Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Nhiếp ảnh – Mối tương quan diệu kỳ giữa kỹ thuật và nghệ thuật

NGUYỄN THÀNH

Sạc đầy pin, nhét card hay lắp phim vào máy, chỉ cần 1 ống kính zoom hay 2 ống kính fix là có thể bấm máy. Cái gì còn lơ mơ thì lên mạng tìm thông tin giải thích, có gì phải bàn về các bước sáng tạo ảnh? Nhất là thời buổi nhà nhà có máy, cùng lắm thì chiếc điện thoại thông minh cũng đủ dùng rồi, thật giản đơn. Vậy mà mấy ông LLPB bày ra cái trò tìm hiểu các bước sáng tạo ảnh làm gì? Vâng, đó mới chính là câu hỏi cần trả lời! Đúng là, cái không thành vấn đề mới lại là vấn đề ? Dường như tất cả những cái nghịch lý đều thuộc về lý luận phê bình.

                     Hiện tại, thời buổi KTS đã làm cho phần đông các nhà nhiếp ảnh lười tư duy, hay đúng ra là thông tin thì nhanh lên còn tư duy thì chậm lại – Người ta gọi là tư duy sau khi bấm máy. Có nghĩa là các nhà nhiếp ảnh cứ vội vã ghi hình, nắm bắt các sự kiện diễn ra rồi mới áp tư duy vào sau. Với tính ưu việt của công nghệ số người ta hy vọng có thể tìm ra chiếc đồng hồ quay ngược thời gian như trong chuyện cổ tích “Nghìn đêm lẻ” của người Ả-rập. Bởi thế hiện tượng mà chúng ta nói nhiều trong giới sáng tác ảnh nghệ thuật hiện nay đó là bệnh “lười nghĩ” xuất hiện tràn lan ở không ít các tác giả.
                     Hai vấn đề quanh trọng trong sáng tác ảnh nghệ thuật là tư duy đề tài và chọn phương pháp thể hiện lâu nay chúng ta lại ít bàn đến. Chính nó là cơ sở đem lại thành công cũng như thể hiện trình độ của người nghệ sĩ trong mỗi tác phẩm: Có sáng tạo, có gửi gắm, có giãi bầy và chia sẻ. Thực ra trong quá trình sáng tác chúng ta gặp không ít trường hợp bí trong tư duy và thiếu ý tưởng. Nhiều người tự vấn: Nghĩ nhiều rồi, chụp cũng nhiều rồi mà nó vẫn thế! Hãy chỉ cho tôi cái gì hơn?
                    Bởi vậy trong sáng tác người ta phải đi tìm cái lạ. Có nhiều bức ảnh đẹp, có thể nói là “đẹp đến thế là cùng”, mà rồi có đẹp đến đâu nhìn mãi cũng thường. Cái lạ góp phần không nhỏ cho những bức ảnh không bình thường mà trở nên độc đáo, hấp dẫn. Cũng vì nhiều tác giả không tìm được cái lạ trên hiện thực cuộc sống mới tìm cách tạo ra cái lạ bằng phần mềm photoshop: Một ánh sáng lạ, một bố cục lạ, một đường nét, một sắc màu lạ đều có thể tạo ra được với phần mềm này. Đối với nhiếp ảnh nghệ thuật người ta có thể làm tất cả, không giới hạn, nhưng sức lay động của nó tới cảm xúc của độc giả thì lại có giới hạn.
Những hiện tượng có thật trong cuộc sống mới quí giá, chẳng ai dễ gì hư cấu ra được. Tạo nên từ những tư liệu chết là một chuyện, còn tận mắt chứng kiến ai đó, một cái gì đó từng tham gia vào sự kiện lại là chuyện khác, không có gì có thể thay thế được. Chỉ hiện thực mới giúp ta cảm nhận được hơi thở của cuộc sống và khi đó rung cảm đến một cách tự nhiên. Có thể khẳng định rằng chỉ có những cái gì được phát hiện trong cuộc sống mới có sức lay động mạnh mẽ tình cảm lớn lao của con người. Do vậy chúng ta phải tìm cách tìm ra cái lạ trong ngàn vạn lần những điều quen thuộc. Để có được điều này cần tư duy và thủ pháp. Giới nhiếp ảnh thế giới đã dùng những thủ pháp như: Tìm cái bất bình thường trong cái bình thường/ Tìm cái đơn sắc trong cái đa sắc/ Phát hiện cái mất trật tự trong cái trật tự và ngược lại… Những yếu tố này giúp cho những bức ảnh trở nên thú vị hơn, độc đáo hơn. Có trong mình cách nghĩ, cái nhìn như vậy chúng ta sẽ biến cái nơi quen thuộc thành một địa điểm chẳng bao giờ cũ kỹ, cuộc sống muôn mầu luôn biến đổi quanh ta.

