết chọn các vấn đề cơ bản để thiết lập lại một tình trạng chính trị có lợi cho mình và hơn nữa là chọn một thái độ quốc tế phù hợp.  Trump hiểu rằng phải khôi phục lại trật tự xã hội, khôi phục lại nền kinh tế Mỹ, khắc phục tình trạng các quá trình sản xuất, dòng tiền vốn, dòng công nghệ bị đưa ra bên ngoài và sửa chữa lại cả những quan hệ thương mại gây thua thiệt cho nước Mỹ, nếu không nước Mỹ sẽ trở nên bị động, phụ thuộc và sẽ tan rã.

Đứng trên lập trường lợi ích cụ thể của nước Mỹ ông ấy không thấy tính đồng minh của châu Âu. Châu Âu từng là đồng minh của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, nhưng bây giờ không còn là đồng minh của Mỹ trong sự phát triển hòa bình. Cộng đồng châu Âu chỉ có giá trị vào thời kỳ nước Mỹ đối đầu với Liên Xô, lúc mà nước Mỹ cần các đồng minh quân sự, mà thật ra thì người ta cũng không biết là thời kỳ ấy Mỹ cần châu Âu hay chính châu Âu cần Mỹ.

Còn việc hình thành cộng đồng châu Âu, mở rộng NATO là việc của châu Âu, không phải việc của nước Mỹ. Trump đã nhìn ra tính bấp bênh, tính “trẻ con” của giới chính trị Mỹ ở các nhiệm kỳ từ Tổng thống Obama trở về trước, khiến cho nước Mỹ bị lôi kéo vào những việc không mang lại lợi ích thực sự cho người Mỹ.

Donald Trump trong kinh doanh cũng lãng mạn và liều một cách rất tự tin như trong các kế sách chính trị của ông ấy 

Pv -Nhưng có vẻ như trong khi hành động Donald Trump cũng có những lúc bị đánh giá là nóng vội, chủ quan hoặc thiếu kinh nghiệm. Cuộc gặp thượng đỉnh với Putin tại Hensinki là một ví dụ. Ông đánh giá thế nào về mặt này?


-Về mặt tính cách thì Trump là một người “liều”, một người dễ “quá trớn” trong phong cách. Đoạn “quá trớn” của Trump từ lý trí đến sự liều lĩnh khá xa, vượt quá sức tưởng tượng của những người có kinh nghiệm chính trị trên thế giới. Khi thấy ông ấy trượt ra khỏi các ngưỡng truyền thống quá xa như vậy thì nước Mỹ lo lắng, châu Âu lo lắng, Nga lo lắng và Trung Quốc cũng lo lắng.

Donald Trump hiện nay là điểm tập trung sự quan trắc đầy lo lắng của tất cả các lực lượng trên thế giới. Nếu để ý các anh sẽ thấy cách ông ấy xử lý sự “quá trớn” của mình trong vấn đề quan hệ Mỹ-Nga cũng vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tất cả giới chính trị  và giới nghiên cứu thế giới. Đôi khi tôi cũng phải thả cho mình lo lắng theo để tưởng tượng xem năng lực khiến thế giới lo lắng của Trump đến mức độ nào và tôi thấy ông ấy rất đáng nể.



Theo ông, sự “quá trớn” đấy có phải là điểm yếu của Trump không?

-Tất cả những người tài hoa đều “quá trớn”! Anh cứ nghĩ mà xem, các bài thơ hay nhất đều “quá trớn”, các bức vẽ vĩ đại nhất đều “quá trớn”, cả các giải pháp chính trị ngoạn mục cũng có sự “quá trớn”. Ví dụ, tôi có xem một bộ phim của Nga mô tả cảnh tướng Zhukov chỉ huy trận đánh giải phóng Stalingrad. Họ thống nhất với nhau khi nào phía Đức bắn đại bác thì ông ấy mới phát lệnh phản công, nhưng đến giờ hành động mà người Đức vẫn không bắn, Zhukov toát mồ hôi và đến phút cuối cùng ông ấy nói “thôi đành liều cho số phận” và ra lệnh tấn công.

