Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Không thể và có thể sám hối



Lê Thiết Cương





Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc năm 1954, rồi kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Tiếp theo là 10 năm hậu chiến với những hệ lụy tất yếu. Vết thương chiến tranh đau nhức không chỉ thể xác mà cả tinh thần, không chỉ đối với những thân phận cá nhân mà toàn xã hội, rồi chiến tranh biên giới và bao trùm lên là nghèo đói. Rồi đến thời Đổi mới từ 1986 đến nay, giàu vật chất được một bước thì văn hóa lại nghèo đi bên cạnh đó là những được mất của “mở cửa”, của hội nhập v.v..

Một đất nước ăm ắp câu chuyện như vậy, một phân đoạn lịch sử đặc biệt như vậy, quá nhiều bi kịch và hài kịch, nhiều nụ cười và nước mắt, nhiều gặp gỡ chia ly, nhiều giận hờn, nhiều oan trái, tang thương, nhiều vô nghĩa, nhiều tấm lòng, nhiều tê buốt và đau đớn. Thế mà cái hiện thực phong phú ấy lại không được lưu giữ. Thế mà lịch sử ấy lại không được chép lại bằng hình ảnh, bằng nhiếp ảnh thì quả thực là có lỗi, là phí phạm, là một điều không thể sám hối (*) của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam.

Ngược lại, chiến tranh Việt Nam là một “thánh địa” của những phóng viên ảnh của các hãng thông tấn hàng đầu thế giới. Quá nhiều người đã sống ở đây, chết ở đây, thành danh ở đây, gây dựng sự nghiệp cầm máy ở đây. Có thể kể ra những tên tuổi như: Larry Burrows, Henri Huet, Malcolm Browne, Ishikawa Bunyo, Eddie Adams, Horst Faas, Griffiths, Tim Page’, Daniel Riffe… 

Thời hòa bình cũng vậy, Việt Nam luôn hấp dẫn những tay máy nước ngoài (tất nhiên không phải vì phong cảnh đẹp) như: Eva Lindskog, Mary Cross,  Ellen Kaplowitz, Nicolas Cornet… Họ cần mẫn ghi chép, hoàn toàn trung thực từng chuyển động của đời sống.
Gần đây nhất, Justin Maxon với bức hình đoạt giải nhất thể loại Cuộc sống hằng ngày của World Press Photo năm 2007. Bức hình chụp một nhân vật bị HIV ở ngay bãi giữa sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội.

Nói thế để thấy, không phải rằng hiện thực hôm nay ở Việt Nam không có những đề tài lớn cho nhiếp ảnh báo chí. Chỉ có điều những người cầm máy Việt Nam có nhìn thấy hay không mà thôi. Chỉ có nhiếp ảnh mới có thể làm được điều kỳ diệu là biến những khoảnh khắc bình thường đang diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta trở nên khác thường và đặc biệt. 

Bản chất của nhiếp ảnh là trung thực. Đời sống thì biến động, những sự kiện đó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc với sự chuyển dịch và thay đổi chóng mặt, không bao giờ lặp lại. Chụp đồng nghĩa là nắm bắt và lưu giữ, điều mà chỉ có nhiếp ảnh mới làm được, làm được hay nhất, không có bất kể một loại hình nào làm thay được. Nhiếp ảnh không phải là văn học, là tiểu thuyết, là thơ, là phim truyện, là hội họa. Người ta có thể viết một vở kịch về cuộc kháng chiến chống Pháp sau đây 100 năm hoặc sau đây 1000 năm người ta vẫn có thể vẽ một bức tranh về ngày 30/4/1975, lúc 11h30 phút khi chiếc xe tăng T54 lao vào trong sân Dinh Độc Lập, ví dụ như vậy nhưng nếu người chụp để lỡ thì ngay ngày hôm sau, thậm chí một giờ sau cũng không thể chụp được nữa, vĩnh viễn không chụp được nữa. Ấy thế mà cả một giai đoạn lịch sử đã bị bỏ lỡ.