                   Nói về tư duy. Các nhà nhiếp ảnh của chúng ta thường hay dùng thuật ngữ “săn tìm”. Đó là điều rất đáng quí vì nó thể hiện lòng say mê của người cầm máy, nhưng săn tìm được hay không phụ thuộc vào sự may rủi, còn “phát hiện” có một chút khác biệt, nó là một cách tìm có ý đồ. Tôi xin dẫn ra một ví dụ trong một cuộc tọa đàm về ý tưởng và tư duy của những nhà nghiên cứu nhiếp ảnh: Người ta đưa ra một chủ đề là thể hiện “Cái bát của người đi ăn xin”. Có thể bạn sẽ chụp một cái bát sứt mẻ, lem luốc. Có thể bạn sẽ tìm được ánh sáng và tạo hình đẹp. Nhưng không chỉ bạn làm được điều đó, nhiều nhà nhiếp ảnh khác cũng làm được và nó cũng chẳng chứng minh được đó là cái bát của người ăn mày, nhiều gia đình nghèo còn chẳng có bát mà ăn. Trong trường hợp này nếu ta tư duy thì “cái bát của người ăn mày” dù nó nguyên lành hay sứt mẻ vẫn là cái bát. Nó có chức năng đựng thức ăn. Còn người ăn mày trên phố không hề có quyền đòi hỏi, người ta có gì người ta sẻ bỏ vào đấy cho mình. Có thể là nắm xôi, lát bánh mỳ hay vài đồng tiền lẻ. Đó là sự khác biệt. Cũng như hạnh phúc đâu có phải chỉ là những nụ cười, cuộc sống xa hoa hay những cái ôm ghì. Một ánh mắt biết nói “Dù lâu đến mấy em cũng đợi” của người thiếu phụ kiêu sa mà khổ đau có sức nặng hơn nhiều. Hay bức ảnh của nhà nhiếp ảnh người Đức Thomat Bildhart chụp một người lính khẩu súng ngang vai có bông hoa rừng cắm trên nòng súng, con chó chạy phía trước và hình như anh ta đang huýt sáo trên một khung cảnh đổ nát của Lạng Sơn 79 soi bóng xuống một đầm nước. Thật bi hùng, đầy lòng kiêu hãnh cũng như khát vọng hòa bình trong bối cảnh của chiến tranh. Hoặc tỉ như một đề tài về “mùa đông” được một nhà nhiếp ảnh phát hiện khi ông chụp một chú chim sẻ không kịp đi tránh rét đứng run rẩy trong một hốc cây trong cánh rừng xung quanh tuyết phủ. Vâng, chỉ một chú chim sẻ đã làm nên cả một mùa đông lạnh giá!
Tôi lấy một vài ví dụ để thấy tư duy là một cánh cửa rộng mở vào những miền xa lạ cho nhiếp ảnh của chúng ta. Tư duy phụ thuộc vào văn hóa, kiến thức và sự trải nghiệm. Trong phạm trù này không ai giống ai nên bức ảnh dù có giống nhau nhưng không có sự lập lại một cách sao chép giản đơn. Nhiếp ảnh là nghệ thuật của sự phát hiện và ghi nhận do đó thật không dễ cho tất cả mọi nguời có thể nắm bắt và thấu hiểu nó một cách thấu đáo. Khi chúng ta cải thiện bản thân mình hơn, chúng ta sẽ nhận ra là nên quan tâm đến tư duy hình ảnh của mình hơn là việc chăm chú vào những chiếc máy và nghiên cứu ban giám khảo.