Xử lý “quá trớn” là tài hoa của tất cả những người sáng tạo, kể cả sáng tạo chính trị. Phần nghệ sĩ trong sự nghiệp chính trị của Trump chính là phần “quá trớn” của ông ấy.

 Nguyễn Trần Bạt: "Tất cả những người tài hoa đều “quá trớn”! Các bức vẽ vĩ đại nhất đều “quá trớn”, cả các giải pháp chính trị ngoạn mục cũng có sự “quá trớn”.
Bây giờ nghiên cứu chính trị hiện đại là phải nghiên cứu cả những đoạn mà các nhà chính trị vượt ra khỏi các giới hạn thông thường. Năm 1987 khi tôi rời nhà nước để lập công ty, mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ rằng rôi sẽ không tồn tại được, kể cả thầy của tôi là giáo sư Đặng Hữu, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ngạc nhiên, thế mà bây giờ chúng tôi có một mức thu nhập tiên tiến hàng đầu Việt Nam. Đoạn trượt ra khỏi khả năng ước lượng của thiên hạ chính là phần lãng mạn của cả nhà kinh doanh lẫn nhà chính trị.

Có lẽ Donald Trump trong kinh doanh cũng lãng mạn và liều một cách rất tự tin như trong các kế sách chính trị của ông ấy, phần lãng mạn thể hiện sự sáng tạo và tự do của ông ấy. Tôi không tin
Trump trở thành nhà chính trị độc tài, Trump có cái liều lĩnh của kẻ tự do chứ không phải là một kẻ độc tài.




Pv - Theo ông sự lãng mạn của Trump trong nhiệm kỳ 2 có bị đe dọa không, bởi vì hiện nay ở nước Mỹ đã hình thành nhiều nhóm chống Trump?

-Nước Mỹ là một quốc gia khởi nghiệp, ở đó luôn luôn hình thành các nhóm “kiếm ăn”, cho nên nếu chúng ta  tin vào những thông tin như thế thì không thấy được nền chính trị Mỹ. Có thể với tốc độ phát triển rất nhanh thì sự biến động của phát triển sẽ làm cho nước Mỹ có những thay đổi về chính trị.

Liệu chất lượng chính trị của cái cộng đồng mà Trump lấy làm lực lượng ấy có gì biến động ở nhiệm kỳ sau không, chưa ai biết được. Cho đến hết nhiệm kỳ này, Trump vẫn có thể dựa vào những lựa chọn cũ của mình, nhưng sau đó rất có thể ông ấy sẽ phải thay đổi cách thức để có thêm nhiệm kỳ nữa.



Pv- Nếu không phải là Donald Trump đắc cử Tổng thống thì ông hình dung nước Mỹ sẽ thế nào ở nhiệm kỳ này?

-Nếu không có nhiệm kỳ này của Trump thì tôi e là nước Mỹ sẽ đi xuống. Bởi vì tất cả các trò chơi vừa qua của các Tổng thống dân chủ là trò chơi không thực chất. Nếu gọi cuộc cách mạng của  Trump là cách mạng vô sản thì không chính xác, bởi vì bộ phận Trump chọn làm lực lượng không phải là tầng lớp cần lao mà là tầng lớp trung lưu cấp thấp.

Và chính bằng cuộc cách mạng theo kiểu của mình Trump đã tránh cho nước Mỹ một cuộc cách mạng dữ dội hơn. Đây là một cuộc cách mạng có tính chất cải cách, đại bộ phận nội dung của nó là cấu trúc lại các luật chơi của chủ nghĩa tư bản. Có thể nói đây chính là phương thức tồn tại của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Tôi nghĩ nền chính trị Hoa Kỳ về cơ bản vẫn tiếp tục là một nền chính trị vững chắc và cổ điển, một nền chính trị có những thay đổi ngoạn mục vào những thời điểm cần thiết cho sự phát triển. Tôi linh cảm Trump sẽ có nhiệm kỳ nữa, những năm cuối cùng có thể ông ấy sẽ hãm tất cả những quyết định hơi quá đáng của mình xuống một chút. Ông ấy thay đổi thái độ chính trị thú vị và thông minh hơn nhiều so với các Tổng thống Hoa Kỳ từ Rooservelt trở lại đây.

