Nhận cuốn sách “ Chim bay về núi tối rồi”
của thằng bạn Mai Sông Bé – Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng
Nai do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 2016, tôi đọc một lèo từ khi ngồi lắc
lư trên chiếc tàu lửa Sài gòn – Phan Thiết cho đến giờ mới thấy thằng bạn mình
mê chim dồng dộc. Hắn viết “ Tôi, con chim dồng dộc già cất cánh bay…đi dây.
Xin tạ ơn tạo hóa, tạ ơn đất nước, tạ ơn đời, ơn người, ơn khổng tước, ơn phượng
hoàng, dồng dộc già này cất cánh bay về hướng núi, đang dần chuyển sang màu
hoàng hôn: Tối rồi.”
Có điều, trong niềm say mê nhiếp ảnh của
tôi ( Hữu Thành) lại thích săn tìm những tổ chim dồng dộc và đời chim của nó.
Thế là tôi và Mai Sông Bé hai thằng bạn học từ thời trai trẻ, từ lúc chập choạng
bước vào nghề báo chí lại thích cuộc đời một loài chim nhỏ. Vì vậy tôi trích đoạn
về chim dồng dộc trong tự truyên “ Chim về núi tối rồi” để rồi dùng hình ảnh của
tôi chụp về dồng dộc để cùng chia sẻ với bạn bè.
…Tuy sống và
biết nhiều loài chim quê gần gủi, dễ thương, song tôi thích nhất là chim dồng dộc,
một loài chim chỉ có ở Nam bộ và một phần đất ở miền Trung mà thôi. Dồng dộc là
loài chim nhỏ có tên khoa học là Ploceidae, thuộc dòng se sẻ quen thuộc, nó sống
và sinh sản theo bầy đàn, làm tổ và đẻ trứng vào mùa lúa chín vàng ươm trên những
cánh đồng Nam Bộ.
Tôi yêu
chim dồng dộc, không phải vì nó
hót hay, hay có bộ lông đẹp mà trước hết là yêu cái tính cần cù, nhẫn nại, chăm
chỉ đến mức tài hoa của chúng.Nó không có đôi cánh tuyệt vời để bay cao, bay xa hay bay dài
ngày như một số loài chim được các tổ chức bảo vệ thiên nhiên công bố và được
ghi vào sách Guiness thế giới. Nhưng bù lại , bằng chiếc mỏ và đôi chân nhỏ bé
của mình, dồng dộc đã làm nên điều kỳ diệu mà không phải loài chim nào có thể làm
được như chúng. Chim dồng dộc không có bộ lông sặc sở, đôi mắt cực kỳ tinh anh,
đôi cánh đập nhanh như chớp lao sâu xuống nước, có thể gắp chặt một lúc từ một
đến ba con mồi như chim bói cá. Đôi chân ngắn ngủn cùng chiếc móng nhỏ xíu của
nó không thể so sánh với một cái chân to và nặng gấp mấy chục lần thân con dồng
dộc như đại bàn “ chúa tể bầu trời” có móng vuốt dài bằng ngón tay người, từ trên
cao lao xuống dất quắn chặt từ một con thỏ đến một con sơn dương, con nai nhỏ.
Chim dồng dộc
chỉ là con chim của xóm quê, nhà quê Nam Bộ mà những người đã trải qua tuổi thơ
ở quê như tôi, có thể hiểu đôi chút về tâm tính của chúng. Chỉ với chiếc mỏ nhỏ
xíu, đôi chân cũng nhỏ xíu, ngắn ngủn và nhất là bộ não chưa bằng hạt đậu nhỏ,
chim dồng dộc đã là một “ kiến trúc sư” thông minh tuyệt vời trong việc “ xây dựng”
chiếc tổ, ngôi nhà hạnh phúc của chính gia đình mình. Đặc biệt, con dồng dộc trống
rất “ ga lăng” với nàng mái một cách ân cần, rất quan tâm đến “ người đẹp” của
mình, khi xây cho “ nàng” một mái nhà nhỏ xinh xắn hình nửa quả chuông úp ngược
và một sợi dây giăng bằng cỏ vắt ngang. Đây là quà “ cầu hôn” của chim trống dành
cho nàng chim mái đã phải lòng. Tôi mỉm cười một mình khi viết đến đây và tự thấy
mình còn tệ hơn con dồng dộc trống đào hoa.