                           Mặt khác chúng ta từ lâu đã quên, hay coi thường vấn đề tư duy đề tài. Đó là một trong những bước cần thiết cho việc tạo ảnh. Tôi cứ tự hỏi vì sao rất nhiều triển lãm ảnh của chúng ta cứ na ná nhau mà không có sự khác biệt, mặc dù đề tài rất khác nhau. Nhiều nhà nhiếp ảnh đi sáng tác cho đề tài này không được, nộp thi cho đề tài khác vẫn có thể được giải như thường. Và thật lạ lùng khi người cầm máy đánh đồng “cảm xúc” và “khoảnh khắc” cũng như nhau. Chỉ riêng vấn đề “khoảnh khắc’ xuất hiện từ đối tượng trong cuộc sống còn “cảm xúc” xuất phát từ trái tim người cầm máy đã khác nhau rồi thưa quí vị. Hơn thế nữa người cầm máy còn photoshop cả khoảnh khắc và cảm xúc nữa thì không còn gì để bàn! Đừng biến những bức ảnh thành một thứ lương khô để ăn lúc nào cũng được. Một nhà nghiên cứu về nhiếp ảnh Việt Nam đã nói một câu rất sâu sắc rằng: “Nhiếp ảnh việt Nam giống như ngôn ngữ tiếng Việt - Không có thì hiện tại quá khứ hay tương lai”.
                   Vâng! Một “Vũ điệu nào đó” có thể sử dụng ở đâu, vào lúc nào, cho đề tài Việt nam - Đất nước - Con người, cho đề tài sinh hoạt, cho lao động, thậm chí cho môi trường, cho hôm nay và cho mai sau đều được cả. Như vậy chứng tỏ là ảnh của ta thiếu cái không gian, thời gian và những yếu tố mang hơi thở của thời đại, mang điển hình của sự kiện, của vùng miền. Mỗi bức ảnh cần thể hiện giá trị thông tin nhất định. Và qua đó chắc chắn nó sẽ chuyển tải được nội dung, ý nghĩa tới người xem. Đúng như nhà triết học Descartes đã nói “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Vâng, nó cũng rất đúng trong nhiếp ảnh của chúng ta.
 Xin nhấn mạnh về vấn đề tìm hiểu và nghiên cứu đề tài trước khi sáng tác là rất cần thiết. Ta phải tìm ra cái khác nhau đối với mỗi chủ đề được đưa ra chứ không phải nghiên cứu xem lần này ban giám khảo là ai? Có cái lý của nó, nghiên cứu ban giám kháo bởi vì bản thân họ chấm ảnh theo thói quen, theo cái gu của mình mà chưa thực sự nghiên cứu để hiểu thật thấu đáo cái bản chất của từng chủ đề đưa ra.v.v… Nhưng ta không bàn ở đây, vì nó nằm ngoài tham luận này. Cuộc thi và triển lãm “Khám phá văn minh Sông Hồng” vừa qua không thành công cũng vì lý do này. Sai ngay từ sự gợi ý của ban tổ chức giải. Cho nên chỉ có một tập hợp ảnh giống như chủ đề “du lịch” hay “Việt Nam, đất nước, con người” mà thôi. Đáng ra mỗi ảnh gửi đến đây dù chụp con người, di tích, phong cảnh hay sinh hoạt phải có chất văn hóa đọng lại trong từng khoảnh khắc của khuôn hình, “chất văn hóa phải trở thành tiêu chí”, loại ảnh này thật hiếm hoi. Cũng chẳng có bức ảnh chân dung người trồng lúa nào của nền Văn minh lúa nước điển hình của đồng bằng Châu thổ sông Hồng vốn rất gần gũi với chúng ta. Từ đó sản sinh ra rối nước, ca Trù, Chèo .v.v.. và cả những ngôi nhà 3 gian hai trái ẩn dưới lũy tre làng. Một câu ca quen thuộc “Hãy trả tôi về miền quê tôi nhỏ bé, Có bác dân lành lòng chất phác ngây thơ”. Nền văn hóa Sông Hồng đã tạo nên phong cách của những con người cần cù chịu khó, yêu đời, giầu lòng vị tha và tự tin như vậy. Đáng tiếc chúng ta không có nhiều những bức ảnh như thế.
Cá tính trong nhiếp ảnh. Đối với nhiếp ảnh, chỉ cái lạ thôi cũng chưa đủ, ảnh còn phải thể hiện được cái “Tôi” của riêng mình. Trong giới nhiếp ảnh của ta, từ người chấm ảnh tới người sáng tác đều thích đại khái, thích cái chung chung cho dễ chấp nhận, không phải nghĩ ngợi nhiều cho mệt. Cái thói quen chụp theo phong trào, cái hiệu ứng số đông cứng nhắc đã làm thui chột sự sáng tạo và làm lu mờ sự khác biệt, vốn là một yếu tố của sự sáng tạo.

                      Theo mỹ học, nghệ thuật là đi tìm và sáng tạo cái đẹp, cái đẹp được đánh giá cao nhất, còn cá tính, phong cách riêng hay những tố chất thuộc về cá nhân thì không được coi trọng. Vì vậy mà nhiều bức ảnh sản xuất theo khuôn mẫu. Một trào lưu như vậy tạo ra hàng loạt những bức ảnh vô hồn và trùng lặp, thiếu cá tính. Rất mừng, hiện nay có nhiều nhà nhiếp ảnh của ta đã xa rời và không lệ thuộc vào những giải thưởng để giữ phong cách và nét riêng trong cách sáng tác của mình. Họ xa rời những giải thưởng thiếu tính chuyên nghiệp, đi tìm cái riêng biệt của mình trong cách thể hiện. Ai cũng hiểu nhiếp ảnh không chỉ là nghệ thuật của khoảnh khắc mà còn là nghệ thuật của cái nhìn, mỗi khoảnh khắc trong cái nhìn thành một riêng tư, chứa đựng cái chủ quan hay cái tôi của tác giả. Hãy chụp khi ta có xúc cảm mạnh mẽ, say đắm với những gì ta ghi nhận và phản ánh theo cách của ta. Nhiếp ảnh là nghệ thuật của sự giao thoa giữa người chụp và những gì được chụp. Hãy tạo ra những ý tưởng, khái niệm, cảm giác hay bất cứ điều gì cũng được, một thứ hoàn toàn mới lạ, khác lạ và riêng biệt. Đừng phụ thuộc quá nhiều vào chiếc máy ảnh. Những chiếc máy đắt tiền tất nhiên là chiếc máy ảnh tốt, hiện đại làm cho công việc chụp ảnh thuận tiện và dễ dàng hơn mà thôi. Dựa quá nhiều vào chiếc máy ảnh dần dần làm cho ta trở nên dễ dãi với công việc lao động nghệ thuật vốn không hề đơn giản và nhẹ nhàng. Con mắt của người nghệ sỹ, kĩ năng đã tạo nên những tấm ảnh chứ không phải giá trị của chiếc máy ảnh. Đúng là chiếc máy ảnh ghi lại khoảnh khắc, nhưng thành công của bức ảnh là do tư duy của cái đầu và tâm hồn mách bảo. Giữ cho đầu mình được tư duy sáng tạo luôn là một liều thuốc tốt để phá vỡ mọi sự trì trệ.

                      Đành rằng nhiếp ảnh phụ thuộc khá nhiều vào kỹ thuật. Không thể phủ nhận rằng kỹ thuật đã giải phóng trí não, giải phóng hết những gì quẩn quanh trong đầu về độ nét, độ nhậy, độ rung, độ phơi sáng..v.v..,cho ta một cơ hội tốt để thực hành với trí não, tự do và dành toàn bộ thời gian với việc bày tỏ cảm xúc thông qua việc ngắm, lựa chọn và giãi bày cảm xúc. Vậy mà chúng ta lại làm điều ngược lại, ít tư duy chỉ chăm chút vào kỹ thuật. Rất nhiều người đã không nhận ra rằng việc học và sử dụng thành thạo chiếc máy với những kỹ thuật nhiếp ảnh trong đó chỉ là một bước rất nhỏ trên cả cuộc hành trình dài để tạo ra những bức ảnh có chất lượng.
                      Để nhiếp ảnh không phải là một thói quen nhàm chán, hãy phá vỡ các qui tắc trong nhiếp ảnh. “Cuộc hành trình thật sự của khám phá không nằm trong việc tìm đến những những vùng đất mới, mà ở việc sở hữu những cách nhìn nhận mới.”  (Marcel Proust).

Và cuối cùng: Hãy nghĩ (chụp) theo cách của chính bạn.






VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...