PV-Có lẽ Trump sẽ là nhân vật của năm 2018. Ông ấy giải quyết vấn đề Triều Tiên, vấn đề Nga, vấn đề Trung Quốc theo một mô típ dường như giống nhau là đánh phủ đầu xong rồi đàm phán. Chuyện Triều Tiên bao nhiêu đời Tổng thống Mỹ không giải quyết được, mà bây giờ ở nhiệm kỳ của Trump đã có những chuyển biến khả quan. Đầu tiên ông ấy đưa Trung Quốc và Nga vào thế buộc phải ký vào hiệp định phong tỏa kinh tế Triều Tiên, sau đấy ông ấy kéo Kim Jong Un ra đàm phán riêng, gạt Trung Quốc và Nga ra bên ngoài. Theo ông yếu tố nào khiến Trump làm được những việc như vậy?


-Trump làm được như vậy vì ông ấy biết cách làm chủ nền chính trị. Những Tổng thống như B. Clinton hay B. Obama vẫn là những người tá túc trong nền chính trị Mỹ chứ chưa làm chủ nó thật sự. Xây dựng tâm lý làm chủ là cả một chủ thuyết. Trump làm chủ nền chính trị Hoa Kỳ, ông ấy biết rất rõ về nó, lúc nào cần khuấy đảo nó, lúc nào cần cho nó nghỉ một chút, ông ấy đều làm được. Cái vĩ đại của Trump chính là làm chủ một cách thực sự nền chính trị Hoa Kỳ, làm chủ tiềm năng kinh tế, kỹ thuật, quân sự của Hoa Kỳ.

Lâu nay những tiềm lực ấy không được các Tổng thống tiền nhiệm phát huy đúng cách, làm cho uy thế của nước Mỹ đi xuống. Giờ đây Donald Trump xuất hiện và ông ấy chính là người biết cách làm cho nước Mỹ và thế giới thấy khẩu súng ấy có thể bắn, quả mìn ấy có thể nổ, đấy là tất cả tiềm lực ẩn giấu sau các thông điệp chính trị của Donald Trump.

Việt Nam chúng ta cũng đã từng làm được cho người khác sợ, thậm chí là năm đời Tổng thống Mỹ sợ. Vào dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ, tôi đã trả lời Truyền hình quân đội rằng Việt Nam là một quốc gia không có gì ghê gớm xét về mặt tiềm lực, nhưng lại là một quốc gia có năng lực đột phá, năng lực ấy tạo ra uy thế của Việt Nam. 4000 năm nay chúng ta vẫn giữ được sự độc lập tương đối ở bên cạnh Trung Quốc là vì như vậy.

PV- Bây giờ nhìn lại di sản của Obama để lại có thể thấy không mấy thành công, thậm chí có khá nhiều thất bại, nhất là đối ngoại. Ví dụ, lệnh cấm vận đối với Nga năm 2014 để lại hậu quả là Nga nhảy vào Syria, lấy lại Crưm và  xích gần lại với Trung Quốc hơn, còn Trung Quốc thì hoành hành ở Biển Đông, thậm chí khi Philippines thắng trong vụ kiện khẳng định chủ quyền thì chính quyền Obama cũng không có thái độ gì ủng hộ. Bây giờ dường như Trump đang vẽ lại bàn cờ ấy?

-Trump là Tổng thống duy nhất trong tất cả các Tổng thống Mỹ sau Reagan thấy được sức mạnh không cưỡng lại được của nước Mỹ. Rất nhiều hỏa mù được thả ra về sức mạnh của sự lấn át kinh tế, của sự trỗi dậy của Trung Quốc, rất nhiều hỏa mù thả ra về Nga, nhưng tại sao Trump lại chọn Nga để mở đầu chính sách đối ngoại của mình? Bởi vì nếu không đem xung đột ra dọa, thì nước Mỹ cũng chỉ là một đối tác kinh tế, mà kinh tế là phụ thuộc lẫn nhau.

