Công an Hưng Yên làm việc với VOV về việc hai nhà báo bị hành hung
(VOV) - Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên: “Mong được lãnh đạo Đài TNVN và hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long hết sức thông cảm”.
Lúc 14h30’ chiều 10/5, lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên, do Thiếu tướng Trần Huy Ngạn, Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng đoàn đã đến Trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ - Hà Nội để làm việc với Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam về vụ hai nhà báo của Đài TNVN (VOV) bị hành hung, bắt giữ tại Văn Giang ngày 24/4/2012. Cùng tham dự có đại diện A 87 (Bộ Công an), Văn phòng Đài TNVN, lãnh đạo Trung tâm Tin - Đài TNVN và hai nhà báo có liên quan.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên - Trần Huy Ngạn đã thông báo một số nét chính về diễn biến vụ cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Văn Giang ngày 24/4 để phục vụ Dự án xây dựng Khu đô thị-Thương mại- Du lịch Văn Giang (Ecopark). Trong đó, ông Trần Huy Ngạn cho biết: Tham gia vụ cưỡng chế này có nhiều lực lượng, bao gồm: công an xã, công an huyện, công an tỉnh, một số công an của Bộ và dân phòng. Trong quá trình cưỡng chế, Công an tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các lực lượng tham gia chỉ bắt giữ những người quá khích cản trở lực lượng cưỡng chế. Tuy nhiên, việc hai nhà báo của VOV bị hành hung, bắt giữ tại đây là vụ việc xảy ra ngoài ý muốn và đáng tiếc; mong được lãnh đạo Đài TNVN và hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long hết sức thông cảm.
Nhà báo Năm xác nhận mình chính là nhân vật bị đánh (áo trắng MBH trắng) trong clip
|
Thay mặt Lãnh đạo và Đảng uỷ Đài TNVN, Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải và Phó Bí thường trực Đảng uỷ Đài TNVN - Trần Đăng Khoa đã phát biểu nêu rõ quan điểm về vụ việc này và khẳng định: Hai nhà báo của VOV tác nghiệp tại huyện Văn Giang ngày 24/4 là do Lãnh đạo Đài TNVN cử đến và hoạt động đúng pháp luật. Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải đề nghị: Công an tỉnh Hưng Yên nhanh chóng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những người đã hành hung, bắt giữ 2 phóng viên của VOV. Sau đó, công khai kết quả trước công luận.
Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên Trần Huy Ngạn đã cam kết với Lãnh đạo Đài TNVN sẽ làm rõ và xử lý nghiêm những người hành hung, bắt giữ 2 phóng viên của VOV trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, ngày 24/4/2012, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cử ông Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng phòng phóng viên Thời sự Chính trị, Kinh tế (Trung tâm tin) và phóng viên Hán Phi Long về xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để nắm thông tin về vụ cưỡng chế thu hồi đất đối với 166 hộ dân, phục vụ dự án xây dựng khu đô thị Ecopark, sau đó báo cáo lãnh đạo Đài để có hướng thông tin phù hợp.
Tại khu vực nhà văn hóa thôn 1, xã Xuân Quan, hai phóng viên của VOV bị một nhóm người thuộc lực lượng cưỡng chế hành hung, mặc dù đã trình bày là phóng viên đi làm nhiệm vụ. Ông Nguyễn Ngọc Năm bị còng tay, áp giải về trụ sở Viện kiểm sát huyện Văn Giang, tạm giữ, lấy lời khai và viết tường trình từ 9h45’ - 17h15’ ngày 24/4/2012. Sau khi bị đánh gây thương tích, phóng viên Hán Phi Long cũng đến trụ sở Công an huyện Văn Giang tường trình vụ việc. Ngay trong ngày bị hành hung (24/4/2012), sau khi hoàn thành việc lấy lời khai tại trụ sở Công an huyện Văn Giang, hai phóng viên đã có đơn đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên giải quyết.
Đài TNVN đã chỉ đạo Trung tâm tin (đơn vị trực tiếp quản lý hai phóng viên bị hành hung) và các đơn vị liên quan phải làm rõ vụ việc này, trên tinh thần hợp tác, xây dựng, đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ danh dự, nhân phẩm công dân và quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đài TNVN, Giám đốc Trung tâm tin đã gửi công văn tới Công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ sự việc, xử lý nghiêm hành vi coi thường tính mạng, sức khỏe công dân, coi thường pháp luật, nhất là với nhà báo đi làm nhiệm vụ.
Đài TNVN cũng đã gửi công văn chính thức đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ thông tin - truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam, UBND tỉnh Hưng Yên, đề nghị cùng phối hợp làm rõ và xử lý minh bạch, dứt điểm, thông báo công khai kết quả với công luận./.
Vụ đánh nhà báo: Người trong cuộc lên tiếng
TT - Ngày 9-5, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm - trưởng phòng
phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế của Đài Tiếng nói Việt Nam - đã có cuộc
trao đổi với Tuổi Trẻ về việc bị công an đánh khi đang tác
nghiệp tại Văn Giang (Hưng Yên).
