Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

DÃ QUỲ Ở ….MIỀN TÂY BẮC


Trong dịp trở lại Đà Lạt cuối tháng 11, tôi đã vô tình đi giữa mùa hoa Dã Quỳ. Màu hoa vàng tràn ngập suốt những con đường. Và, tôi lại miên man cho mùa hoa dã quỳ ở tận miền Tây bắc đất nước mà tôi có dịp một lần đi qua. Suốt cung đường Tây Bắc từ Sa Pa – Lai Châu – Điện Biên Phủ về Sơn La - Mộc Châu…tháng 12 năm 2014  là một cung đường bất tận màu vàng của dã quỳ. Tôi ngỡ ngàng bởi là người của miền Nam tôi cứ tưởng dã quỳ là hoa của miệt trong này. Của Tây Nguyên và Đà Lạt. Có lẻ dã quỳ ở Tây bắc có một đặc điểm riêng hơn miền nam là ngoài những hàng hoa dọc hai bên quốc lộ,thì ngoài này có nhiều núi đồi, suối, thôn bản…nên tôi có cảm giác  màu hoa vàng tươi nổi bật trên tán lá phủ xanh núi đồi.



“Dã quỳ” hay còn gọi là Cúc quỳ, Sơn quỳ, Hướng dương dại là một loài cây dễ mọc, sinh trưởng nhanh, thường ra hoa vào dịp cuối mùa thu, đầu mùa đông (khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 hàng năm), mỗi hoa thường có 13 cánh, tỏa tròn to khoảng 8 – 10 cm, cánh hoa màu vàng rực, hướng dương, nhụy căng tròn, tràn đầy sức sống, tỏ ý kiêu hãnh không bao giờ chịu khuất phục, tượng trưng cho một tình yêu chung thủy bền lâu.
Mặc dù có ý nghĩa và có một vẻ đẹp kiêu sa, lãng mạn như vậy, nhưng không hiểu vì sao mà người đời lại không dùng hoa Dã quỳ để tặng nhau trong ứng xử giao tiếp và cũng không dùng hoa Dã quỳ để trao tặng cho nhau trong tình yêu, mà người đời chỉ khao khát được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, khen tặng và tiếc nuối cho một vẻ đẹp đến mê hoặc lòng người của một loài hoa dại




SỰ TÍCH HOA DÃ QUỲ
 Theo anh Đỗ Hữu Thế, hoa Dã quỳ gắn với một câu chuyện truyền thuyết cảm động về tình yêu đôi lứa. Chuyện kể rằng từ xa xưa có một bộ tộc Lasiêng sinh sống ở vùng Tây nguyên xa xôi. Trong bộ tộc có nàng H’Linh xinh đẹp yêu tha thiết chàng K’Lang, ngày ngày K’Lang vào rừng săn bắn, hái lượm, còn H’Linh ở nhà se sợi dệt tấm chăn kiệu chồng (theo tục lệ của bộ tộc thì con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng), tối về họ lại quây quần đốt lửa và múa hát cùng dân làng. Cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc của họ cứ thế trôi qua và chờ đến ngày trở thành chồng vợ. Nhưng tình yêu giữa hai người lại không được suôn sẻ như mong đợi, bởi trong bộ tộc có chàng LaRihn là con trai của người tộc trưởng cũng ngày đêm thương trộm, nhớ thầm H’Linh, nhưng không được nàng đáp lại. LaRihn rất hờn ghen.






 Cho đến một ngày K’Lang vào rừng như thường lệ, nhưng đến tối không thấy về. H’Linh chờ đợi một ngày, hai ngày rồi ba ngày vẫn không thấy K’Lang trở về làng. Nghĩ có chuyện chẳng lành, nàng vào rừng tìm K’Lang. H’Linh đi mãi qua mười mấy con suối, mười mấy cánh rừng mà vẫn không tìm thấy người yêu, quá mệt, nàng ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ say nàng mơ thấy K’lang gọi và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó. Nàng giật mình tỉnh dậy nhớ lại giấc mơ và đi tiếp, quả nhiên đi đến cuối nguồn nàng nhìn thấy một cảnh tượng vô cùng đau xót, K’Lang đang bị những người của bộ tộc Lasiêng trói chặt và dùng những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt.  Nàng chạy tới ôm lấy chàng mặc cho nguy hiểm nàng vẫn quyết bảo vệ người yêu. Vì quá hờn ghen với tình yêu của H’Linh dành cho K’Lang; LaRihn – con trai tộc trưởng Lasiêng đã buông lơi mũi tên hận tình, hắn không ngờ rằng chính mũi tên nghiệt ngã ấy lại bắn trúng nàng – người con gái mà hắn đã ngày đêm thầm thương trộm nhớ. H’Linh chết cùng K’Lang trong tư thế quỳ và ôm lấy chàng không rời. Về sau, tại nơi H’Linh chết đã mọc lên một loài hoa dại có màu vàng rực rỡ tràn đầy sức sống mãnh liệt thể hiện cho một tình yêu chung thủy, người đời đã đặt cho một cái tên là lạ và mỹ miều đó là hoa “Dã quỳ”. Người xưa cũng giải thích rằng “Dã” có nghĩa là hoang dã; “Quỳ” có nghĩa là quỳ gục xuống.
Một câu chuyện buồn...





Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...