Khi quản trị thì anh phải biết rõ mình có tiềm lực đến đâu, có trí đến đâu. Trump có làm gì thì về cơ bản người ta cũng không tìm thấy rủi ro thật sự của các quốc gia mà nước Mỹ có quan hệ. Trump chỉ làm cho một số nhà chính trị cảm thấy mình có thể bị phế truất chứ ông ấy không làm cho quốc gia nào cảm thấy mình hố. Đấy là chỗ giỏi của Trump. Ông ấy phân biệt rất rõ cái giữ lại và cái đẩy đi. Ngay cả với Việt Nam ông ấy cũng có thái độ à ơi chứ không phải là bỏ đi thẳng.



Pv- Trump là một thương gia chuyên nghiệp, biết rất rõ các cấp độ lợi ích trong một quá trình thương lượng chính trị. Tôi không nghĩ ông ấy sử dụng Putin. Chính Putin đã bầy mình ra cho Trump sử dụng, Tập Cận Bình cũng bầy mình ra cho Trump sử dụng. Trump không có uy thế gì trước đó để có thể bầy đặt các kế sách tác động lên Putin hoặc Tập Cận Bình mà Trump nhìn thấy họ một cách thực tế.

Phải chăng Trung Quốc mới thực là đối tượng lâu dài mà Trump nhắm đến? Người ta dự đoán hàng rào thuế quan chỉ là bước đi ban đầu để chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo ông có đúng không?

-Cho đến hết nhiệm kỳ này, có thể cả nhiệm kỳ sau thì Trung Quốc cũng vẫn chưa lớn đến mức có thể đe dọa Mỹ. Cho nên trước mắt nguy cơ về vai trò của Nga trong chiến tranh hạt nhân hiện hữu nhiều hơn so với sự phát triển không khống chế được của Trung Quốc.

Trump là một thương gia nên biết rất rõ nếu chỉ bằng con đường phát triển kinh tế hiện nay thì Trung Quốc rất khó để vươn lên trở thành một cường quốc khống chế thế giới. Bây giờ người Trung Quốc đã nhận ra sai lầm trong chiến lược vũ khí hạt nhân của mình, vì họ không có đủ  lực về hạt nhân để đối đầu với Mỹ.

Quan trọng nhất vẫn là lực lượng vũ trang và xét về mặt này thì Nga là nguy cơ hiện hữu trước mắt đối với Mỹ. Nếu để ngăn chặn Trung Quốc về lâu dài thì Mỹ cần lôi Nga đến gần hơn để trong sự đối đầu với Trung Quốc, Mỹ có Nga bên cạnh. Trump “đánh nước cờ” của những nhiệm kỳ sắp tới đối với Putin và chuẩn bị lâu dài cho các "ván cờ" đối đầu với Trung Quốc.

Mọi người cứ tưởng hòa bình và chiến tranh lạnh là hai trạng thái riêng rẽ, nhưng tôi không nghĩ thế. Chiến tranh lạnh chính là hòa bình, bởi chính trị vĩnh viễn không bao giờ mang đến hòa bình, chính trị cùng lắm cũng chỉ góp phần biến chiến tranh vũ trang thành chiến tranh lạnh.

Trung Quốc chỉ vượt được Mỹ nếu Trung Quốc hấp dẫn hơn nữa chứ không phải là tận dụng lợi thế hơn người của mình để gây sức ép, ví dụ gài các bẫy nợ để ép người ta nhượng bộ trong các dự án cả kinh tế lẫn quốc phòng như hiện nay. Nếu con người không có sự chính đáng về mặt văn hóa thì không hấp dẫn ai. Không hấp dẫn với một vài người thì được chứ không hấp dẫn với số đông thì anh không thể trở thành cường quốc được.

Tôi nghĩ Trung Quốc buộc phải sửa mình. Tôi đã nhìn thấy những tín hiệu thức dậy hơi sớm của Trung Quốc trong các chiến lược của ông Tập Cận Bình. Đấy có lẽ cũng là một sự quá trớn chính trị. Sắp tới chúng ta quan sát xem ông ấy xử lý sự quá trớn này thế nào. Nếu Tập Cận Bình xử lý tốt thì chúng ta có thể chắc chắn là sau Nga, Trung Quốc sẽ trở thành một cực của thế giới.