Mấy chục năm đã qua đi, đã có nhiều triển lãm ảnh, nhiều sách ảnh của phóng viên ảnh và nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam được phát hành nhưng có quá ít những bức ảnh xứng đáng được gọi là ảnh. Phần lớn đều nhạt nhẽo, nguội lạnh, thậm chí là chụp lại, sắp đặt để chụp, nào là hành quân ra trận, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, dân công tải đạn, giờ nghỉ giữa hai trận đánh, ăn mừng chiến thắng, dẫn giải tù binh. Trong khi những khoảnh khắc nóng nhất, sinh tử nhất của chiến tranh thì lại không chụp. Chưa kể một bệnh nữa, rất nặng của nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam đó là bệnh văn học hóa, thơ hóa nhiếp ảnh. Căn bệnh này cũng đã tàn sát toàn bộ nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam.

Thời chiến tranh đã vậy, thời hòa bình xây dựng đất nước cũng thế. Năm 2006 Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức triển lãm Thời bao cấp. Cả một triển lãm đồ sộ, kỳ công như vậy cũng chỉ có chừng độ mươi bức chụp cảnh mậu dịch quốc doanh, bến tàu bến xe, xếp hàng đong gạo… rất sơ sài. Lỗi không phải của bảo tàng mà bởi làm gì có ảnh để trưng bày. 

Chỉ có hai loại nhiếp ảnh: một là nhiếp ảnh báo chí, hai là nhiếp ảnh nghệ thuật. Hay nói cách khác chỉ nên có một loại nhiếp ảnh. Đó là ảnh báo chí, ảnh là phải có thông tin, thông điệp, phải trung thực, phải lưu giữ được những khoảnh khắc của cuộc sống. Dứt khoát ảnh phải là một con mắt khác để giúp người xem nhìn thấy được bộ mặt của đời sống. Chỉ ảnh báo chí mới có thông tin, có tính thời sự, nóng hổi nhưng lại tồn tại được mãi. Tôi muốn rằng ảnh chính là những khoảnh khắc vừa thời sự vừa vĩnh cửu, nói cách khác 1/125 giây cũng bằng nhiều nghìn năm. Các loại ảnh còn lại trong đó có ảnh nghệ thuật nên coi là ứng dụng của nhiếp ảnh. Tương tự như mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng vậy.



Maika 



Sự kiện bộ ảnh The pink choice của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Hải (Maika Elan) đoạt giải nhất thể loại Vấn đề đương đại của cuộc thi World Press Photo 2012 là một bất ngờ, một “quả bom”...
Trở lại câu chuyện chính: một đất nước có nhiều sự kiện, nhiều biến động như thế, nhiều người chụp như thế mà không hiểu sao nhiếp ảnh báo chí lại không phát triển trong khi ngược lại, nhiếp ảnh nghệ thuật lại phát triển vượt bậc. Có lẽ không có cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật nào trên thế giới mà các tay máy của Việt Nam bỏ sót. Họ nhiệt tình tham gia và luôn ẵm giải cao, nghe nói có người còn đoạt được mấy trăm giải thưởng quốc tế. Chắc chỉ có mỗi Việt Nam mới dùng khái niệm nghệ sỹ nhiếp ảnh. Trong khi đáng lý chỉ là người chụp ảnh. Đã đến lúc nên bỏ Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh, thay bằng Hội Những người chụp ảnh. Hoặc giữ nguyên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh như hiện nay dành cho những người chụp ảnh nghệ thuật, những người làm nhiếp ảnh ứng dụng như (ảnh viện đám cưới, ảnh nude, ảnh quảng cáo, CT scanner, X-quang, siêu âm…). Còn lại những người chụp báo chí nên lập hội riêng hoặc là một chi hội của Hội Nhà báo. 


Ảnh nghệ thuật cũng tốt, cũng đáng được tôn vinh, tôn trọng, cũng cần cho đời sống nhưng đừng coi nhiếp ảnh chỉ là ảnh nghệ thuật. Để trang trí phòng ngủ, phòng khách hoặc quán xá thì người ta rất cần mấy tấm ảnh phong cảnh hoa mận trắng Bắc Hà, hoa cải vàng Mộc Châu, hoặc mấy cô gái tươi cười đứng bên cây lộc vừng hồ Hoàn Kiếm chứ không ai mua tấm ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan đang dí súng vào thái dương một chiến sĩ biệt động trên đường phố Sài Gòn năm 1968 của phóng viên AP Eddie Adams về treo cả. Nhấn mạnh thêm bằng ví dụ đó để thấy nhiếp ảnh nghệ thuật cũng cần thiết và có đất sống của nó.

