Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Chuyên đề về Cam Ranh


Bộ trưởng quốc phòng Mỹ: "Hợp tác với VN rất tốt"

TT - Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN nhằm thúc đẩy hình thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông để các quốc gia trong khu vực phải tuân thủ.
Ông Leon Panetta khẳng định như vậy trong chuyến thăm lịch sử đến vịnh Cam Ranh ngày 3-6.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta tại vịnh Cam Ranh -Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN


Có mặt trên tàu USNS Richard E. Byrd của Hải quân Hoa Kỳ tại vịnh Cam Ranh - một trong những căn cứ lớn của hải quân Hoa Kỳ trong chiến tranh VN, phát biểu giữa trưa nắng và nóng hơn 300C ở giữa biển, ông Panetta nhấn mạnh: “Đặc biệt, chúng tôi muốn hợp tác với VN về một số vấn đề hàng hải quan trọng, trong đó có việc hình thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông mà tất cả các nước trong khu vực phải tuân thủ theo, các vấn đề tập trung vào biển Đông và cả hợp tác để cùng thúc đẩy việc tự do đi lại trên biển”.
Ông nói: “Hoa Kỳ và VN cũng sẽ tìm kiếm mở rộng lĩnh vực hợp tác và nâng lên một tầm cao hơn, cụ thể như trong lĩnh vực hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, thảm họa”.

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon E. Panetta phát biểu trước các nhà báo VN và quốc tế trên tàu Richard E. Byrd tại vịnh Cam Ranh trưa 3-6 - Ảnh: P.S.N.

Dấu mốc quan trọng
Trò chuyện với các sĩ quan, thủy thủ trên tàu cùng báo chí VN và quốc tế, ông Panetta cho rằng sự có mặt của mình ở Cam Ranh là dấu mốc đặc biệt, mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước. Ông nhấn mạnh sự hiện diện của ông là “để khẳng định quan hệ đối tác mà chúng tôi đã phát triển với VN”. Ông Panetta nói đây là “thời khắc xúc động” với cá nhân ông nhân dịp 17 năm bình thường hóa quan hệ VN - Hoa Kỳ.
“Việc tàu của hải quân Hoa Kỳ tiếp cận được Cam Ranh là một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ của hai nước, và chúng ta có thể thấy tiềm năng hợp tác rất lớn trong tương lai. Chúng tôi tiếp tục trông chờ được hợp tác tiếp theo với VN”.
Đoàn máy bay của bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đến sân bay Cam Ranh vào sáng 3-6 từ Singapore, sau đó ông cùng đoàn tùy tùng và 18 nhà báo nước ngoài đi bằng tàu nhỏ ra tàu Byrd. Ông xuất hiện trên tàu trong bộ trang phục dân sự với áo sơmi màu xanh nhạt ngắn tay, quần nâu, giày thể thao, đội mũ lưỡi trai có in logo của tàu. Do thời gian gấp rút, ông Panetta chỉ dành khoảng 50 phút trên tàu cho tất cả các hoạt động, gồm phát biểu khích lệ tinh thần thủy thủ, ca ngợi họ là người “biết hi sinh” để “đảm bảo một tương lai tốt đẹp cho những thế hệ sau” và phát biểu ngắn gọn trước báo chí trong nước và quốc tế.
Cuộc gặp gỡ diễn ra gọn ghẽ trên bãi đáp trực thăng phía đuôi tàu và mọi sự đi lại của những khách ghé thăm đều bị hạn chế trên tầng 1 trong số 13 tầng của con tàu. Đây là tầng chủ yếu để hàng hóa mà tàu Byrd sẽ tiếp tế cho các con tàu khác của hải quân Hoa Kỳ đóng quân ở khắp nơi trên thế giới.
“Hợp tác với VN rất tốt”
Dưới thời Bộ trưởng quốc phòng Panetta, tính linh hoạt, dễ triển khai của các lực lượng quân sự là chính sách mới và then chốt. Để tái cơ cấu lực lượng và đặt trọng tâm vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác đối tác với các nước trong khu vực để thay vì đặt căn cứ lâu dài thì chỉ sử dụng căn cứ tạm thời và binh sĩ được điều động luân phiên. Vịnh Cam Ranh được hải quân Hoa Kỳ đánh giá là một trong những địa điểm hết sức thuận lợi cho các hoạt động trên biển vì các yếu tố địa lý phù hợp.
“Việc chúng tôi làm việc với các đối tác như VN để có thể sử dụng các cảng như cảng Cam Ranh nếu chúng tôi muốn đưa các tàu đang neo đậu tại bờ biển phía tây Hoa Kỳ đến khu vực Thái Bình Dương là rất quan trọng”. Ông Panetta nhấn mạnh Hoa Kỳ muốn tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để giúp các nước có khả năng tự bảo vệ mình, để đảm bảo các quyền hàng hải của các nước trong khu vực biển Đông cũng như tại các nơi khác”.
ảnh BBC