PV -Trong thời gian tới, mà gần nhất là trong mươi, mười lăm năm tới dẫn dắt thế giới vẫn là bộ ba quyền lực Mỹ - Nga và Trung Quốc. Theo ông trong mối quan hệ này thì Việt Nam chúng ta có cơ hội gì không?

-Chúng ta luôn luôn có cơ hội nếu chúng ta không rời mắt khỏi sự quan sát một cách thấu đáo tình hình bộ ba của chính trị thế giới, diễn biến bên trong của nền chính trị Mỹ và diễn biến bên trong của nền chính trị Trung Quốc. Với nước Nga thì tôi nghĩ họ đã mất cơ hội trở thành cường quốc thật sự.

Trung Quốc sẽ dần dần thay thế Liên Xô trước đây, nếu Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đủ kiên nhẫn. Trong vòng 10 năm nữa Trump sẽ hết nhiệm kỳ, nước Mỹ có các Tổng thống cỡ Trump nữa hay không cũng là một vấn đề, đấy là một ngẫu nhiên hiếm.

Nước Mỹ mà không có một Tổng thống kiểu Donald Trump thì khó răn đe được ai. Sức mạnh của nước Mỹ là sức mạnh của chiến tranh lạnh, sức mạnh của răn đe. Nước Mỹ mà không có ai đủ gan để răn đe thiên hạ thì chỉ là một “con khủng long” ăn cỏ.

Xin cám ơn ông!
(Lại Vĩnh Mùi  thực hiện)


(Nguyễn Trần Bạt (sinh năm 1946 ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) - doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả, nhà sáng lập Invest Consult Group (công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh ngay sau khi Việt Nam bắt đầu thời kỳ đổi mới năm 1987). Hiện ông đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty này. Ông Bạt đã được nêu danh trong các cuốn sách Barons "Who’s Who in Vietnam”, “Who’s Who in Asia Pacific”, “Who’s Who in the World” và “The Global 500 Leaders for the New Century” như một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc.)  









Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Nhớ anh THU AN


NSNA Thu An - Ảnh: Hoài Linh


Được biết theo chương trình, tang lễ cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thu An sẽ được cử hành tại Chùa Long Hoa - 44 Trần Minh Quyền, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh thứ 7 ngày 28/7/2018. Tôi ở xa không vào được nên viết vài dòng tưởng nhớ anh.

Tôi thuộc diện đàn em của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thu An ( tên thật Nguyễn Văn An) vì khi tôi bắt đầu chơi ảnh thập niên 1990 thì anh đã là một nghệ sĩ nhiếp ảnh lừng danh và đã là thành viên quan trọng các cuộc thi ảnh ở nước ta vào lúc đó. Có 1 lần vào năm 2016, tôi và hai vợ chồng anh chị Thu An và Pham Thị Thu ngồi đàm đạo trong môt quán cà phê nhỏ ở đường Tô Hiến Thành ( HCM). Chúng tôi nói chuyện rất nhiều về chuyện gia đình, chuyện mấy đứa nhỏ và chuyện đời ảnh nghệ thuật v.v…Nhân chuyện tôi tặng anh chị cuốn sách ảnh mới in xong “ Bình Thuận – nơi tôi ở “ hai anh chị bắt đầu bàn thảo sôi nổi về kế hoạch làm sách của 2 người. Chị Thu nói “ Tụi mình thích lắm muốn ra sách chung 2 vợ chồng  nhưng khó khăn ở chỗ với số lượng tác phẩm quá lớn, không những trong nước và thế giới nữa nên không biết bắt đầu từ đâu ?”. Quả thật, Chỉ tính riêng một mình anh Thu An thôi đã là một kho tàng nhiếp ảnh nghệ thuật khổng lồ thuộc loại nhất, nhì Việt Nam rồi huống chi cộng thêm của chị Pham Thị Thu. Tôi chỉ chia sẻ với anh chị : “ dù gì thì gì anh chị nên có một bộ sách ảnh để đời và góp phần truyền đạt cho đời sau bởi theo HT thì 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh Thu An và Pham Thị Thu  đã là những tên tuổi lớn trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh Viết Nam khó có ai bì kịp”.


Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Thu An là một người vui tính, sôi nổi, hiền lành đặc biệt có một đức tính  khiêm tốn rất lớn. Với những bước đi hơi “ nghiêng ngã “ anh sẳn sàng lao vào những câu chuyện vui, chuyện đời và chuyện ảnh thời gian bao lâu cũng được. Theo cách nhìn của tôi anh rất ngại cuộc sống  trầm lắng, vắng tiếng cười. Ngay khi đã định cư ở nước ngoài cùng chị Thu và 3 đứa con trai rất hạnh phúc, anh vẫn muốn về thăm Việt Nam. Chị Thu bảo “ Ổng cứ đòi về Việt Nam hoài Thành ơi!”..Thu An cười khanh khách “ Ở bên đó buồn lắm về cho vui…”. Khi tôi và 2 anh chị cưỡi hon đa đi ăn phở đêm chị Thu đã nói nhỏ với tôi “ Anh An bị tim cấp độ 3 rồi đó Thành, tức là nó sẽ có nguy cơ đứng bất cứ lúc nào!”. Tôi đã thấy se se lòng.

Tôi được một diễm phúc nhất đời khi ngày triển lãm và ra mắt sách ảnh cá nhân tại khu resort Pandanus ở khu nghỉ dưỡng Phan Thiết, Anh An và chị Thu là những vị khách đầu tiên có mặt tham dự suốt 3 ngày 2 đêm. Chúng tôi có những giây phút tuyệt vời bên nhau. Và đó là những giây phút cuối cùng tôi gặp anh Thu An trước khi anh qua đời.

Tưởng nhớ anh, tôi xin chia sẻ lại bài viết của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng ( Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN) đăng trên trang web của Hội .

( Trích một số tác phẩm trong bộ ảnh đen - trắng: "Chất độc da cam / Dioxin - Thông điệp từ trái tim”")





NSNA Thu An - tác giả “Theo anh vào đời” đã từ trần

 Tối ngày 15/7/2018, giới ảnh cả nước đều sửng sốt khi đột ngột nhận được tin buồn Nhà nhiếp ảnh Thu An (tên thật Nguyễn Văn An) đã tạ thế tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 74 tuổi. Chỉ mới đây thôi, ông còn khỏe mạnh, vừa có bài tưởng niệm xúc động nhân Kỷ niệm 25 năm ngày qua đời của người thầy Phạm Văn Mùi, nay ông đã vội trở về với thầy, bạn…

Nhắc đến nghệ danh Thu An, người yêu ảnh luôn nhớ đến một loạt các tác phẩm tiêu biểu trong hành trình hoạt động sôi nổi, làm nên dấu ấn nghệ thuật để đời của ông ở thập niên1980: “Thiên nga vỗ cánh” (Huy chương Vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật TP.HCM) năm 1984, “Người chị nội trợ của Thành phố” hay “Chân dung chị Ba Thi” (Giải A, xuất sắc Quốc gia năm 1985), đặc biệt là tác phẩm “Theo anh vào đời” (Giải  thưởng lớn - Cuộc thi ảnh châu Á - Thái bình Dương - ACCU) năm 1989. Bức ảnh miêu tả cô thiếu nữ trong trang phục áo cưới, gương mặt sáng ngời hạnh phúc, đẩy chiếc xe lăn ngồi trên là anh chú rể thương binh trong buổi trời lộng gió. Suốt  chiều dài gần ba mươi năm, bức thông điệp giàu tính nhân văn vẫn đọng lại trong trí nhớ người xem dù chiến tranh đã lùi rất xa.

Được dịp gặp gỡ nhà nhiếp ảnh Thu An, đồng nghiệp dù ở lứa tuổi lớn hay nhỏ, vẫn luôn cảm thấy như được truyền thêm ngọn lửa nhiệt  huyết về nghề. Ông sôi nổi hẳn lên, khen thật lòng về những điều hay trong tác phẩm ảnh của đồng nghiệp, nhưng cũng thẳng thắn góp ý một cách chân thành với các bạn trẻ nơi những lỗi kỹ thuật còn khiếm khuyết. Được dự những buổi nói chuyện chuyên đề của ông, người nghe cảm nhận và yêu hơn nghề ảnh, biết trân quý hơn mỗi giọt mồ hôi vất vả, đồng thời có thêm động lực săn tìm những khoảnh khắc giàu ý nghĩa, để lại cho đời.     