Tình hình đã sáng hơn khi từ năm 2006 bắt đầu có giải thưởng ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” do Thông tấn xã Việt Nam phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức thường niên và các báo như Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp Thị đã có trang nhiếp ảnh phóng sự hàng tuần. Những người chụp trẻ chuyên ảnh báo chí ngày một nhiều như: Trần Việt Đức, Lê Anh Tuấn, Xuân Trường, Việt Thanh, Đoàn Đạt, Phan Quang, Doãn Khởi, Lê Quang Nhật, Hoài Linh, Việt Dũng, Na Sơn…

Những người chụp ảnh báo chí, những người tôn trọng nhiếp ảnh báo chí tuy không ai nói ra nhưng tất cả đều thầm khao khát một ngày nào đó, sẽ có một người Việt được giải của World Press Photo. Bởi vì World Press Photo là một giải thưởng quan trọng nhất, uy tín nhất, chuyên nghiệp nhất, khắt khe nhất. World Press Photo không phải một trong những mà là giải lớn nhất, duy nhất. Không thể có giải thưởng nào so sánh được với World Press Photo. Giống như giải Nobel của Văn chương và Khoa học, giải Pritzker của Kiến trúc, giải Fields của Toán học.

Cho nên sự kiện bộ ảnh The pink choice của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Hải (Maika Elan) đoạt giải nhất thể loại Vấn đề đương đại của cuộc thi World Press Photo 2012 là một bất ngờ, một “quả bom”, một vinh dự không chỉ của tác giả mà còn cho toàn bộ nền nhiếp ảnh báo chí Việt Nam. Đây có thể gọi là một sự kiện then chốt tạo ra bước ngoặt vô cùng quan trọng để thúc đẩy nền nhiếp ảnh báo chí, là một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam hiện đại. The pink choice là một dự án nhiếp ảnh chụp về cuộc sống của những cặp đôi đồng tính, một đề tài không dễ tiếp cận trong bối cảnh xã hội vẫn còn nhiều nghi kị và chưa cởi mở, đó là khó khăn thứ nhất. Khó khăn thứ hai, dự án ảnh khác hẳn với ảnh đơn. “Dự án ảnh như là một cuốn tiểu thuyết mà mỗi dòng đều hướng đến mục đích cuối cùng” (Peter Bialobrzeski). Tôi rất tôn trọng thể loại ảnh đơn nhưng nói gì thì nói trong một tác phẩm ảnh đơn vẫn có yếu tố may mắn lấy ví dụ bức ảnh Em bé napalm. Chắc chắn rằng Nick Út trước khi ôm máy ra khỏi văn phòng không thể biết được rằng hôm nay mình đi đến vùng Trảng Bàng (Tây Ninh) để chụp cảnh em bé bị bom napalm. Ngược lại, với thể loại ảnh dự án, người chụp phải nghiên cứu chọn lựa đề tài, tức là có chủ định chứ không phải là tình cờ, ngẫu nhiên, may rủi. Với dự án ảnh The pink choice như chia sẻ của Maika, chị đã bắt đầu từ tháng 7/2011 đến tháng 3/2012 bằng cách ăn ở cùng với các cặp đôi đồng tính trong suốt một năm rưỡi để bắt lấy những khoảnh khắc tự nhiên nhất của các đôi khi họ thể hiện tình cảm cũng như sinh hoạt trong đời sống thường ngày. 

Khoảng trống không gì có thể lấp đầy được trong cuốn sử bằng ảnh giai đoạn trước là một mất mát không thể sám hối. Cách sám hối duy nhất, nếu có thể làm, đấy chính là những người chụp thế hệ hiện nay, như Maika, phải trở về đúng bản chất của nhiếp ảnh. Đó là nhiếp ảnh báo chí. 




2 nhận xét:

Unknown nói...

Tôi hoàn toàn đồng cảm với những trăn trở của Hoạ sĩ Lê Thiết Cương

LANG THANG nói...

Một bài viết đọc thích thú, chia sẻ với những người yêu ảnh vậy....

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...