ảnh BBC

Mỹ sẽ tăng cường có mặt tại Biển Đông - ảnh BBC


Lý do tôi chọn Cam Ranh để đi thăm là vì lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ thăm Cam Ranh kể từ sau chiến tranh (1975), và tôi cho rằng đó là một biểu tượng rất quan trọng chứng tỏ mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và VN đã được cải thiện rất nhiều. Tôi muốn nói với các bạn là Cam Ranh là một nơi tuyệt đẹp để có thể nhìn thấy đại dương và tất cả những điều tốt đẹp mà VN đang làm”
(phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ LEON PANETTA)
Ông Leon Panetta sinh năm 1938, là bộ trưởng quốc phòng thứ 23 của Hoa Kỳ. Ông nhậm chức ngày 1-6-2011, sau khi trải qua nhiều vị trí dưới nhiều đời tổng thống như chánh văn phòng Nhà Trắng, giám đốc Cơ quan Quản lý và ngân sách Hoa Kỳ, giám đốc CIA (là người điều hành chiến dịch triệt hạ Osama Bin Laden tại Pakistan). Ông học luật và khoa học chính trị, từng giảng dạy môn chính sách công ở ĐH Santa Clara. Ông được coi là thường xuyên lên tiếng bảo vệ sức khỏe của đại dương và đã đề xuất nhiều dự luật để bảo vệ bờ biển California.
KHỔNG LOAN
ảnh BBC

ảnh BBC
* Rời Cam Ranh đến Hà Nội cùng ngày 3-6, Bộ trưởng Panetta sẽ có các buổi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo VN, dự kiến ghé thăm Văn phòng tìm kiếm hài cốt binh lính Mỹ trong chiến tranh và nơi từng là nhà tù Hỏa Lò. Ông sẽ rời VN sáng 5-6.
* Tàu USNS Richard E.Byrd được đặt tên theo nhà thám hiểm Bắc cực Richard E.Byrd (1888-1957) dài 210m, rộng 32,3m, tổng trọng tải 40.298 tấn, được trang bị hai trực thăng và chuyên dùng chở vũ khí, trang thiết bị và hàng hóa quân nhu loại khô cho hải quân Hoa Kỳ.
* Có ba người gốc Việt hiện đang làm việc trên tàu Byrd, trong đó có hai thành viên thủy thủ đoàn và một kỹ sư trưởng. Con tàu dài 210m, vận hành được năm năm tuổi này là một trong khoảng 15 con tàu “anh em” phụ trách hậu cần và vận chuyển hàng hóa trong hải quân Hoa Kỳ. Có tổng cộng khoảng 140 nhân sự trên tàu (gồm 12 sĩ quan hải quân, còn lại là nhân viên dân sự). Hải quân Mỹ đến nay đã bảo dưỡng và sửa chữa năm con tàu ở vịnh Cam Ranh, dự kiến tháng 10 sẽ có thêm một chiếc nữa đến.
* Năm 2010, tàu USNS Richard E. Byrd là tàu đầu tiên của hải quân Hoa Kỳ đến Cam Ranh kể từ sau năm 1975. Đây là lần thứ ba tàu này bảo dưỡng ở Cam Ranh (từ ngày 22-5 đến 6-6-2012) và là lần đầu tiên có những người khách từ VN không thuộc bộ phận kỹ thuật bảo dưỡng.
* Thiếu tá Victor Cirilo - sĩ quan chỉ huy đơn vị yểm trợ tàu hậu cần - cho Tuổi Trẻ biết: “Việc sửa chữa và bảo dưỡng tàu đang tiến hành rất thuận lợi vì đúng tiến độ thời gian đề ra, và chúng tôi có sự hỗ trợ rất tốt từ phía VN. Chúng tôi rất hài lòng và hi vọng sẽ còn tiếp tục được hợp tác với VN”.