Tháng 8 năm 2014, cảm xúc về số phận nghiệt ngã của những trẻ em được sinh ra sau chiến tranh nhưng vẫn phải mang di chứng của hơn 72 triệu lít chất độc da cam rải xuống đất nước, đôi nghệ sĩ Thu An và vợ là Phạm Thị Thu đã cho ra mắt cuộc trưng bày ảnh đen trắng chuyên đề: “Chất độc da cam / Dioxin - Thông điệp từ trái tim” tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (28 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, Tp. HCM). Trong suốt 13 năm, ông nhiều lần đến với các trẻ em nạn nhân chất độc da cam tại Làng Hòa bình (Bệnh viện Từ Dũ), các tỉnh - thành Bình Thuận, Bến Tre, Bảo Lộc… để khai thác sức mạnh trực quan của ống kính, kể lại bằng hình tượng những câu chuyện đầy truyền cảm về sức hủy diệt dai dẳng của chất độc da cam lên con người và môi trường sống, khiến không ít lần người xem rơi nước mắt… Xuất phát từ nền tảng của chủ nghĩa hiện thực và tính nhân văn sâu sắc, mỗi khuôn hình qua khóe nhìn của ông là lời tố cáo đanh thép về tội ác của chiến tranh nhưng thấp thoáng, ẩn giấu đằng sau mỗi tác phẩm lại là bài ca về cái thiện, về niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống con người…

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thu An sinh ngày 07 tháng 5 năm 1944 tại Nha Trang. Ông theo học Khoa Báo chí - Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 19 tuổi, ông chụp những bức ảnh đầu tay qua chương trình đào tạo hướng nghiệp của Hội Việt Mỹ (Sài Gòn). Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Thu An có giai đoạn là phóng viên ảnh giàu năng lực của báo Tuổi Trẻ Tp.HCM, kết hợp được giữa tính thông tin nơi sự kiện và khóe nhìn nghệ thuật để có nhiều tác phẩm tốt, khắc họa được số phận con người trong mối quan hệ tổng hòa.

Đồng hành cùng sự phát triển của kinh tế, xã hội và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nghệ sĩ Thu An đạt tổng số hơn 53 Huy chương, Giải thưởng, Bằng khen tại những cuộc thi trong nước và 29 giải thưởng trên đấu trường ảnh nghệ thuật quốc tế. Nhiều nhiệm kỳ, ông được tiến cử trong danh sách Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM. Ông được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Nhiếp ảnh Việt Nam”. Cuối năm 2013, ông vinh dự được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế trao tước hiệu cao quý “Nghệ sĩ Nhiếp ảnh bậc thầy” (M.FIAP)…)


( Ảnh kỉ niệm chụp chung với anh chi Thu An - Phan Thị Thu với Hữu Thành)

Kỷ niệm dự đại hội Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 1999
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thu An cùng với cố NSNA Minh Trường, cố NSNA Lâm Tấn Tài, Cố NSNA Phạm Kỉnh và lão NSNA Mạnh Đan tại 1 cuộc chấm thi ở TP HCM


Một số hình ảnh Vợ chồng NSNA Thu An - Phạm Thị Thu dự triển lãm ảnh cá nhân của Hữu Thành vào tháng 10 năm 2016 tại Phan Thiết






Anh chi Thu An - Phạm Thi Thu dự triển lãm ảnh của NSNA Đặng Kim Phương ở LaGi - Hàm Tân -2015


Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

ĐI QUA LÀNG CỔ ĐÔNG NGẠC

Cổng làng Kẻ Vẻ
                    Nói đúng nghĩa hơn là tôi chỉ thoáng qua làng Đông Ngạc thôi chứ chưa hiểu rõ lắm về ngôi làng giàu truyền thống này. Những chuyến đi ra Hà Nội tôi thường phải nghĩ xem có nơi nào đó để vừa đi vừa chụp. Tôi lại lên mạng tìm kiếm lung tung và tìm ra một địa chỉ LÀNG CỖ ĐÔNG NGẠC được giới thiệu như một  ngôi làng cổ trong lòng phố Hà Nội . Anh Hùng Xe ôm lại bảo : “ Tôi biết mà, sẽ chở anh đi…”. Đó là câu chuyện vào một buổi chiều muộn ở Hà Nội năm 2014.