Sau khi trở
thành đôi uyên ương đồng địu, chim mái đậu “ nhà mát” hình chuông một cách thảnh
thơi hoặc chuyền qua , bay lại, líu lo niềm hạnh phúc thì chim trống bắt đầu xây
tổ ấm. Chim trống cần mẫn, vừa làm một “kiến trúc sư”, vừa đóng vai trò “ người
thợ”, bay đi bay về, miệng ngậm những cọng cỏ lá mía, lá sả, lá chanh tươi nhỏ,
bắt đầu đan tổ ấm cho nàng. Chẳng bao lâu, chiếc tổ - ngôi nhà hạnh phúc hình
chiếc giày ống, bụng phình tròn, miệng trút xuống, treo lủng lẳng, đong đưa trên
những cây dầu, ngọn tre, hàng keo. Từ đây, lâu đài tình ái này, chỉ dành riêng
cho dồng dộc mái đẻ, ấp trứng sinh con, chăm đàn dồng dộc non bé nhỏ. Còn dòng
dộc trống chọn ngôi chòi nhỏ hình chuông làm nơi trú ngụ của một kẻ gác cổng,
người bảo vệ chuyên nghiệp không lương cho nữ chủ nhân ngôi nhà tình ái. Sau khi chim non chào đời, cha mẹ chúng thay nhau bay đi tìm mồi về móm cho đàn con
yêu thương một cách âu yếm. Đến khoảng ba tuần tuổi, chim con bắt đầu tập chuyền,
tập bay. Khi chim con đủ lông, đủ cánh, những cánh đồng vàng chỉ còn trơ gốc rạ,
cả nhà dồng dộc vỗ cánh bay đi, bỏ lại ngôi nhà mà chúng cất công xây dựng một
cách tài hoa đung đưa trong gió. Thật ra, đàn chim dồng dộc bay về phương nào,
sống ra sao, đến giờ này tôi cũng chưa biết, nhưng năm sau, dồng dộc lại bay về
tiếp tục xây tổ ấm mới.
Nhưng đến
nay, bụi tre gai trước nhà ngoại tôi, hàng dầu dưới bến sông của cậu Tư Cá, lùm
sao ở miễu Bà cũng không còn…nên chim dồng dộc không còn chỗ để về làm tổ, đẻ
trứng, sinh con nữa. Tôi nghe người ta bảo, dồng dộc không còn nhiều ở Nam Bộ nữa
nên các nhà khoa học đã đưa dòng họ chúng vào sách đỏ để bảo tồn. Đó là một điều
đáng buồn cho thiên nhiên Việt Nam, cho Mai Nguyên Cách, cháu nội của tôi, bởi
tuổi thơ của nó sẽ chẳng bao giờ gắn liền với con chim dồng dộc, con chim quê mà
ông nội nó rất yêu thương kính trọng.
1 nhận xét:
BERNARD NGUYEN
07:27 (1 giờ trước)
tới tôi
"Chim Dồng Dộc"
Chào nhiếp ảnh gia Hữu Thành,
những hình ảnh tuyệt vời của bạn đã đưa mình về chốn xưa
gần 60 năm về trước
một cậu bé quê
ngẩn ngơ từng ngày, theo dõi đàn chim Dồng Dộc hồn nhiên thêu dệt tổ ấm của riêng mình
mặc cho đời trôi nỗi, với tiếng súng, với chiến tranh, với chết chóc và với chia ly. . .
gần sáu thập niên, từ lần cuối được chiêm ngắm những tổ ấm tuyệt vời của loài chim Dồng Dộc
mình vẫn mãi mãi chiêm niệm về vũ trụ, về thiên nhiên và về kiếp người. . .người Việt
kẻ sống giữa lòng đất Mẹ. ..
người sống tha phương
ai được gì
ai mất chi
tất cả chúng ta đều mất
mất
mất những gia sản văn hoá không gì thay thế được
mất những khung trời quê hương-nơi tồn trữ không biết bao nhiêu giá trị thiên nhiên, lịch sử và kỷ niệm
nhớ
biết sao nói cho vừa
may
có các bạn
những người đã và đang sống thay cho những người tha hương như mình
những người mãi mãi còn có những tâm hồn, những tầm nhìn. . .
Về một quê hương gấm vóc. . .
"Rừng vàng biển bạc. . .đất phì nhiêu. . ."
mong được tìm gặp bạn trong những hình ảnh thoát hồn. . .
Bernard Nguyên-Đăng
Đăng nhận xét