Thước đo tiến bộ
“Đã 17 năm từ khi Mỹ và VN bình thường hóa quan hệ sau cuộc chiến VN kết thúc năm 1975. Chuyến thăm của bộ trưởng tới đất nước này là thước đo tiến bộ mà hai nước đã đạt được kể từ đó” - bản tin trên website của Bộ Quốc phòng Mỹ viết, và cho biết nội dung của chuyến thăm là thảo luận quan hệ giữa quân đội hai nước, hợp tác trên biển...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) - nhận định việc bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thăm VN là bình thường trong quan hệ giữa hai quốc gia.
Ông Cương cũng cho rằng VN có nhu cầu mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ và ngược lại vì lợi ích của hai nước và đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực này. Ông cho rằng đó là xu thế chung của thời đại. Trả lời câu hỏi liệu việc một bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu thăm vịnh Cam Ranh có ý nghĩa gì, thiếu tướng nói: “Dưới góc nhìn nhà chiến lược, tôi thấy chuyện đó bình thường như lúc đói thì ăn cơm. Bất cứ nhà lãnh đạo nào đi thăm các nước khác đều lựa chọn điểm quan tâm và chắc chắn bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ có quan tâm đến Cam Ranh”.
Vịnh Cam Ranh nằm ở phía nam tỉnh Khánh Hòa. Từ lâu, vùng vịnh này đã được đánh giá là một trong những cảng nước sâu tốt nhất tại châu Á với tầm quan trọng cả về chiến lược quân sự và phát triển thương mại, nối với tuyến đường ra biển Đông và các đường hàng hải quốc tế.
Vào cuối thế kỷ 19, Pháp đã cho xây dựng căn cứ hải quân tại vùng vịnh và bán đảo Cam Ranh. Tháng 4-1905, một hạm đội gồm 40 tàu hải quân Nga dưới sự chỉ huy của đô đốc Zinovi Rozhdestvenski đã cập cảng Cam Ranh để chờ tiếp tế. Năm 1940, Pháp cho nâng cấp căn cứ tại vịnh và bán đảo Cam Ranh để chuẩn bị đối phó với Nhật. Từ năm 1965, Hoa Kỳ đã được chính quyền Sài Gòn cho phép sử dụng căn cứ quân sự tại bán đảo và vùng vịnh Cam Ranh. Trong thời gian sử dụng căn cứ này (1965-1972), Hoa Kỳ đã có nhiều đầu tư nâng cấp và căn cứ quân sự tại vùng vịnh Cam Ranh để trở thành một căn cứ quan trọng của quân đội Hoa Kỳ tại VN và cả khu vực. Đến năm 1972, Hoa Kỳ rút khỏi vùng vịnh Cam Ranh và chuyển giao lại căn cứ quân sự này cho chính quyền Sài Gòn.
Từ năm 1978-2002, Liên Xô đã thuê căn cứ quân sự tại vịnh Cam Ranh. Tháng 1-2002, Nga rút khỏi Cam Ranh. Sau đó, Chính phủ VN đã có quyết định bàn giao toàn bộ vùng bán đảo từ phía bắc sân bay Cam Ranh trở ra Cù Hin cho tỉnh Khánh Hòa để xây dựng, khai thác vào mục đích kinh tế. Cảng quân sự cùng các căn cứ ở phía nam bán đảo và vịnh Cam Ranh vẫn là căn cứ quan trọng của Quân đội nhân dân VN.
H.GIANG - D.THANH - P.S.N.

Không có nhận xét nào:

VÙNG CAO của NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông già Tây Nguyên Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành TÔI lang thang một cách thích thú qua những bức ảnh và tìm lối vào những s...