Tài liệu trên mạng viết rằng : “Gần ngay trung tâm Thủ đô, sát ngay dòng sông Hồng đỏ ruộm phù sa là một ngôi làng đậm nét truyền thống của vùng đất châu thổ với niên đại đã hơn 400 năm nhưng vẫn còn nguyên dạng như mới - Làng Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xưa kia còn có tên là Kẻ Vẽ, nay thuộc hai phường Đông Ngạc và Đức Thắng.

Ngôi làng này nằm ngay trên triền đê sông Hồng, cách chân cầu Thăng Long chỉ độ 50-60m. Một vùng đất nổi tiếng với câu thơ "Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ".Làng  nay chỉ còn khoảng gần 100 ngôi nhà cổ với nhiều niên đại khác nhau. Trong đó, có những ngôi nhà được xây dựng vào năm 1605, cách đây khoảng hơn 400 năm.

Trải qua bao sóng gió thăng trầm của lịch sử, tất cả vẫn hiên ngang thách thức thời gian. Từng cột gỗ, hoành phi câu đối vẫn không hề phai mờ màu sơn son, thếp vàng. Chúng thường được xây theo kiểu nhà 3 hoặc 5 gian, nền nhà khá thấp và mái ngói rủ xuống 4 bên. Vốn là mảnh đất sinh ra nhiều nhân tài, làm quan to ở các triều đại hậu Lê, Mạc, Nguyễn... nên những ngôi nhà ở đây được xây dựng khá kỳ công, bao gồm nhiều cột gỗ quý như lim, sến, táu....

Làng Kẻ Vẽ ngày nay thật đúng với câu nói "làng xưa trong phố". Sự hiện đại và xưa cũ đan xen lẫn nhau. Có rất nhiều ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự to đẹp nhưng vẫn giữ lại gian nhà cổ thấp lùn bên cạnh. Ngay trong những căn nhà mới kia, vẫn còn đó sư tử đá, giếng nước cổ mang hơi hướng hoài niệm.Ngoài đình Vẽ, có niên đại cách đây gần 400 năm,  làng còn có chùa T Khánh rt đp và rng ti 59 gian, chưa k khuôn viên vườn tược, sông nước.

Chùa được xây dng cùng khong thi gian vi đình nhưng chùa V (tên ch là T Khánh c t) mang nhiu du n dân dã. Hin ti, nơi đây s hu 53 pho tượng, 3 qu chuông được đúc vào thi Nguyn và nhiu đ th t c khác. Đây là ngôi chùa có ít tượng nht ca Hà Ni.Rất tiếc, khi tôi đến chụp ảnh, ngôi chùa Tự Khánh đã đóng cửa và tôi chỉ kịp đi lòng vòng bên ngoài trước khi mặt trời khuất dạng.
Cổng làng Đông Ngạc

Một góc làng


Phố cổ rêu xanh


Đường đi trong làng



Chùa Tự Khánh



Cái mỏ trong chùa bằng gỗ

Cửa vào chùa Tự Khánh

Giầng nước

Một góc chùa Tự Khánh


Cây đa, giếng nước - đặc điểm trong làng cổ Đông Nhạc



Trước khi về, tôi đi một vòng thăm làng Kẻ Vẽ, anh Hùng xe ôm vừa đi vừa chỉ cho tôi những cái cổng làng và những con ngõ nhỏ mang tên thật hay, thật cổ như ngõ Ngạc, ngõ Vẽ, ngõ Đông….Và chỉ ngần ấy thời gian, tôi chỉ chụp được vài mươi tấm ảnh về ngôi làng này. Tôi cũng dự định trong đầu, nếu có dịp ra Hà Nội trở lại sẽ đến thăm ngôi làng cỗ giữa lòng Hà Nội lần thứ 2. Tôi yêu thích cái làng cổ Đông Ngạc.

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...