“Tôi bị đánh và còng tay”
Khẳng định rằng mình đã tuân thủ đúng pháp luật về báo chí đồng thời làm
theo chỉ đạo của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho
biết ông từng đến nhiều “điểm nóng” nhưng chưa bao giờ nghĩ đến tình huống mình
bị công an đánh. Ông Năm nói tiếp:
- Trước ngày diễn ra việc cưỡng chế, tôi có dự buổi họp báo do Văn phòng
UBND tỉnh Hưng Yên chủ trì. Trong buổi họp báo đó, đại diện tỉnh Hưng Yên
(chánh văn phòng) đã trả lời rằng các nhà báo không nên đến khu vực cưỡng chế.
Lý do đưa ra là để đảm bảo an toàn cho các nhà báo. Tuy nhiên, không có bất cứ
quyết định nào bằng văn bản về việc này. Là nhà báo, tôi cần phải đến tận hiện
trường quan sát để có thông tin định hướng một cách đúng nhất theo cách tiếp
cận mà luật pháp cho phép.
* Tình huống nào khiến ông bị đánh hội đồng và bị còng tay?
- Đang đứng quan sát thì tôi nhìn thấy anh Hán Phi Long (phóng viên của Đài
Tiếng nói Việt Nam - VOV) bị một người mặc sắc phục công an đến hỏi. Nội dung
hỏi gì tôi không nghe rõ, nhưng ngay sau đó họ xốc nách Long đẩy vào sát tường
bao của nghĩa trang liệt sĩ cạnh đó. Tôi thấy hàng chục người gồm cả công an
đánh Long bằng dùi cui, vụt vào mặt và đầu. Thấy đồng nghiệp bị đánh hội đồng,
ôm bụng gục xuống, tôi chạy sang và hét lên nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo,
chúng tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Sao các anh lại đánh nhà báo? Không được
đánh, chúng tôi là nhà báo”. Họ buông Long và quay lại đánh tôi (như trong
clip) và còng tay, mặc cho tôi ra sức thanh minh tôi là nhà báo. Nhưng cũng may,
trong lúc họ tập trung đánh tôi, Long kịp chạy thoát và được người dân đưa ra
trạm y tế cấp cứu. Tôi được dẫn giải lên xe thùng cùng với hai người dân, có cả
phụ nữ, về Viện KSND Văn Giang để lấy lời khai.
* Đến khi nào thì lực lượng cưỡng chế, bao gồm công an, biết anh là nhà
báo?
- Ngay sau khi đưa vào viện kiểm sát, tôi yêu cầu cảnh sát lấy từ túi áo
tôi để kiểm tra các loại giấy tờ, họ mở còng cho tôi để lấy lời khai. Họ lập
biên bản tạm giữ của tôi thẻ nhà báo, thẻ Đảng, thẻ hội viên Hội Luật gia Việt
Nam, chứng minh nhân dân và điện thoại.
Họ giữ tôi tại trụ sở viện kiểm sát và Công an huyện Văn Giang để lấy lời
khai hai lần. Ngay trước khi hoàn thành các thủ tục, tôi đề nghị với một thiếu
tá, người lấy lời khai của tôi (anh Tiến, đội trưởng đội trọng án), để viết một
lá đơn gửi giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên với ba nội dung: lãnh đạo Công an
tỉnh cần có buổi làm việc với lãnh đạo của chúng tôi (trước nghỉ lễ 30-4) để
làm rõ đúng sai, ai có lỗi phải chân thành nhận lỗi; tìm ra những người ra lệnh
và người đánh chúng tôi để kiểm điểm, xử lý, rút kinh nghiệm; bồi thường tổn
thất về sức khỏe, danh dự, tinh thần cho chúng tôi, nhất là phóng viên Phi
Long. Sau đó một tuần không nhận được hồi âm, tôi có gọi điện hỏi anh Ngạn,
giám đốc Công an Hưng Yên, anh Ngạn nói chưa nhận được. Ngày 2-5, tôi tiếp tục
làm đơn lần thứ hai với nội dung tương tự. Ngày 3-5, giám đốc Trung tâm tin
(thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) gửi công văn đến công an tỉnh.
* Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ bị đánh như việc đã xảy ra hôm 24-4?
- Gần 15 năm làm báo, tôi đã đến rất nhiều điểm nóng trong nước và cả nước
ngoài, những nơi thiên tai, lũ lụt nguy hiểm. Tôi cũng đã nghĩ đến những chuyện
rủi ro giống như những người làm báo khác nhưng đó là chuyện chẳng may “tên rơi
đạn lạc”, chưa bao giờ tôi cho rằng mình bị đánh như ở xã Xuân Quan hôm 24-4.
* Anh nói thế nào khi sự việc xảy ra đã nửa tháng mà không hề nhận được
phản hồi từ Công an tỉnh Hưng Yên?
- Điều này để dư luận đánh giá thì rõ hơn. Tôi cũng không nằm ngoài phạm vi
đó.
Hội Nhà báo Việt Nam đang tìm hiểu vụ việc
Liên quan vụ việc hành hung hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Hà Minh Huệ - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết ngày 9-5 hội đã cử cán bộ kiểm tra đến Hưng Yên làm việc với các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới từ chuyến làm việc ấy.
Ông Huệ khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tích cực bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của phóng viên. Tuy nhiên, cần phải có thời gian chứ không thể nôn nóng để có ngay câu trả lời được.
H.ĐIỆP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét