Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Khi nhiếp ảnh nghe THƠ.


  


Tôi và anh Trần Duy Lý quen nhau đã lâu, hình như gần 40 năm thì phải. Anh quê Hà Tĩnh, tôi Ninh Thuận; tôi nhà báo + nhiếp ảnh, anh  cũng nhà báo + nhà thơ. Cả hai lại có duyên gặp nhau tại Phan Thiết , tôi học ở anh rất nhiều về cách sống ở đời qua từng câu chuyện dài. Tôi thích thơ anh vì nó rất đời và đầy tính triết lý sống và đôi lúc gai góc nữa…Anh còn có 1 sở thích là Bình Thơ. Hôm qua ngồi nhâm nhi bên cốc cà phê bụi, tôi đọc “ Đến với bài thơ hay: DIÊM…Của nhà thơ Vũ Quần Phương” đăng trên báo Văn Nghệ số….Tôi quyết định, đưa anh lên Blog “ Lang Thang”

Bài thứ 1


Đến với bài thơ hay: DIÊM
Của nhà thơ Vũ Quần Phương



                             DIÊM
      
                                 Que diêm sống
                                 Khi đang chết

                                 Nằm trong hộp tối bao nhiêu ngày
                                 chỉ để một phút giây
                                 bừng sáng

                                 Ánh sáng đang ở đâu ?

                                 Không ở gỗ
                                 Không ở chất diêm sinh
                                 mà ở phút giây rùng mình
                                 va chạm
                                                                    Vũ Quần Phương

          Một que diêm hay một hộp diêm đi nữa thì có gì mà thành thơ ? Ấy vậy mà với một nhà thơ lớn thì đã trở  thành thơ, hơn thế nữa còn là một triết luận về lẽ đời, sống chết.
          Bài thơ chỉ có hai khổ thơ, ở giữa là một câu hỏi bắc cầu cho khổ thơ thứ hai
          Bí quyết để có bài thơ Diêm nằm ở “phút rùng mình va chạm”. Rõ ràng sự va chạm để tạo ra phút giây bừng sáng và nhà thơ đã chộp lấy để cấu tứ nên bài thơ. Cái mà nhà văn Ma Văn Kháng đã có hẳn một tập tiểu luận, ký sự có tựa đề Phút giây huyền diệu được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2013. Bằng rất nhiều dẫn dụ khi tiếp xúc và làm việc với các nhà thơ, nhà văn lớn, nhà văn Ma Văn Kháng đã đúc rút:…“Rất nhiều nhà văn, nhà thơ ở nước ta đã bắt đầu và sau đó hình thành tác phẩm của mình bằng những tia chớp ngẫu sự nọ”.
          Vâng ! Phút rùng mình va chạm chính là cảm xúc làm nên sự bừng sáng của que diêm.
          Bài thơ ngắn gọn không những chặt chẽ về cấu trúc mà ý tình cũng rất sâu xa. Cầm que diêm trên tay bất chợt tạo đề tài cho nhà thơ, rõ ràng “nhân gặp mà được đề” rồi từ cầm que diêm để quẹt, sự va chạm làm cho que diêm bừng sáng gây cảm hứng cho nhà thơ, cái đó gọi là “nhân đề mà được tình, rồi từ nhân tình mà được ý ”, nhà thơ đã lập ý “ que diêm sống khi đang chết” nghe đơn giản mà thật sâu xa vì nó không chỉ là chuyện que diêm mà là chuyện con người, chuyện cuộc đời; chuyện về cái lẽ sống chết…Sống nhiều, sống ít không quan trọng mà quan trọng hơn cả là sự tỏa sáng, có ích cho đời…
          Cuối cùng nói đến “nhân ý mà được lời”. Lời bài thơ rất ngắn gọn, đơn giản, không cầu kỳ, ai đọc cũng có thể hiểu được, vậy mà ý tứ sâu xa của bài thơ thì thật đáng nể
          Qua bài thơ Diêm của nhà thơ Vũ Quần Phương tôi lại nhận ra thông thường những tác giả lớn họ thường đi vào những đề tài nhỏ, ngược lại có những bài thơ tựa đề rất lớn mà không nói được điều gì lớn lao, thậm chí nhạt thếch, sáo mòn.../-


Bài thứ 2


Nhân quả trong cõi phù du
          một cuốn sách hay dành cho mọi người




Cầm trên tay cuốn sách Nhân quả trong cõi phù du của Hòa thượng Thích Thiện Đạo và Thích Nữ Viên Thắng buộc tôi nhớ tới câu nói  của người xưa: “Đọc sách hay làm cho thân ta ít lỗi”

Vâng! Nhân quả trong cõi phù du là một cuốn sách hay về nội dung. Hay hơn nữa là đẹp về hình thức nhờ N.X.B Đồng Nai làm việc với nghệ sỹ nhiếp ảnh Hữu Thành khi xem trên mạng về bức ảnh nghệ thuật Ngàn năm mây trắng mà Hòa thượng Thích Thiện Đạo cùng với Sư cô Thích Nữ Viên Thắng tâm đắc với bức ảnh nghệ thuật đó, thỏa thuận với nghệ sỹ nhiếp ảnh Hữu Thành lấy làm bìa cho cuốn sách.

Tôi nói với nhà nhiếp ảnh Hữu Thành, thế là anh có cơ duyên lớn rồi đấy vì tấm ảnh của anh đã làm nền cho một cuốn sách hay; ngàn năm mây trắng bay bay là quy luật tự nhiên, còn nhân quả là quy luật cuộc đời, quy luật con người. Tất cả đó làm nên quy luật muôn đời.

Nói về nội dung cuốn sách thì bằng những câu chuyện, những tấm gương của người xưa rất sinh động, Hòa thượng Thích Thiện Đạo cùng với Sư cô Thích Nữ Viên Thắng đã trích dẫn thì dù bất cứ ai đọc cũng đều chọn con đường hướng thiện.

Tôi tâm đắc với bài viết của Thích Nữ Viên Thắng: Nhạc Trịnh qua cách nhìn Phật giáo… Chả là Trịnh Công Sơn đã viết: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Chọn những bông hoa và những nụ cười… và khi được phỏng vấn, nhạc sỹ đã trả lời:
“Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác…”
Cũng từ lẽ đó mà ngẫm nghĩ về câu nói thật chí lý của Sư cô Thích Nữ Viên Thắng:

Đời không đạo, đời vô liêm sỷ
Đạo không đời, đạo dạy cho ai.




Những bài thơ tiêu biểu của anh Trần Duy Lý

TRÒ CHUYỆN VỚI NGƯỜI CÂU KHƠI

Biển chẳng giả đâu anh
Thật như đời vậy đó
Thật – giả ở người thôi
Sống nhiều anh sẽ rõ…

Tôi biết từng ngọn gió
Tôi thuộc từng màu mây
Biển dự báo thiệt hay
Ngày nào không bão tố…

Loại tăm nào nhiều cá
Màu nước nào nông sâu
Rạng nào sẽ buông câu
Sống nhiều anh sẽ rõ…

Cả cuộc đời tôi đó
Gắn bó nghề câu khơi
Sống với nước với trời
Làm sao chê biển giả?

Trách mình còn dốt quá
Chưa biết cả nông sâu
Chưa nhuyễn với sắc màu
Nên nhìn đâu cũng giả!





NGHĨ VỀ MỘT CÂU NÓI CỦA NGƯỜI XƯA
(Con Vua cũng thua con Phật)

Rồi con Vua cũng thua con Phật
Dẫu một thời sự thật đắng cay
Dẫu một thời chim lặng tiếng trong cây
Và trăm việc thường ngày trên vai gầy mẹ gánh.

Mẹ tần tảo nuôi con không quản gì mưa nắng
Và dạy con nên người bằng chính chữ Tâm
Con của mẹ giờ tóc nhiều sợi bạc
Đã vượt qua bao sóng gió thăng trầm!

Mẹ! mẹ ơi! Con vua cũng thua con Phật
Câu nói người xưa giờ con thấy thật rồi
Câu nói người xưa, giản dị ít lời
Mà mãi đến cuối đời con mới hiểu!





Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...